Luật Công chứng được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 20/06/2014 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2015. Qua 05 năm qua triển khai thi hành Luật, hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã có nhiều khởi sắc, khẳng định được vị trí, vai trò của Công chứng viên và các tổ chức hành nghề công chứng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Sau khi Luật Công chứng 2014 được thông qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết để có thể triển khai thi hành ngay khi Luật có hiệu lực. Nhằm đảm bảo cho việc triển khai thi hành Luật Công chứng được đồng bộ, thống nhất, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 8442/KH-UBND, ngày 31/12/2014 quy định tiêu chí và cách thức thẩm định hồ sơ thành lập Văn phòng công chứng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa và quy định về mức trần thù lao công chứng trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã triển khai việc tuyên truyền, phổ biến Luật Công chứng cũng như tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức tham gia đầy đủ các lớp tập huấn nghiệp vụ về lĩnh vực công chứng, chứng thực do Sở Tư pháp tổ chức. Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh, trực tiếp là Sở Tư pháp thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng để từ đó kịp thời tháo gỡ những khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi tối đa để các tổ chức hành nghề công chứng và Công chứng viên hoạt động theo đúng quy định pháp luật.
Được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, những năm qua, hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã có sự phát triển nhanh cả về số lượng lẫn chất lượng. Tính đến tháng 9 năm 2020, toàn tỉnh Khánh Hòa có tổng số 20 tổ chức hành nghề công chứng đang hoạt động với 46 Công chứng viên đang hành nghề. Chất lượng dịch vụ của các tổ chức hành nghề công chứng ngày càng được nâng cao, nhận được sự tín nhiệm của người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, với sự phát triển của các tổ chức hành nghề công chứng tư nhân thời gian qua đã đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng dịch vụ công chứng của người dân, đảm bảo an toàn pháp lý cho các hợp đồng giao dịch dân sự, phục vụ có hiệu quả việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Việc đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động công chứng đã đem đến cho người dân, doanh nghiệp nhiều lựa chọn, giúp người dân tại các huyện, thị xã tiết kiệm thời gian và chi phí khi không phải đi về thành phố Nha Trang để công chứng như trước đây. Ngoài việc phục vụ tốt cho nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, hoạt động công chứng còn trực tiếp tham gia đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước. Tính từ năm 2015 đến 2019, các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh đã thực hiện công chứng hợp đồng, giao dịch, nhận lưu giữ di chúc, cấp bản sao văn bản công chứng 541.464 trường hợp; chứng thực chữ ký, chứng thực bản sao từ bản chính 543.869 trường hợp; tổng số thù lao công chứng và chi phí khác thu được là 10.774.971.307 đồng; tổng số tiền nộp vào ngân sách nhà nước là 42.217.719.395 đồng. Nhằm xây dựng và khai thác, sử dụng hiệu quả cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động công chứng, Phòng công chứng số 1, thành phố Nha Trang cùng với các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh tiến hành xây dựng, cài đặt và triển khai phần mềm cơ sở dữ liệu ngăn chặn công chứng. Qua triển khai, phần mềm đã hỗ trợ tra cứu và chia sẻ dữ liệu công chứng giữa các tổ chức hành nghề công chứng, giúp tổ chức hành nghề công chứng ngăn chặn các đối tượng lừa đảo và hạn chế tối đa những rủi ro trong hoạt động công chứng, bảo đảm lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức cũng như lợi ích các tổ chức hành nghề công chứng.
Việc đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động công chứng đã đem đến cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thêm nhiều lựa chọn
Cùng với sự phát triển của các tổ chức hành nghề công chứng và đội ngũ công chứng viên, công tác quản lý nhà nước về hoạt động công chứng cũng được cấp ủy, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm. Thông qua các cuộc họp giao ban định kỳ của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh, giao ban khối nội chính tỉnh, Thường trực Tỉnh ủy, UBND thường xuyên quan tâm chỉ đạo các giải pháp phát triển hoạt động công chứng theo đúng tinh thần Chiến lược cải cách tư pháp, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng. Hàng năm, công tác tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề và đạo đức nghề nghiệp công chứng được Sở Tư pháp, Hội Công chứng viên tỉnh phối hợp tổ chức thực hiện đúng theo quy định của Thông tư số 06/2015/TT-BTP ngày 15/6/2015 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng. Nội dung bồi dưỡng tập trung vào những vấn đề thiết thực, sát sườn với thực tiễn hành nghề công chứng tại địa phương như: quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất theo Luật Đất đai năm 2013, những điểm mới của Luật Doanh nghiệp năm 2014, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, Bộ luật Dân sự năm 2015, kỹ năng tiếp xúc khách hàng, kỹ năng nhận diện giấy tờ giả... Ngoài ra, Sở Tư pháp còn lồng ghép việc hướng dẫn nghiệp vụ cho các công chứng viên thông qua các hội nghị giao ban định kỳ với các tổ chức hành nghề công chứng. Năm 2019, Sở Tư pháp Khánh Hòa đã phối hợp với Hội Công chứng viên tỉnh tổ chức Hội nghị bồi dưỡng nghiệp vụ cho các công chứng viên đang hành nghề trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa; người tập sự hành nghề công chứng và nhân viên nghiệp vụ của các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa và một số công chứng viên đang hành nghề tại tỉnh Lâm Đồng, Phú Yên... Công tác phối hợp giữa Sở Tư pháp với các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và các tổ chức, đơn vị có liên quan trong quản lý nhà nước về công chứng được thực hiện nhịp nhàng, chặt chẽ và có hiệu quả.
Bên cạnh những kết quả tích cực, hoạt động công chứng thời gian qua cũng còn một số hạn chế như: vẫn còn một số công chứng viên hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ, có trường hợp công chứng viên bị xử phạt vi phạm hành chính và tước quyền sử dụng thẻ công chứng viên có thời hạn. Hiệu quả hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng không đồng đều do nhu cầu giao dịch của người dân tại mỗi địa bàn khác nhau. Đối với những Văn phòng công chứng tại nơi có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển như thành phố Nha Trang thì lượng giao dịch lớn, đôi khi quá tải, ngược lại tại những địa bàn huyện có điều kiện kinh tế - xã hội ít phát triển thì giao dịch rất ít, một số trường hợp chỉ duy trì hoạt động cầm chừng. Những hạn chế trên đòi hỏi cơ quan chức năng cần tiếp tục quan tâm nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về hoạt công chứng, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức hành nghề công chứng và đội ngũ công chứng viên tiếp tục phát triển, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và chất lượng hoạt động. Quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ cho đội ngũ công chứng viên. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động công chứng, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý kịp thời các sai phạm, không để phát sinh những sự việc phức tạp liên quan đến hoạt động công chứng.
Luật Công chứng năm 2014 ra đời được xem là hành lang pháp lý quan trọng tạo thuận lợi cho các chủ thế tham gia xác lập, thay đổi, chấm dứt các giao dịch dân sự; góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cũng như hạn chế những tranh chấp, rủi ro phát sinh giữa các bên trong quan hệ giao dịch dân sự; qua đó từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân. Nhìn chung, sau 5 năm thi hành Luật Công chứng, mặc dù có những vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định nhưng những kết quả mà hoạt động công chứng mang lại là hết sức tích cực, góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Khánh Hòa nói riêng và cả nước nói chung.
CTV Xuân Thỏa - VPTU