Trong những năm qua, công tác phòng, chống thiên tai luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện nhằm giảm đến mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra. Các cơ chế, chính sách pháp luật về phòng, chống thiên tai cũng đã được hoàn thiện từ khi Luật Phòng, chống thiên tai được ban hành (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/5/2014); các nội dung quy định tương đối đầy đủ và hoàn chỉnh, tạo điều kiện để địa phương có cơ sở thực hiện.
Đối với Khánh Hòa, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ và Thường trực Tỉnh ủy luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt chủ trương, chính sách pháp luật về phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nghị quyết về lãnh đạo nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ địa phương hàng năm và các văn bản quan trọng, như: Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Qua đó, đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và người dân đối với công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ và phát triển rừng, phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Đồng chí Lê Thanh Quang, Bí thư Tỉnh ủy kiểm tra và chỉ đạo khắc phục thiệt hại lưới điện tại thị xã Ninh Hòa do Bão số 12 năm 2017 gây ra
Cùng với sự lãnh đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn (trên 30 văn bản) để quy định rõ hơn văn bản dưới luật và phù hợp với tình hình thực tế địa phương trong việc tổ chức thực hiện phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. UBND tỉnh cũng đã ban hành các quyết định, văn bản để cụ thể hóa các nghị định của Chính phủ liên quan việc hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, như: Quyết định số 1849/QĐ-UBND, ngày 10/7/2015 quy định mức hỗ trợ ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn trong sản xuất nông nghiệp và dân sinh; Quyết định số 2229/QĐ-UBND, ngày 04/8/2017 quy định mức hỗ trợ cụ thể giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Ngoài ra, hàng năm UBND tỉnh đều ban hành các chỉ thị về phòng, chống thiên tai; quyết định kiện toàn, phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh; các công điện, thông báo và văn bản chỉ đạo ứng phó với từng loại hình thiên tai cụ thể để các địa phương có cơ sở tổ chức thực hiện.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và đồng chí Lê Đức Vinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh đến thăm, hỗ trợ Trạm y tế xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa khắc phục thiệt hại do Bão 12 năm 2017 gây ra
Căn cứ quy định của Luật Phòng, chống thiên tai, hàng năm UBND tỉnh đều xây dựng phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai, phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão để các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện. Riêng kế hoạch phòng, chống thiên tai, trên cơ sở tổng hợp kế hoạch phòng chống thiên tai của các địa phương, đơn vị, tỉnh Khánh Hòa đã chủ động xây dựng theo giai đoạn từ năm 2017-2020. Việc xây dựng phương án, kế hoạch đã giúp tỉnh chủ động ứng phó với các loại hình thiên tai, đồng thời có kế hoạch xây dựng các công trình phòng chống thiên tai lồng ghép vào phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Để thực hiện tốt phương án, kế hoạch đã được xây dựng, hàng năm, UBND tỉnh đều tổ chức kiện toàn, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh; trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng Ban, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Phó Trưởng Ban Thường trực, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT làm Phó Trưởng Ban phụ trách công tác PCTT đúng theo Nghị định số 160/2018/NĐ-CP, ngày 29/11/2018 của Chính phủ. Bên cạnh đó, tỉnh thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ cấp huyện, cấp xã; mua sắm trang thiết bị phục vụ phòng, chống thiên tai (máy phát điện), thực hiện lắp đặt trạm đo mưa tự động trên địa bàn tỉnh, xây dựng trang web về phòng, chống thiên tai. Trong các năm tới, tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức đào tạo, tập huấn, phổ biến kỹ năng về phòng, chống thiên tai cho người dân; lắp đặt các thiết bị cảnh báo tại các khu vực ngầm tràn thường xuyên bị ngập sâu; đầu tư, nâng cao khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng, công trình phòng chống thiên tai, nhất là đê điều, hồ đập, khu neo đậu tránh trú bão, đảm bảo an toàn với tần suất thiết kế và thích ứng với các tác động mới của thiên tai.
Theo kết quả đánh giá qua từng năm, tỉnh đã tạm thời phân vùng rủi ro thiên tai cho từng khu vực trên địa bàn tỉnh, cụ thể: Vùng thường bị ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới (hầu hết các địa phương); vùng thường xảy ra sạt lở đất (Khánh Sơn, Khánh Vĩnh); vùng trũng thấp thường xuyên ngập lụt (Diên Khánh, Vạn Ninh, Ninh Hòa, Nha Trang); các đoạn đường thường ngập lụt gây chia cắt giao thông (Quốc lộ 1C, Quốc lộ 27C, Quốc lộ 27B, đại lộ Nguyễn Tất Thành, Tỉnh lộ 8B, Tỉnh lộ 9), vùng ảnh hưởng trong trường hợp xả lũ, hồ đập (khu vực hạ du hồ Suối Dầu, Cam Ranh, Suối Hành, Tà Rục, Hoa Sơn)... Từ đó, hàng năm UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương rà soát, đánh giá, bổ sung các vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai, đồng thời, cử các thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh trực tiếp đến địa phương để kiểm tra công tác phòng chống thiên tai. Trên địa bàn tỉnh còn có Đài Khí tượng thủy văn Nam Trung bộ, là thành viên của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, có nhiệm vụ nhận định, dự báo, cảnh báo các loại hình thiên tai có khả năng xảy ra trên địa bàn để kịp thời báo cáo các địa phương, đơn vị để chủ động ứng phó.
Đồng chí Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chỉ đạo công tác ứng phó với Bão số 8 năm 2018 tại thôn Thành Phát, xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang
Trong những năm qua, do tác động của biến đổi khí hậu, tỉnh Khánh Hòa đã liên tục chịu ảnh hưởng của các loại hình thiên tai cực đoan (Bão, áp thấp nhiệt đới: Năm 2017, 2018; hạn hán, xâm nhập mặn: Nửa cuối năm 2014 đến giữa năm 2016; sạt lở đất: Năm 2016, 2018; mưa lũ, ngập lụt: Năm 2016, 2017, 2018), gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản của nhà nước và người dân trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê, thiệt hại do bão, mưa lũ, sạt lở đất, hạn hán xảy ra trong 04 năm gần đây (từ năm 2015 - 2018) đã làm 80 người chết, hơn 95.000 ha diện tích lúa và hoa màu thiệt hại, 950 nghìn gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi, nhiều công trình y tế, giáo dục, giao thông, thủy lợi... bị hư hỏng, với tổng thiệt hại hơn 17.800 tỷ đồng.
Trước thiệt hại quá lớn do thiên tai, mưa lũ gây ra, từ nguồn lực của tỉnh và sự hỗ trợ của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống thiên tai và các bộ, ngành Trung ương, sự giúp đỡ nhiệt tình cả về vật chất, tinh thần từ các tỉnh bạn, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, tỉnh Khánh Hòa đã tập trung chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, khẩn trương tái thiết sản xuất và hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống. Tỉnh cũng đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị, các tổ chức đoàn thể cùng chung tay hỗ trợ, giúp đỡ người dân bị thiệt hại. Trong đó: Trung ương đã hỗ trợ cho Khánh Hòa 260 tỷ đồng, 1.000 tấn gạo để khắc phục hậu quả Bão số 12 năm 2017 và 50 tỷ đồng để khắc phục hậu quả Bão số 8, số 9 năm 2018. Về ngân sách địa phương, trong giai đoạn 2014-2018, UBND tỉnh đã hỗ trợ cho các địa phương 116,54 tỷ đồng để khắc phục hậu quả thiên tai (chi ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai 106,75 tỷ đồng; xây dựng công trình phòng chống thiên tai 9,79 tỷ đồng). Các nguồn khác: Nguồn viện trợ của Nga (2,5 triệu USD - khoảng 56 tỷ đồng); từ nguồn đóng góp của các tổ chức và cá nhân, các đơn vị tiếp nhận nguồn hỗ trợ (Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Quỹ Phòng chống thiên tai) đã tham mưu UBND tỉnh kịp thời hỗ trợ cho người dân 2.000 suất quà tết, xây 135 căn nhà, 10 công trình PCTT, xây dựng trang web PCTT của tỉnh; tổ chức tập huấn, tuyên truyền phổ biến kiến thức PCTT (80 lớp với hơn 3.000 người tham dự). Bên cạnh đó, để thực hiện chính sách hỗ trợ, khôi phục thiệt hại sau thiên tai, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tổ chức phổ biến, tuyên truyền Nghị định số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ và hướng dẫn người dân thực hiện đúng quy định để được hỗ trợ khi có thiên tai xảy ra. Trong các năm 2017, 2018, UBND tỉnh đã hỗ trợ 266,55 tỷ đồng (năm 2017 là 233,4 tỷ đồng, năm 2018 là 33,15 tỷ đồng) để hỗ trợ khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra; số tiền này đã kịp thời hỗ trợ đến người dân, góp phần giảm bớt khó khăn, tạo điều kiện khôi phục lại sản xuất ban đầu.
Nhìn chung, các văn bản do tỉnh Khánh Hòa ban hành đã bám sát với tình hình thực tế, đảm bảo tính khả thi nhằm tạo điều kiện cho các địa phương, đơn vị tổ chức thực hiện tốt công tác PCTT và TCKN. Việc ban hành các văn bản chỉ đạo, ứng phó thiên tai đối với từng loại hình thiên tai trong năm đã tăng tính chủ động cho các địa phương, đơn vị trong việc thực hiện phương châm 4 tại chỗ và tăng cường khả năng phối hợp giữa các địa phương, đơn vị trong việc phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả sau thiên tai. Việc triển khai, chỉ huy ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trong ứng phó thiên tai luôn được thực hiện một cách chủ động, các phương án phòng tránh và khắc phục được thực hiện kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra. Việc quản lý, phân bổ, sử dụng nguồn tài chính cho PCTT trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo đúng quy định và đạt hiệu quả cao trong việc hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai. Ngoài ra, trong công tác hỗ trợ thiệt hại do thiên tai gây ra, có một số kiến nghị liên quan đến công tác xét duyệt, hỗ trợ, UBND tỉnh đã thành lập các đoàn để thanh tra, kiểm tra các nội dung liên quan, qua đó kịp thời có kết luận thanh tra để làm rõ các vấn đề.
Bên cạnh đó, những năm gần đây, việc ứng dụng khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh ngày càng được tăng cường và tập trung đẩy mạnh nghiên cứu, áp dụng. Tỉnh đã áp dụng hệ thống các trạm đo mưa tự động cho các địa phương, hồ chứa, quan trắc lưu lượng xả lũ hồ chứa, xây dựng trang web về phòng, chống thiên tai…; trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục xây dựng các hệ thống cảnh báo mưa lũ, các trạm thủy văn để phục vụ tốt hơn cho công tác cảnh báo, dự báo và điều hành ứng phó thiên tai. Về hợp tác quốc tế, ngay khi có thông tin về thiên tai, rất nhiều tổ chức, cá nhân nước ngoài đã tham gia hỗ trợ cho Khánh Hòa, như: Nga, Belarus, Trung Quốc, Hàn Quốc… hỗ trợ khắc phục hậu quả Bão số 12 năm 2017 với tổng số tiền 2,5 triệu USD cùng nhiều tấn hàng vật dụng, nhu yếu phẩm cần thiết khác. Từ năm 2018 đến nay, các đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới, đoàn tư vấn quốc tế đã đến Khánh Hòa khảo sát nhằm hỗ trợ kỹ thuật cho tỉnh trong việc khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số mặt tồn tại, hạn chế: Lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai ở các địa phương trong tỉnh còn rất hạn chế, đa số là kiêm nhiệm, nguồn lực cán bộ còn thiếu và chưa được đào tạo bài bản dẫn đến công tác tham mưu chỉ đạo điều hành chưa đạt kết quả cao. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác PCTT và TKCN tuy đã được chú trọng đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được tình hình thực tế của địa phương, nhất là phương tiện TKCN trên biển, hệ thống thông tin tuyên truyền ở cấp cơ sở bị xuống cấp, hư hỏng, chưa được quan tâm đầu tư. Hơn nữa, trong các năm gần đây, các thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa rất lớn, trong khi nguồn lực của tỉnh còn hạn chế, kinh phí đầu tư cho công tác phòng ngừa và hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của địa phương.
Để công tác phòng chống thiên tai thực sự hiệu quả, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, UBND tỉnh đã kiến nghị Trung ương nghiên cứu, bổ sung cụ thể quy định cơ cấu tổ chức, bộ máy chuyên trách phòng, chống thiên tai các cấp của Luật Phòng, chống thiên tai hoặc các nghị định có liên quan; kiến nghị Chính phủ điều chỉnh Nghị định số 94/2014/NĐ-CP quy định về thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai, trong đó đề nghị bổ sung quy định về cơ cấu tổ chức bộ máy, chế độ chi tiêu tài chính của cơ quan quản lý Quỹ các cấp; bổ sung các nội dung chi “mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống thiên tai” tại Điều 9 của Nghị định... Tỉnh cũng kiến nghị Trung ương sớm hỗ trợ kinh phí thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cấp bách theo thứ tự ưu tiên, như: Dự án kè biển chống sạt lở đường giao thông và kết hợp tạo hồ, xã Cam Lập - thành phố Cam Ranh (230 tỷ đồng); Dự án kè biển chống xỏi lở đoạn từ phía Nam cầu Trần Hưng Đạo đến Trung tâm Y tế huyện Van Ninh (200 tỷ đồng); Dự án kè chống sạt lở bờ sông Cái đoạn qua xã Vĩnh Trung - thành phố Nha Trang (170 tỷ đồng).
Nguyên Lộc, Văn phòng Tỉnh ủy