Qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 21-CT/TW ngày 26/3/2008 của Bộ Chính trị (khoá X) về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới, được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành và sự tham gia hưởng ứng của toàn xã hội, công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn tỉnh đã có được những chuyển biến tích cực, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Quang cảnh Hội nghị tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 21-CT/TW ngày 26/3/2008 của Bộ Chính trị (khóa X)
Những kết quả tích cực
Xác định tuyên truyền là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng, chống ma túy, cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể các cấp của tỉnh đã thường xuyên chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền trong các tầng lớp nhân dân về hậu quả, tác hại của ma túy; kỹ năng phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn ma túy; vận động cán bộ, đảng viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tham gia phát hiện, tố giác tội phạm và người nghiện ma túy; quản lý, giáo dục, giúp đỡ người phạm tội ma túy và người nghiện ma túy tại cộng đồng dân cư. Qua đó, nhiều xã, phường đã có các mô hình tốt, huy động được các tổ chức quần chúng tham gia. Các cá nhân, gia đình, cơ quan, đã cung cấp hàng ngàn lượt tin báo, giúp lực lượng chức năng đấu tranh, triệt xóa nhiều điểm phức tạp về ma túy cũng như các nhóm tội phạm liên quan đến ma túy; tiến hành cảm hóa hơn 2.500 đối tượng, trong đó có hơn 550 đối tượng trong lứa tuổi thanh thiếu niên. Hàng năm, lực lượng công an đã phối hợp với các ngành chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai rà soát, phân loại các xã, phường, thị trấn trọng điểm về ma túy; đề ra các chủ trương, giải pháp thực hiện công tác chuyển hóa các địa bàn trọng điểm, phức tạp; gắn việc xây dựng xã, phường, thị trấn không có tội phạm ma túy và người nghiện ma túy với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Hiện nay, toàn tỉnh tiếp tục duy trì 137 mô hình “Xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy, mại dâm”, 231 mô hình, tổ chức tự quản an ninh trật tự.
Trong 10 năm, lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 1.221 vụ với 1.697 đối tượng mua bán, vận chuyển, tàng trữ, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Thu giữ gần 5.806g ma tuý tổng hợp, hơn 1.703g heroin, gần 54.459g cần sa, 2.401g cỏ Mỹ, 08 súng tự chế cùng nhiều tang vật, phương tiện liên quan. Cơ quan chức năng đã xử lý hành chính 1.250 trường hợp, lập hồ sơ quản lý tại xã, phường, thị trấn 495 lượt đối tượng, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc 612 trường hợp, tổ chức truy bắt 52 đối tượng truy nã liên quan đến ma tuý. Tòa án các cấp đã xét xử 1.584 vụ án liên quan đến ma túy với 2.286 bị cáo. Các bản án được tuyên đảm bảo đúng người, đúng tội, qua đó thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, góp phần răn đe, giáo dục cũng như nâng cao hiệu quả phòng ngừa trong xã hội.
Bên cạnh đó, công tác hợp tác quốc tế trong phòng, chống ma túy ngày càng được mở rộng và đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực. Thời gian qua, tỉnh đã tham gia một số dự án hợp tác quốc tế như ký kết Bản ghi nhớ với Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến và Phát triển cộng đồng (SCDI) để thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa bằng nguồn hỗ trợ tài chính và chuyển giao nghiệp vụ trong trong điều trị nghiện, tiếp nhận viện trợ phi chính phủ nước ngoài Dự án “Bứt Phá” - Hợp phần Khánh Hòa của Tổ chức NGO Fontana…
Nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới
Bên cạnh những kết quả tích cực, qua tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 21-CT/TW của Bộ Chính trị, các cấp, các ngành của tỉnh cũng đã phân tích, đánh giá và chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong công tác phòng ngừa và kiểm soát ma túy thời gian qua đó là: Hiệu quả công tác phòng ngừa vẫn còn hạn chế; công tác tuyên truyền đối với những người trong nhóm có nguy cơ cao chưa thực sự hiệu quả; sự vào cuộc của các tổ chức, đoàn thể có nơi còn mang tính hình thức; công tác xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh, không có ma túy và công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy chưa đạt chỉ tiêu, yêu cầu đề ra; việc xác định tình trạng người nghiện, công tác cai nghiện và quản lý sau cai còn nhiều lúng túng; việc quản lý, thống kê người nghiện còn hạn chế…
Trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Khánh Hòa đã, đang và tiếp tục có những bước chuyển biến mạnh mẽ, tích cực thì nhiều thách thức cũng được đặt ra đối với công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là sự gia tăng về số lượng cũng như mức độ phức tạp của các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, trong đó có tội phạm và tệ nạn ma túy. Trước tình hình trên, tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 21-CT/TW của Bộ Chính trị tổ chức vào tháng 10/2018, Thường trực Tỉnh ủy đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương của tỉnh trong thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm đó là:
Thứ nhất, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác phòng, chống ma túy; phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể của tỉnh trong công tác phòng, chống ma túy, nhất là lực lượng Công an. Kết hợp chặt chẽ việc việc thực hiện công tác phòng, chống ma túy với phòng, chống tội phạm; phòng, chống mua bán người; phòng, chống mại dâm và các chương trình kinh tế - xã hội khác ở địa phương.
Thứ hai, đổi mới, đa dạng hóa và nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy trong cộng đồng dân cư; kết hợp chặt chẽ giữa phòng và chống, giữa giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại, tập trung vào nhóm đối tượng có nguy cơ cao.
Thứ ba, tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả phối hợp liên ngành và năng lực các cơ quan chuyên trách về phòng, chống ma tuý của tỉnh; kiểm soát chặt chẽ các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; phát hiện, triệt xóa kịp thời các tụ điểm phức tạp về tệ nạn ma túy, các cơ sở sản xuất ma túy trái phép. Đảm bảo tội phạm về ma túy phải bị xử lý nghiêm minh, tạo được tính răn đe, giáo dục trong cộng đồng.
Thứ tư, xây dựng và nhân rộng các mô hình phòng, chống ma túy phù hợp với địa phương, đơn vị; tổ chức phòng ngừa và cai nghiện có hiệu quả để kiềm chế, ngăn chặn sự gia tăng của tệ nạn ma túy. Đổi mới công tác cai nghiện theo hướng đa dạng hóa các mô hình, duy trì và nâng cao chất lượng của cơ sở cai nghiện tập trung.
Thứ năm, tiếp tục thực hiện công tác xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh, không có ma túy đi đôi với việc chuyển hóa các địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy; ngăn chặn, không để phát sinh tệ nạn ma túy ở các xã, phường, thị trấn hiện chưa có tệ nạn ma tuý; không để phát sinh tình trạng trồng cây có chất ma túy.
Thứ sáu, bảo đảm việc huy động nguồn lực cho công lác phòng, chống và kiểm soát ma túy phù hợp với khả năng và điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh trong từng giai đoạn, đồng thời huy động sự đóng góp của cộng đồng và tài trợ của quốc tế vào công tác này.
Xuân Thỏa - Văn phòng Tỉnh ủy