Hiện nay, tình trạng lao động nước ngoài, nhất là lao động Trung Quốc núp bóng tour du lịch làm việc trên địa bàn tỉnh diễn ra khá phổ biến. Qua kiểm tra, các ngành chức năng đã phát hiện 185 người Trung Quốc lao động “chui”.
Núp bóng để làm việc
Trong vai du khách, chúng tôi tiếp cận một cơ sở chuyên bán ngọc trai, xà cừ ở thôn Tân Phước (xã Phước Đồng, TP. Nha Trang). Bên trong cơ sở này có hàng chục hướng dẫn viên (HDV), nhân viên bán hàng là người Trung Quốc đang giới thiệu sản phẩm cho khách. Anh L.V.H - lái xe chuyên chở khách Trung Quốc cho biết, những HDV, nhân viên bán hàng ở đây sang Việt Nam bằng đường du lịch rồi ở lại làm việc. Những người này được các chủ cơ sở ký hợp đồng làm việc thời gian 3 tháng. Họ được chủ cơ sở lo trọn gói nơi ăn, ở. Ngoài lương hàng tháng, họ được nhận hoa hồng từ 15 đến 20% phần hàng hóa bán vượt định mức.
Tại cơ sở Nature Care (Đại lộ Nguyễn Tất Thành, xã Phước Đồng), hàng ngày có gần 100 nhân viên người Trung Quốc làm việc. Theo quan sát của chúng tôi, mỗi nhân viên ở đây đều đeo thẻ giống như thẻ dành cho khách du lịch. Tại đây cũng có một số lao động là người Việt Nam làm việc, nhưng chỉ đảm nhận nhiệm vụ đóng gói sản phẩm cho khách. Một nhân viên người Việt Nam làm việc ở đây tiết lộ, nhân viên bán hàng người Trung Quốc là lao động chính ở cơ sở. Việc đeo thẻ khách du lịch chỉ nhằm đối phó khi có đoàn kiểm tra. Hầu hết những lao động Trung Quốc đều được đào tạo khá bài bản về khả năng giới thiệu, thuyết phục khách mua hàng hóa. Mức lương của họ cũng khá cao, vào khoảng 50 triệu đồng/tháng.
Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, từ đầu năm đến nay, sở phối hợp với Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh - Công an tỉnh và các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra đột xuất 4 doanh nghiệp (DN), phát hiện 185 người Trung Quốc làm việc nhưng không có giấy phép lao động theo quy định. Phần lớn số lao động sử dụng visa du lịch để sang Việt Nam rồi ở lại làm việc trái phép. Các trường hợp này sở đã lập biên bản, củng cố hồ sơ và gửi văn bản đến Công an tỉnh để xử lý theo quy định. Trong năm 2017, sở đã phối hợp thanh tra 2 DN có sử dụng lao động người Trung Quốc không có giấy phép lao động. Đoàn đã lập biên bản vi phạm, xử phạt hành chính 180 triệu đồng đối với 2 DN, đình chỉ hoạt động 3 tháng và đề nghị Công an tỉnh đưa 7 lao động Trung Quốc về nước…
|
Thuê khách sạn, nhà nghỉ làm bình phong
Gần 1 năm nay, tại khách sạn Vũ Quý (đường Hoàng Diệu, phường Phước Long, TP. Nha Trang) có hàng chục người Trung Quốc thuê ở, sinh sống. Người dân sống gần đây cho biết, họ ở đây rất kín tiếng, không ai biết làm gì, ở đâu. Hàng ngày, khoảng 7 giờ sáng có xe 45 chỗ đến chở đi, đến khoảng 20 - 21 giờ thì về. Để hiểu rõ thực hư, chúng tôi đã có nhiều ngày bám theo mới biết thực chất số người ở khách sạn này làm việc cho một cơ sở không có biển hiệu, tên tuổi nằm sát khu du lịch Diamond Bay.
Dọc Đại lộ Nguyễn Tất Thành (đoạn thuộc xã Phước Đồng), hiện nay cũng mọc lên rất nhiều khách sạn, nhà nghỉ. Đa số những khách sạn này được người Trung Quốc thuê trọn gói làm nơi ăn, ở lâu dài. Ông N.T.H - chủ một khách sạn ở xã Phước Đồng cho biết, gia đình ông xây khách sạn đã được 5 năm nay. Trước đây, việc kinh doanh khách sạn khá ế ấm, nhưng khoảng 1 năm nay, các ông chủ người Trung Quốc thuê nguyên căn với giá hơn 30 triệu đồng/tháng làm nơi ở cho nhân viên. Họ hợp đồng với chủ nhà làm nơi cho khách du lịch lưu trú, nhưng những vị khách này lại lưu trú khá lâu.
Bà H.Q. - Giám đốc một công ty môi giới nhà đất cho biết, người Trung Quốc thuê nhà nghỉ, khách sạn để sinh sống, làm việc ở TP. Nha Trang diễn ra khá phổ biến. Những người này thường có thị thực du lịch rồi ở lại làm quản lý, HDV, nhân viên bán hàng cho các cơ sở chuyên đón khách Trung Quốc. Do phần lớn những người này không có giấy phép lao động nên mới chọn nhà nghỉ, khách sạn để ở làm bình phong nhằm tránh sự phát hiện. Nếu ngành chức năng kiểm tra thì họ xuất trình thị thực du lịch.
Khó quản lý, xử lý?
Ông Nguyễn Văn Danh - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, với việc du lịch phát triển như hiện nay có rất nhiều người nước ngoài có hộ chiếu du lịch ký hiệu LD, thăm thân nhân… đang tạm trú tại địa phương nghi vấn làm việc “chui” cho công ty lữ hành, bán hàng, phục vụ tại nhà hàng, khách sạn. Tuy biết vậy nhưng sở không thể độc lập xử lý, mà phải cần sự vào cuộc của công an, chính quyền địa phương. Theo quy định, khi kiểm tra DN, sở phải có kế hoạch và báo trước 3 ngày cho đơn vị. Chính vì vậy, khi tiến hành kiểm tra thì mọi thứ đều đúng. Nếu có lao động trái phép thì họ cũng trốn đi trong ngày thực hiện kiểm tra. Bên cạnh đó, phần lớn những lao động trái phép này đều sử dụng thị thực du lịch để hoạt động, làm việc nên khi kiểm tra họ lại xuất trình giấy tờ khách du lịch nên không có cơ sở để xử lý. Do vậy, để quản lý, xử lý tình trạng này cần sự phối hợp chặt chẽ của nhiều ngành.
Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay, toàn tỉnh có 926 lao động người nước ngoài có giấy phép lao động, đang làm việc tại các DN. Trong đó, gồm: 250 người Nga, 193 người Hàn Quốc, 84 người Ukraine, 56 người Trung Quốc, 33 người Thổ Nhĩ Kỳ, 22 người Philippines, 342 người quốc gia khác. |
Theo lãnh đạo Sở Du lịch, hiện nay, toàn tỉnh có 230 DN lữ hành, trong đó có 48 DN lữ hành quốc tế (27 DN lữ hành Trung Quốc); 463 HDV du lịch quốc tế, trong đó chỉ có 84 HDV du lịch tiếng Trung. Việc cấp phép, quản lý lao động nước ngoài không phải là trách nhiệm của ngành Du lịch. Tuy nhiên, sở cũng đã có nhiều đợt phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kiểm tra, chấn chỉnh. Hiện nay, du khách tăng nhanh đã tạo áp lực lớn cho ngành Du lịch khi lực lượng còn mỏng. Do vậy, để quản lý tốt cần sự vào cuộc đồng bộ của tất cả các ngành trong việc niêm yết giá, quản lý lao động, quản lý môi trường, an ninh trật tự, thuế…
Thượng tá Nguyễn Hồng Kỳ - Trưởng Công an TP. Nha Trang cho biết, việc đăng ký lưu trú du lịch thì chủ nhà nghỉ, khách sạn đăng ký qua mạng. Còn ở các nhà dân theo luật vẫn được phép nhưng phải báo cáo cho công an phường, xã quản lý. Với tình trạng người nước ngoài lưu trú khá lớn trên địa bàn, hiện nay, Công an thành phố đã cử 1 tổ công tác trực tiếp đến tất cả các xã, phường rà soát toàn bộ nhà nghỉ, khách sạn để quản lý việc cư trú. Đồng thời, chỉ đạo công an địa phương bố trí các công an viên phụ trách từng khu vực nhỏ để rà soát, kiểm tra, nếu có dấu hiệu bất thường thì báo cáo, xử lý…
Theo Báo Khánh Hòa