Tổ chức Freedom House mới đây công bố báo cáo “The Global Drive to Control Big Tech” (tạm dịch “Nỗ lực toàn cầu nhằm kiểm soát các đại công ty công nghệ”). Trong bản báo cáo này, Freedom House một lần nữa xếp Việt Nam vào nhóm “các quốc gia không có tự do trên Internet năm 2021”.
Theo đó, trong phần đánh giá về Việt Nam, báo cáo của Freedom House đánh giá Việt Nam chỉ được 22/100 điểm. Cụ thể, ở phần trở ngại để truy cập, Việt Nam được 12/25 điểm; phần giới hạn đối với nội dung được 6/35 điểm; phần vi phạm quyền của người sử dụng được 4/40 điểm.
Báo cáo của Freedom House cũng ngang nhiên xuyên tạc rằng, dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An ninh mạng do Bộ Công an Việt Nam soạn thảo, trong đó có bổ sung những yêu cầu đối với các công ty mạng về việc lưu trữ dữ liệu tại máy chủ ở Việt Nam như tên tuổi người dùng, quốc tịch, giấy chứng minh, số thẻ tín dụng, sức khỏe… là “mơ hồ”, là nhằm “cho phép cơ quan chức năng có thể tiếp cận dữ liệu của người dùng”. Không những vậy, báo cáo của Freedom House còn cố tình xuyên tạc rằng, việc các công ty mạng xã hội tuân thủ hoàn toàn những quy định của Việt Nam, giới hoạt động, nhà báo, các nhà bảo vệ nhân quyền “sẽ đối mặt nguy cơ trước sự đàn áp nặng nề tiếng nói bất đồng chính trị của chế độ độc đảng”.
Có thể thấy rằng, cũng như những năm trước, báo cáo của Freedom House một lần nữa lại vu cáo nhà nước Việt Nam “hạn chế quyền của người sử dụng Internet, kiểm soát nội dung trên mạng xã hội”, xếp Việt Nam vào nhóm quốc gia “không có tự do trên Internet”. Đó thực chất vẫn là những luận điệu cũ rích, được lặp đi lặp lại theo kiểu “vở cũ soạn lại” và vô giá trị về tình hình tự do Internet ở Việt Nam.
|
Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng Internet cao thứ 12 trên toàn thế giới (Ảnh minh họa)
|
Thực tế chứng minh báo cáo của Freedom House là vô giá trị
Những đánh giá của Freedom House về tự do Internet ở Việt Nam là sự bịa đặt, được đưa ra một cách vô căn cứ và cố tình phớt lờ thực tế sinh động, những thành tựu trong bảo đảm quyền tự do Internet ở Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Thực tế cho thấy, những nỗ lực thúc đẩy và bảo đảm quyền con người ở Việt Nam nói chung và quyền tự do Internet nói riêng đã được các nước, các tổ chức quốc tế đánh giá cao.
Ngày 23/9, tại buổi họp báo thường kỳ diễn ra theo hình thức trực tuyến, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc ngày 21/9, tổ chức Freedom House ra báo cáo tiếp tục xếp Việt Nam vào nhóm các quốc gia không có tự do trên Internet, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Đây không phải là lần đầu tiên tổ chức Freedom House đưa ra những đánh giá thiếu khách quan, định kiến dựa trên những thông tin sai sự thật về Việt Nam. Thực tế những nỗ lực thúc đẩy và bảo đảm quyền con người ở Việt Nam được các nước, tổ chức quốc tế đánh giá cao tại Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc qua các chu kỳ. Do đó, báo cáo của Freedom House là vô giá trị và tôi thấy không cần thiết phải bình luận thêm”.
Theo báo cáo của Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), năm 2020, Việt Nam đã lọt vào nhóm các nước có Chỉ số phát triển con người (HDI) ở mức cao trên thế giới. Từ năm 1990 đến 2019, HDI của Việt Nam đã tăng gần 46%, thuộc nhóm các nước có tốc độ tăng HDI cao nhất thế giới. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia đã về đích sớm trong việc thực hiện nhiều Mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc.
Những thành tích của Việt Nam về Internet trong những năm qua cũng rất ấn tượng. Ngày 19/11/1997, Việt Nam chính thức hòa vào mạng lưới Internet toàn cầu. Theo thống kê, vào thời điểm đó, số người sử dụng mạng Internet ở Việt Nam chỉ hơn 200.000 người, đến năm 2002 có khoảng 3 triệu người sử dụng Internet (khoảng 4% dân số cả nước thời điểm đó), năm 2007 là gần 20 triệu người, tăng thêm gần 7 lần (chiếm khoảng 24% dân số cả nước).
Theo số liệu thống kê của Digital, tính tới tháng 6/2021, số lượng người dùng Internet ở Việt Nam là gần 70 triệu người, tăng 0,8% trong giai đoạn 2020 - 2021 (chiếm hơn 70% dân số); số người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam là gần 76 triệu người, tăng gần 10 triệu người trong vòng 1 năm (tương đương 73,7% dân số). Với con số này, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng Internet cao thứ 12 trên toàn thế giới và đứng thứ 6 trong tổng số 35 quốc gia/vùng lãnh thổ khu vực châu Á. Người dùng Việt Nam dành trung bình tới gần 7 giờ mỗi ngày để tham gia các hoạt động liên quan tới Internet và tỉ lệ người dùng Internet ở Việt Nam sử dụng Internet hàng ngày lên tới 94%.
Nhờ hạ tầng băng rộng đã được phủ sóng khắp cả nước, Internet giờ đây đã có mặt ở mọi nơi, từ thành thị tới nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi, biên giới, hải đảo. Internet ứng dụng mọi lĩnh vực của đời sống, từ giáo dục, y tế, giao thông… tới cả xây dựng chính phủ điện tử. Mọi người dân ở Việt Nam đều có thể tự do chia sẻ, bày tỏ thông tin, quan điểm cá nhân thông qua Internet, nhất là qua mạng xã hội. Đó là những minh chứng sống động của việc Đảng, Nhà nước ta luôn tôn trọng và bảo vệ quyền phát triển của mỗi người dân, quyền được tự do thông tin, tự do Internet.
Thế nhưng, dường như phớt lờ mọi nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người, quyền tự do Internet, tổ chức Freedom House vẫn đưa ra những đánh giá phiến diện, định kiến và sai sự thật. Nhận xét về báo cáo của tổ chức Freedom House, giáo sư, tiến sĩ khoa học Vladimir Kolotov, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh tại Saint Peterburg (Liên bang Nga), khẳng định: “Năm nào, Freedom House cũng công bố bảng danh sách mang tính chủ quan, không có gì thay đổi, không phản ánh tình hình thực tiễn về các khía cạnh nhân quyền của các nước trên thế giới. Họ không dựa trên cơ sở thực tế. Họ tự cho mình quyền cáo buộc nước khác vi phạm nhân quyền, quyền tự do tín ngưỡng… và dựa vào đó để can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác”.
Ông Yerlan Baizhanov, Đại sứ Kazakhstan tại Việt Nam cho rằng: “Có những tổ chức nhân quyền có tư tưởng rất cứng nhắc, phiến diện. Họ bị chi phối bởi tham vọng chính trị. Họ không chú ý đến sự khác biệt về hoàn cảnh lịch sử, văn hóa. Khi lập báo cáo, họ thường bị yếu tố chính trị và định kiến chi phối. Chúng ta sống và làm việc không phải để làm hài lòng những tổ chức như Freedom House, mà Nhà nước của chúng ta hoạt động để người dân có cuộc sống tốt lên trên thực tế. Đó mới là điều quan trọng nhất”.
Thực tiễn ở nhiều quốc gia cho thấy, việc thực hiện quyền tự do Internet luôn được đặt trong khuôn khổ pháp luật. Ở Mỹ, Quốc hội nước này đã ban hành nhiều văn bản luật nhằm xử lý, ngăn chặn việc lợi dụng Internet, mạng xã hội để khủng bố, kích động bạo lực, khiêu dâm trẻ em, hay là vi phạm sở hữu trí tuệ… Trong khi đó, Ủy ban châu Âu (EU) đã ban hành luật về bảo vệ sự riêng tư toàn cầu nhằm hạn chế hoạt động của Internet, mạng xã hội vi phạm quyền riêng tư của công dân các nước thành viên.
Bởi vậy, việc nhà nước Việt Nam ban hành Luật An ninh mạng năm 2018 và Bộ Công an đang xây dựng dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An ninh mạng là phù hợp với thông lệ quốc tế, với tình hình thực tiễn tại Việt Nam. Đây không chỉ là cơ sở pháp lý quan trọng để bảo đảm an ninh mạng, phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động lợi dụng Internet, mạng xã hội để vi phạm pháp luật Việt Nam mà còn là căn cứ pháp lý quan trọng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức trên không gian mạng.
Có thể thấy rằng, một lần nữa, Freedom House lại núp bóng “tự do”, “nhân quyền” để đưa ra những luận điệu xuyên tạc, thiếu khách quan và định kiến, sai sự thật về Việt Nam. Báo cáo của Freedom House không chỉ phản ánh sai lệch, thiếu chính xác, xuyên tạc tự do Internet, bôi nhọ bức tranh nhân quyền ở Việt Nam mà còn ngang nhiên lợi dụng “tự do Internet” để can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng công ước và nguyên tắc quốc tế về cấm can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác. Bởi vậy, chúng ta cần lên án và kiên quyết phản đối, bác bỏ những luận điệu xuyên tạc, phiến diện và vô căn cứ của Freedom House./.
Theo https://dangcongsan.vn/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang/mot-ban-bao-cao-thieu-khach-quan-sai-su-that-ve-tu-do-internet-o-viet-nam-592613.html