Năm 2018, mặc dù số việc thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh phải thụ lý giải quyết rất lớn, tính chất ngày càng phức tạp nhưng được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng cục Thi hành án dân sự, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, địa phương, cơ quan thi hành án dân sự hai cấp của tỉnh đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao.
Nhiều kết quả tích cực
Ngay từ đầu năm, căn cứ vào các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà cấp trên giao, cấp ủy, lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã xác định những lĩnh vực, nội dung công tác trọng tâm, trọng điểm về thi hành án để từ đó đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả để chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai thực hiện. Theo báo cáo của Cục Thi hành án dân sự, trong năm 2018, cơ quan thi hành án dân sự hai cấp đã thụ lý 14.590 việc, trong đó đã giải quyết xong 9.098 việc, đạt 83% số việc có điều kiện thi hành (vượt 11% chỉ tiêu do Tổng cục Thi hành án dân sự giao). Tổng số tiền cơ quan thi hành án dân sự thụ lý gần 1.920 tỉ, trong đó đã giải quyết xong gần 610 tỉ đồng, đạt 65% tổng số tiền có điều kiện thi hành (vượt 33% so với chỉ tiêu do Tổng cục Thi hành án dân sự giao). Riêng số việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng phải giải quyết là 550 việc với số tiền hơn 934 tỉ đồng, trong đó đã giải quyết được 116 việc với số tiền hơn 320 tỉ đồng. Về thi hành án đối với các khoản thu cho ngân sách nhà nước, số việc phải giải quyết là 11.297 việc tương ứng với số tiền hơn 158 tỉ đồng, đã giải quyết được 8.246 việc (đạt 91,6%) với số tiền hơn 119 tỉ đồng.
Công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực thi hành án đã được thủ trưởng các đơn vị quan tâm chỉ đạo thực hiện kịp thời, đảm bảo đúng quy định pháp luật, nhờ đó không để xảy ra điểm nóng, khiếu nại đông người. Trong kỳ, các cơ quan thi hành án dân sự tỉnh đã tiếp 73 lượt công dân, tiếp nhận và giải quyết 34 đơn thư khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực thi hành án dân sự, đạt tỷ lệ 100%.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đạt được thì vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc nhất định ảnh hưởng đến chất lượng, kết quả công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh. Khó khăn đầu tiên phải kể đến là những hạn chế về mặt con người. Hiện nay, mặc dù số lượng Chấp hành viên đã được bổ sung so với trước kia nhưng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được khối lượng công việc ngày càng tăng cao, trong khi đó năng lực, trình độ chuyên môn của chấp hành viên, thư ký thi hành án không đồng đều.
Việc tổ chức thi hành án đối với các bản án giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng còn gặp nhiều khó khăn. Tuy số việc loại này chỉ chiếm tỉ lệ chỉ khoảng 3% nhưng số tiền lại chiếm đến 50% tổng số tiền phải thi hành án. Nhiều trường hợp các ngân hàng, tổ chức tín dụng thẩm định không chặt chẽ, định giá quá cao tài sản bảo đảm dẫn đến khi kê biên bán đấu giá, mặc dù đã giảm giá tài sản nhiều lần nhưng vẫn không bán được. Bên cạnh đó, một số ngân hàng cho vay tín chấp theo diện chính sách, phát triển kinh tế cá thể, hộ gia đình, số tiền phải thi hành án không lớn khiến việc kê biên, xử lý tài sản không được thuận lợi.
Một vấn đề khác mà cơ quan thi hành án dân sự gặp phải đó là việc thi hành án đối với các khoản án phí, tiền phạt, tịch thu sung công trong các vụ án hình sự. Các đối tượng phải thi hành án trong các trường hợp này thường không có nghề nghiệp, thu nhập không ổn định, hoặc thuộc diện hộ nghèo, thu nhập chỉ đủ đảm bảo cuộc sống tối thiểu, tài sản duy nhất là nhà đất, có người phải chấp hành án phạt tù hoặc đi làm ăn, sinh sống ở nơi khác nhưng không xác định được địa chỉ cư trú mới nên không tổ chức thi hành án được. Mặt khác, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án, việc kê biên, phong tỏa tài sản, truy tìm tài sản chưa được quan tâm kịp thời, cơ chế quản lý, kiểm soát thu nhập cá nhân còn chưa hoàn thiện khiến cho việc xác minh thông tin về tài sản, thu nhập của người phải thi hành án gặp khó khăn, ảnh hưởng đáng kể kết quả thi hành án.
Bên cạnh những khó khăn trên thì ý thức chấp hành bản án của người phải thi hành án chưa cao, nhiều trường hợp cố tình chây ỳ, không tự nguyện thi hành, lợi dụng quyền khiếu nại nhằm mục đích trì hoãn, kéo dài thời gian thi hành án. Ngoài ra hiện nay còn nhiều tài sản kê biên chưa xử lý được do đất và tài sản gắn liền trên đất có giá trị lớn nên rất khó bán hoặc không bán được do tâm lý ngại mua tài sản thi hành án của người dân.
Giải pháp đặt ra trong thời gian tới
Trong những năm tới, cùng với sự phát triển mạnh mẽ trên các mặt đời sống, kinh tế - xã hội thì các tranh chấp, khiếu kiện trong nhân dân cũng sẽ gia tăng đồng nghĩa số lượng vụ việc thi hành án dân sự phải thụ lý, giải quyết là rất lớn. Tình hình trên đòi hỏi cơ quan thi hành án dân sự các cấp của tỉnh phải tiếp tục đổi mới các mặt công tác, tranh thủ tốt sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, tăng cường phối hợp với các đơn vị hữu quan mới có thể hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao. Trước mắt, để triển khai tốt nhiệm vụ công tác năm 2019, bên cạnh tập trung khắc phục những hạn chế, vướng mắc còn tồn tại, Cục Thi hành án dân sự tỉnh xác định một số nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới đó là:
Thứ nhất, phải nâng cao hơn nữa nhận thức, tinh thần trách nhiệm, kỹ năng quản lý, điều hành của đội ngũ cán bộ lãnh đạo cơ quan thi hành án dân sự các cấp. Đổi mới công tác quản lý theo hướng rõ người, rõ việc và thời gian hoàn thành công việc. Tăng cường hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ cho cán bộ, công chức thi hành án; phân công cán bộ, lãnh đạo, chấp hành viên thuộc Cục trực tiếp nắm tình hình, chỉ đạo các chi cục, nhất là các chi cục có lượng án lớn, nhiều vụ việc khó khăn, phức tạp hoặc những đơn vị còn nhiều yếu kém.
Thứ hai, thực hiện tốt công tác tổ chức cán bộ trong các cơ quan thi hành án dân sự, bảo đảm về chất lượng và cơ bản đủ về số lượng, trong đó chú trọng tăng cường phối hợp giữa Cục Thi hành án dân sự với với cấp ủy, chính quyền các địa phương trong công tác đánh giá, quy hoạch, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ, công chức thi hành án dân sự.
Thứ ba, tập trung chỉ đạo giải quyết triệt để đơn, thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền theo đúng quy định pháp luật; vận hành hiệu quả “Đường dây nóng” để kịp thời tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp liên quan đến công tác thi hành án dân sự.
Thứ tư, tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ; xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân có vi phạm trong thực hiện các quy định về thi hành án, chạy theo thành tích, thiếu khách quan, trung thực trong việc xác minh, phân loại án, trong thống kê, báo cáo về thi hành án; cố tình trì hoãn, kéo dài, gây phiền hà, nhũng nhiễu cho người dân.
Thứ năm, tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là kiểm tra việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ về thi hành án dân sự theo nghị quyết của Quốc hội và việc thực hiện các quy định về trình tự, thủ tục thi hành án. Triển khai thực hiện Kế hoạch kiểm tra toàn diện đối với các Chi cục trực thuộc đảm bảo theo đúng Kế hoạch công tác năm đã được Tổng cục phê duyệt.
Xuân Thỏa - VPTU