Trong đời sống xã hội, pháp luật có vai trò quan trọng đặc biệt, vừa là công cụ quản lý nhà nước hữu hiệu, vừa tạo hành lang pháp lý an toàn, tin cậy, thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Cách đây 72 năm, ngày 09 tháng 11 năm 1946 đã đánh dấu mốc son trong lịch sử lập pháp của Việt Nam - ngày Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ban hành bản Hiến pháp năm 1946 – đạo luật cơ bản đầu tiên, một “tài sản” đặc biệt của Nhà nước ta. Sau 66 năm, ngày 09 tháng 11 lại được khẳng định giá trị, khi chính thức được ghi nhận trong luật bởi sáng kiến về “Ngày Pháp luật Việt Nam”.
Ngày 20 tháng 6 năm 2012, Quốc hội đã thông qua Luật số 14/2012/QH13 - Luật Phổ biến giáo dục pháp luật, quy định và khẳng định hơn nữa quyền được thông tin về pháp luật và trách nhiệm tìm hiểu, học tập pháp luật của công dân; nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và các điều kiện bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Điều 8 Luật phổ biến, giáo dục pháp luật quy định: “Ngày 09/11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội”.
Trên thế giới, hiện có nhiều nước tổ chức Ngày Pháp luật như một ngày hội để “thượng tôn pháp luật”, tôn vinh Hiến pháp – đạo luật gốc của mỗi quốc gia. Hiện có khoảng 40 quốc gia lấy ngày ký, ban hành hoặc thông qua Hiến pháp để hàng năm tổ chức kỷ niệm “Ngày Hiến pháp” của mình. Trong ngày này, các luật gia, luật sư và các hiệp hội nghề nghiệp về luật tổ chức nhiều hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật trong cộng đồng nhằm tăng cường hơn nhận thức của nhân dân, học sinh, sinh viên về vị trí, vai trò tối thượng, không thể thay thế của Hiến pháp, pháp luật trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, đặc biệt là về các giá trị tự do, dân chủ, công lý, công bằng.
Qua 5 năm thực hiện, Ngày Pháp luật Việt Nam đã thu hút sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của cán bộ, công chức và các tầng lớp Nhân dân. Đời sống chính trị, pháp lý, kinh tế, xã hội của đất nước có nhiều chuyển biến tích cực. Và người dân chính là đối tượng thụ hưởng trực tiếp nhất từ kết quả triển khai hưởng ứng Ngày Pháp luật hàng năm của các Bộ, ngành, địa phương. Hiểu biết pháp luật đã giúp mỗi người dân biết tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, xây dựng môi trường sống lành mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.
Tại Khánh Hòa, phát huy kết quả tích cực đã đạt được trong những năm qua, ngày 02/01/2018, Sở Tư pháp đã ban hành kế hoạch thực hiện Ngày Pháp luật hàng tháng năm 2018. Theo đó, Ngày Pháp luật được tổ chức định kỳ vào ngày 09 hàng tháng. Với hình thức hội thảo, tọa đàm, truyền đạt kỹ năng, nội dung sinh hoạt Ngày Pháp luật chú trọng đến việc phổ biến Hiến pháp, Luật, Nghị định, Quyết định mới ban hành. Mỗi bài báo cáo, chuyên đề do đại diện các Phòng, Trung tâm trình bày tại buổi sinh hoạt có độ dài từ 60 đến 90 phút. Trước đây, việc giới thiệu, phổ biến các văn bản pháp luật mới đôi khi còn không kịp thời, chưa hiệu quả do mọi người còn thiếu chủ động trong việc tìm và đọc các tài liệu. Tuy nhiên, việc duy trì các buổi sinh hoạt Ngày Pháp luật hàng tháng đã góp phần tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động kịp thời tiếp cận, nắm bắt với các văn bản pháp luật mới trong mọi lĩnh vực, tránh tình trạng cán bộ chỉ quan tâm tới các văn bản thuộc lĩnh vực của mình.

Ảnh: Hội nghị Hưởng ứng “Ngày Pháp luật” nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Tổng kết 5 năm tổ chức, triển khai Ngày Pháp luật tại thành phố Cam Ranh
Tương tự vậy, đã có nhiều mô hình hưởng ứng Ngày Pháp luật có sức lan tỏa rõ nét. Các mô hình đáp ứng được tính thiết thực, gần gũi, giải quyết trúng, đúng những nhu cầu, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp, có sự lồng ghép sáng tạo về mặt nội dung, hình thức thể hiện. Nhiều Bộ, ngành, địa phương đã mạnh dạn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác hiệu ứng của truyền thông, mạng xã hội để mang đến những luồng gió mới trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật.
Tuy nhiên, cần nghiêm túc nhìn nhận việc hưởng ứng Ngày Pháp luật thời gian qua ở một số nơi vẫn còn mang tính hình thức. Ý thức chấp hành pháp luật trong một bộ phận cán bộ, nhân dân chưa cao. Hành vi vi phạm pháp luật vẫn còn xảy ra, ngay cả trong một số cán bộ, công chức thực thi công vụ; việc xây dựng, hoàn thiện, tổ chức thi hành pháp luật còn lúng túng, chất lượng chưa được như mong muốn. Nguồn lực đầu tư cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật còn hạn chế. Do đó, trong thời gian tới, để hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, mỗi cá nhân, bằng những hành động cụ thể, thiết thực, chung tay góp phần đưa Hiến pháp, pháp luật đi vào cuộc sống.
Một quốc gia phát triển vững bền cần được xây dựng trên nền tảng pháp lý vững chắc, trong đó tinh thần thượng tôn pháp luật phải được đặt lên hàng đầu. Tinh thần đó không chỉ được tôn vinh trong Ngày Pháp luật Việt Nam, mà phải trở thành nền tảng trong hoạt động của bộ máy nhà nước và của cả hệ thống chính trị, phải trở thành nếp sống văn hóa thường xuyên của mỗi người dân, mỗi cộng đồng xã hội.
Như Quỳnh - CV Thành ủy Cam Ranh