Thời gian qua, Khánh Hòa đã nỗ lực tuyên truyền, vận động để tiến tới chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân xâm phạm vùng biển nước ngoài. 3 tháng đầu năm nay, Khánh Hòa không có trường hợp tàu cá nào bị nước ngoài bắt giữ.
Chuyển biến tích cực
Ông Nguyễn Như Đào - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, toàn tỉnh hiện có hơn 1.300 tàu cá khai thác xa bờ, trong đó có hơn 550 tàu cá thường xuyên khai thác ở vùng biển xa, tập trung ở các ngư trường: Trường Sa, DK1 và một số ít tàu hoạt động ở vùng biển Hoàng Sa đến vùng giáp ranh với biển các nước: Malaysia, Philippines, Indonesia. Đối với các tàu hoạt động vùng khơi, toàn tỉnh có 315 tàu làm nghề câu cá ngừ đại dương, 215 tàu hoạt động nghề lưới cản, khai thác quanh năm, số còn lại hoạt động nghề lưới vây, chụp mực. Các tàu cá, ngư dân bị nước ngoài bắt giữ đa số khai thác ở vùng biển xa. Năm 2017, toàn tỉnh có 8 trường hợp tàu cá, với 85 thuyền viên bị nước ngoài bắt giữ. Ngoài ra, có 5 trường hợp tàu cá khi đang khai thác hải sản trong vùng biển Việt Nam cũng bị tàu tuần tra Indonesia bắt giữ và được Cảnh sát biển Việt Nam giải vây.

Tàu cá Khánh Hòa hoạt động tại ngư trường Trường Sa.
|
Theo ông Lê Tấn Bản - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc tàu cá, ngư dân Khánh Hòa bị nước ngoài bắt giữ, trong đó chủ yếu vẫn là việc ngư dân khai thác ở ngư trường truyền thống nhưng thuộc vùng biển chồng lấn, giáp ranh giữa Việt Nam và các nước trong khu vực. Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân khác như: trình độ am hiểu pháp luật của một số thuyền trưởng còn hạn chế; các tàu vì lợi nhuận mà khai thác ở ngư trường chồng lấn, giáp ranh, vô tình xâm phạm vùng biển nước ngoài…
Thực hiện các chỉ thị, công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn chặn, giảm thiểu, tiến tới chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, UBND tỉnh, Sở NN-PTNT đã có nhiều văn bản chỉ đạo triển khai vấn đề này. Chi cục Thủy sản cũng đã đẩy mạnh tuyên truyền, phát tờ rơi đến các tàu cá; vận động ngư dân cam kết không khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài; tiến hành thành lập văn phòng đại diện, thanh tra, kiểm soát nghề cá tại các cảng cá… Nhờ đó, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh không ghi nhận trường hợp tàu cá nào bị nước ngoài bắt giữ. Tuy nhiên, thực tế triển khai vẫn còn tồn tại một số khó khăn như: ngư trường truyền thống của ngư dân bị thu hẹp; nguồn lợi thủy sản bị suy giảm, sản lượng thấp nên một số thuyền trưởng cố tình xâm nhập ngư trường nước khác; khi tàu cá khai thác trên vùng biển có sự chồng lấn, bị bắt giữ rất khó xác định tàu cá vô tình hay cố ý vi phạm…
Đẩy mạnh tuyên truyền
Ông Nguyễn Như Đào cho biết, để giảm thiểu, tiến tới chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, trước mắt, các cơ quan chức năng sẽ tập trung tuyên truyền cho ngư dân, đặc biệt là đội tàu khai thác vùng biển xa nắm rõ các ngư trường đang có sự chồng lấn để tránh vi phạm; thông tin đến ngư dân các cảnh báo, chủ trương xử lý cứng rắn của nước ngoài khi tàu cá Việt Nam vi phạm lãnh hải nước bạn; vận động ngư dân cam kết không đưa tàu vi phạm vùng biển nước ngoài; đẩy mạnh việc thành lập các tổ, đội khai thác trên biển để hỗ trợ, giám sát lẫn nhau trong quá trình khai thác trên biển. Các tàu cá khi xuất bến đi khai thác ngư trường xa yêu cầu phải trang bị máy thông tin liên lạc tầm xa định vị GPS, máy định vị Movimar và phải mở máy để theo dõi, cảnh báo khi có nguy cơ xâm phạm vùng biển nước ngoài.

Tàu cá Khánh Hòa hoạt động tại ngư trường Trường Sa.
|
Ông Nguyễn Quang Hùng - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản: Năm 2017, số lượng tàu cá, ngư dân Khánh Hòa bị nước ngoài bắt giữ nhiều hơn so với năm 2016. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, Khánh Hòa không ghi nhận trường hợp tàu cá nào bị bắt giữ, đây là một chuyển biến tích cực. Thời gian tới, địa phương tích cực tuyên truyền vận động ngư dân không vi phạm vùng biển nước ngoài khi đánh bắt. |
Từ thực tế nguyên nhân tàu cá, ngư dân Khánh Hòa bị nước ngoài bắt giữ, Chi cục Thủy sản kiến nghị: các bộ, ngành trung ương xúc tiến mở rộng hợp tác khai thác hải sản giữa Việt Nam với các nước trong khu vực. Cùng với đó, tăng cường sự hiện diện các lực lượng chấp pháp của Việt Nam tại những vùng biển giáp ranh, chồng lấn; can thiệp việc nước ngoài bắt giữ trái phép tàu cá hoạt động trong vùng biển Việt Nam để tránh tiền lệ xấu; có quy định bắt buộc tàu cá hoạt động ở vùng biển xa phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
Theo ông Nguyễn Quang Hùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, tình trạng tàu cá xâm phạm, khai thác ở vùng biển nước ngoài, bị nước ngoài bắt giữ là một trong những nguyên nhân chính khiến Ủy ban châu Âu rút “thẻ vàng” cảnh báo đối với nguồn gốc hải sản xuất khẩu của Việt Nam. Vấn đề này không chỉ gây khó khăn trong việc xuất khẩu thủy sản sang châu Âu mà còn là vấn đề danh dự quốc gia. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ hết sức quyết liệt trong chỉ đạo các địa phương ngăn chặn, giảm thiểu, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ. Tuy còn nhiều khó khăn nhưng Khánh Hòa cần quyết liệt xử lý tình trạng này. Muốn vậy, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền đến ngư dân và nên tuyên truyền trực tiếp tại tàu cá, cảng cá để lao động nghề biển nắm bắt thực hiện. Ngoài ra, ông Hùng cũng đề nghị Sở NN-PTNT nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh các biện pháp hiệu quả, gắn với thực tế nghề cá của địa phương; sớm ban hành kế hoạch hành động ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm. Địa phương cũng cần rà soát lại toàn bộ hệ thống giám sát tàu cá, cần triển khai lắp đặt thiết bị giám sát trên tất cả tàu khai thác xa bờ.
Theo Báo Khánh Hòa