Xâm hại trẻ em đang là nỗi lo rất lớn của các bậc phụ huynh, là vấn nạn nhức nhối đang được cả xã hội đặc biệt quan tâm. Trước thực trạng này, nhiều gia đình đã dạy trẻ một số kỹ năng cơ bản để phòng chống bị xâm hại; song mới chỉ dừng lại ở mức giúp các em tiếp cận vấn đề, chứ chưa đi sâu về giáo dục giới tính hoặc kỹ năng bảo vệ bản thân, đặc biệt là ý thức tự giác lên tiếng.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Trung tâm hỗ trợ phụ nữ phòng, chống HIV/AIDS và chăm sóc sức khỏe - Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam vừa tổ chức Triển lãm “Mẹ - bến đỗ an toàn và bình an cho con” và tọa đàm “Làm thế nào để con lên tiếng”.
Thống kê của Bộ Công an cho biết, năm 2018 có 1.547 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, với 1.669 đối tượng, xâm hại 1.579 em. Trong đó, số vụ án xâm hại tình dục trẻ em là 1.269 vụ (chiếm 82% so với tổng số vụ xâm hại trẻ em) với 1.233 đối tượng, xâm hại 1.141 em. Rất nhiều ví dụ điển hình xảy ra trong thời gian qua khi trẻ bị xâm hại đều sống ở những nơi có tình hình an ninh ổn định, kể cả gia đình có nền tảng giáo dục tốt, học ở các ngôi trường tốt. Các cháu bị xâm hại trong thời gian vui chơi, giờ nghỉ ngơi, ngay sân sau nhà, bên nhà hàng xóm, trên đường đi học về... Đáng buồn là, phần lớn các trường hợp trẻ lại bị chính những người quen biết, ruột thịt của mình xâm hại.
Không chỉ nêu lên thực trạng báo động về vấn đề xâm hại trẻ em hiện nay, tọa đàm còn được các chuyên gia gợi mở ra nhiều tình huống và cách bố mẹ trở thành bạn của con, giúp con chia sẻ, tự lên tiếng để bảo vệ mình thay vì sợ hãi, giấu diếm, tự kỷ hoặc trầm cảm.
Theo đó, 6 kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em cũng là 6 nguyên tắc, bài học mà các bậc cha mẹ cần dạy cho con ngay khi các bé có thể nhận thức về thế giới xung quanh. Cụ thể:
Một là, dạy trẻ ranh giới tiếp xúc cơ thể nguy hiểm, không cho ai chạm vào vùng kín của mình cũng như không chạm vào vùng kín của bất cứ ai. Cần phải ghi nhớ cả 2 trường hợp này vì nhiều bậc phụ huynh bỏ quên trường hợp thứ 2 và không ngờ rằng đây mới là điều kẻ lạm dụng xúi giục con làm đầu tiên.
Hai là, khuyến khích trẻ kể về hoạt động hàng ngày, tạo thói quen giúp trẻ có thể thoải mái chia sẻ bất kỳ chủ đề nào với bố mẹ, từ đó nhận biết sớm để can thiệp kịp thời.
Ba là, dạy trẻ về các bộ phận cơ thể. Nhiều bé bị xâm hại mà không thể tự nhận biết được sự nghiêm trọng do quá non nớt. Cha mẹ cần phải sớm dạy cho trẻ về các bộ phận trên cơ thể, bao gồm cả vùng kín của con. Việc này nên được thực hiện từ sớm, khi trẻ khoảng 3 tuổi cho tới khi lớn. Với mỗi độ tuổi, cả cha mẹ và nhà trường cần có cách thức cũng như mức độ dạy sao cho phù hợp.
Bốn là, kỹ năng xử lý khi gặp phải tình huống nguy hiểm. Trẻ em thường ngại khi từ chối người khác, đặc biệt là bạn hơn tuổi hoặc người lớn vì sợ hay e ngại bị ghét, bị cô lập và dễ hoảng sợ khi bị dọa nạt… Cần phải dạy trẻ những kỹ năng từ chối người khác, kỹ năng thoát khỏi các tình huống nguy hiểm. Ở nhà, cha mẹ có thể dạy con bằng cách đưa ra các tình huống và hỏi con sẽ xử lý thế nào nếu gặp phải, hướng dẫn con cách xử lý tốt nhất. Ở trường học, hiện nay đã tổ chức các buổi chia sẻ, tọa đàm về vấn đề này để trẻ có thể đặt câu hỏi cho các chuyên gia và được hướng dẫn cách thoát khỏi tình huống nguy hiểm.
Năm là, dạy trẻ cách nói chuyện với bố mẹ, người thân khi bị xâm hại. Trẻ em biết rõ thủ phạm xâm hại mình là ai. Nhưng vì nhiều lý do, trẻ thường giữ im lặng về việc bị xâm hại. Nói với trẻ rằng, con sẽ không gặp phải bất kỳ rắc rối gì khi nói chuyện với bạn và hãy làm theo lời hứa này, tránh trừng phạt vì những điều con lên tiếng. Trong trường hợp có kẻ xấu đe dọa trẻ phải giữ bí mật, thì trẻ nên thông báo cho cha mẹ và người thân biết. Một điều rất hiệu quả trong việc để con thông báo tình huống của mình chính là tạo ra ám hiệu riêng giữa mình và trẻ. Điều này sẽ khiến trẻ em cảm thấy an tâm hơn khi đối tượng là những người thân thuộc và thường xuất hiện ở nhà của trẻ. Ngoài việc để trẻ nói ra khi bị xâm hại, cha mẹ nên chú ý đến biểu hiện của trẻ, ví dụ như đột nhiên hoảng sợ khi ai đó chạm vào người, không thích tiếp xúc hay tránh xa những người mà trước đây bé rất quý mến… qua đó giúp bố mẹ và nhà trường nhanh chóng phát hiện ra tình huống mà trẻ gặp phải.
Sáu là, nói cho trẻ biết nguy hiểm có thể đến từ những người quen biết, những người bé yêu quý và tin tưởng. Người Việt thường có thói quen cấu, véo hay sờ những vùng nhạy cảm của trẻ và cho đó chỉ là một hành động bình thường, thể hiện tình yêu thương. Tuy nhiên, đó là một dạng xâm hại trẻ em và có thể khiến trẻ tưởng lầm đó là cách thể hiện tình yêu thương và không nhận ra sự nguy hiểm. Cha mẹ cần kiểm soát ngay những hàng động đó và dặn con thông báo nếu có bất kỳ ai thực hiện động chạm như vậy…
Trong khuôn khổ chương trình cũng đã khai mạc triển lãm “Mẹ- Bến đỗ an toàn và bình an cho con”, nhằm cung cấp thông tin về việc chăm sóc trẻ em trong giai đoạn từ 0 đến 3 tuổi- giai đoạn phát triển vàng của con. Bên cạnh những kiến thức cần thiết về chăm sóc con, triển lãm còn kể lại những khoảnh khắc cảm xúc, những niềm vui, những bất ngờ, những lo lắng… của mẹ trong những năm tháng đầu đời bên những thiên thần của mình. Triển lãm sẽ mở cửa đón khách từ ngày 5/5 đến 12/5/2019, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội).
Theo Tiengchuong.vn