Theo số liệu của Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế, từ đầu năm 2018 đến nay, cục đã triển khai 25 đoàn thanh tra, kiểm tra về ATTP. Cục trưởng Cục ATTP đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 102 cơ sở vi phạm về sản xuất kinh doanh, quảng cáo TPCN với tổng số tiền phạt hơn 5 tỷ đồng, trong đó phạt vi phạm quảng cáo hơn 3 tỷ đồng. Cùng với xử phạt hành chính bằng hình thức phạt tiền, Cục ATTP đã buộc các cơ sở thu hồi và tiêu hủy các lô sản phẩm vi phạm về chất lượng, tháo gỡ nội dung quảng cáo vi phạm; tạm dừng lưu thông 28 lô sản phẩm vi phạm; thu hồi 56 giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP… Bên cạnh đó, Cục ATTP đã tham mưu cho Bộ Y tế trình Chính phủ ban hành Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 4-9-2018 quy định xử phạt hành chính về ATTP (có hiệu lực từ ngày 20-10-2018), thay thế Nghị định số 178/2013/NĐ-CP không còn phù hợp.
Có thể thấy, Cục ATTP đã đưa ra nhiều giải pháp và hành động cụ thể để xử lý, ngăn chặn tình trạng quảng cáo TPCN sai quy định. Tuy nhiên, vì lợi nhuận, nhiều cơ sở kinh doanh vẫn bất chấp các quy định của pháp luật đưa ra những quảng cáo lừa dối người tiêu dùng. Ví như: TPCN có tên gọi SCurma Fizzy được phân phối bởi Công ty Cổ phần Elepharma thời gian gần đây liên tục xuất hiện các quảng cáo sai quy định. Trên trang facebook có tên "Viên sủi Nano Curcumin hướng đích" quảng cáo sản phẩm SCurma Fizzy xóa tan nỗi lo trào ngược dạ dày, viêm loét dạ dày tá tràng với đột phá công nghệ mới. Một số trang facebook khác thì quảng cáo với nội dung viên sủi SCurma Fizzy là một đột phá mới trong điều trị bệnh dạ dày, trào ngược. Nội dung các bài viết không hề đề cập đến việc sản phẩm SCurma Fizzy là TPCN, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Trên một số website, sản phẩm này còn được quảng cáo bằng cách sử dụng ý kiến bệnh nhân khiến nhiều người lầm tưởng SCurma Fizzy là một loại thuốc điều trị bệnh đau dạ dày.
Một webside sử dụng ý kiến bệnh nhân để quảng cáo sản phẩm SCurma Fizzy như một loại thuốc điều trị bệnh đau dạ dày
Hay như gần đây, một số đối tượng mạo danh Học viện Quân y quảng cáo sai sự thật về sản phẩm Nano Fucomin. Cụ thể, trang facebook có tên Học viện Quân y-Trung tâm phân phối dược phẩm Học viện Quân y sử dụng lô-gô của Học viện Quân y giới thiệu sự ra đời của sản phẩm đem lại hy vọng cho bệnh nhân ung thư, sản phẩm có sự kết hợp của các thảo dược vô cùng quý, như: Bột tam thất, cao phylamin… là các dược liệu được sử dụng để bào chế thuốc sử dụng trong quá trình điều trị ung thư trên thế giới. Ngoài ra, trang facebook này còn dẫn đường link đến trang web vienquany.com cũng có nhiều bài viết quảng cáo sai quy định, như: Dùng bài viết của bệnh nhân, thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo; quảng cáo thực phẩm chức năng phóng đại như thần dược… Trang web này khiến người xem dễ lầm tưởng là trang web của Học viện Quân y. Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân về trường hợp này, Trung tá, TS Vũ Bình Dương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng sản xuất TPCN, Học viện Quân y, khẳng định: “Trung tâm phân phối dược phẩm và trang web vienquany.com, facebook “Học viện Quân y-Trung tâm phân phối dược phẩm Học viện Quân y” không phải của Học viện Quân y. Trang web chính thức của học viện có tên hocvienquany.vn, còn webside của trung tâm chúng tôi có tên http://hocvienquany.edu.vn/thuochvqy. Chúng tôi đã có những khuyến cáo với người dân trên trang web này.
Trả lời phóng viên Báo Quân đội nhân dân về vấn đề này, ông Trần Văn Châu, Trưởng phòng Công tác thanh tra, Cục ATTP cho biết: "Hiện tại do chưa thể phát hiện ra chủ thể đang sử dụng các webside mà báo đã phản ánh nên chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng, cụ thể là Cục Phát thanh-Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) để tìm ra chủ thể rồi tiến hành xử phạt theo quy định". Theo ông Châu, hiện nay việc bán hàng online phát triển mạnh, đây cũng là một khó khăn trong công tác kiểm tra, xử lý. Người tiêu dùng khi mua hàng online, hay có nhu cầu tìm hiểu về TPCN nên truy cập vào các webside chính thống có thông tin rõ ràng.
PGS, TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP, cho biết: "Hiện đã có rất nhiều quy định chặt chẽ như cấm sử dụng từ "điều trị" trong quảng cáo, cấm quảng cáo TPCN như thuốc chữa bệnh, cấm dùng hình ảnh hoặc uy tín của cơ sở y tế để quảng cáo, cấm dùng các bài viết của bệnh nhân, thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo... Tuy nhiên, vẫn còn một số công ty, cơ quan truyền thông vi phạm, còn bệnh nhân thì rất ít người biết vấn đề này. Chúng tôi đề nghị, người dân và các cơ quan thông tin đại chúng, khi phát hiện ra sai phạm thì phản ảnh tới chúng tôi để xử lý triệt để".
Theo Quân đội Nhân dân Online