Trong cơn “sốt đất” vẫn đang tiếp diễn ở thị xã Ninh Hòa, không chỉ riêng nhóm đất phi nông nghiệp mà đất trồng lúa, đất nuôi trồng thủy sản (NTTS) ở một số địa phương liên tục được các nhà đầu tư từ nơi khác tìm mua với giá cao nhưng không nhằm mục đích sản xuất nông nghiệp mà để đầu cơ. Được giá, người dân cũng thi nhau bán đìa, bán ruộng.
Phân lô trên cánh đồng
Mấy tháng nay, quán cà phê Bờ Hồ nằm sát Tỉnh lộ 7 (qua địa phận xã Ninh Thọ) nhộn nhịp xe ô tô biển số các tỉnh phía bắc ghé vào hỏi tìm “săn” đất. Sau khi có thông tin về Dự án Khu Công nghiệp dốc Đá Trắng thuộc Khu Kinh tế Vân Phong được triển khai trên địa phận xã Ninh Thọ, từ đầu năm 2021 đến nay, giá đất mặt tiền Tỉnh lộ 7 tăng chóng mặt, từ 120 triệu đồng/mét ngang lên 260 triệu đồng/mét ngang. Các khu vực đất ruộng chuyên trồng lúa, đất NTTS trên địa bàn xã này cũng tăng cao khiến người dân địa phương thi nhau bán đìa, bán ruộng.
|
Những ngày đầu tháng 1, qua lời giới thiệu của chủ đất tên P., chúng tôi có mặt tại cánh đồng thôn Bình Sơn (xã Ninh Thọ). Đưa cho chúng tôi xem 13 cuốn sổ đỏ, ông P. mời chào: “Tổng diện tích gộp chung của 13 sổ đỏ này hơn 1ha liền kề nhau, hiện trạng là đất trồng lúa, thời hạn sử dụng đến năm 2027. Toàn bộ cánh đồng này đã được cắm mốc ranh giới làm đường, quy hoạch lên được đất ở, gia đình tôi đang có việc gấp cần bán, bây giờ anh mua thì 3,5 tỷ đồng, một thời gian nữa chắc chắn không còn giá đó”. Là đất chuyên trồng lúa, tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, nhiều diện tích đất trên cánh đồng thôn Bình Sơn đã được san phẳng từ lâu và cắm cọc bê tông, phân lô. Theo người dân địa phương, giá đất ruộng lúa trước đây chưa đầy 100 triệu đồng/sào (1.000m2) nay đã tăng lên 200 triệu đồng/sào. Nhiều gia đình còn đầu tư cả cọc bê tông, lưới thép B40 vây quanh để giữ ranh giới. Ông P. cho biết, các thửa đất trên cánh đồng được phân lô để bán đã lâu không còn sản xuất lúa, người mua đang giữ đất để đợi chuyển đổi mục đích sử dụng đất bán cho được giá. Bà Trang, người dân địa phương cho biết thêm, mới đây, có người mua mấy đám ruộng khu vực gần kho xăng Ninh Thọ với giá 200 triệu đồng/sào, sau đó san bằng để phân lô bán được 2,5 tỷ đồng.
|
Qua lời giới thiệu của môi giới tên M., chúng tôi tiếp tục đi qua thôn Xuân Mỹ (xã Ninh Thọ) đến khu vực các đìa NTTS của người dân địa phương. Đưa sổ đỏ cho chúng tôi xem, bà M. cho biết, thửa đất này hơn 4.200m2 đất NTTS, theo quy hoạch sẽ chuyển đổi qua được đất ở, gia đình đang bán với giá 5 triệu đồng/m2. Ngay sát Khu tái định cư Xóm Quán (xã Ninh Thọ), môi giới tên T. dẫn chúng tôi tới xem đìa nuôi thủy sản rộng 2.318m2 đang rao bán giá 3,2 tỷ đồng. Khu vực này ngay sát đường và có cơ sở hạ tầng đầy đủ xung quanh, tương lai sẽ quy hoạch lên đất ở đô thị. Do sản xuất hiệu quả thấp, giá đất tăng nên nhiều người NTTS đang rao bán với giá khác nhau tùy theo vị trí và diện tích.
|
Theo tìm hiểu của phóng viên, không chỉ riêng xã Ninh Thọ, đất trồng lúa, đất NTTS ở các xã, phường khác như: Ninh Hải, Ninh Diêm, Ninh Thủy, Ninh Xuân, Ninh Hà… cũng đang được rao bán nhiều trên các trang mạng xã hội. Để phản ánh, cung cấp thông tin về tình trạng san lấp trên đất nông nghiệp và đặt câu hỏi về công tác quản lý đất đai trên địa bàn xã Ninh Thọ thời gian qua, phóng viên đã nhiều lần liên hệ, đến trụ sở UBND xã, gọi điện, nhắn tin đăng ký làm việc với ông Võ Khánh Đăng - Chủ tịch UBND xã Ninh Thọ nhưng ông Đăng nói bận họp và sau đó không phản hồi.
Tăng cường công tác quản lý
Bà Nguyễn Thị Hồng Hải - Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa cho biết, thị xã đang triển khai lập mới quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030. Để tránh phát sinh mâu thuẫn giữa các quy hoạch (quy hoạch cấp tỉnh, quy hoạch Khu Kinh tế Vân Phong và các quy hoạch ngành khác) và làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng đất, UBND thị xã đã thông báo tạm dừng tiếp nhận giải quyết đối với hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất.
Đối với đất ruộng lúa, đất NTTS, khi Nhà nước giao quyền sử dụng đất cho người dân, luật cho phép họ có quyền chuyển nhượng, thế chấp và tặng cho nên chính quyền, cơ quan chức năng khó can thiệp sâu. Tuy nhiên, việc mua bán đất ruộng lúa được pháp luật về đất đai quy định chặt chẽ. Chỉ những người ở địa phương, trực tiếp canh tác ruộng lúa mới được chuyển nhượng đất ruộng lúa cho người ở địa phương đó. Khi thực hiện chuyển nhượng, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thị xã Ninh Hòa sẽ gửi thông tin của người bán và người mua về địa phương để xác nhận việc người bán và người mua có phải trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp và có nguồn thu nhập ổn định từ đất nông nghiệp hay không. Chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm trước pháp luật trong việc xác nhận đó.
Cùng với đó, thị xã cũng đã có văn bản chỉ đạo các xã, phường tăng cường công tác kiểm soát đất đai trên địa bàn, nếu phát hiện tình trạng phân lô, bán nền, kịp thời thông tin, phản ánh để thị xã kiến nghị với tỉnh chấn chỉnh. Theo bà Hải, việc tách thửa thuộc thẩm quyền của Văn phòng đăng ký đất đai (Sở Tài Nguyên và Môi trường). Do đó, để kiểm soát tình trạng phân lô, bán nền cần có quy chế phối hợp giữa Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai và các địa phương, trong quá trình tách thửa nên có ý kiến của địa phương.
Theo đồ án Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030, thị xã Ninh Hòa dự kiến chuyển đổi khoảng 6.000ha đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp. Bà Hải cho biết, phần lớn diện tích đất nông nghiệp chuyển sang đất phi nông nghiệp nằm trong quy hoạch Khu Công nghiệp Ninh Xuân 4.000ha, Khu Công nghiệp Ninh Sơn 1.600ha…, còn lại đất của người dân được chuyển mục đích sử dụng rất ít. Thị xã Ninh Hòa khuyến cáo người dân về các dự án mà tỉnh đang triển khai, khi Nhà nước thu hồi đất sẽ đền bù giá đất theo quy định của pháp luật.
Mới đây, UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất của các hộ gia đình, cá nhân; chỉ cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở đối với các thửa đất nằm trong khu dân cư hiện có, đáp ứng được điều kiện hạ tầng khu vực, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng hoặc quy hoạch điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. UBND tỉnh yêu cầu các địa phương nghiêm cấm việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với các thửa đất nằm ngoài khu vực dân cư hiện có, dẫn đến hình thành các điểm dân cư mới chưa đáp ứng được điều kiện cơ sở hạ tầng khu vực, gây ra tình trạng phân lô, bán nền tràn lan trên địa bàn.
___________________________________
Luật sư Nguyễn Tường Linh (Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa): Tự ý san lấp đất nông nghiệp trái phép bị coi là hành vi hủy hoại đất. Theo khoản 25 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013, hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình, làm suy giảm chất lượng đất, gây ô nhiễm đất, làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định. Ngoài bị xử phạt vi phạm hành chính, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, người có hành vi hủy hoại đất còn có thể bị xử lý hình sự theo Điều 228 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Đối với việc mua bán đất trồng lúa, đất nuôi trồng thủy sản, nếu chính quyền không quản lý chặt sẽ dẫn đến nguy cơ xảy ra tranh chấp giữa người mua và người bán.
Theo https://www.baokhanhhoa.vn/phong-su/202201/ru-nhau-ban-dia-ban-ruong-8240338/