Tuy tỉnh Khánh Hòa đã có chủ trương không khuyến khích phát triển du lịch tại đảo Điệp Sơn (huyện Vạn Ninh), nhưng thời gian qua, hàng loạt công trình không phép vẫn được các doanh nghiệp khai thác du lịch xây dựng tại đây.
Những công trình không phép
Từ bến tàu thị trấn Vạn Giã, sau hơn 15 phút đi ca-nô cao tốc, chúng tôi đến đảo Điệp Sơn. Thay vì cập vào cầu cảng của đảo, nhân viên Công ty TNHH Sơn Nam lại cho ca-nô cập vào cây cầu nổi rất chông chênh làm từ ván gỗ và những thùng phuy nhựa, dài chừng 20m, nằm sát con đường nối từ thôn đảo sang Hòn Bịp. Được biết, dù không được cấp phép, không đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, nhưng bến tạm này đã hoạt động trong thời gian dài, bất chấp cảnh báo của các ngành chức năng.
|
Ngay khu vực bãi biển này là khu nhà hàng, nghỉ chân cho du khách của công ty, được xây dựng kiên cố trên nền xi măng, tường gạch, chỉ có phần mái che được làm bán kiên cố bằng cách lợp lá. Không chỉ vậy, đơn vị này còn làm thêm 2 chòi lá, nền xi măng có sức chứa hàng trăm khách. Từ khu vực này, du khách muốn vào các hàng quán của người dân trong thôn, phải mất 10 phút đi bộ.
Xuống cầu tàu, chúng tôi rẽ trái, men theo bờ biển, lập tức bắt gặp nhiều công trình xây dựng kiên cố đang mọc lên tại đây. Theo quan sát của chúng tôi, tại khu vực xây dựng của Công ty TNHH Sơn Nam có khoảng 20 thợ xây thực hiện các hạng mục công trình khác nhau như: nhà vệ sinh, nhà nghỉ nhân viên và hàng chục trụ bê tông cốt thép được dựng lên mà theo thợ xây là để làm bể nước, các chòi cho khách nghỉ ngơi... Họ phần lớn đều đến từ Tuy Hòa (Phú Yên), đã làm ở đây được hơn 3 tháng. Để đẩy nhanh tiến độ thi công, những người thợ xây được bố trí ăn ở ngay tại đảo.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Mẫn - Trưởng thôn Điệp Sơn cho biết, việc xây dựng các công trình trên đảo của Công ty Sơn Nam diễn ra từ nhiều tháng nay. “Mỗi công trình dựng lên tôi đều biết và có báo cáo với UBND xã Vạn Thạnh. Với chức trách của mình, tôi chỉ thông tin đến xã, còn họ làm có được cấp phép hay không thì thôn không thể nắm được”, ông Mẫn nói. Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài Công ty TNHH Sơn Nam, Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch Nha Trang Đông Đô cũng có các công trình xây dựng trái phép.
Chui rào... vào nhà
Nham nhở, nhếch nhác bởi những công trình xây dựng kiên cố không phép nằm rải rác, không theo quy hoạch là thực trạng phóng viên ghi nhận được ở Điệp Sơn. Bên cạnh đó là nỗi bức xúc của người dân nơi đây.
Dưới cái nắng hừng hực của tháng 4, hơn 11 giờ trưa, ông T. mồ hôi nhễ nhại, khuân từng viên gạch vào khu đất có đống đổ nát nơi trước đây từng là nhà của ông. Được biết, cơn bão số 12 đã cuốn phăng ngôi nhà của ông T. nhưng đến nay đã nửa năm trôi qua, ông vẫn chưa xây xong nhà của mình vì muốn đưa vật liệu vào, ông và những người thợ phải... chui hàng rào thép gai. “Gần 20 năm sống ở đất này, trước nhà là biển xanh, hàng ngày tôi muốn tắm, muốn bơi lội, cập ghe chở đồ hết sức thuận lợi. Thế nhưng, từ sau cơn bão số 12, người ta làm hàng rào thép gai, rào dọc bờ biển nên bây giờ muốn vào, tôi phải chui nhủi như thế này. Có căn nhà bị sập mà bây giờ muốn dựng lại cũng không được”, ông T. nói.
|
Theo người đàn ông này, Công ty TNHH Sơn Nam cho rằng, phần bãi cát dọc bờ biển trước mặt nhà ông và các khu đất lân cận đã được công ty thuê hết, nên họ rào lại để không ai xâm phạm. Không chỉ riêng nhà ông T. mà những khu đất bên cạnh, chủ đất muốn đi vào cũng phải chung cảnh... chui rào.
Nhà ở thị trấn Vạn Giã, ông V. ra Điệp Sơn ở đã hơn nửa năm nay. Ông được một người thuê ra ở để trông coi phần đất của một Việt kiều, cũng đang bị bủa vây bởi hàng rào thép gai. Để có đường vào, ông phải lén cắt một đoạn thép. “Tôi thấy khu đất này bị rào lại lâu rồi, chủ đất thì ở nước ngoài, thỉnh thoảng mới ghé về. Dự định của ổng là mua đất ngay sát mặt biển để làm du lịch từ nhiều năm trước. Bây giờ bị “chặn” mặt tiền thế này thì chỉ có nước đi trực thăng mới có đường. Nghe đâu, hồi mới bị rào thép gai, hình như cũng có kiện tụng lên huyện, nhưng tới giờ vẫn thấy như vậy, không làm gì được”, ông V. chia sẻ.
Bên cạnh tình trạng xây dựng trái phép và hoạt động theo kiểu “ngăn sông cấm chợ” của các doanh nghiệp du lịch, ở Điệp Sơn tình hình an ninh trật tự cũng là vấn đề đáng quan tâm. Thượng tá Lê Văn Tính - Phó Trưởng Công an huyện Vạn Ninh cho biết, vào lúc 22 giờ ngày 20-4, ông Lê Văn Linh - nhân viên của Công ty TNHH Sơn Nam trong lúc đang trông coi tài sản của công ty tại bến tàu thị trấn Vạn Giã đã bị 2 thanh niên lạ mặt đến dùng hung khí chém vào phần lưng rồi bỏ chạy. Người này đã được đưa đi cấp cứu kịp thời. Hiện nay, Công an huyện đang phối hợp cùng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an tỉnh điều tra làm rõ vụ việc.
|
Cần tăng cường quản lý
Ông Trần Ngọc Khiêm - Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh cho biết: Chúng tôi yêu cầu các doanh nghiệp cam kết toàn bộ công trình trên đảo phải là công trình tạm, không được phép xây kiên cố. Những công trình nào xây dựng bằng vật liệu gạch đá, bê tông xi măng là hoàn toàn sai quy định. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng của huyện đã phát hiện Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch Nha Trang Đông Đô có xây một nhà bằng gạch kiên cố; họ lấy lý do là nhà cho nhân viên ở để trông coi tài sản. Tuy nhiên, huyện không đồng ý và đề nghị xã Vạn Thạnh phải lập biên bản, yêu cầu tháo dỡ toàn bộ công trình.
Thông báo số 729 ngày 27-10-2017 UBND tỉnh yêu cầu: “Chỉ sử dụng cầu đò dân sinh hiện có để vận chuyển khách du lịch, không cho thuê mặt bằng để làm cầu đò thứ 2”. Thế nhưng thực tế, 2 doanh nghiệp hoạt động du lịch tại đây vẫn tổ chức đưa đón khách qua các cầu tạm do mình lập ra, không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, an toàn giao thông và đặc biệt là không nằm trong quy hoạch bến thủy nội địa của tỉnh. |
Còn những công trình xây dựng của Công ty TNHH Sơn Nam, ông Khiêm cho biết, huyện đã nắm được vấn đề này. Tuy nhiên, công trình trái phép của doanh nghiệp này nằm ngoài phạm vi cho thuê làm du lịch của UBND xã Vạn Thạnh. “Doanh nghiệp đã tự ý lấn chiếm đất trái phép do xã quản lý và xây dựng trái phép công trình này. Huyện đã yêu cầu xã phải lập biên bản, tháo dỡ toàn bộ công trình trên đất lấn chiếm. Thời gian thực hiện cưỡng chế tháo dỡ cụ thể như thế nào thì xã chưa có báo cáo. Quan điểm của huyện là thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, sai đến đâu xử lý đến đó”, ông Khiêm thông tin.
Phóng viên đã nhiều lần liên hệ với lãnh đạo xã Vạn Thạnh để tìm hiểu công tác quản lý của xã cũng như kết quả xử lý các sai phạm của doanh nghiệp theo chỉ đạo của huyện nhưng lãnh đạo xã không nghe điện thoại.
Rõ ràng, những sai phạm của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch tại Điệp Sơn đã được huyện Vạn Ninh chỉ ra, nhưng tại sao đến thời điểm này những sai phạm đó vẫn chưa được xử lý? Thiết nghĩ đã đến lúc các cơ quan hữu quan và địa phương cần quyết liệt vào cuộc chấn chỉnh các hoạt động du lịch tại hòn đảo này.
Theo Báo Khánh Hòa