Đó là một trong những nội dung chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Đắc Tài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại Thông báo số 490/TB-UBND, ngày 10/8/2018 về việc thành lập và công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa
Ảnh minh họa
Theo đó, trong thời gian qua, việc thành lập 02 Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh là đúng với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước trong công tác cải cách tư pháp. Tuy nhiên, hiện nay, các quy định pháp luật để làm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện quản lý nhà nước đối với hoạt động Thừa phát lại chưa được ban hành kịp thời để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, do đó, yêu cầu Sở Tư pháp: (1) Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh, quan tâm, bố trí cán bộ có năng lực chuyên môn để theo dõi, tham mưu công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động này; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn không đúng quy định để xử lý, chấn chỉnh, đảm bảo hoạt động thừa phát lại thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. (2) Xuất phát từ tình hình thực tiễn tại địa phương, tạm dừng việc cho phép thành lập mới Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Sau khi các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương thực hiện tổng kêt việc thí điêm hoạt động thừa phát lại và các quy đinh của pháp luật về quản lý hoạt động thừa phát lại được ban hành, việc thành lập thừa phát lại trên địa bàn tỉnh sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, đối với việc xử lý nội dung phản ánh của báo chí về việc Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh lập vi bằng có yếu tố nước ngoài, Sở Tư pháp làm việc với các cá nhân và đơn vị có liên quan, xử lý dứt điểm vụ việc, báo cáo kết quả thực hiện cho Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh chậm nhất trước ngày 31/8/2018.
Được biết, trên cả nước hiện có 32 tỉnh, thành triển khai chế định thừa phát lại, trong đó, có Khánh Hòa với 02 văn phòng thừa phát lại đã được thành lập (gồm Văn phòng Thừa phát lại Nha Trang và Văn phòng Thừa phát lại Cam Ranh), tuy mới chỉ hoạt động một thời gian ngắn nhưng đã bộc lộ nhiều bất cập. Hiện tại, ngoài hai Nghị định 61/2009/NĐ-CP và Nghị định 135/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chế định thừa phát lại đối với 13 địa phương triển khai thí điểm, đến nay chưa có nghị định nào quy định về lĩnh vực này chung cho cả nước. Do đó, công tác quản lý hoạt động thừa phát lại trên địa bàn tỉnh thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn.
Ngọc Minh tổng hợp