Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, hoạt động của tội phạm công nghệ cao ngày càng diễn ra phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi. Trước tình hình đó, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành kế hoạch tăng cường các giải pháp phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2026.
Nhiều thủ đoạn lừa đảo
Mới đây, chị N.T.P (đường Phan Đình Giót, TP. Nha Trang) nhận được điện thoại của một người tự xưng là nhân viên chăm sóc khách hàng của một nhãn hàng mà chị thường xuyên nhập sản phẩm về bán, thông báo chị trúng thưởng 1 chiếc xe máy SH trị giá gần 100 triệu đồng. Để nhận được phần thưởng trên, người này hướng dẫn các bước chi tiết, trong đó có việc yêu cầu chị nộp 10 triệu đồng vào một tài khoản để công ty đóng các khoản lệ phí giúp chị. Do nghi ngờ, chị P. đã liên hệ trực tiếp với công ty cung cấp sản phẩm mới biết đơn vị có chương trình trúng thưởng, nhưng người trúng không phải là chị và doanh nghiệp cũng không yêu cầu người trúng giải phải đóng bất kỳ một khoản tiền nào. Hay trường hợp của anh L.H.M (đường Lương Định Của, TP. Nha Trang) nhận được cuộc gọi từ một người xưng là cán bộ Cục Cảnh sát giao thông, thông báo lỗi phạt nguội của chiếc xe ô tô anh đang sử dụng rồi yêu cầu đóng phạt qua số tài khoản người này cung cấp. Do đã biết trước thủ đoạn này nên anh M. đã tránh được cái bẫy mà đối tượng giăng ra. Chị P. và anh M. đã tránh được cú lừa, nhưng điều họ thắc mắc là những thông tin cá nhân của mình không biết bằng cách nào rơi vào tay các đối tượng này.
|
Theo lãnh đạo UBND tỉnh, hiện nay, tình hình vi phạm pháp luật, tội phạm mạng, tội phạm lợi dụng công nghệ cao ngày càng diễn biến phức tạp, gia tăng về số vụ, phạm vi, quy mô; tính chất và thiệt hại ngày càng nghiêm trọng. Hầu hết các loại tội phạm truyền thống đều sử dụng công nghệ thông tin, viễn thông vào các hoạt động phạm tội. Trên địa bàn tỉnh, các lực lượng chức năng đã chủ động triển khai công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao bằng nhiều biện pháp. Tuy nhiên, loại tội phạm này vẫn còn xảy ra nhiều, gây thiệt hại lớn. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do còn nhiều người dân, doanh nghiệp chưa đề cao cảnh giác; thông tin của người dân bị lọt trên mạng Internet quá dễ dàng; công tác quản lý nhà nước của nhiều lĩnh vực trên không gian mạng còn sơ hở; sự phối hợp giữa các cơ quan, các cấp, ngành chưa đồng bộ…
Cần vào cuộc đồng bộ
Trong kế hoạch tăng cường các giải pháp phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2026, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và thông báo phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm sử dụng công nghệ cao đến toàn thể mọi người để nâng cao cảnh giác; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh trật tự, xác định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; có biện pháp nâng cao tính bảo mật, an toàn mạng máy tính và dữ liệu khi kết nối, truy cập không gian mạng, sử dụng các hình thức thanh toán trực tuyến, chia sẻ thông tin cá nhân. Bên cạnh đó, phối hợp, hỗ trợ và thực hiện đề nghị của các cơ quan chức năng trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các loại tội phạm và vi phạm pháp luật có sử dụng công nghệ cao…
UBND tỉnh cũng đề nghị các cấp, ngành nghiên cứu xây dựng kế hoạch, đề ra các giải pháp cụ thể phù hợp với thực tiễn cơ quan, đơn vị, địa phương để phòng, chống hiệu quả tội phạm sử dụng công nghệ cao. Trong đó, đặc biệt lưu ý đến vai trò, trách nhiệm của Công an tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa.
Đồng chí Phạm Duy Lộc - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, theo kế hoạch của UBND tỉnh, đơn vị có trách nhiệm phối hợp với Công an tỉnh để hướng dẫn các cơ quan báo chí, hệ thống thông tin cơ sở tăng cường tuyên truyền sâu rộng nội dung này; chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định. Sở cũng sẽ chủ động phối hợp cung cấp thông tin, dữ liệu phục vụ điều tra; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý, giám sát các trang thông tin điện tử, tài khoản mạng xã hội có hành vi vi phạm pháp luật…
Theo số liệu của UBND tỉnh, năm 2020, toàn tỉnh xảy ra 143 vụ việc liên quan đến tội phạm sử dụng công nghệ cao với thiệt hại hơn 26 tỷ đồng; năm 2021, xảy ra 186 vụ, thiệt hại 31,3 tỷ đồng; năm 2022, xảy ra 461 vụ, gây thiệt hại hơn 109,2 tỷ đồng. Trong số các vụ việc xảy ra năm 2022, có 36 vụ lừa huy động vốn đầu tư tài chính, với thiệt hại 44,8 tỷ đồng; lừa đảo tuyển dụng cộng tác viên bán hàng online 86 vụ, thiệt hại 20,9 tỷ đồng; lừa đảo giả danh cơ quan chức năng 56 vụ, thiệt hại 16,3 tỷ đồng; lừa đảo tình cảm, nhận quà qua mạng xã hội 83 vụ, thiệt hại 9,7 tỷ đồng; chiếm quyền sử dụng tài khoản mạng xã hội để giả danh yêu cầu chuyển tiền 105 vụ, thiệt hại hơn 6,8 tỷ đồng; lừa vay tiền qua app 49 vụ, thiệt hại 5,3 tỷ đồng…
|
Theo https://www.baokhanhhoa.vn/phap-luat/202302/tang-cuong-phong-chong-toi-pham-cong-nghe-cao-8275944/