Năm 2022, công tác theo dõi thi hành pháp luật lĩnh vực trọng tâm, liên ngành của tỉnh Khánh Hòa đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng vẫn còn một số khó khăn, bất cập. Đây là ghi nhận của đoàn kiểm tra Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp) tại cuộc kiểm tra trực tuyến tỉnh vừa qua.
Kết quả ghi nhận
Ngày 24-1, UBND tỉnh ban hành kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành năm 2022 trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch xác định 3 lĩnh vực trọng tâm, gồm: Tình hình thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19; thi hành pháp luật trong tự chủ đại học thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo; thi hành pháp luật về lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra 6 cơ quan, đơn vị, địa phương.

Trường Đại học Khánh Hòa là đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh. Trong ảnh: Giờ học toán tại trường.
|
Kết quả cho thấy, trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ cá nhân, tổ chức bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tỉnh đã thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống người dân. Toàn tỉnh đã chi hỗ trợ hơn 675 tỷ đồng theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; gần 2 tỷ đồng cho 41 doanh nghiệp theo Quyết định số 08 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất hơn 1.523 tỷ đồng...
Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh thông qua nghị quyết quy định mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập, giáo dục thường xuyên và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2022 - 2023 đến năm học 2025 - 2026. Sở Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn các đơn vị trực thuộc xây dựng phương án tự chủ tài chính. Giai đoạn 2022 - 2026, sở có 1 đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên; 21 đơn vị tự đảm bảo một phần chi thường xuyên; 12 đơn vị được Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên. Từ năm 2020 đến nay, đã có 2 trường THCS, 2 trường THPT được thành lập.
Trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, toàn tỉnh có 3 dự án nhà máy thủy điện đã hoàn thành, đưa vào vận hành với tổng công suất 72MW; 1 dự án trong giai đoạn triển khai đầu tư. Các chủ đập, hồ chứa thủy điện đều đã cắm mốc xác định phạm vi bảo vệ an toàn hồ chứa và đập.
Một số khó khăn cần tháo gỡ
Đồng chí Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, công tác theo dõi thi hành pháp luật vẫn còn một số khó khăn, nhất là về tổ chức bộ máy, biên chế. Hiện nay, Phòng Văn bản quy phạm pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật (Sở Tư pháp) chỉ có 6 biên chế. Ở cấp huyện, công tác theo dõi thi hành pháp luật do các phòng tư pháp tham mưu. Do chưa bố trí được biên chế nên 14 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh chưa thành lập được phòng pháp chế theo Nghị định số 55 ngày 4-7-2011 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế. Công tác pháp chế tại hầu hết sở, ngành vẫn do cán bộ, công chức chuyên môn kiêm nhiệm, chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhân lực cho công tác quản lý tài nguyên nước cũng thiếu, đặc biệt ở cấp huyện, xã. Ngoài ra, tỉnh cũng chưa bố trí được kinh phí riêng cho công tác theo dõi thi hành pháp luật mà giao chung trong kinh phí chi thường xuyên; chưa có quy định phân cấp cho UBND cấp huyện cấp phép khai thác, sử dụng nước dưới đất, khai thác và sử dụng nước biển, xả nước thải vào nguồn nước.
Đồng chí Phạm Quốc Đạt - Phó Giám đốc Sở Tư pháp đề nghị Bộ Tư pháp tham mưu Chính phủ sớm ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định số 55; tham mưu ban hành quy định, chế tài xử lý các trường hợp vi phạm quy định về theo dõi thi hành pháp luật; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ. Riêng lĩnh vực tài nguyên và môi trường, đề nghị sớm triển khai đề án kiểm kê tài nguyên nước quốc gia; xây dựng cơ sở dữ liệu và có cơ chế, chính sách về tài nguyên nước; hướng dẫn chi tiết quản lý tài nguyên nước, nhất là trong giải quyết tranh chấp; đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước…
Đồng chí Đặng Thanh Sơn - Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật ghi nhận các kiến nghị và thừa nhận, khó khăn về nhân lực đã ảnh hưởng đến quá trình tổ chức thực hiện. Cùng với một số bất cập về thể chế pháp lý, kinh phí hạn chế là vấn đề tồn tại nhiều năm. Đồng chí đề nghị, về phía tỉnh cần nhận định, đánh giá cụ thể hơn về quá trình thực hiện nhiệm vụ để có định hướng thực thi pháp luật hiệu quả hơn; đồng thời tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật…
Theo https://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202212/theo-doi-thi-hanh-phap-luat-linh-vuc-trong-tam-lien-nganh-con-mot-so-kho-khan-bat-cap-8273291/