Luật Xử lý vi phạm hành chính - XLVPHC (viết tắt là luật) có hiệu lực từ ngày 1-7-2013. Qua 6 năm thực hiện, công tác quản lý thi hành pháp luật về XLVPHC đã bộc lộ nhiều vướng mắc.
Khó khăn khi áp dụng luật
Luật quy định, chủ thể bị xử phạt VPHC là cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm. Tuy nhiên, trong xử phạt VPHC lĩnh vực đất đai, ở Nghị định (NĐ) số 102/2014 của Chính phủ, đối tượng xử phạt lại có cả hộ gia đình và cộng đồng dân cư.
Việc mức độ xử phạt, luật quy định căn cứ vào việc xác định giá trị tang vật VPHC. Điều này khiến hội đồng thẩm định giá gặp không ít khó khăn khi tang vật là hàng cấm hoặc hàng không có giá trị chuẩn trên thị trường (ngà voi, sừng tê giác...). Thời hạn gửi quyết định xử phạt VPHC cho cá nhân, tổ chức bị phạt và các cơ quan liên quan (nếu có) quy định là 2 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định xử phạt có lập biên bản cũng khó thực hiện khi người vi phạm ở xa, vụ việc có nhiều đối tượng.
Việc tạm giữ cũng vướng. Luật quy định không được tạm giữ giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh khi XLVPHC bằng hình thức phạt chính (phạt tiền), trừ trường hợp bị phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Việc không thể tạm giữ các giấy tờ trên để đảm bảo thi hành quyết định xử phạt bằng tiền khiến đối tượng vi phạm chây ì, trốn tránh thi hành. Thời hạn tạm giữ tang vật để xác định giá trị tối đa 48 giờ cũng gây khó cho cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt trong trường hợp phải thành lập hội đồng thẩm định giá. Khoản 1 Điều 126 Luật XLVPHC nêu: «Đối với tang vật, phương tiện đang bị tạm giữ do bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để VPHC thuộc trường hợp bị tịch thu thì trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp. Trong trường hợp này, cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp một khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm vào ngân sách nhà nước”. Quy định này chưa khả thi, bởi thực tế, hầu hết phương tiện vận tải có giá trị lớn, nhưng đa số tài xế chỉ làm thuê, không có khả năng nộp khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm.
Quy định khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện VPHC là chỗ ở phải được chủ tịch UBND cấp huyện đồng ý cũng ảnh hưởng đến kết quả khám xét của công an vùng sâu, vùng xa, bởi để xin phê duyệt thường mất 1 - 2 ngày. Ngoài ra, luật cũng chưa quy định, hướng dẫn thế nào là “hậu quả lớn”, “quy mô lớn”...
|
Văn bản quy định chi tiết cũng vướng
NĐ số 167/2013 của Chính phủ quy định, mức phạt tiền đối với hoạt động kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự mà không có giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự là từ 5 đến 15 triệu đồng. Mức này không phù hợp với thẩm quyền xử phạt VPHC của trưởng công an cấp huyện, là thủ trưởng đơn vị trực tiếp cấp giấy chứng nhận an ninh trật tự và quản lý một số cơ sở kinh doanh có điều kiện theo phân cấp. Hiện cũng chưa có quy định xử phạt cơ sở hoạt động dịch vụ thẩm mỹ vi phạm do NĐ số 176/2013 của Chính phủ về xử phạt VPHC trong lĩnh vực y tế chưa được sửa đổi, bổ sung.
Trong lĩnh vực thương mại, NĐ số 185/2013 của Chính phủ quy định hàng giả là “hàng hóa có hàm lượng định lượng chất chính hoặc tổng các chất dinh dưỡng hoặc đặc tính cơ bản khác chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng hoặc quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa”. Việc quy định tổng các chất dinh dưỡng mà không quy định từng chất tạo ra kẽ hở cho đối tượng vi phạm. Ngoài ra, cũng chưa có văn bản nào quy định đối với từng loại hàng hóa, chất nào là chất chính.
Trong lĩnh vực xây dựng, NĐ số 139/2017 của Chính phủ thay thế NĐ số 121/2013 và NĐ số 180/2007 nhưng lại không quy định về: trách nhiệm đối với các đơn vị cung cấp điện, nước và các dịch vụ khác liên quan đến công trình vi phạm trật tự xây dựng; áp dụng biện pháp ngừng cung cấp điện, nước đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng; thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế trong trường hợp giấy phép xây dựng do UBND cấp huyện hoặc sở xây dựng cấp. Theo NĐ 139 và Thông tư số 03/2018 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, đối với công trình đang xây dựng sai hoặc không có giấy phép, không phân biệt đủ hay không đủ điều kiện cấp phép, trong 60 ngày, tổ chức, cá nhân vi phạm phải làm thủ tục xin cấp hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng; quá hạn sẽ bị buộc tháo dỡ. Thực tế, thời hạn này có thể làm phát sinh thêm vi phạm; nếu cưỡng chế sẽ gây thiệt hại cho cả người vi phạm và Nhà nước, bởi có trường hợp không thể và không được cấp phép xây dựng.
Lĩnh vực tư pháp và ngân hàng cũng vướng. NĐ số 110/2013 của Chính phủ quy định xử phạt VPHC trong bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã, nhưng chưa quy định xử phạt văn phòng thừa phát lại vi phạm. NĐ số 96/2014 còn hạn chế người có thẩm quyền lập biên bản VPHC, nhất là về vi phạm quản lý ngoại hối, bởi vi phạm có thể do các cơ quan khác phát hiện nhưng lại không có quyền lập biên bản.
Đồng chí Phạm Quốc Đạt - Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho biết, vừa qua, tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác tư pháp, Bộ Tư pháp đã giải đáp một số khó khăn, vướng mắc của địa phương. Sở kiến nghị Bộ Tư pháp tiếp tục xem xét, giải quyết những vấn đề tồn đọng; đồng thời, đề nghị bộ xây dựng phần mềm báo cáo thống kê công tác XLVPHC và xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung toàn quốc. Đề nghị các bộ, ngành Trung ương rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến XLVPHC, kịp thời bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới, phù hợp với pháp luật hiện hành và có tính khả thi.
Theo Báo Khánh Hòa