Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa tràn lan tình trạng khai thác cát trái phép trên các sông, suối, lòng hồ. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cho rằng rất khó chấm dứt tình trạng này vì nhu cầu cát xây dựng trên địa bàn tỉnh rất lớn, trong khi nguồn cung hợp pháp mới chỉ đáp ứng khoảng 1/3.
Nhiều sai phạm
Theo Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt, nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng thông thường đối với cát xây dựng trong giai đoạn 2016 - 2020 là 10 triệu m3. Tính đến nay, UBND tỉnh đã cấp 3 giấy phép khai thác khoáng sản và 29 văn bản cho phép khai thác, nạo vét, thu hồi, vận chuyển khoáng sản tại các bãi bồi, lòng sông, lòng suối… với tổng diện tích 341,5ha, tổng trữ lượng cấp phép hơn 2,5 triệu m3.
Khai thác cát trái phép trên sông Cái thuộc xã Diên Lâm, huyện Diên Khánh.
|
Ông Nguyễn Ngô - Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh: Tính hết công suất của các giấy phép khai thác cát trên địa bàn tỉnh hiện nay, mỗi năm chỉ cung cấp ra thị trường 741.210m3, trong khi điều tra nhu cầu thực tế cung cấp cho thị trường là 2 triệu m3/năm. Như vậy, nguồn cát hợp pháp chỉ đáp ứng khoảng 1/3 lượng tiêu thụ thực tế, còn 2/3 lấy từ đâu? Ngành chức năng phải đánh giá được thực tế này để có những giải pháp về lâu dài. |
Ông Võ Tấn Thái - Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường cho biết, tình trạng khai thác cát trái phép hoặc khai thác không đúng giấy phép tại các sông, suối vẫn xảy ra. Mới đây, UBND tỉnh đã chỉ đạo sở tiến hành các thủ tục thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản của một số đơn vị như: Công ty TNHH Trần Bình (được cấp phép khai thác cát ở sông Cái và nhánh sông Cái huyện Diên Khánh); Công ty TNHH Tiến Thịnh DK (được cấp phép nạo vét, thu hồi cát tại bãi bồi sông Cái đoạn xã Diên Đồng, huyện Diên Khánh); Công ty TNHH Khai thác khoáng sản Phúc Minh; Công ty TNHH Thịnh Phát… “Nơi nào có sông, bãi bồi ven sông thì hầu hết đều có khai thác cát trái phép. Theo quy định, khai thác 5m3 cát cái phép trở lên sẽ bị xử phạt 1 triệu đồng. Mức phạt này không đủ sức răn đe, bởi lợi nhuận từ khai thác cát trái phép quá lớn. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng không phải lúc nào cũng đủ lực lượng đi kiểm tra, bắt quả tang để xử phạt”, ông Thái nói.
Còn nhiều bất cập
Tình trạng khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép diễn ra ngày càng phức tạp. Nguyên nhân chủ yếu là do lợi nhuận do khai thác cát trái phép mang lại rất cao vì không phải nộp tiền cấp quyền khai thác và các khoản phí, thuế, ký quỹ môi trường. Hiện nay, cán bộ quản lý nhà nước về khoáng sản cấp tỉnh đạt trình độ chuyên môn còn ít. Cán bộ cấp huyện và cấp xã chưa đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ cả về số lượng lẫn năng lực chuyên môn. Trong khi đó, lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường cho rằng, lực lượng thanh tra chuyên ngành về khoáng sản của sở luôn không đủ về số lượng biên chế, do không có cán bộ để bố trí, chưa có chuyên môn phù hợp với nhiệm vụ được giao, chưa đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Minh Quang - Phó Trưởng phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh cho biết: “Cầu quá lớn mà nguồn cung hợp pháp không đủ thì sinh ra khai thác cát trái phép. Do lợi nhuận lớn, trong khi hành vi khai thác cát trái phép chỉ bị xử lý hành chính, các mức phạt không đủ sức răn đe. Nhiều lần đoàn đi kiểm tra đột xuất, thay đổi biển số xe để tránh bị phát hiện, nhưng vừa ra khỏi trụ sở là tin báo lên đến tụ điểm khai thác cát rồi”.
Theo Báo
UBND tỉnh Khánh Hòa đang khuyến khích đầu tư sản xuất cát nghiền tại các cơ sở khai thác đá xây dựng để tận dụng nguồn phế thải trong quá trình nghiền đá. Cụ thể, tỉnh kêu gọi đầu tư mới 2 cơ sở chế biến nghiền cát tại huyện Vạn Ninh và TP. Cam Ranh với công suất thiết kế mỗi cơ sở là 200.000m3/năm. Năm 2017, đã có nhà đầu tư khảo sát, đề nghị cho phép lập hồ sơ chế biến cát nhân tạo tại khu vực xã Cam Thịnh Tây (TP. Cam Ranh). Tuy nhiên, vị trí trùng với quy hoạch dự án hồ chứa nước sông Cạn nên UBND tỉnh không đồng ý.