- Lịch sử quan điểm nhà nước pháp quyền
Thuật ngữ “nhà nước pháp quyền” tuy mới xuất hiện trong văn bản của Đảng và Nhà nước ta những năm gần đây, từ Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VII (ngày 29/11/1991) thuật ngữ pháp quyền được nêu ra, đến Hội nghị toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng (năm 1994), quan điểm xây dựng nhà nước pháp quyền được nhắc lại. Từ đó đến nay, thuật ngữ nhà nước pháp quyền lần lượt xuất hiện trong các văn kiện khác của Đảng và Nhà nước, đặc biệt đến Hiến pháp năm 2013, quan điểm nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa được thể chế hóa thành quy định pháp luật rõ ràng để xác định bản chất và đặc trưng của nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, nhìn về lịch sử, tư tưởng nhà nước pháp quyền không phải là sáng kiến của thời hiện đại. Ý tưởng pháp quyền trên thế giới đã manh nha từ thời cổ đại, trong “Nhà nước lý tưởng” của Platôn (427-347 TCN), trong “Chính trị luận” của Arixtốt (384-322 TCN) và trong học thuyết “pháp trị” của Hàn Phi Tử (280-233 TCN).
Đến thế kỷ 17-18, các nhà tư tưởng phương Tây phát triển quan điểm nhà nước pháp quyền lên một bậc, hình thành học thuyết và dần dần hiện thực hóa khi xã hội dân chủ. Có thể kể đến các tác giả như John Locke (1632 - 1704), Montesquieu (1698 - 1755), J.J.Rút-xô (1712 - 1778), I.Kant (1724 - 1804), Hêghen (1770 - 1831)… Theo đó, quan điểm nhà nước pháp quyền phát triển như một thế giới quan. Thế giới quan này đã được thể hiện vào Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ (1776) và nhiều văn kiện pháp lý khác trên thế giới.
Nhà nước pháp quyền nói chung có 2 đặc trưng cơ bản: Một là nhà nước thượng tôn pháp luật; hai là nhà nước và pháp luật tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
- Tư tưởng của Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền
Kết hợp những tri thức tiếp thu được từ truyền thống lịch sử văn hóa của dân tộc với những tư tưởng hiện đại tiếp cận được qua quá trình trải nghiệm, nghiên cứu, khảo sát nhiều cuộc cách mạng, nhiều nhà nước điển hình trên thế giới, cùng với sự thấm nhuần và vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về nhà nước kiểu mới vào điều kiện nước ta, tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền được hình thành và thể hiện thông qua các việc Người làm, thông qua nội dung các tác phẩm của Người để lại và cả trong hệ thống các văn bản, chỉ đạo của Người khi Người trong vai trò Chủ tịch nước. Tuy không dùng thuật ngữ nhà nước pháp quyền, nhưng các đặc trưng nhà nước pháp quyền được hiện ra trong quá trình Người chỉ đạo việc xây dựng và hoàn thiện bộ máy nhà nước và hệ thống pháp luật của Nước Việt Nam mới, phấn đấu để Nhà nước ta thực sự trở thành nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, và “trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Cụ thể, Nhà nước mới thời đại Hồ Chí Minh đã thể hiện các đặc trưng cơ bản của nhà nước pháp quyền:
- Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân
Điều 1 Hiến pháp 1946 ghi nhận “Tất cả quyền binh trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo.” Giải thích về quyền lực thuộc về nhân dân, Hồ Chí Minh giải thích: “Nhân dân có quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nếu những đại biểu ấy tỏ ra không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân. Nguyên tắc ấy bảo đảm quyền kiểm soát của nhân dân đối với đại biểu của mình”[1].
- Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật
Ngay khi Nhà nước Việt Nam mới ra đời, Hồ Chí Minh đã chỉ đạo ngay việc xây dựng pháp luật để tạo cơ sở pháp lý cho việc điều hành nhà nước và quản lý xã hội, nên chỉ đạo giữ lại các văn bản của chế độ cũ nếu không mâu thuẫn với tôn chỉ mục đích của nhà nước mới (Sắc lệnh 47/1946), đồng thời ban hành nhiều sắc lệnh để củng cố chính quyền, ổn định đời sống nhân dân.
- Nhà nước tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân
Trong Tuyên ngôn Độc lập 1945, Hồ Chí Minh trích dẫn và khẳng định những tuyên bố về quyền con người và quyền công dân trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ và trong Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791, “là những lẽ phải không ai chối cãi được”. Từ đó, bản Hiến pháp 1946 đã thể hiện khá đầy đủ tinh thần ấy, ghi nhận các quyền con người và quyền công dân.
- Nhà nước có sự phân công và kiểm soát quyền lực
Ngay từ những ngày đầu, Hồ Chí Minh đã lưu ý đến vấn đề tổ chức và kiểm soát quyền lực. Người nói: “Muốn chống bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy; muốn biết các nghị quyết có được thi hành không, thi hành có đúng không, muốn biết ai ra sức làm, ai làm qua chuyện, chỉ một cách, là khéo kiểm soát. Kiểm soát khéo bao nhiêu, khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất định bớt đi”[2].
- Nhà nước có đội ngũ cán bộ, công chức tôn trọng pháp luật, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân
Sinh thời, Hồ Chí Minh đã căn dặn cán bộ công chức luôn phải rèn luyện đạo đức, phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; đồng thời, lên án gay gắt các hành vi tham ô, tham nhũng, lãng phí, cửa quyền,… Người đã ký nhiều sắc lệnh để hướng dẫn xử lý các tội phạm này. Ngày 25/02/1946, Sắc lệnh 26 quy định về xử lý các tội phá hoại công sản. Ngày 27/11/1946, Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 223 ấn định hình phạt tội đưa và nhận hối lộ với mức từ 5 năm đến 20 năm tù khổ sai và phải nộp phạt gấp đôi số tiền nhận hối lộ.
Theo đó, tư tưởng của Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước rất nhất quán với quan điểm nhà nước pháp quyền hiện nay.
3. Các đặc trưng của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân
Đến nay, hầu hết các tài liệu thống nhất nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân với 6 đặc trưng cơ bản sau:
- Đặc trưng thứ nhất: Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.
+ Nhà nước của dân: là nhà nước đại diện cho toàn thể nhân dân, nhà nước là thực thể đại diện quyền lực của nhân dân;
+ Nhà nước do nhân dân: toàn bộ mô hình nhà nước do nhân dân quyết định, thông qua cơ quan đại biểu. Cơ quan đại biểu từ Trung ương đến địa phương đều do nhân dân bầu ra, các cơ quan khác do Quốc hội và cơ quan đại biểu quyết định;
+ Nhà nước vì nhân dân: tất cả tổ chức, hoạt động, đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước đều vì mục đích phục vụ lợi ích cho nhân dân, bảo vệ quyền và lợi ích của nhân dân.
+ Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân: Nhân dân quyết định hình thành nhà nước, và thông qua cơ quan đại biểu để thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Mọi hoạt động của bộ máy nhà nước đều được giám sát bởi nhân dân và đại biểu của nhân dân. Các cơ quan nhà nước phải thực hiện đúng và đủ nhiệm vụ của mình, chịu trách nhiệm trước nhân dân và cơ quan đại biểu của nhân dân. Công chức làm sai, không hoàn thành nhiệm vụ bị xử lý theo pháp luật. Đại biểu của nhân dân không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân, không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị nhân dân hoặc cơ quan đại biểu bãi nhiệm.
- Đặc trưng thứ hai: Quyền lực nhà nước là thống nhất, không phân chia nhưng có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.
+ Quan hệ giữa các cơ quan trong bộ máy nhà nước phụ thuộc lẫn nhau trong quá trình việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.
+ Thực chất thì quyền lực nhà nước là thống nhất, không thể tách biệt độc lập các lĩnh vực hoạt động của quyền lực nhà nước.
+ Việc phân công thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp là để đảm bảo tính chuyên môn hóa cao nhưng đồng thời có cơ chế kiểm soát quyền lực và chế ước lẫn nhau.
- Đặc trưng thứ ba: Nhà nước được tổ chức, hoạt động trên cơ sở Hiến pháp và pháp luật, bảo đảm tính tối cao của Hiến pháp và hiệu lực của pháp luật trong đời sống xã hội.
Đây là một trong những đặc trưng tiến bộ và khoa học của tư tưởng nhà nước pháp quyền. Pháp luật không chỉ như là một công cụ để nhà nước quản lý xã hội. Đối tượng để pháp luật điều chỉnh không chỉ gồm người dân, hay các tổ chức xã hội, mà chính Nhà nước phải tổ chức, hoạt động trên cơ sở Hiến pháp và pháp luật để đảm bảo các cơ quan không chồng chéo về nhiệm vụ, chức năng và quyền hạn, đảm bảo cơ chế pháp lý trong điều hành thống nhất, đồng thời hạn chế sự lộng quyền, lạm quyền, xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của công dân từ phía cơ quan nhà nước nói chung và cán bộ, công chức nhà nước.
Từ đặc trưng này đòi hỏi có hệ thống pháp luật đầy đủ và hoàn thiện, vừa đảm bảo tính khoa học, tính đồng bộ, chi tiết cụ thể, khả thi, vừa phản ánh đúng ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Đây vừa là đặc trưng vừa là một trong những yêu cầu mục tiêu phải thực hiện được trong thực tiễn.
- Đặc trưng thứ tư: Nhà nước tôn trọng, thực hiện và bảo vệ quyền con người, quyền công dân, tất cả vì hạnh phúc con người; bảo đảm trách nhiệm pháp lý giữa nhà nước và công dân, thực hành dân chủ, gắn với tăng cường kỷ cương, kỷ luật.
Tôn trọng quyền con người, quyền công dân thể hiện pháp luật tiến bộ. Nhà nước nhận diện các quyền nào là quyền con người, các quyền nào là quyền công dân, để có cơ chế thực hiện việc hiện thực hóa nó trong thực tiễn, vừa đảm bảo thực hành dân chủ, vừa lưu ý trách nhiệm nhà nước và công dân trong việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật. Việc tôn trọng và bảo vệ quyền con người không chỉ được thể hiện trong các điều luật trong Hiến pháp hay các văn bản pháp luật, mà quan trọng hơn, nhà nước có cơ chế đảm bảo thực hiện các quyền ấy trong thực tế, từ quy định đến hành động, bao gồm hành lang pháp lý, quy định về thủ tục và cách thức thực hiện và bảo đảm từng nhóm quyền, cơ chế bảo vệ khi có sự xâm hại.
- Đặc trưng thứ năm: Nhà nước Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, đồng thời bảo đảm sự giám sát của nhân dân, sự giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận.
Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định được vai trò của mình trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, trở thành lực lượng lãnh đạo duy nhất đối với nhà nước và xã hội, vì vậy, đặc trưng này lưu ý vai trò của tổ chức Đảng trong hệ thống chính trị. Tuy nhiên, không phải vì thế mà Đảng là độc quyền, mà Đảng phải chịu sự giám sát, phản biện của nhân dân thông qua các cơ quan đại biểu của mình, thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên Mặt trận.
- Đặc trưng thứ sáu: Nhà nước thực hiện đường lối hoà bình, hữu nghị với nhân dân các dân tộc và các nhà nước trên thế giới. Tôn trọng và cam kết thực hiện các công ước, điều ước, hiệp ước quốc tế đã tham gia, ký kết, phê chuẩn.
Đây là một cam kết quốc tế, nó vừa mang tính pháp lý quốc tế vừa là xu hướng chung của toàn thể giới ngày nay trong xu thế hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa, cùng nhau thực hiện trách nhiệm quốc tế với nhau, cùng giải quyết những vấn đề vượt ra khỏi lãnh thổ quốc gia và những vấn đề mang tính quốc tế, nhưng vẫn đảm bảo tôn trọng chủ quyền và quyền độc lập tự quyết của mỗi quốc gia dân tộc. Việc thực hiện các cam kết quốc tế, xét cho cùng cũng là bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích của công dân trong mỗi quốc gia, dân tộc.
Từ 6 đặc trưng của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, soi lại những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời, liên hệ với thực tiễn Việt Nam hiện nay, có thể rút ra một số bài học sau đây:
- Thứ nhất, hoàn thiện nhà nước để đảm bảo thực sự hiệu lực và hiệu quả. Từ Quốc hội, Chính phủ, hệ thống cơ quan tư pháp đến chính quyền địa phương, đảm bảo mọi chức năng, nhiệm vụ của nhà nước có cơ quan đảm nhiệm, không chồng chéo, không trùng lặp, không đùn đẩy.
Việc phân cấp, phân quyền, phân công trong toàn bộ máy đảm bảo mọi cán bộ, công chức có nhiệm vụ, nhiệm vụ và quyền lực có thể kiểm soát được. Thiết lập cơ chế kiểm soát quyền lực hữu hiệu để khắc phục tình trạng lạm quyền, lộng quyền.
- Thứ hai, tăng cường dân chủ và có cơ chế đảm bảo quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, để nhân dân có thể thực hiện được việc kiểm soát quyền lực nhà nước, tránh để tình trạng người dân thờ ơ và dân chủ hình thức.
- Thứ ba, rà soát và hoàn thiện hệ thống pháp luật, không để tình trạng pháp luật không có giá trị thực thi. Pháp luật phải đủ cụ thể, cả quy định nội dung và thủ tục, trình tự, cách thức, để cán bộ, công chức nhà nước và các tổ chức, cá nhân có thể thực hiện thống nhất và hiệu quả.
Pháp luật phải ghi nhận và có cơ chế bảo đảm quyền con người và quyền công dân. Cán bộ, công chức nhà nước phải tâm niệm thực thi quyền lực nhà nước suy cho cùng cũng chỉ để đảm bảo thực hiện quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân chứ không phải vì những ràng buộc của pháp luật mà phải chấp nhận hy sinh quyền và lợi ích của nhân dân do khó khăn trong quá trình thực thi pháp luật. Mọi vướng mắc cần được giải quyết, nếu là vướng ở văn bản quy phạm thì sửa văn bản quy phạm, nếu vướng mắc trong quá trình thực hiện pháp luật thì nhà nước phải chịu trách nhiệm với người dân.
- Thứ tư, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, đủ phẩm chất và năng lực để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Dù đối diện với rất nhiều áp lực trong công việc với những yêu cầu ngày càng cao, nhưng, không thể vì lý do khó mà nhà nước không thể quản lý được xã hội. Vì vậy, vấn đề nâng cao phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức là vấn đề sống còn của nhà nước. Một nhà nước được hợp thành từ tập thể cán bộ, công chức, nên nếu không quan tâm đến công tác này thì mô hình bộ máy nhà nước có hoàn hảo đến đâu cũng chỉ là mô hình rỗng. Pháp luật có hoàn thiện đến đâu mà không có người thực hiện thì pháp luật cũng không thể tự phát huy. Cán bộ là cái gốc của mọi công việc.
- Thứ năm, Đảng cần phát huy vai trò của mình trong quá trình lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đồng thời, đổi mới tổ chức Đảng để tránh tình trạng Đảng làm thay vai trò quản lý nhà nước. Mặt khác, tăng cường tính chủ động trong công tác phản biện xã hội của tổ chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên.
- Thứ sáu, hợp tác chặt chẽ với các quốc gia và các tổ chức quốc tế để giải quyết các vấn đề liên quốc gia và các vấn đề toàn cầu, vừa thực hiện trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, vừa thể hiện vai trò của Nhà nước với công dân dù trong hay ngoài lãnh thổ quốc gia.
Tóm lại, xây dựng nhà nước pháp quyền tuy không phải là vấn đề mới, tư tưởng này đã xuất hiện từ lâu, nhưng đến nay vẫn là một vấn đề mang tính thời sự. Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngẫm lại những đóng góp của Người cho sự nghiệp cách mạng và cụ thể là cho công cuộc xây dựng nhà nước kiểu mới của dân, do dân, vì dân thì bài học của người vẫn vẹn nguyên giá trị và càng khẳng định sự tiến bộ trong tư tưởng của một lãnh tụ tài ba./.
ThS. Lê Thị Kim Chung, Phó Trưởng Khoa Nhà nước – Pháp luật,Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa
[1] Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1994, tập 12, tr.375.
[2] Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1994, tập 5, tr.327.