Vụ sạt lở kinh hoàng xảy ra ở khu vực dự án Khu dân cư cao cấp Hoàng Phú (phường Vĩnh Hòa, TP. Nha Trang) vừa qua đã cướp đi 4 sinh mạng trong một gia đình, làm khoảng 10 ngôi nhà bị sập hoàn toàn. Người dân cho rằng nguyên nhân là do chủ đầu tư dự án đào đất xây dựng hồ bơi phía trên núi. Để rộng đường dư luận, Báo Khánh Hòa đã ghi lại ý kiến của chủ đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước.
Sở Xây dựng: Chủ đầu tư thi công thiếu trách nhiệm
Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, dự án Khu nhà ở cao cấp Hoàng Phú do Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Thanh Châu (viết tắt là Công ty Thanh Châu) làm chủ đầu tư, có diện tích 11,59ha được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 từ năm 2011. Trong quy hoạch phê duyệt năm 2011, dự án này có hạng mục hồ bơi với tổng diện tích 974m2. Sau đó dự án được điều chỉnh quy hoạch 3 lần và đều giữ hạng mục hồ bơi.
Vị trí múc đất làm hồ bơi tại khu dân cư cao cấp Hoàng Phú nhìn từ trên cao.
|
Ông Trần Văn Thọ - Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, sáng 19-11, đoàn của sở đã kiểm tra hiện trường khu vực sạt lở. Sáng 20-11, sở cùng với UBND TP. Nha Trang và UBND phường Vĩnh Hòa tiếp tục đến hiện trường để kiểm tra thêm, sau đó họp gấp để bàn phương án xử lý. Theo ông Thọ, tại hiện trường, chủ đầu tư đã thi công một mương gom nước mưa từ trên núi xuống (là một phần của núi Cô Tiên). Điểm cuối của mương gom nước này nằm trên đầu khu dân cư. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn kinh hoàng xảy ra vào sáng 18-11. Cả một thác nước khổng lồ từ trên núi xuống, dồn vào một hố lớn mà chủ đầu tư đào múc đất lên. Khi thành của hố nước này vỡ thì đổ ập xuống những ngôi nhà phía dưới. Đáng chú ý, tất cả hạng mục này đều chưa được Sở Xây dựng cấp phép.
Khi phóng viên hỏi chủ đầu tư đào hố có diện tích rất lớn, sâu hơn 1,5m để làm gì, thì ông Thọ cho biết: “Chủ đầu tư giải trình là đào để lấy đất đắp vào khu vực bên cạnh nhằm xây dựng hạng mục nhà hàng. Tất cả các hạng mục mà chủ đầu tư làm đều chưa có giấy phép xây dựng. Trong quy hoạch chi tiết có hạng mục hồ bơi nhưng nếu muốn xây dựng thì họ phải làm thiết kế cơ sở, bản vẽ thi công để sở duyệt. Ngay cả mương gom nước mưa cũng vậy”.
Theo ông Thọ, chủ đầu tư đã sai hoàn toàn khi tự ý làm mương gom nước mưa, làm sai lệch dòng chảy, dẫn đến thác nước đổ ập xuống khu dân cư. Mọi năm, nước chảy từ trên núi xuống, tự tản mát ra các khu dân cư xung quanh và chảy vào trong dự án. Hiện nay, chủ đầu tư gom nước vào một dòng, tạo thành thác nước khủng khiếp khi lượng mưa quá lớn.
Phối cảnh hồ bơi Khu dân cư cao cấp Hoàng Phú trùng với vị trí bị sạt lở.
|
Trong khi đó, ông Lê Văn Dẽ - Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, khi đoàn kiểm tra đến phát hiện chủ đầu tư đặt ống thoát nước (khoảng phi 500) ra khu vực đường 2-4; ống này đặt góc khoảng 30o so với mương gom nước. “Đáng lẽ phải đặt ống thoát nước ở góc khoảng 140o đến 150o thì mới gom được nước mưa xuống. Ống phi 500 cũng quá nhỏ, chỉ có thể thoát nước khi lượng mưa khoảng 100mm trở xuống. Nói chung chủ đầu tư thi công không đúng kỹ thuật. Chủ đầu tư cũng không có trách nhiệm, khi trời mưa lớn không cử bộ phận túc trực để xử lý lượng nước quá lớn dồn ứ ngay trên đầu khu dân cư”, ông Dẽ phân tích.
Trước mắt, Sở Xây dựng đã lập biên bản, đình chỉ thi công dự án Khu dân cư cao cấp Hoàng Phú; đồng thời yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương xử lý hệ thống gom nước để đảm bảo nếu cơn bão số 9 vào thì có thể thoát nước, đảm bảo không đổ xuống khu dân cư. Sở Xây dựng cũng yêu cầu chủ đầu tư có giải pháp gom các viên đá lớn còn lại ở vách núi để đảm bảo an toàn cho người dân, nhưng phải giữ nguyên hiện trường để cơ quan điều tra làm việc. Ngày 22-11, Sở Xây dựng sẽ cùng chính quyền địa phương đi kiểm tra việc khắc phục này.
Chủ đầu tư: Vừa đào núi lấy đất, vừa tạo hố định hình hồ bơi
Ngày 21-11, phóng viên liên hệ với Công ty Thanh Châu (trụ sở đặt tại số 73 Nguyễn Trãi) để tìm hiểu sự việc. Bà Nguyễn Thị Hoài Thanh - Giám đốc công ty khẳng định: “Trong quy hoạch được phê duyệt từ năm 2011, dự án có hồ bơi tại vị trí sạt lở. Thời gian qua, chúng tôi có đào múc đất tại đây để đắp cho hạng mục nhà hàng cạnh đó. Việc đào múc đất cũng là một trong những bước định hình hồ bơi. Trước đó, chúng tôi cũng tổ chức khoan địa chất để có cơ sở triển khai thi công. Khi cơ quan chức năng duyệt quy hoạch chi tiết dự án 1/500, theo Luật Xây dựng thì doanh nghiệp không phải xin giấy phép con để xây các hạng mục trong dự án như công viên, hồ bơi...”.
Bà Thanh cho biết: “Sự việc sạt lở diễn ra hôm 18-11 không ai mong muốn. Tuy nhiên, với trách nhiệm của mình, bước đầu chúng tôi cũng có hỗ trợ đối với các gia đình bị thiệt hại. Hiện tại, công ty phối hợp tích cực với cơ quan chức năng để làm sáng tỏ sự việc”.
Theo tìm hiểu, trên fanpage của Khu nhà ở cao cấp Hoàng Phú được giới thiệu trên trang facebook thì dự án có “hồ bơi vô cực” bắt đầu xây dựng từ ngày 7-11. Dự án Khu nhà ở cao cấp Hoàng Phú cũng đã rao bán đất nền từ năm 2017, đến nay đã có một số hộ xây dựng nhà ở trong dự án này.
Thấy gì qua vụ việc?
Những người dân khu vực này vẫn chưa hết bàng hoàng về sự cố vỡ hồ bơi trên núi. 10 căn nhà trong phút chốc bị sập hoàn toàn; đau lòng hơn là 4 người trong gia đình thầy giáo Trần Hoàng Phong đều thiệt mạng trong tích tắc. Chủ đầu tư cho rằng, sự cố là do thiên tai, nhưng rõ ràng không thể chỉ đổ lỗi “tại mưa quá lớn”. Tại sao xây dựng một hồ bơi có diện tích lớn như vậy khi chưa có sự thẩm định của cơ quan chức năng? Tại sao thi công công trình không đúng kỹ thuật? Tại sao không có các biện pháp đảm bảo an toàn cho công trình nằm ngay trên đầu nhà dân; không cắt cử người ứng trực khi xảy ra mưa lớn?... Tất cả những vấn đề này lẽ ra phải được chủ đầu tư thực hiện có trách nhiệm ngay từ khi bắt đầu và trong suốt quá trình triển khai dự án chứ không thể đổ lỗi do thiên tai, không thể nói rằng nước từ trên núi đổ xuống quá lớn, không vỡ chỗ này thì cũng vỡ chỗ khác!
Và một câu hỏi nữa là dành cho cơ quan chức năng: tại sao không có sự giám sát chặt chẽ ngay từ đầu, để đến khi xảy ra sự cố mới biết công trình đó thi công mà chưa được thẩm định?
“Khoảng 8 giờ sáng 18-11, trời mưa lớn không dứt, tôi ra phía sau nhà thì thấy một dòng nước đục ngàu như nước lũ chảy xuống từ dự án Khu nhà ở cao cấp Hoàng Phú. Thấy lạ nên tôi leo lên kiểm tra thì thấy trước mặt mình là một hồ nước cực lớn. Ngay dưới chân hồ bắt đầu xì ra những tia nước. Linh cảm sắp có chuyện chẳng lành, tôi chạy một mạch xuống núi, vừa chạy vừa hô hoán mọi người mau thoát ra khỏi nhà nếu không sẽ bị sập. Tôi kéo vợ và bế mấy đứa nhỏ vừa lao khỏi nhà thì một tiếng nổ lớn kèm theo nước, đất, đá dội thẳng xuống dãy nhà”. (Ông Ngô Văn Ửng, tổ Hòa Tây 1, phường Vĩnh Hòa).
Trong trận mưa lớn cuối năm 2016, cũng tại phường Vĩnh Hòa xảy ra sự cố vỡ mương thoát lũ ở khu dân cư Đường Đệ khiến một số người bị thương, 4 nhà bị hư hỏng hoàn toàn, nhiều nhà khác bị ảnh hưởng. Đây cũng là công trình xây dựng ở dốc núi, có chất lượng không đảm bảo, tính toán kỹ thuật không tốt khi có một nhánh mương chảy vuông góc với suối Thung, gây sói lở, khi mưa lớn đã vỡ kênh. Có nhiều ý kiến cho rằng, lỗi thiết kế để dòng suối Hố Cừa đâm thẳng vào kênh thoát lũ tây là nguyên nhân chính khiến kênh này bị vỡ, gây trận lũ quét kinh hoàng rạng sáng 13-12-2016.
Một nguồn tin cho biết, hiện nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Nha Trang đã khám nghiệm hiện trường vụ sạt lở gây cái chết thương tâm của gia đình thầy giáo Phong. Công an cũng đã làm việc với Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Thanh Châu để yêu cầu cung cấp các thông tin liên quan đến việc thi công dự án
Theo Báo Khánh Hòa