Cam Ranh là thành phố ven biển nằm ở cực nam tỉnh khánh Hòa có diện tích tự nhiên hơn 32.500 hécta, có bờ biển dài 25km, thuận lợi cho việc đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thủy sản. Hằng năm, mùa mưa bão chính thường bắt đầu từ tháng chín đến tháng 12, trong đó, mưa bão lớn thường tập trung vào 2 tháng 10 và 11 với tổng lượng mưa chiếm 80% lượng mưa cả năm. Theo thống kê, bão, áp thấp nhiệt đới đổ bộ ảnh hưởng trực tiếp đến Cam Ranh những năm qua đã gây ngập lụt tại một số khu vực, chỉ tính từ năm 2010-2017, thành phố bị ảnh hưởng của các cơn bão cấp 8, cấp 9, áp thấp nhiệt đới, lốc xoáy, sạt lở đất v.v… đã gây thiệt hại đáng kể về người và tài sản của nhà nước và nhân dân ước tổng thiệt hại 1.172, 402 tỷ đồng. Cụ thể năm 2010, do ảnh hưởng của cơn bão số 8, đã làm chết 03 người, sập và tốc mái 85 căn nhà, hơn 1.600 hec ta lúa, rau màu các loại thiệt hại; đáng kể, năm 2017 do ảnh hưởng cơn bão số 12 Cam Ranh ước tính thiệt hại về nhà, lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản… trị giá hơn 760 tỷ đồng.
Xuất phát từ tình hình thiên tai trong các năm qua và để chủ động trong công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2018, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão, áp thấp nhiệt đới, bão mạnh, siêu bão gây ra, đặc biệt giảm thiệt hại về người và tài sản của nhà nước và nhân dân,… từ tháng 3 đến nay, thành phố Cam Ranh đã ban hành nhiều văn bản như: Công văn số 1061 về việc triển khai thực hiện công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Kế hoạch số 1874 về triển khai thực hiện công tác tham mưu điều hành phòng chống thiên tai trên địa bàn; Quyết định phân công nhiệm vụ địa bàn phụ trách cho các thành viên Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố, Quyết định về việc phê duyệt phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai v.v..
Cho biết thêm về công tác chuẩn bị phòng chống thiên tai năm 2018, đồng chí Lê Minh Hải - Trưởng Phòng kinh tế, cơ quan thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) thành phố cho biết: “Việc di dời dân được thực hiện theo cấp độ bão, cấp độ bão từ cấp 8 đến cấp 10 thì tổng số cần di dời 1774/5969 người, cấp độ từ 11 đến 12 di dời 2765/10.266, bão, siêu bão di dời 15.222/17.387 người. Về công tác di dời lồng bè thì theo thống kê đến thời điểm hiện nay tổng số là 719 bè và 24.222 lồng. Tổng số ghe thuyền cần phải di dời đến nơi neo đậu an toàn là 1.109 chiếc; về vị trí neo đậu ghe thuyền thì chúng tôi đã xác định một số vị trí gồm khu vực Bình Hưng - Cam Bình neo đậu 50 chiếc, khu vực Bình Ba - Cam Bình 200 chiếc, khu vực Vùng 4 Hải quân 55 chiếc, khu vực Trung đoàn 196 - Vùng 4 hải quân 50 chiếc, khu vực cầu Long hồ 120 chiếc, khu vực Bình Lập - Cam Lập 120 chiếc, khu vực bãi ngang gồm các phường: Cam thuận, Cam Phú, Cam Phúc Nam, Cam Phúc Bắc và xã Cam Thịnh Đông 700 chiếc, khu vực Ba Ngòi gồm: Ba Ngòi, Cam Linh, Cam Lợi và Cảng Cam Ranh 400 chiếc. Về công tác đảm bảo an ninh trật tự, thành phố đã giao cho công an và đội thanh niên xung kích và các địa phương triển khai công tác bảo vệ an ninh trật tự, đặc biệt là các khu vực di dời dân”.
Bên cạnh đó, thành phố còn chú trọng phương án thực hiện phương châm “4 tại chỗ” đó là chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ để chủ động trong mùa mưa bão. Xây dựng phương án phối hợp giữa địa phương với đơn vị quản lý hồ chứa nước trên địa bàn khi có thông tin về tình hình xả lũ, hỗ trợ ứng cứu khi có sự cố mất an toàn đập... Như vậy, đến thời điểm này, phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2018 đã được thành phố Cam Ranh hoàn tất và triển khai đến các cơ quan, đơn vị, xã phường.

Đ/c Lê Thanh Hùng, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh tại buổi kiểm tra công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn Cam Ranh
Nhận xét về công tác này trên địa bàn thành phố Cam Ranh, tại buổi kiểm tra ngày 3/8 vừa qua, đồng chí Lê Thanh Hùng, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh - Trưởng đoàn kiểm tra công tác phòng chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn của tỉnh cho biết: “Đoàn đánh giá cao công tác chuẩn bị của địa phương, cụ thể như: Địa phương đã thực hiện tốt công tác kiện toàn tổ chức, phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong ban chỉ huy phòng chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn rất cụ thể. Các phương án phòng chống thiên tai của địa phương đều dự kiến đầy đủ các tình huống thường xuyên xảy ra trên địa bàn; xác định được những địa bàn trọng, yếu vùng nguy hiểm, kể cả phương án sơ tán dân, tránh các sự cố thiên tai. Địa phương cũng đã quán triệt phương châm “4 tại chỗ”, phân công, phân cấp chỉ đạo, chuẩn bị lực lượng di dời các vùng trọng điểm, trọng yếu khi có ảnh hưởng của thiên tai gây ra...”.
Với sự chủ động trong công tác phòng chống thiên tai, xây dựng phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro và phương án tìm kiếm cứu nạn có tính khả thi, sát thực tế, hy vọng Cam Ranh sẽ luôn ứng phó kịp thời khi có các tình huống xấu xảy ra, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Khánh Vĩnh