Học tập suốt đời không chỉ trang bị và nâng cao kiến thức, kỹ năng cho con người mà còn giúp mỗi cá nhân sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Đặc biệt trong thời đại công nghệ 4.0, việc chuyển đổi số đã mở ra phương pháp tiếp cận mới để thúc đẩy văn hóa học tập suốt đời trong mỗi người dân, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng trong cộng đồng xã hội.
Từ bao đời nay, hiếu học và học tập suốt đời đã trở thành truyền thống quý báu, là nét văn hóa đặc biệt của dân tộc Việt Nam. Trên địa bàn thành phố Cam Ranh thời gian qua, sự phát triển của công nghệ thông tin đã mở ra nhiều phương pháp tiếp cận mới trong học tập, thúc đẩy văn hóa học tập suốt đời trong mỗi người dân, qua đó đã tạo sức lan tỏa sâu rộng.
Chị Vũ Thị Tuyết Nhung (Tổ dân phố Lộc An, phường Cam Lộc) có hai con gái đang học lớp 4 trường Tiểu học Cam Lộc 2 và lớp 6 trường THCS Lê Hồng Phong, cách đây 02 năm, chị đã mua cho các con chiếc máy tính bảng để phục vụ việc học. Đối với chị, đây là một quyết định đúng đắn giúp con học tập tốt hơn và tiếp cận gần hơn với kho tri thức rộng lớn. Chị Nhung chia sẻ: “Tôi nghĩ bây giờ là thời đại công nghệ thông tin hiện đại rồi, mình có thể cho con học hỏi những kiến thức ở trên các kênh thông tin. Trước đây, việc học của con tôi hầu như chỉ ở trong sách, vở truyền thống nên có lúc không mang lại sự hứng thú học tập. Nhưng từ khi được sử dụng máy tính bảng kết nối internet phục vụ học tập, thì các cháu rất là hào hứng, chịu khó tìm tòi những ứng dụng học tập bổ ích và khám phá thế giới xung quanh, có thể tận dụng thời gian rảnh để lên mạng tìm và nhiều cái khác nữa. Đặc biệt, năm ngoái, thời gian khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát thì thiết bị này đã trở thành người bạn đồng hành của cháu trong những buổi học online, giúp cháu đảm bảo việc học theo quy định của nhà trường”.
Không chỉ tạo điều kiện thuận lợi, kích thích sự chủ động, sáng tạo trong học tập cho những thế hệ mầm non tương lai, công nghệ số đã và đang góp phần thu hẹp dần khoảng cách học tập của mọi người dân ở khắp mọi nơi, tạo cơ hội cho mọi người, nhất là những người lớn tuổi được học tập, trau dồi, tích lũy kiến thức phục vụ lao động sản xuất và cuộc sống. Ông Nguyễn Minh Thiện, trú tại tổ dân phố Thuận Thành, phường Cam Thuận hiện đang là chủ cửa hàng sản xuất thủ công mỹ nghệ Thuận Thành, chuyên sản xuất dụng cụ đựng trầm hương. Những ngày đầu mới làm, cơ sở của ông chỉ sản xuất vài mẫu mã sản phẩm đơn giản, máy móc chưa hiện đại, đối tượng tiêu thụ cũng chưa rộng rãi. Với thời đại phát triển công nghệ thông tin, ông đã học cách lên các trang mạng xã hội, tìm đọc các báo, xem các nội dung về sản xuất, phát triển đồ gỗ mỹ nghệ để học hỏi, tham khảo thêm nhiều mẫu mã; các máy móc hiện đại cũng được biết đến để đầu tư mua sắm. Đến nay, ông và đội ngũ thợ của mình đã có cho ra đời hàng chục mẫu mã sản phẩm đẹp, chất lượng; nhiều loại máy hiện đại đã được đầu tư, phục vụ cho việc sản xuất chuyên nghiệp. Ngoài ra, ông cũng đã biết tận dụng các trang mạng xã hội để giới thiệu sản phẩm và được ngày càng nhiều người biết đến, qua đó doanh thu hàng năm tăng gấp 2- 3 lần so với trước đó.
Ông Thiện cho biết: “Mình làm xưa kia cứ nhiêu đó nhiêu đó không thì nó không phát triển, giờ mình phải tìm hiểu rồi học hỏi trên mạng, youtube, zalo, mình học hỏi coi những cách người ta làm để mình cải thiện thêm cái sản phẩm, cái độ bền đẹp cho sản phẩm, tìm các mẫu mã mới cho đạt tiêu chuẩn của khách hàng, bán được chạy hàng hơn. Mình phải tìm kiếm những cái gì mới mẻ, tìm các dòng máy để làm ra các sản phẩm cải tiến. Bên cạnh đó, mình cũng có thể lên facebook, zalo để mình bán hàng, trước mình chỉ bán cho các thương lái, xong cũng nhờ các trang mạng mà khách ở xa cũng biết tới mua, doanh thu tăng gấp đôi, gấp ba lần…”.
Có thể thấy, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin trong thời đại số thì việc học tập của mọi người dân ngày càng trở nên dễ dàng, thuận tiện hơn. Thông qua việc sử dụng các thiết bị công nghệ và loại hình đa phương tiện như: máy vi tính, máy tính bảng, mạng xã hội, các ứng dụng trên điện thoại thông minh…, mọi người đều có thể tiếp cận dễ dàng với nguồn học liệu mở, thông tin kiến thức đa chiều, phong phú và đặc biệt là có thể học tập mọi lúc, mọi nơi, học từ xa.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Cam Ranh đang có 34 cơ sở Hội Khuyến học, với trên 20.000 hội viên. Phát huy sứ mệnh khuyến học trong thời đại số, những năm qua các cấp Hội đã thường xuyên tuyên truyền, vận động, khuyến khích cán bộ, hội viên và Nhân dân khai thác và sử dụng thông tin trên mạng internet một cách hữu ích phục vụ cho học tập, lao động và cuộc sống hằng ngày. Từ đó, nhiều mô hình học tập được hình thành và phát triển; tính đến nay, trên địa bàn thành phố đang có tổng số trên 33.800 gia đình đăng ký xây dựng gia đình học tập, đạt hơn 92% so với tổng số các gia đình; 15/15 dòng họ đăng ký xây dựng dòng họ học tập, đạt 100% kế hoạch; 98 thôn, tổ dân phố đăng ký xây dựng cộng đồng học tập, đạt 100% kế hoạch năm... Ngoài ra hiện nay, các cơ sở hội cũng đang triển khai mô hình mới là mô hình “công dân học tập”.
Phối hợp chặt chẽ với các cấp Hội Khuyến học trong việc thúc đẩy xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời, ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố cũng đã chỉ đạo các nhà trường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý giáo dục, hoạt động dạy học và kết nối với cha mẹ học sinh. Cùng với hoạt động dạy học trên lớp, giáo viên tích cực hướng dẫn học sinh học ở nhà thông qua học tập trên truyền hình, học tập trực tuyến, giao bài tập qua zalo hoặc tham gia các cuộc thi trực tuyến … Từ đó, khuyến khích tính tự giác, sự sáng tạo của học sinh trong quá trình học; tạo không gian và thời gian học tập linh hoạt cho học sinh, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Năm học 2020 - 2021, năm học 2021- 2022, trong các đợt triển khai học trực tuyến, 100% trường Tiểu học, THCS trên địa bàn thành phố đều tổ chức dạy học được qua internet, tỷ lệ học sinh tham gia đạt trên 75%...
Đồng chí Nguyễn Văn Du, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Cam Ranh cho biết: “Thời gian qua, ngành GD&ĐT thành phố đã chỉ đạo các nhà trường đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dạy học như: sử dụng phần mềm Edu để quản lý học sinh và trao đổi thông tin sổ liên lạc điện tử với cha mẹ học sinh; hệ thống quản lý phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, trường học kết nối để giáo viên, học sinh học tập bồi dưỡng; tổ chức quản lý thư viện điện tử… Việc thực hiện công tác chuyển đổi số đã hỗ trợ đổi mới trong công tác quản lý, giảng dạy, tăng sự tương tác và hướng tới sự tự học, chủ động giao lưu, kết nối tri thức. Đây là kỹ năng cần thiết giúp mọi người học tập suốt đời theo mục tiêu và góp phần thực hiện đề án xây dựng xã hội học tập của tỉnh Khánh Hòa nói chung và thành phố Cam Ranh nói riêng”.
Có thể nói, học tập suốt đời là nhu cầu tất yếu của con người và xã hội. Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, nhu cầu đó càng trở nên bức thiết. Qua nhiều năm, phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị… đã trở thành hoạt động thường xuyên, phát triển rộng khắp trên địa bàn thành phố. Tin tưởng rằng, với sự góp sức đắc lực của công nghệ số và tinh thần “học nữa, học mãi”, phong trào sẽ tiếp tục được nhân lên và lan tỏa rộng khắp, góp phần nâng cao tầm hiểu biết, nâng cao trình độ, rèn luyện kỹ năng và nâng cao chất lượng cuộc sống trong Nhân dân.
Lê Ngân