Trong thời kỳ kháng chiến cứu nước, đã có rất nhiều những người con của quê hương Cam Ranh anh hùng không quản hy sinh tuổi thanh xuân, xương máu của mình vì độc lập tự do của Tổ Quốc. Khi trở về với cuộc sống đời thường, những thương binh, bệnh binh ấy đã trở thành những hội viên Cựu chiến binh, luôn nhiệt tình, hăng hái tham gia các phong trào trong đời sống xã hội cũng như phát triển kinh tế, chống đói nghèo. Nhiều người trong số họ là những tấm gương tiêu biểu, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển quê hương.
Cựu chiến binh Nguyễn Đình Nguyện, thương binh hạng 4/4 tổ dân phố Thuận Lộc, phường Cam Thuận tham gia cách mạng từ năm 14 tuổi, vết thương đầu tiên của ông là bị ở tay trong một trận đánh năm 1973, sau khi được điều trị, người chiến sỹ ấy lại tiếp tục tham gia kháng chiến và còn bị thương ở nhiều nơi khác trên cơ thể. Sau giải phóng, ông tiếp tục cùng đồng đội tham gia cuộc chiến biên giới phía Bắc. Đến năm 1981, ông chuyển về Cam Ranh sinh sống và lập gia đình. Trở về với cuộc sống đời thường, tuy sức khỏe đã giảm sút nhiều do vết thương chiến tranh để lại nhưng ông vẫn hăng hái tham gia lao động sản xuất cùng gia đình, từ nuôi đàn heo hàng chục con, đến lập trại nuôi tôm giống, thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng. Đến nay gần 70 tuổi, không theo được các công việc nặng nhọc, ông tiếp tục nghĩ cách làm công việc nhẹ nhàng hơn là mở cửa hàng bán tạp hóa tại tổ dân phố Thuận Lộc, phường Cam Thuận. Ghi nhớ lời Bác dạy “thương binh tàn nhưng không phế” nên ông luôn tâm niệm khi nào còn sức khỏe thì còn lao động để tự vươn lên cải thiện đời sống, với sự cần cù chăm chỉ trong lao động phát triển kinh tế, cuộc sống gia đình ông luôn ổn định. Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, ông còn luôn quan tâm giúp đỡ những đồng đội khi gặp khó khăn, vừa qua ông đã đứng ra quyên góp và trao 17 triệu đồng cho một gia đình người đồng đội có con bị tai nạn giao thông phải nằm liệt giường, số tiền không lớn nhưng cũng đã thể hiện tấm lòng, sự quan tâm chia sẻ giữa những lính cụ Hồ với nhau.
Cựu chiến binh Nguyễn Đình Nguyện cho biết: “Sức khỏe thì quá kém rồi, thương binh, chất độc da cam, bị tim nhưng tôi vẫn nghĩ một điều rằng còn sống thì còn cống hiến cho đời, làm cho được nhiều việc tốt, làm ra kinh tế cho gia đình, xã hội đó là hiển nhiên, một con người nếu như mình còn sống, còn sức khỏe, còn làm được việc gì thì cứ làm, mà cái tinh thần của anh bộ đội thì hồi giờ cứ vậy thôi, sống và chiến đấu…”.
Đối với ông Đỗ Đức Bôn, một thương binh thuộc tổ dân phố Lộc Sơn, phường Cam Lộc, được mệnh danh như một “người dẫn đường cho liệt sỹ về quê”. Ông từng tham gia phục vụ chiến đấu trên các chiến trường miền Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hòa bình trở lại ông cũng đảm nhận nhiều chức vụ trong quân đội, như: Kiểm soát quân sự của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, trợ lý huấn luyện, trưởng ban công tác dân quân, tham mưu trưởng tại Ban chỉ huy Quân sự huyện Cam Ranh,...Ông rất hiểu những hy sinh, mất mát của đồng đội và cả nỗi đau của người thân khi chưa tìm thấy phần mộ của các anh. Từ năm 1990, ông đã cùng với những người đồng đội thuộc Tiểu đoàn 407 không quản ngại khó khăn, vất vả để đi tìm hiểu, thẩm định các hài cốt liệt sỹ vô danh tại địa bàn Cam Ranh và Khánh Sơn, liên hệ với gia đình đưa các anh về nơi chôn nhau cắt rốn. Đến năm 1995, Ban liên lạc của Tiểu đoàn 407 được thành lập, với tâm huyết, trách nhiệm của mình, ông được phân công là Trưởng ban liên lạc D407 tại Cam Ranh và Khánh Sơn. Đến nay, ông cùng những thành viên trong Ban liên lạc đã phối hợp với các cơ quan chức năng tìm hiểu thẩm định được trên 30 hài cốt liệt sỹ, liên hệ thân nhân, chủ yếu là ở miền Bắc để đưa các anh về với quê hương an táng. Có những gia đình từ các tỉnh miền Bắc vào, ông cũng đã tạo điều kiện đưa về ở hàng tuần, cùng gia đình đi nhiều nơi để tìm hiểu, thẩm định, khi tìm được chính xác, ông lại đích thân lặn lội đưa đồng đội về tận quê hương của mình.
Ông Đỗ Đức Bôn tâm sự:“Tôi tự nhận thức rằng với trách nhiệm của mình là người quân nhân cách mạng, mang hết tinh thần trách nhiệm hỗ trợ đồng đội và gia đình thân nhân liệt sĩ, mặc dù điều kiện vô cùng phức tạp và khó khăn xong chúng tôi luôn luôn cố gắng cùng cấp ủy và chính quyền địa phương cũng như liên hệ với các bộ phận chuyên môn để tạo điều kiện và giúp đỡ tối đa về tinh thần trách nhiệm, để gia đình thân nhân được tiếp cận với mộ liệt sĩ cũng như khi giải quyết đưa liệt sĩ về nơi chôn rau cắt rốn. Chúng tôi hứa sẽ quyết tâm cố gắng tạo điều kiện và hoàn thành tốt hơn nữa trong việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, giúp đỡ thân nhân ở ngoài Bắc đưa hài cốt liệt sĩ trở về nơi chôn nhau cắt rốn để thỏa lòng mong ước của những người thân đối với gia đình thân nhân liệt sĩ”.

Cựu chiến binh Trương Văn Diện tại đìa nuôi cá Mú của gia đình
Tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước và bị thương ở chiến trường tại Phú Yên khi mới mười tám đôi mươi, cựu chiến binh Trương Văn Diện thương binh hạng 4/4 tại tổ dân phố Xuân Ninh, phường Cam Phúc Nam, đến nay tuy đã bước sang tuổi 75 nhưng ông vẫn hăng hái tham gia phát triển kinh tế và hiện là một trong những tấm gương CCB sản xuất giỏi với mô hình nuôi trồng thủy sản, thu nhập gần 200 triệu đồng/năm. Ngoài ra, ông cũng là người luôn nhiệt tình tham gia công tác xã hội tại địa phương, từ đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND xã Cam Phúc Nam đến Trưởng Công an xã, hiện nay ông đang là Chi hội trưởng Chi hội CCB tổ dân phố Xuân Ninh, phường Cam Phúc Nam. Ông cho biết:“Đảng và Nhà nước trong địa phương luôn quan tâm chăm sóc lo lắng cho người có công, xác định vấn đề đó, từ khi đi bộ đội cho đến khi về là một cựu chiến binh, tôi luôn luôn xác định bản chất phải gương mẫu, giúp gia đình, giáo dục con cái chăm lo cuộc sống gia đình, chấp hành các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước ở địa phương, tổ dân phố, tham gia sinh hoạt tại tổ dân phố. Còn chút sức gì đó cũng tham gia đóng góp cho tổ dân phố, cho địa phương. Về phát triển kinh tế, cố gắng tàn nhưng không phế, chăm lo cuộc sống kinh tế gia đình, nuôi trồng thủy hải sản, có diện tích nước nhiễm mặn ở phường cấp cho, từ đó tạo nên ao đìa, đầu tiên là nuôi tôm hiện nay là đang nuôi cá mú…”
Được biết, hiện trên địa bàn thành phố Cam Ranh đang có trên 100 hội viên cựu chiến binh là thương binh, bệnh binh, nạn nhân chất độc da cam. Nỗ lực vượt lên hậu quả, nỗi đau do chiến tranh để lại, hằng ngày họ vẫn cần cù lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, tham gia công tác xã hội. Họ là những “thương binh tàn nhưng không phế”, không chỉ hiến dâng tuổi trẻ cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, mà ngày nay lại tiếp tục cống hiến công sức, kinh nghiệm cho sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố Cam Ranh ngày càng phát triển vững mạnh. Ông Đặng Ngọc Hương, Phó Chủ tịch Hội CCB thành phố Cam Ranh cho biết: “Hiện nay trên địa bàn thành phố đang có trên 100 hội viên CCB là thương bệnh binh. Nhiều đồng chí năm xưa tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, không ngại hy sinh gian khổ, nay về với đời thường cũng luôn gương mẫu đi đầu tham gia phát triển kinh tế gia đình nâng cao đời sống, gương mẫu trong các phong trào thi đua. Ở địa phương cũng như là gia đình các đồng chí đã làm rất tốt, đã phát huy hết vai trò trách nhiệm của mình, là tấm gương sáng cho thế hệ con cháu noi theo. Đối với Hội, chúng tôi cũng rất quan tâm, chăm lo đến đời sống các hội viên, tạo điều kiện cho những đồng chí có nhu cầu về vốn được tiếp cận các nguồn vốn vay để phát triển kinh tế nâng cao thu nhập…”
Trong những ngày này, toàn xã hội đang hướng về ngày thương binh, liệt sỹ 27/7, tri ân và biết ơn những người có công với cách mạng. Những đóng góp của những thương, bệnh binh, nạn nhân chất độc da cam trong công tác xã hội, phát triển kinh tế khi đất nước đã hòa bình thật đáng quý và trân trọng./.
Lê Ngân - Đài thành phố Cam Ranh