Chủ tịch Hồ Chí Minh - người thầy vĩ đại của báo chí Cách mạng Việt Nam khẳng định: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Để làm tròn nhiệm vụ, sứ mệnh vẻ vang của mình, báo chí cách mạng phải chung tay xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, lấy lại niềm tin của quần chúng nhân dân.
Ngay từ thuở cách mạng còn trong trứng nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ý thức rất rõ, báo chí là một mặt trận, là binh chủng đặc biệt của cách mạng Việt Nam để “tuyên truyền, cổ động, tổ chức và lãnh đạo cách mạng”. Ngày 21/6/1925, bằng kỳ công của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, tờ báo Thanh Niên, đứa con nòi của báo chí cách mạng ra đời, khai sinh ra nền báo chí cách mạng nước nhà. Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời đã bắt tay ngay vào việc xây dựng, phát triển một nền báo chí cách mạng Việt Nam - nền báo chí phụng sự nhân dân, phụng sự dân tộc, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Đảng. 95 năm qua, báo chí nước ta đã không ngừng lớn mạnh, có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; báo chí đã và đang đồng hành cùng lịch sử dân tộc qua nhiều chặng đường cách mạng vẻ vang. Các thế hệ nhà báo cách mạng nối tiếp nhau, phấn đấu không ngừng làm tròn vai trò, sứ mệnh của báo chí trong sự nghiệp cách mạng nói chung, trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói riêng. Họ xứng đáng là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng, xứng đáng với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước, chiến tranh bảo vệ biên giới phía Tây Nam và phía Bắc của Tổ quốc, đã có 505 nhà báo hy sinh trên khắp các chiến trường. Đó là những cây bút ưu tú, nhà báo dũng cảm của các cơ quan Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân…những người làm nên thành tựu, vinh quang của nền báo chí nước nhà.
95 năm qua, Báo chí đã phản ánh sinh động thực tiễn công cuộc kháng chiến, kiến quốc, đổi mới và phát triển đất nước. Báo chí đã làm tốt công tác tuyên truyền, đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống. Báo chí vừa là cầu nối giữa người dân với Đảng, Nhà nước; phản ánh tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của Nhân dân đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Báo chí cách mạng là tiếng nói của Đảng và là diễn đàn của Nhân dân, là người tuyên truyền, cổ động, tổ chức, dẫn dắt, định hướng nhân dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng qua từng thời kỳ. Báo chí cách mạng đã và đang góp phần rất lớn vào việc đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống; đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, tệ nạn xã hội... Bên cạnh đó, báo chí cũng góp phần lan tỏa những gương người tốt, việc tốt trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, hướng con người đến các giá trị cao đẹp chân - thiện - mỹ. Sự vào cuộc nhanh chóng, kịp thời của báo chí cũng đã góp phần giúp các cơ quan quản lý thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chính trị của mình.
Trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII của Đảng không thể không kể đến vai trò đồng hành của báo chí. Có rất nhiều cơ quan báo chí, đội ngũ cán bộ, nhà báo, phóng viên, biên tập viên đã vào cuộc tích cực trong việc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, chống chạy chức, chạy quyền, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ... Báo chí đã góp lửa chống tham nhũng, trừ quan tham. Rất nhiều vụ việc, vụ án được phanh phui, đưa ra ánh sáng sau khi báo chí phát hiện, phản ánh. Không ít cán bộ thoái hóa, biến chất, tư lợi bị xử lý kỷ luật nhờ sự vào cuộc của báo chí. Trong hoạt động thực tiễn, báo chí cũng chính là lực lượng tiên phong, đi đầu, là “đội cận vệ” của Đảng trong công tác đấu tranh, phản bác những luận điệu, quan điểm sai trái, xuyên tạc, thù địch, chống phá cách mạng của các thế lực phản động, các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị, nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Báo chí đồng thời còn là người “giám sát” quá trình tổ chức triển khai thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước…Thực tế cho thấy, sự tham gia chủ động, tích cực của báo chí trong thời gian qua đã góp phần làm cho công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của nước ta có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chế độ vững chắc, hướng tới xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Để có một nền báo chí mạnh, nhất thiết phải xây dựng cho được một đội ngũ những người làm báo mạnh. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, vô luận lúc nào, vô luận việc gì, đảng viên và cán bộ phải đặt lợi ích của Đảng ra trước, lợi ích của cá nhân lại sau. Đó là nguyên tắc cao nhất của Đảng. Như vậy, mỗi nhà báo, với tư cách là người biên niên lịch sử, người định hướng, dẫn dắt dư luận trước hết và sau cùng xứng đáng là một nhà chính trị, một công dân trọn vẹn, phải biết đặt danh dự cá nhân và uy tín ngòi bút của mình vì Tổ quốc. Để định hướng dư luận đúng đắn, người làm báo phải có lập trường chính trị, tư tưởng vững vàng, vì chính trị đúng thì mọi việc mới đúng; nếu cây bút không đủ năng lực sẽ không thể định hướng dư luận được cho Nhân dân. Trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng và bùng nổ thông tin như hiện nay, người làm báo phải có lập trường chính trị vững chắc, lấy “chính trị phải làm chủ” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn. Với tư cách là chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, mỗi cán bộ báo chí, nhà báo cần thấm nhuần sâu sắc tư tưởng, quan điểm của Đảng về báo chí cách mạng, thấm nhuần việc “nâng cao đạo đức cách mạng” để “quét sạch chủ nghĩa cá nhân” trong nghề nghiệp; không ngừng học tập, bồi dưỡng, trau dồi nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nhà báo.
Để phát huy tối ưu vai trò của báo chí tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong thời gian tới, thì sự lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước đối với báo chí có ý nghĩa quyết định. Báo chí phải luôn đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng. Tính Đảng và bảo đảm tính Đảng của nền báo chí nước nhà là yêu cầu căn bản và tất yếu, có ý nghĩa then chốt, quyết định để hoạt động báo chí đảm bảo khách quan, trung thực, cách mạng, dân chủ, khoa học, nhân văn, phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng để nâng cao trình độ lý luận, bản lĩnh chính trị cho đội ngũ nhà báo, phóng viên, biên tập viên. Đấu tranh phòng chống tiêu cực, tham nhũng, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong chính đội ngũ những người làm báo…
“Cây bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng”. Báo chí là một mặt trận, báo chí cách mạng là đội quân xung kích trong công tác tư tưởng, bộ phận cơ bản, quan trọng không thể tách rời trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Với sứ mệnh vẻ vang đó, nhất định chúng ta sẽ kiến tạo được một đội ngũ nhà báo bảo đảm chuyên nghiệp hóa - hiện đại hóa, văn hóa hóa, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới.
Ảnh: Đồng chí Hà Quốc Trị, Phó Bí thư Tỉnh ủy trao giải Nhất cho các tác giả tại Giải báo chí Khánh Hòa năm 2020
Thu Hương - TU Nha Trang