Trong những năm gần đây, cùng với tốc độ đô thị hóa và sự phát triển nhanh của ngành du lịch đã tạo sức ép rất lớn lên hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố Nha Trang. Giao thông của thành phố không theo kịp với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, dẫn đến tình trạng quá tải, ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm, nhất là đối với các tuyến đường nội thành. Vì vậy, việc đề ra các giải pháp tháo gỡ cho bài toán tổ chức giao thông của Nha Trang đang là một trong những quan tâm lớn, hàng đầu của thành phố trong thời gian tới.
Nha Trang là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Khánh Hòa. Đây cũng là đô thị có sự phát triển mạnh về hạ tầng giao thông đô thị khá đồng bộ. Theo thống kê, hiện nay, hệ thống giao thông đô thị thành phố Nha Trang gồm: 412 tuyến đường đô thị và 28 tuyến đường ngoài đô thị; 38 tuyến đường thủy nội địa; 1 quảng trường; 17 bãi đỗ xe; 158 điểm dừng xe buýt; 2 bến xe liên tỉnh; 1 nhà ga hỗn hợp; 76 bến thủy nội địa.
Từ năm 2015 đến nay, phương tiện cơ giới đường bộ trên địa bàn thành phố tăng bình quân hàng năm từ 6,65% đến 7,47%. Riêng đối với phương tiện ô tô tăng bình quân từ 25,63% đến 27,9%. Đặc biệt, trong 3 năm liên tục từ 2017 - 2019, các phương tiện giao thông trên địa bàn tăng đột biến so với năm 2015, đặc biệt là xe chở khách trên 30 chỗ ngồi (ô tô tăng 60,7%, mô tô tăng 12,9%, tổng phương tiện cơ giới đường bộ tăng 14,6%). Bên cạnh đó, trên địa bàn thành phố còn có các phương tiện cơ giới đường bộ thuộc các tỉnh, thành trong cả nước đang hoạt động, lưu thông, tổng cộng 1.866 ô tô. Song song với sự tăng trưởng đột biến của phương tiện cơ giới đường bộ, thì ngành du lịch trong những năm qua cũng phát triển mạnh về hạ tầng du lịch, lượng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng trên địa bàn thành phố tăng mạnh. Bình quân mỗi ngày có hơn 56 ngàn lượt khách tham quan nghỉ dưỡng tại thành phố. Để phục vụ nhu cầu của khách du lịch, hàng ngày, thành phố Nha Trang phải huy động khoảng 1.252 lượt phương tiện ô tô trên 45 ghế để vận chuyển du khách...
Mặt khác, thời gian qua, trên địa bàn thành phố đã và đang triển khai rất nhiều dự án kể cả trong trung tâm thành phố, dẫn đến lượng người và phương tiện tham gia phục vụ tại các dự án tăng cao, đặc biệt là các phương tiện xe tải, xe ben chở vật liệu xây dựng, gây nên tình trạng kẹt xe trên các tuyến đường Lê Hồng Phong, Mã Vòng. Một số dự án trọng điểm như các nút giao sân bay Nha Trang, đường Nguyễn Thiện Thuật nối dài, nút giao Ngọc Hội và đường Vành đai 2 chưa hoàn thành nên gây ách tắc giao thông cho đường Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thiện Thuật, Nguyễn Thị Minh Khai.
Với sự gia tăng của các phương tiện xe cơ giới, sự tăng trưởng nóng về khách du lịch của thành phố Nha Trang trong thời gian qua thì việc kẹt xe, ách tắc giao thông như các thành phố lớn Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh là điều không thể tránh khỏi. Hạ tầng giao thông thành phố đang thiếu và yếu, không theo kịp với sự gia tăng chóng mặt của các phương tiện giao thông và lưu lượng khách du lịch đến thành phố.
Trong khi đó, hệ thống mạng lưới đường thành phố Nha Trang được quy hoạch và tổ chức dạng nan quạt, bao gồm các đường hướng tâm, đường vành đai bao quanh khu trung tâm và đô thị. Hệ thống đường giao thông thành phố hiện nay chủ yếu là đường 2 làn sử dụng hỗn hợp, trong khi hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị đang xen lẫn nhau chiếm dụng khá nhiều diện tích dành cho giao thông, gây nên nhiều bất cập. Quỹ đất dành cho giao thông trên địa bàn thành phố quá thấp so với tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam, mới đạt 8/25%. Trong khi các bãi đậu xe (giao thông tĩnh) chưa được triển khai nên việc các xe phải đậu đỗ dưới lòng đường và quay đầu gây ùn tắc giao thông là điều khó tránh khỏi.
Ông Ngô Khắc Thinh, Phó Trưởng phòng Quản lý Đô thị thành phố Nha Trang cho biết, khi mật độ giao thông ngày càng đông đúc, việc tổ chức giao thông 2 chiều trên một số tuyến phố như hiện nay sẽ không còn phù hợp, đặc biệt là trên các tuyến phố hẹp. Nếu cứ tiếp tục tổ chức giao thông 2 chiều sẽ làm cho tai nạn giao thông tăng lên và sự ùn tắc thường xuyên xảy ra là điều tất yếu. Điều này đòi hỏi phương án tổ chức giao thông phải đảm bảo yếu tố đảm bảo an toàn gia thông, kiềm chế và giảm dần tai nạn giao thông cả ba tiêu chí, không để ùn tắc giao thông xảy ra và không phải đầu tư nguồn kinh phí lớn từ ngân sách.
Để khắc phục tình trạng kẹt xe, ùn tắc giao thông, những năm qua, TP. Nha Trang đã tổ chức nhiều biện pháp phân luồng giao thông, tạo sự thông thoáng cho các tuyến đường. Thành phố đã thực hiện lưu thông một chiều đối với tất cả phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến đường: Hùng Vương, Ngô Gia Tự, Nguyễn Trãi. Đặc biệt, trong năm 2018, thành phố đã thí điểm cấm xe từ 29 chỗ lưu thông trên đường Trần Phú vào giờ cao điểm, thực hiện cấm đỗ, cấm dừng đối với phương tiện ô tô trên tuyến đường này, làm cho tuyến đường thông thoáng hơn rất nhiều. Tuy nhiên, khi tổ chức lại giao thông trên đường Trần Phú thì các tuyến đường xung quanh trung tâm thành phố lại kẹt cứng bởi các xe dồn về. Tình trạng này có nguyên nhân sâu xa do thành phố thiếu nghiêm trọng các bãi đỗ xe cho các phương tiện chở khách du lịch. Từ tháng 3/2020, thành phố đã triển khai thực hiện cấm xe ô tô khách trên 29 chỗ lưu thông vào trung tâm thành phố trong các giờ cao điểm.
Giao thông thành phố quá tải dẫn đến tình trạng kẹt xe vào các giờ cao điểm
Theo ông Ngô Khắc Thinh, để giải quyết bài toán lâu dài cho giao thông trên địa bàn thành phố Nha Trang, việc triển khai đầu tư xây dựng các bãi đậu xe là rất cần thiết. Hiện nay, chủ trương xây dựng các bãi đỗ xe tạm trên địa bàn thành phố Nha Trang đã được tỉnh phê duyệt. Theo đó, có 4 vị trí đã được UBND tỉnh đồng ý chủ trương là: Khu đất 170 Lê Hồng Phong; khu đất kho cảng Bình Tân 07 (số 10 đường Trường Sơn); Kho cảng Bình Tân (số 1, Phước Long); khu đất thôn Phước Trung (xã Phước Đồng). Việc xây dựng 4 bãi đỗ xe tạm trên địa bàn thành phố sẽ góp phần giải quyết tình trạng thiếu nơi đậu đỗ của các phương tiện giao thông, giảm tình trạng ùn tắc giao thông.
Mặt khác, định hướng tương lai năm 2021, thành phố thực hiện cấm hẳn xe ô tô khách trên 29 chỗ lưu thông trong thành phố; việc định hướng này đảm bảo lợi ích hài hoà giữ cư dân đô thị và các doanh nghiệp kinh doanh du lịch nhằm xây dựng thành phố Nha Trang hiện đại - văn minh - thân thiện. Đồng thời, thành phố tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kiên quyết xử lý các trường hợp phương tiện tham gia giao thông đỗ, đậu sai quy định; chỉ đạo bố trí lực lượng cảnh sát giao thông chốt trực tại các tuyến đường có nguy cơ ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm để hướng dẫn, điều tiết giao thông. Kiến nghị tỉnh chỉ đạo các chủ đầu tư khẩn trương đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm như đường Vành đai 2, nút giao Ngọc Hội, các nút giao và đường kết nối sân bay Nha Trang cũ.
Song song đó, các ban, ngành, đoàn thể thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức tự giác của người dân khi tham gia giao thông, bảo đảm đúng luật, tránh phóng nhanh, vượt ẩu, chen lấn, đi sai làn đường, đậu đỗ xe dưới lòng lề đường gây ách tắc, cản trở và mất an toàn giao thông.
Thu Hương - TU Nha Trang