Sáng 5-3, tại TP. Nha Trang, Thành ủy Nha Trang phối hợp với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo khoa học chủ đề: “100 năm hành trình lịch sử: Nhận diện, phát huy các giá trị văn hóa, con người Nha Trang trong xây dựng, phát triển thành phố”. Dự hội thảo có các ông: Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hà Quốc Trị - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Hồ Văn Mừng - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Nha Trang cùng hơn 300 đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học các trường, viện của Trung ương; lãnh đạo các sở, ban, ngành và TP. Nha Trang.
Nhận diện giá trị văn hóa, con người Nha Trang
Phát biểu đề dẫn hội thảo, đồng chí Hồ Văn Mừng nhấn mạnh, cách đây 100 năm, Nha Trang chỉ là một làng chài nhỏ bé, đơn sơ bên cạnh bờ sông Cái. Trải qua quá trình phát triển, Nha Trang đã trở thành một thành phố phát triển năng động. Đặc biệt, Nha Trang còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa rất độc đáo thông qua các làng nghề truyền thống, các lễ hội và những người dân hiền hòa, phóng khoáng. Hội thảo là dịp để nhận diện các giá trị văn hóa, con người Nha Trang, từ đó phát huy các giá trị của đất và người Nha Trang trong xây dựng, phát triển thành phố trong thời gian tới.
|
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hải Ninh phát biểu tại hội thảo. |
Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hải Ninh bày tỏ, Nha Trang đã trải qua 100 năm với tính chất là đơn vị hành chính có tính đô thị (từ một vùng đất hoang sơ, thiên nhiên tươi đẹp đến một đô thị hiện đại), nhưng lịch sử của vùng đất này lên đến hàng nghìn năm. Chính vì vậy, việc nhận diện các giá trị văn hóa, con người Nha Trang không thể giới hạn trong 100 năm mà phải được tiếp cận suốt chiều dài lịch sử của vùng đất này, phải trải qua hàng nghìn năm mới hun đúc nên được bản sắc văn hóa, con người Nha Trang hôm nay. Trong đó, cần phải thấy rằng, trong quá trình phát triển hàng nghìn năm qua, Nha Trang đã có sự giao thoa, tiếp biến của nhiều nền văn hóa (từ văn hóa Nam Đảo, văn hóa Chăm, văn hóa người Việt cho đến cả văn hóa phương Tây…) để làm nên bản sắc văn hóa của riêng mình. Về nhận diện con người, có một đặc trưng khác biệt và rất giá trị, đó là dù sống ở miền biển nhưng con người Nha Trang giản dị, hiền hòa, chất phác, dễ chấp nhận cái mới. Tương tự, PGS. TS Lưu Trang (nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng) khẳng định, trải qua các chặng đường lịch sử, Nha Trang luôn đóng vai trò trọng yếu đối với Khánh Hòa. Các thế hệ cư dân sinh sống trên mảnh đất này đã tiếp nhận và hòa hợp với các giá trị văn hóa bên ngoài nhằm bổ sung, làm giàu thêm giá trị văn hóa bản địa. Văn hóa Nha Trang phong phú, đa dạng trong sự thống nhất của nền văn hóa Việt Nam.
Đồng chí NGUYỄN HẢI NINH - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy: Việc nhận diện, phát huy các giá trị văn hóa, con người Nha Trang trong xây dựng, phát triển thành phố là một chủ đề lớn cần có sự nghiên cứu sâu sắc hơn nữa. Hội thảo lần này tuy có nhiều giá trị nhưng mới chỉ là nghiên cứu bước đầu. Chính vì vậy, cần hướng đến kết luận mở để tiếp tục có những nghiên cứu về sau bằng những hội thảo lớn hơn hoặc hội thảo chuyên đề... Các nhà nghiên cứu cần phải nghiên cứu sâu sắc bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24-11-2021; đồng thời tham khảo các công trình nghiên cứu về hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam để vận dụng vào nghiên cứu văn hóa, con người Nha Trang - Khánh Hòa.
Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh đến giá trị địa văn hóa của Nha Trang như nhà bác học Lê Quý Đôn từng nêu “Nha Trang là đất hình thế trọng yếu một phương” để rồi ngày nay trở thành trung tâm văn hóa của cả khu vực duyên hải Nam Trung Bộ. Tuy nhiên, phải thấy được vùng đất Nha Trang "đẹp nhưng mà hẹp” để thấy cần phải mở rộng Nha Trang để tạo không gian phát triển. "Nha Trang cất giữ trong lòng mình một nền văn hóa lâu đời lên đến hàng nghìn năm... Trải qua biến thiên của thời cuộc, Nha Trang - Khánh Hòa đã lưu giữ được những nét văn hóa vật chất và tinh thần, đó là vốn quý để phát triển. Tuy nhiên, “chiếc áo” diện tích Nha Trang đang trở nên chật hẹp đối với Nha Trang đang lớn lên từng ngày. Thành phố nên mở rộng theo cả bốn hướng, đánh thức và phát huy cao độ các giá trị văn hóa Nha Trang", GS.TS Đinh Xuân Dũng - nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương bày tỏ.
|
Đồng chí Hồ Văn Mừng phát biểu tại hội thảo. |
Văn hóa là động lực phát triển
Thông qua tham luận và tọa đàm, các nhà nghiên cứu không chỉ làm rõ những nét đặc trưng về văn hóa vùng đất, con người Nha Trang trong tiến trình lịch sử mà còn đề xuất các giải pháp cụ thể để phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa, con người trong xây dựng, phát triển thành phố thời gian tới. PGS. TS Lưu Trang cho rằng, xây dựng một thành phố, một địa phương hay một quốc gia phải bắt đầu từ văn hóa và xa hơn là sự đòi hỏi về văn hóa. Xây dựng và phát triển Nha Trang cần phải xuất phát từ văn hóa, tạo dựng môi trường văn hóa cho tăng trưởng kinh tế. Những gì là bản sắc, là giá trị, là ký ức lịch sử, văn hóa của Nha Trang cần được giữ gìn và bồi đắp thêm. Theo đó, Nha Trang cần phát huy những giá trị và tài sản văn hóa trong mối tương quan với các quyết sách chính trị và thúc đẩy phát triển kinh tế.
|
Lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo TP. Nha Trang chụp hình lưu niệm với các nhà nghiên cứu. |
Tại hội thảo, TS Vũ Đức Liêm - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhấn mạnh, Khánh Hòa như giao điểm văn hóa phương Đông - phương Tây; sự hình thành và phát triển của Nha Trang trong thế kỷ qua chính là một hành trình giữa các nền văn hóa. Từ thế giới của nền văn hóa Chăm, Việt, tương tác với Hoa và phương Tây, Nha Trang đã chuyển mình tiến vào hiện đại và trở thành một bộ phận của nền văn hóa Việt Nam. Từ thuở ban đầu, Nha Trang không phải là một thành phố thương mại, công nghiệp mà là thành phố nghỉ dưỡng, nghiên cứu khoa học. Phải thấu hiểu điều này để định hướng cho việc phát triển Nha Trang nói chung và phát huy giá trị văn hóa, con người Nha Trang nói riêng. Điều may mắn là cho đến nay, Nha Trang vẫn giữ được hồn cốt của một thành phố du lịch, một trung tâm giao lưu quốc tế. “Cuộc chơi toàn cầu hóa là cuộc chơi về văn hóa. Mới đây, Singapore bỏ ra 10 triệu USD để mời Taylor Swift đến biểu diễn 6 đêm liền nhưng số tiền thu được thì gấp nhiều lần; 300.000 vé đã được bán sạch (giá vé VIP hơn 900 USD), thêm tiền ăn ở, mua sắm, đi lại của du khách mang lại nguồn thu khổng lồ. Đó là những điều mà chúng ta phải suy nghĩ… Chúng ta mở cửa đón “đại bàng” nhưng có nhiều loại “đại bàng” khác nhau, trong đó có "đại bàng" về công nghiệp văn hóa. Dưới góc nhìn đó, dư địa để Nha Trang phát triển rất lớn”, TS. Vũ Đức Liêm bày tỏ.
|
Đại biểu tham dự hội thảo. |
Tương tự, GS.TS Lê Thị Hoài Phương - Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, với phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, có bề dày văn hóa, giao thông thuận lợi, thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế, lãnh đạo tỉnh tâm huyết với văn hóa, Nha Trang là nơi lý tưởng để xây dựng thành thành phố điện ảnh. Tuy nhiên, để biến tiềm năng thành hiện thực thì cần thu hút các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trong nước, quốc tế đầu tư về tài chính, nguồn nhân lực để đồng hành cùng địa phương. Lãnh đạo tỉnh và thành phố cần nghĩ tới kế hoạch phát triển thêm nhiều sản phẩm liên quan trực tiếp đến lĩnh vực điện ảnh, như: Xây thêm nhiều rạp chiếu phim hiện đại ở Nha Trang và các vùng phụ cận; xây dựng một số phim trường lớn đủ sức mời gọi các đoàn làm phim quốc tế đến đây quay phim, kèm với đó là xây dựng những studio được trang bị các phương tiện kỹ thuật hiện đại để phục vụ các đoàn làm phim hoàn thiện giai đoạn hậu kỳ…
GS.TS NGUYỄN VĂN KIM - nguyên Bí thư Đảng ủy Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, thành viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia: Trải qua quá trình lịch sử, trong con người và văn hóa Nha Trang - Khánh Hòa đã hình thành bốn đặc trưng tiêu biểu: Chất hồn hậu, hào hiệp, chất biển sâu đậm trong tính cách con người; chất khoan dung, nhân ái, giàu năng lực sáng tạo của một không gian sớm có nhiều sự hợp luyện, chuyển giao văn hóa; chất kiên cường, bản lĩnh, cách mạng trong phẩm chất của người miền Trung anh dũng; chất trí tuệ, giàu năng lực phân tích và khát vọng phát triển trong tâm thức văn hóa của các cộng đồng dân cư từng trải nghiệm qua nhiều trào lưu khai mở, dấn thân. Nhờ có đặc trưng, nguồn vốn, tài nguyên văn hóa đó mà người Nha Trang - Khánh Hòa đã cùng với cả nước kiên cường bám trụ, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên cương, biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Tại hội thảo, nhiều nhà nghiên cứu khẳng định, trong sự phát triển sẽ không tránh khỏi sự va đập, mâu thuẫn giữa truyền thống và hiện đại. Từ trước đến nay, Nha Trang - Khánh Hòa đã giải quyết khá tốt mối quan hệ giữa việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống và nhu cầu phát triển. Trong xu thế toàn cầu hóa ngày nay, cần phải giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời xây dựng các giá trị văn hóa mới. Do đó, trong sự phát triển của Nha Trang phải xây dựng được con người hiện đại, giữ được tính hiền hòa mến khách nhưng phải năng động, sáng tạo. “Người Nha Trang chân thành, thư thái nhưng “thâm hậu” nên đủ sức tiếp nhận những cái mới, cái đẹp, cái tốt và đề kháng, loại bỏ những cái xấu, cái ngoại lai để tạo nên sự hoàn thiện trong nhân cách của mình mà hạt nhân của nhân cách đó là sự hài hòa giữa giá trị văn hóa truyền thống và văn hóa hiện đại. Xét đến cùng, đó là kết quả khó khăn nhất và cao đẹp nhất mà sự phát triển văn hóa Nha Trang - Khánh Hòa cần và nhất định đạt tới. Với tình yêu dành cho Nha Trang, chúng ta hoàn toàn tin vào điều đó”, GS.TS Đinh Xuân Dũng bày tỏ.
Phát biểu bế mạc hội nghị, đồng chí Hồ Văn Mừng cho biết, kết quả của hội thảo sẽ là căn cứ khoa học và thực tiễn để Thành ủy Nha Trang vận dụng ban hành Nghị quyết về phát huy các giá trị văn hóa, con người Nha Trang trong xây dựng thành phố phồn vinh, hạnh phúc. Đồng thời, TP. Nha Trang sẽ tập hợp một số bài viết để xuất bản thành sách, trở thành tư liệu có giá trị để nghiên cứu, vận dụng lâu dài trong thực tiễn.
MINH HƯƠNG - XUÂN THÀNH - ĐÌNH LÂM
Theo https://baokhanhhoa.vn/chinh-tri/202403/nha-trang-di-qua-tram-nam-dfe5275/