Trên cơ sở tổng kết Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, tại Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI), Đảng ta đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Trong đó nhấn mạnh mục tiêu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; trọng tâm trong xây dựng văn hóa là chăm lo xây dựng con người Việt Nam có nhân cách, lối sống tốt đẹp. Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa.
Những năm qua, cấp ủy, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể thành phố Nha Trang đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện tốt Nghị quyết số 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), gắn với thực hiện Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị (khóa XI) (nay là Chỉ thị số 05 về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”). Việc giáo dục chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước... cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân được các cấp, các ngành đặc biệt chú trọng, góp phần tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong cán bộ, đảng viên.
Các phong trào xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, cơ quan văn hóa được phát động sâu rộng trong cộng đồng dân cư, trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và đến từng hộ gia đình. Các hoạt động xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc, các mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu tiếp tục được xây dựng, nhân rộng và lan tỏa trong toàn xã hội... Trong những năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn thành phố từng bước được nâng lên về chất lượng. Các địa phương đã gắn việc thực hiện Phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với các phong trào thi đua yêu nước và Chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Qua đó đã có tác động tích cực đến việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Năm 2017, toàn thành phố có 79.313/80.529 hộ đạt gia đình văn hóa (đạt tỷ lệ 98,5%); 331/365 thôn, tổ đạt thôn, tổ dân phố văn hóa (đạt tỷ lệ 90,68%); có 358 đơn vị giữ vững danh hiệu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa; có 08 đơn vị được công nhận lần đầu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. Mặt khác, các thiết chế văn hóa cũng được các địa phương và thành phố đầu tư khá mạnh, phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng thôn, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị văn hóa, tạo môi trường xã hội văn minh, thân thiện, lành mạnh.

Phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng trên địa bàn thành phố Nha Trang tiếp tục được duy trì và phát triển khá mạnh trong những năm qua
Song song đó, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội những năm qua được đảng bộ, chính quyền, các ngành, đoàn thể từ thành phố đến xã, phường triển khai thực hiện tương đối đồng bộ, tạo sự chuyển biến nhất định, hạn chế được một số lề thói, hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Từ năm 2014-2017, toàn thành phố có 7.877 đôi nam nữ đăng ký kết hôn, trong đó có 218 đám cưới theo nếp sống mới, tiết kiệm. Về việc tang, từ năm 2014-2017, toàn thành phố có 5.238 đám tang, đa số các đám tang đã chấp hành việc khai tử theo quy định của pháp luật, không có các hủ tục rườm rà, lạc hậu. Nhiều thôn, tổ dân phố đã vận động nhân dân tự nguyện đóng góp xây dựng quỹ trợ táng, thành lập Ban trợ táng, đội âm công để giúp đỡ, hỗ trợ cho các gia đình có việc tang. Ban vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở khu dân cư phối hợp với các tổ chức đã thường xuyên vận động, đóng góp giúp đỡ các gia đình thuộc diện hộ nghèo, neo đơn, khó khăn tổ chức đám tang chu đáo cho thân nhân qua đời. Bên cạnh đó, thành phố còn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân không rải tiền thật, rắc vàng mã trên đường đưa tang. Từ năm 2014-2017, thành phố đã thực hiện vận động 5.103 trường hợp, trong đó chấp hành không rải tiền thật, vàng mã trên đường đưa tang có 4.638 trường hợp (đạt 90,8%).
Về lễ hội, được biết, trên địa bàn thành phố hiện có 227 di tích, danh lam thắng cảnh và dấu hiệu di tích; trong đó có 35 đình làng ở các xã, phường. Hàng năm, theo thông lệ thường có 70 lễ hội dân gian diễn ra tại 51 di tích đình, đền, miếu thuộc 19 xã, phường trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 8 âm lịch. Trong tất cả quá trình tổ chức lễ hội, thành phố và cơ sở đảm bảo lễ hội diễn ra an toàn, đúng chương trình, kế hoạch, không để xảy ra các hiện tượng mất cắp, hỏa hoạn, cháy nổ; không để xảy ra các hiện tượng tiêu cực như xin xăm, bói toán...
Công tác chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội cũng được thành phố đặc biệt quan tâm chú trọng. Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua các hoạt động báo cáo viên, tuyên truyền miệng từ thành phố đến cơ sở, thành phố cũng làm tốt công tác kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ photocoppy, in ấn văn hóa phẩm...Từ năm 2014-2017, Đội kiểm tra liên ngành văn hóa và thông tin thành phố đã tiến hành kiểm tra 131 cơ sở kinh doanh dịch vụ photocoppy tại các xã, phường. Trong đó, đã lập 2 biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm hoạt động kinh doanh không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật, trình cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định và đã phối hợp với Thanh tra Sở Thông tin và truyền thông thanh tra một số cơ sở in ấn trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, thành phố đã thực hiện kiểm tra 29 cơ sở in, cơ sở xuất hành xuất bản phẩm để thu hồi các ấn phẩm vi phạm. Qua kiểm tra đã phát hiện, lập biên bản tạm giữ 9 cuốn sách “Nếu biết trăm năm là hữu hạn” của tác giả Phạm Lữ Ân trình Sở Thông tin và truyền thông thẩm định lại nội dung theo thẩm quyền.
Về phong trào hoạt động văn hóa văn nghệ quần chúng ở các địa phương trong những năm qua tiếp tục được duy trì và nâng cao các loại hình văn hóa văn nghệ tại cơ sở. Hoạt động văn hóa văn nghệ quần chúng đã thu hút sự tham gia khá đông đảo của các tầng lớp, lứa tuổi, thành phần xã hội, góp phần tích cực trong việc cổ vũ các tầng lớp nhân dân tham gia lao động, sản xuất, thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Thành phố và các địa phương cũng thực hiện tốt công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, việc nghiên cứu, sưu tầm các giá trị văn hóa phi vật thể, hoạt động truyền bá, quảng bá các loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống độc đáo của địa phương. Qua đó, các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc được trân trọng và đề cao; ý thức xây dựng đạo đức, lối sống tốt đẹp và đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh được quan tâm xây dựng và phát triển. Các mối quan hệ cộng đồng như tình làng nghĩa xóm, ý thức trách nhiệm cộng đồng của mối cá nhân và gia đình được nâng lên.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) của Đảng “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” trên địa bàn thành phố vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Mặc dù phong trào xây dựng thôn văn hóa, gia đình văn hóa, cơ quan văn hóa, trường học văn hóa... đạt được một số kết quả đáng phấn khởi nêu trên, song vẫn còn một số địa phương chưa quan tâm đúng mức, còn mang tính hình thức, chưa tạo được mô hình các điểm sáng văn hóa, chưa nhân rộng tạo sức lan tỏa trong xã hội. Một số hiện tượng mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội chưa được đẩy lùi. Ý thức chấp hành pháp luật, nếp sống văn minh đô thị, ý thức bảo vệ môi trường của một bộ phận nhân dân chưa cao; việc công nhận các danh hiệu văn hóa ở một số địa phương còn chạy theo số lượng, chưa thực sự chú trọng đến chất lượng và tính bền vững. Hoạt động của các trung tâm văn hóa - thể thao xã, nhà văn hóa thôn trên địa bàn trong thời gian qua còn yếu, chưa phát huy hết được công năng của thiết chế văn hóa.
Để xây dựng và phát triển văn hóa, con người một cách toàn diện, cấp ủy các cấp cần thường xuyên chỉ đạo thực hiện toàn diện các mặt của đời sống xã hội: về giáo dục - đào tạo, dân số - gia đình, chăm sóc sức khỏe, xóa đói giảm nghèo, phòng chống các tệ nạn xã hội... Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện có hiệu quả việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhằm ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đồng thời, gắn với các phong trào “thi đua yêu nước” của các cấp, các ngành tại địa phương. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở với phương châm: dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát, nhằm huy động sức mạnh tinh thần và vật chất của toàn dân trong xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam với các đặc trưng dân tộc - nhân văn - dân chủ và khoa học; xây dựng con người Việt Nam có nhân cách, lối sống cao đẹp với các phẩm chất: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo... Các cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa... cần được cụ hể hóa thành các việc làm trong bản quy ước của thôn, tổ dân phố, trong quy chế hoạt động của cơ quan, đơn vị, để mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức, thôn, tổ dân phố, hộ gia đình và mỗi cá nhân cùng tích cực tham gia thực hiện, tạo thành sức mạnh cộng đồng trong việc đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua. Đồng thời, cần phát huy tốt vai trò của những người có uy tín trong cộng đồng dân cư; cán bộ, đảng viên phải thật sự tiên phong gương mẫu, đi đầu trong các phong trào để quần chúng nhân dân học tập noi theo. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa một số lĩnh vực nhằm huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa và phát triển con người. Chính quyền các cấp cần quan tâm đầu tư các thiết chế văn hóa cho nhân dân, duy trì hoạt động có hiệu quả của các câu lạc bộ văn hóa, thể dục thể thao; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao thiết thực để thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.
Thu Hương - Thành ủy Nha Trang