Từ xa xưa, cha ông ta luôn coi hiền tài là “rường cột”, “là nguyên khí của quốc gia”. Phát huy truyền thống quý báu của cha ông, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là bậc thiên tài trong việc chọn người, dùng người và trọng dụng nhân tài. Cách dùng người của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện thái độ trọng thị, tầm nhìn minh triết, lòng nhân ái bao la và tư tưởng đại đoàn kết cao cả. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại nhiều bài học quý báu và cốt yếu về nghệ thuật dùng người, trọng dụng nhân tài trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược của Đảng ta hiện nay.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là bậc thiên tài trong việc thu hút và trọng dụng người tài. Ảnh tư liệu
Quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về trọng dụng nhân tài bắt nguồn từ tư tưởng trọng dân, tin dân, nêu cao vai trò làm chủ đất nước của nhân dân, là sự nối tiếp và phát triển quan niệm cầu hiền tài truyền thống trong điều kiện mới của đất nước. Theo Người, nhân tài là “người tài đức, có thể làm những việc ích nước lợi dân”. Điều đó có nghĩa là, một người được coi là nhân tài phải hội tụ đủ cả 2 yếu tố tài và đức, quan trọng hơn là tài và đức ấy phải hướng đến những việc làm ích nước, lợi dân. Người khẳng định: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó”. Trong đó, người cho rằng, đức phải là cái gốc. “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Do có quan điểm đúng đắn về trọng dụng nhân tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm tìm kiếm, thu hút, đào tạo, bồi dưỡng những “người tài đức” cho cách mạng, động viên họ mang hết sức mình phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân.
Ngay từ khi chuẩn bị thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặc biệt chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở Quảng Châu, chọn những thanh niên ưu tú, có trình độ, năng lực để đào tạo, bồi dưỡng sau này đưa về nước hoạt động. Khi trở về nước vào năm 1941, Người đã có lời kêu gọi tất cả các nhân sĩ, thân hào có tinh thần yêu nước tham gia Mặt trận Việt Minh để cống hiến trí tuệ của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, “kiến quốc cần có nhân tài”. Người đã viết hai bài “Nhân tài và Kiến quốc”, “Tìm người tài đức” đăng trên báo Cứu quốc để tìm người tài đức tham gia xây dựng và kiến thiết Tổ quốc. Các bài viết trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh được coi là “chiếu cầu hiền tài” đầu tiên của chính quyền cách mạng Việt Nam. Nhờ có tầm nhìn chiến lược, quan điểm đúng đắn đó mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ đã thu hút được rất nhiều người có tài, đức vào sự nghiệp kiến quốc và bảo vệ đất nước ngay từ những ngày đầu muôn vàn khó khăn của chính quyền cách mạng còn non trẻ trong trứng nước. Nhiều bậc trí thức, học giả, giáo sĩ, quan lại cho đến vua Bảo Đại đã được Bác Hồ cảm hóa và vận động tham gia chính quyền cách mạng. Người đã cảm hóa, lôi cuốn, thuyết phục một số trí thức nổi tiếng có tài và đức, có học vị, đang có thu nhập cao ở nước ngoài nhưng vẫn tình nguyện trở về nước tham gia bảo vệ và kiến thiết đất nước. Tiêu biểu là kỹ sư Trần Đại Nghĩa, giáo sư toán học Lê Văn Thiêm, nhà nông học Lương Định Của, tiến sỹ y khoa Đặng Văn Ngữ, giáo sư Phạm Huy Thông, bác sỹ Trần Hữu Tước, bác sỹ Nguyễn Khắc Viện,…Đồng thời, nhiều trí thức tiêu biểu như giáo sư Tạ Quang Bửu, giáo sư Tôn Thất Tùng, giáo sư Hồ Đắc Di, luật sư Phan Anh, giáo sư Hoàng Minh Giám, bác sỹ Vũ Đình Tụng,…đều được trọng dụng để phát huy tài năng phục vụ đất nước.
Khi dùng người tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh chú trọng tài năng ở trong công việc, lấy thước đo tinh thần vì dân, vì nước chứ không hẹp hòi, không câu nệ là người trong Đảng hay ngoài Đảng. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, dù còn nhiều ý kiến khác nhau, Người vẫn sẵn sàng sử dụng lại các cán bộ, công chức, quan chức trong chính quyền cũ, điển hình như Huỳnh Thúc Kháng, Phan Kế Toại, Bùi Bằng Đoàn…
Với nhãn quan chính trị vô cùng sắc bén, khôn khéo và nhạy cảm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định mời cụ Huỳnh Thúc Kháng, một chí sĩ yêu nước thuộc hàng tiền bối, là bậc đại khoa có danh vọng và uy tín lớn lao, từ Trung Bộ ra Hà Nội nhận chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ và sau này khi phải thực hiện chuyến công du sang Pháp năm 1946, Người đã giao quyền Chủ tịch nước cho cụ Huỳnh với lời dặn nổi tiếng “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Niềm tin của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được đặt đúng chỗ. Suốt thời gian Người đi Pháp, ở trong nước, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã luôn giữ vững phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến” trong giải quyết các công việc quốc nội, giữ yên được thế phát triển của cách mạng trong lúc hiểm nghèo, góp phần ngăn chặn và đập tan âm mưu khiêu khích, phá hoại của các thế lực phản động. Cụ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự tin cậy của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự trông đợi của nhân dân.
Hay như cụ Bùi Bằng Đoàn, làm tới chức Thượng thư Bộ Hình dưới triều Nguyễn nhưng Người vẫn mời ra làm Trưởng ban Thanh tra đặc biệt của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa rồi sau này làm tới chức Trưởng ban Thường trực Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Rồi Giáo sư Nguyễn Văn Huyên, dù là người ngoài Đảng nhưng vẫn được Người trọng dụng, giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục tới 29 năm. Một thời kỳ nền giáo dục nước nhà cung cấp được nhiều nhân tài cho cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cứu nước và kiến thiết nước nhà thắng lợi. Các bộ trưởng trong Chính phủ sau Cách mạng hầu hết đều là người ngoài Đảng.
Hàng loạt trí thức tây học còn rất trẻ nhưng có tài năng cũng được Người trọng dụng, giao trọng trách đúng người, đúng việc, đúng tài năng từ rất sớm như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Trần Văn Giàu, Đặng Thai Mai... Khi đó, Võ Nguyên Giáp mới 34 tuổi đã là Bộ trưởng Bộ Nội vụ, 37 tuổi đã là đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tư lệnh quân đội. Đây đều là những cộng sự, đồng thời là những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và trở thành những nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước kiệt xuất của dân tộc Việt Nam.
Một điểm đặc biệt trong cách dụng nhân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là, bất kể khi dùng ai, cất nhắc, bổ nhiệm ai, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều cho gặp trực tiếp để trao đổi, đối thoại và quan sát để cảm nhận về con người ấy. Và khi đã yên tâm, thì có thể giao việc. Có tâm trọng dụng nhân tài lại có tài năng và nghệ thuật trong dùng người, dùng cán bộ, nên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng được Chính phủ đại đoàn kết toàn dân tộc và hội tụ được nhân tài ở khắp ba miền Bắc, Trung, Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đưa cách mạng Việt Nam đi đến những thắng lợi vĩ đại.
Đi đôi với việc phát hiện nhân tài, một vấn đề rất quan trọng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu cầu đó là người lãnh đạo, quản lý phải biết sử dụng, trọng dụng nhân tài một cách hợp lý, nếu không sẽ làm “thui chột” nhân tài. Theo Người, “Lãnh đạo khéo, tài nhỏ có thể hoá ra tài to. Lãnh đạo không khéo, tài to cũng hoá ra tài nhỏ”. Lãnh đạo kém chẳng những không phát huy được nhân tài cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, mà còn làm thui chột nhân tài. Một quốc gia, một đất nước không biết sử dụng nhân tài là một khuyết điểm to, làm lãng phí một vốn quý của Đảng và Nhà nước trong xây dựng và kiến thiết.
Người cho rằng, việc trọng dụng nhân tài phải làm thường xuyên, liên tục như “người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta”. Trọng dụng nhân tài phải biết tuỳ tài mà dùng người, “tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy. Biết dùng người như vậy, ta sẽ không lo gì thiếu cán bộ”. Việc dùng nhân tài phải hợp lý, đúng năng lực và sở trường của họ, đúng người, đúng việc, chớ “dùng thợ mộc làm nghề thợ rèn”. Dùng đúng tài năng thì thành công, dùng sai tài năng thì hỏng việc và có khi còn có hại cho Đảng.
Theo Người, khi cất nhắc, giao công việc rồi thì phải cho cán bộ hiểu rõ mọi mặt các công việc họ phải phụ trách; tin tưởng, giao quyền độc lập, tự chủ cho cán bộ cấp dưới và khuyến khích họ mạnh dạn thực hiện. Hồ Chí Minh chỉ rõ: Những vấn đề đã quyết định rồi, thả cho họ làm, khuyên gắng họ cứ cả gan mà làm. Cũng như trong quân đội, khi chiến lược, chiến thuật và nhiệm vụ đã quyết định rồi, vị Tổng tư lệnh không cần nhúng vào những vấn đề lặt vặt. Phải để cho các cấp chỉ huy có quyền “tuỳ cơ ứng biến”, mới có thể phát triển tài năng của họ.
Khi trao chức Tổng tư lệnh Mặt trận Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ căn dặn Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Vào trận chắc thắng thì đánh. Không chắc thắng thì không đánh. Khi vào mặt trận, cố vấn Trung Quốc cho rằng ta nên đánh nhanh thắng nhanh. Nhưng điều tra, nghiên cứu địch tình, đồng chí Võ Nguyên Giáp nhận thấy không thể đánh ngay. Trăn trở suy nghĩ về lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Chắc thắng thì đánh. Không chắc thắng thì không đánh; nên Đại tướng đã quyết định kéo pháo vào, lại kéo pháo ra. Đánh theo phương châm chắc thắng. Chính việc chuyển từ phương châm tác chiến đánh nhanh thắng nhanh sang phương châm đánh chắc thắng là một trong những nguyên nhân thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, vấn đề chăm lo bồi dưỡng nhân tài cho đất nước, rèn luyện đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên” luôn là sự quan tâm hàng đầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cho đến trước lúc đi xa, Người vẫn ân cần dặn lại trong Di chúc: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Trong giai đoạn đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, vấn đề thu hút và trọng dụng nhân tài càng trở thành yếu tố quan trọng có tính chất quyết định hơn bao giờ hết. Cái gốc của chính sách nhân tài nằm ở việc nuôi dưỡng, bảo vệ và phát triển nhân tài. Nhân tài cần phải được trọng dụng, được giao nhiệm vụ xứng đáng và phù hợp với tài năng của họ; được tôn trọng, đánh giá đúng mức thành quả lao động và được ghi nhận, tôn vinh những gì mà họ cống hiến. Vì vậy, Đảng, Nhà nước cần phải xây dựng và triển khai chiến lược phát triển nhân tài, coi việc “cầu hiền tài” là một chiến lược phát triển quốc gia, thực hiện chính sách thu hút và sử dụng nhân tài một cách hợp lý. Phải xác định đây là vấn đề vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài trong sự nghiệp cách mạng ở nước ta hiện nay. Các cấp ủy Đảng, chính quyền cần có chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp để tìm kiếm, giữ chân, thu hút và phát triển nguồn trí tuệ để phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã đi xa nhưng tư tưởng của Người về nhân tài vẫn còn nguyên giá trị đối với chúng ta. Quan điểm của Người về nghệ thuật dùng người, trọng dụng nhân tài chính là bài học vô giá để chúng ta có những chủ trương, chính sách đúng, trúng và hiệu quả trong công tác cán bộ hiện nay.
Thu Hương - TU Nha Trang