“Chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng, đảm bảo quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Điều này thể hiện rõ trong Hiến pháp, hệ thống pháp luật của Việt Nam cũng như được đảm bảo thực hiện trên thực tế".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng tại buổi họp báo ngày 11-6. Ảnh: Phương Linh.
Thời gian qua, Việt Nam không ngừng nỗ lực để hoàn thiện hệ thống pháp luật về tôn giáo, chính sách tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó có việc thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Hiện nay, Việt Nam có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được công nhận và cấp đăng ký hoạt động với 55.000 chức sắc, 145.000 chức việc, 29.000 cơ sở thờ tự. 95% dân số Việt Nam có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó có 26 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước; có hơn 8.000 lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo hằng năm, thu hút sự tham gia đông đảo của các tín đồ và quần chúng nhân dân; đặc biệt, nhiều hoạt động tôn giáo quốc tế lớn được tổ chức thành công ở Việt Nam, trong đó có các sự kiện: Kỷ niệm 500 năm Cải chánh đạo Tin lành (năm 2017), Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc (LHQ) Vesak (năm 2019), Tổng hội dòng Đa Minh thế giới (năm 2019)… Những nỗ lực này của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Chúng tôi ghi nhận Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đề cập đến những thành tựu và tiến triển của Việt Nam trong việc đảm bảo và thúc đẩy đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của Việt Nam. Tuy nhiên, Báo cáo tự do tôn giáo quốc tế năm 2019 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vẫn có những thông tin không chính xác, chưa được kiểm chứng về tình hình Việt Nam. Việt Nam tiếp tục duy trì và sẵn sàng tăng cường hợp tác, trao đổi với phía Hoa Kỳ về các vấn đề cùng quan tâm trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở và tôn trọng lẫn nhau thông qua các khuôn khổ đối thoại song phương, trong đó có đối thoại nhân quyền thường niên; qua đó, đóng góp vào việc thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước”.
* Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan tới Biển Đông, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Việt Nam quan tâm đến việc thời gian vừa qua có nhiều quốc gia là thành viên của LHQ đã lưu hành văn bản bày tỏ quan điểm về tình hình Biển Đông. Việc lưu hành tài liệu bày tỏ quan điểm là phương thức hoạt động thường làm của các quốc gia thành viên LHQ.
Lập trường của Việt Nam về vấn đề Biển Đông bao gồm cả về chủ quyền, quyền chủ quyền và các quyền hợp pháp trên biển là rõ ràng, nhất quán và đã được nói rõ nhiều lần. Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của mình với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như các quyền lợi hợp pháp với các vùng biển của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Cộng đồng quốc tế cũng như LHQ coi trọng việc các quốc gia thành viên LHQ có quan điểm đề cao, thúc đẩy và tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982”.
* Liên quan tới câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam về việc làn sóng biểu tình lan rộng tại Hoa Kỳ, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh, Việt Nam quan tâm và chia sẻ với chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ về tình trạng một số vụ biểu tình đang có xu hướng bạo lực, diễn ra ở một số địa phương của Hoa Kỳ và có ảnh hưởng đến kinh tế, an sinh xã hội của người dân. “Theo thông tin Bộ Ngoại giao Việt Nam nhận được từ các cơ quan đại diện Việt Nam tại Hoa Kỳ, cho đến nay, chưa ghi nhận trường hợp công dân Việt Nam nào bị ảnh hưởng trong các cuộc biểu tình”, bà Hằng cho biết.
Theo QDND.VN
https://www.qdnd.vn/doi-ngoai/doi-ngoai/viet-nam-ton-trong-dam-bao-quyen-tu-do-ton-giao-tin-nguong-va-tu-do-khong-tin-nguong-ton-giao-cua-cong-dan-622753