Cũng như ở một số địa phương, từ đầu tháng 6-2018, trên địa bàn tỉnh Bình Dương manh nha diễn ra các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Nhưng nhờ chủ động nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, các cấp ủy, chính quyền và cơ quan chức năng đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn hiệu quả.
Đa dạng hóa cách thức gần dân, hiểu dân
Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tính đến tháng 6-2018, Bình Dương có 29 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động, với gần 37.000 doanh nghiệp (DN) và hơn một triệu công nhân (CN), người lao động (NLĐ), trong đó hơn 50% là lao động ngoại tỉnh, 14.000 lao động người nước ngoài. Đây là đặc thù tiềm ẩn nhiều yếu tố dễ bị lực lượng thù địch lợi dụng chống phá, gây mất an ninh chính trị địa bàn. Đại tá Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, khẳng định: “Bình Dương là tỉnh công nghiệp nên có rất đông CN lao động. Do đó, nếu không bám sát CN, NLĐ để nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm lý thì rất khó kiểm soát được suy nghĩ, hành động và càng gặp khó khăn trong giải quyết, xử lý các vấn đề nảy sinh liên quan”.
Quan điểm là vậy, nhưng Bình Dương có lực lượng lao động tuổi đời còn rất trẻ; đa số CN xuất thân từ nông thôn, là người ngoài tỉnh; kiến thức và khả năng hiểu biết chính sách pháp luật có mức độ; ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp còn nhiều hạn chế nên công tác dự báo tình hình, nắm bắt tư tưởng gặp nhiều khó khăn.
|
Một góc thành phố Bình Dương. Nguồn: 24h.com.vn |
Để khắc phục khó khăn có tính đặc thù đó, từ sau sự việc diễn ra vào năm 2014, Tỉnh ủy Bình Dương đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng công tác dự báo, nắm tình hình tư tưởng trong dân. Đặc biệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng Chương trình số 60-CTr/TU (ngày 26-10-2017) "Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền nhằm nâng cao tính chiến đấu của công tác tư tưởng trong tình hình mới". Cùng với đó, định kỳ hằng tháng, Tỉnh ủy tổ chức giao ban khối đoàn thể do đồng chí Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy chủ trì đánh giá tình hình trong tháng và đề ra phương hướng thời gian tới. Tỉnh ủy giao Ban Tuyên giáo định kỳ tổ chức các cuộc điều tra dư luận xã hội (DLXH). Theo đồng chí Lê Tấn Linh, Giám đốc Trung tâm Thông tin công tác tư tưởng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương: Mỗi cuộc điều tra DLXH được triển khai thực hiện cho tất cả đối tượng và chọn mẫu điều tra một cách ngẫu nhiên, gồm: Đảng viên, cán bộ, công chức, LLVT, cán bộ hưu trí, cựu chiến binh, CN, nông dân, tiểu thương, học sinh, sinh viên, lao động tự do, đồng bào tôn giáo, dân tộc với tỷ lệ phân chia một cách hợp lý. Địa bàn phát phiếu rộng khắp đến tận tổ chức đoàn thể cấp cơ sở, với tổng phiếu điều tra là 2.800 phiếu/cuộc.
Hằng tuần, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổng hợp phản ánh tình hình xã hội trên cơ sở thu thập, phân tích thông tin, số liệu từ nhiều nguồn, nhất là qua giao ban an ninh tư tưởng và khai thác trên các phương tiện truyền thông. Cùng với đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 554-QĐ/TU ngày 17-10-2017 để củng cố, kiện toàn đội ngũ cộng tác viên DLXH cấp tỉnh cùng Quy chế số 04-QC/TU "Quy chế hoạt động của đội ngũ cộng tác viên DLXH cấp tỉnh". Trong năm 2017, Tỉnh ủy Bình Dương cũng ban hành "Quy chế phối hợp công tác tuyên truyền đối với những vấn đề phức tạp, nhạy cảm trên địa bàn tỉnh" sẵn sàng đối phó, chuẩn bị các phương án truyền thông trước mọi tình huống và đấu tranh hiệu quả trên không gian mạng. Đồng chí Lê Hữu Phước, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương, khẳng định: "Với các giải pháp căn cơ, đồng bộ như vậy, cùng kinh nghiệm đã có là tiền đề nền tảng để cấp ủy, chính quyền nắm chắc trận địa lòng dân; kịp thời phát hiện, ngăn chặn mọi âm mưu thủ đoạn chống phá của các lực lượng thù địch đầu tháng 6-2018 vừa qua".
Thực tế cho thấy, qua các kênh nắm bắt tư tưởng, tâm lý xã hội thường xuyên, ngay từ đầu tháng 6-2018, cơ quan chức năng sớm nhận diện, phát hiện: Vào thời điểm Quốc hội khóa XIV thảo luận về dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc và dự án Luật An ninh mạng, trên các trang mạng xuất hiện những bài viết kích động biểu tình, hướng vào đối tượng CN, NLĐ. Cùng với đó, trên địa bàn xuất hiện tờ rơi kêu gọi CN, NLĐ ngừng việc, xuống đường phản đối việc Quốc hội thông qua hai dự luật trên. Các tờ rơi có nội dung bịa đặt, phiến diện, bóp méo sự thật, “biên tập” có chủ định một số nội dung của dự luật nhằm gây bức xúc trong NLĐ. Trước tình hình đó, theo các ngành chức năng của tỉnh, từ ngày 6 đến 18-6, có khoảng 40 DN trên địa bàn được nhận định có nguy cơ tiềm ẩn mất ổn định an ninh chính trị. Thời điểm này, một số hiện tượng manh nha đáng lo ngại, như: CN một số DN mặc trang phục lạ đi làm; xuất hiện tờ rơi kêu gọi CN tuần hành ở KCN Sóng Thần; nhiều nội dung viết tay lên tường nhà vệ sinh kêu gọi tham gia biểu tình; một số đối tượng thực hiện hành vi cúp cầu dao điện của DN hoặc tại các xưởng sản xuất để gây phân tán, dao động tư tưởng, buộc CN ngừng việc, đình công...
Qua kết quả điều tra xã hội học ở 8 DN (trên địa bàn Thủ Dầu Một, Bến Cát và Dầu Tiếng) cho thấy: hơn 97% CN, NLĐ cho biết, trong các ngày 10 và 11-6, họ được nghe, xem, tiếp cận với thông tin chính thống từ lực lượng chức năng; nhất là liên quan đến những nội dung cơ bản của các dự luật, qua đó nhận diện rõ hơn mưu đồ chống phá của kẻ thù. Đông đảo nhân dân ghi nhận, ngành tuyên giáo các cấp đã thực sự chủ động trong tổ chức tuyên truyền, đẩy mạnh tần suất, cường độ, tính chất tuyên truyền về các vấn đề liên quan. Trong đó, báo chí địa phương đã truyền tải được thông điệp của lãnh đạo tỉnh đến với người dân; kêu gọi mọi người bình tĩnh trước diễn biến phức tạp của tình hình. Cùng với đó, các cấp đã phát huy tốt hiệu quả của hệ thống loa truyền thanh phường, xã và nhất là trong các doanh nghiệp; chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền trực quan bằng hệ thống pa-nô, áp-phích, băng-rôn. Đặc biệt, UBND tỉnh ra lời kêu gọi nhân dân qua tất cả hệ thống nhà mạng cho thuê bao di động trên địa bàn; giúp toàn dân an tâm tư tưởng, cùng chung sức đồng lòng giữ vững an ninh chính trị, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu chống phá của kẻ thù. Đó là những yếu tố tiên quyết cho những thành công của tỉnh Bình Dương trong việc đấu tranh, làm thất bại âm mưu gây rối, chống phá của các lực lượng thù địch.
Hòa vào cộng đồng mạng bằng smartphone
Chia sẻ về kinh nghiệm nắm bắt tư tưởng trong CN, đồng chí Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Bình Dương nêu quan điểm: "Bình Dương có hơn một triệu CN, NLĐ làm việc tại KCN, có nghĩa là có khoảng ngần ấy chiếc smartphone đang hoạt động và chắc chắn có nhiều hơn thế số tài khoản zalo, facebook... Tức là, NLĐ đang có một thế giới không gian mạng riêng trong thời buổi công nghiệp 4.0. Do đó, ngoài việc bảo vệ quyền lợi, chăm lo đời sống NLĐ thì tổ chức công đoàn phải nắm đời sống tư tưởng CN, NLĐ qua thực tiễn lao động, sản xuất và cuộc sống thường nhật, tất yếu phải nắm tư tưởng, quan điểm, tình cảm của họ trên không gian mạng".
Để làm được điều đó, LĐLĐ tỉnh Bình Dương nhất quán quan điểm: Mỗi cán bộ, công chức, nhất là cán bộ công đoàn các cấp với chiếc smartphone trong tay phải có trách nhiệm kết nối, gắn kết với CN, NLĐ trên không gian mạng. Cán bộ phải là người bạn chân thành, gần gũi với đông đảo CN, NLĐ để nắm bắt được tâm trạng chung của CN, NLĐ; nhất là những trường hợp có biểu hiện tư tưởng bất thường. Theo tinh thần đó, 691.881 đoàn viên công đoàn/757.206 CN, viên chức lao động trong các đơn vị có tổ chức công đoàn đã thể hiện, khẳng định được vai trò trong nắm bắt tình hình, hòa mình vào cộng đồng mạng bằng chính chiếc smartphone của mình. Công việc này càng thuận tiện hơn khi trước đó LĐLĐ các cấp đã phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn cho cán bộ, công đoàn viên về kiến thức, kỹ năng sử dụng đúng, hiệu quả các tài khoản cá nhân và khai thác mặt tích cực trên không gian mạng.
Đặc biệt, với nhận thức thái độ và ý thức tổ chức kỷ luật cao, đội ngũ cán bộ công đoàn đều thực hiện tốt việc không ủng hộ, chia sẻ các bài viết trên mạng xã hội có nội dung gây bất lợi; tăng cường phản ánh, chia sẻ quan điểm, thái độ, lên án âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù. Anh Nguyễn Hoàng Phi, cán bộ công đoàn cơ sở Công ty ASTRO, KCN Đồng An, nêu nhận định: "Nếu như ở một số địa phương vẫn còn tình trạng cán bộ, đảng viên vô tư, hồn nhiên ủng hộ, chia sẻ một số bài viết có tính chất tiêu cực hoặc không chính thống về dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, thì ở Bình Dương câu chuyện này tuyệt nhiên không hề diễn ra. Thay vào đó, việc đấu tranh trên mạng xã hội của cán bộ, đảng viên được đẩy mạnh, rộng khắp, với quyết tâm lấy cái đẹp, cái tốt đẩy lùi cái xấu, làm cho thông tin tích cực trở thành dòng chủ lưu trên mạng xã hội".
Để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các nguy cơ tiềm ẩn trên mạng xã hội, các tổ chức công đoàn còn chủ động thành lập các nhóm (group) kết nối trên facebook, zalo, fanpage, blogger… qua đó chuyển tải những nội dung tích cực, thông điệp của cơ quan chức năng. Đồng chí Lê Thị Yến, Chủ tịch Công đoàn KCN Việt Hương, chia sẻ: “Chúng tôi thường xuyên đăng tải những comment ngắn gọn lên facebook, zalo… để CN, NLĐ thấy rõ tác hại của việc biểu tình không đúng pháp luật, như: “Anh chị em đoàn viên công đoàn, CN, NLĐ thân mến! Quan tâm, lo lắng đến những an nguy của đất nước là quyền, trách nhiệm của tất cả công dân Việt Nam yêu nước. Anh chị em đoàn viên, CN, NLĐ cũng vậy! Yêu nước luôn thể hiện bằng những hành động, việc làm cụ thể, yêu những thứ nhỏ bé nhất xung quanh mình. Yêu nước là mỗi người, tùy công việc, tùy lĩnh vực cùng góp sức để đất nước được yên bình, phát triển”. Hay: “Đối với anh chị em đoàn viên, CN, NLĐ, yêu nước chính là yêu bữa cơm của gia đình, yêu cha mẹ, con cái, yêu công việc. Muốn như vậy, trước hết chính mình phải bảo vệ mình, gia đình, công việc của mình, nhà máy, nhà xưởng… để anh chị em đoàn viên, CN, NLĐ không bị mất việc làm, cuộc sống của chính mình và gia đình bị ảnh hưởng”.
Với cách làm quyết liệt hơn, Công đoàn cơ sở (CĐCS) Công ty ASTRO, KCN Đồng An, lựa chọn những người giỏi IT, thành lập nhóm zalo, facebook, trực tiếp tham gia đấu tranh với những trang mạng phản động, những tài khoản zalo, facebook đăng nội dung có tính kích động CN tham gia biểu tình.
Trên nhiều địa chỉ cá nhân, cán bộ, đảng viên, công chức đã chủ ý nhắc lại những hậu quả nghiêm trọng của việc biểu tình quá khích xảy ra năm 2014, như: “Tại tỉnh Bình Dương, chúng ta đã phải trả giá đắt vì những cuộc tuần hành, xuống đường của CN lao động vào tháng 5-2014, làm thiệt hại lớn đến tài sản của DN. Nhiều DN phải ngưng sản xuất, nhiều NLĐ đã mất việc làm, ảnh hưởng đến môi trường thu hút đầu tư và sự phát triển của tỉnh”. Các tài khoản cá nhân của cán bộ, đảng viên, công chức gửi đi thông điệp kêu gọi anh chị em CN, NLĐ không nghe theo, không làm theo lời xúi giục để không rơi vào mưu đồ của kẻ xấu, đồng thời tuyên truyền cho bạn bè, đồng nghiệp không tham gia các cuộc tuần hành, biểu tình trái pháp luật, không chia sẻ các nội dung kích động trên các trang mạng xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ công ty, doanh nghiệp, bảo vệ việc làm vì tương lai của bản thân, gia đình, vì sự ổn định, phát triển của đất nước.
Theo khảo sát của Báo Quân đội nhân dân, bằng phương pháp điều tra xã hội học, hơn 70% CN (ở 8 DN được khảo sát) cho biết, họ có tiếp xúc với các bài viết, video clip do lực lượng thù địch phát tán trên mạng xã hội liên quan đến hai dự án luật được Quốc hội khóa XIV xem xét, thảo luận, nhưng họ tuyệt nhiên không ủng hộ, chia sẻ; 97% CN cho rằng, họ được đọc những bài viết và nội dung chia sẻ của cán bộ công đoàn và chủ động tiếp thu, làm theo, vì cán bộ công đoàn là đại diện bảo vệ quyền lợi cho CN, NLĐ; số ít CN ghi nhận có chia sẻ thông tin, nhưng sau khi được gặp gỡ, giải thích thì lập tức gỡ bỏ hoặc thể hiện công khai quan điểm bản thân là không tham gia vào các hoạt động biểu tình, tập trung đông người.
Như vậy, nhờ bám sát CN, NLĐ và tuyên truyền, vận động bằng phương pháp phù hợp, tác động đúng vào tâm lý và nguyện vọng, lợi ích thiết thân của các đối tượng, 100% CN, NLĐ của tình Bình Dương không tham gia biểu tình những ngày sau đó (số liệu Công an Bình Dương cung cấp). Chỉ một vài đối tượng bị các thế lực thù địch mua chuộc, lôi kéo là các phần tử bất mãn, có tiền án, tiền sự, cờ bạc, nghiện hút, không công ăn việc làm, có biểu hiện chống đối, biểu tình, đều bị quần chúng nhân dân tố giác, các cơ quan thi hành công vụ ngăn chặn kịp thời. Cũng qua việc nắm chắc tư tưởng CN, NLĐ trên mạng xã hội, cơ quan chức năng đã phát hiện, nắm rõ chiêu thức, thủ đoạn của những kẻ chủ mưu; xác định rõ 5 địa điểm mà chúng phát động người dân tụ tập, biểu tình, chống phá, làm cơ sở cho lực lượng chức năng tổ chức ngăn chặn, đẩy lùi.
Cũng trong khoảng thời gian đó, qua khai thác, nắm bắt tình hình trên không gian mạng, đội ngũ cán bộ và cơ quan chức năng phát hiện, tiến hành làm việc, buộc 39 trường hợp gỡ bỏ các bài viết trên mạng xã hội có nội dung kêu gọi CN nghỉ việc, tuần hành (Dĩ An: 10; Tân Uyên: 10; Thủ Dầu Một: 8; Bến Cát: 4; Thuận An: 4; Dầu Tiếng: 2; Phú Giáo: 1); xác minh, lập hồ sơ đưa vào diện quản lý 24/33 trường hợp có tên trong danh sách ký tên ủng hộ lời kêu gọi tuần hành phản đối dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc trên internet; số đối tượng còn lại hiện đang xác minh, làm rõ để xử lý. Đặc biệt, cơ quan chức năng sớm phát hiện trang web phản động đăng tải văn bản mạo danh công an. Văn bản này có hơn 1.000 lượt người chia sẻ, hơn 130 lượt người bình luận trái chiều, tạo dư luận xấu. Lực lượng chức năng nhanh chóng vào cuộc, xác định nguồn tin xuất phát từ máy chủ của Việt Tân ở nước ngoài nên chủ động đấu tranh, ngăn chặn, bóc gỡ kịp thời. Ngoài ra, với thái độ đấu tranh quyết liệt, cơ quan chức năng đã triển khai hiệu quả các biện pháp kỹ thuật, gỡ bỏ nội dung những bài viết phản động, chống phá chính quyền và sự nghiệp cách mạng.
Theo Qdnd.vn