Nhiều rào cản cần được tháo gỡ
Theo Điều lệ Đảng, việc tổ chức xét, kết nạp quần chúng ưu tú vào Đảng được thực hiện từ cấp chi bộ. Với những đơn vị KTTN có TCĐ và các tổ chức quần chúng như công đoàn, đoàn thanh niên thì việc bồi dưỡng quần chúng, giới thiệu xét, kết nạp Đảng được thực hiện theo đúng quy trình, thủ tục của Điều lệ Đảng. Vấn đề khó, vướng đặt ra ở các đơn vị KTTN là khi chưa có hoặc chưa đủ những điều kiện nêu trên.
Tại buổi làm việc với tỉnh Bắc Ninh về công tác phát triển đảng viên trong đơn vị KTTN, các đồng chí lãnh đạo của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp (DN), Liên đoàn Lao động tỉnh đều nêu quan điểm: Công tác phát triển đảng viên trong các đơn vị KTTN đang gặp điểm nghẽn từ cơ chế. Theo đồng chí Đào Hồng Lan, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh; Quy trình, thủ tục thành lập TCĐ, phát triển đảng viên còn rất nhiều vướng mắc khiến chủ DN còn lăn tăn, cấn cá, bí thư chi bộ còn phân vân. Với các đơn vị KTTN có từ 1 đến 2 đảng viên thì đảng bộ cấp trên cơ sở thành lập chi bộ ghép, hoặc phân công đảng viên từ nơi khác về sinh hoạt cùng để đủ điều kiện thành lập chi bộ. Nếu những DN chưa có đảng viên thì theo quy định, việc kết nạp đảng, thành lập TCĐ được giao cho DN có trụ sở chính (công ty mẹ) của DN đó. Quy định này được áp dụng cho các DN có vốn Nhà nước sở hữu dưới 50%, hợp tác xã, trường học, bệnh viện ngoài công lập. Trong khi hầu hết các đơn vị KTTN trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đều là các DN nhỏ và siêu nhỏ, không phải DN nào cũng có công ty mẹ.
Lãnh đạo Công ty cổ phần Gạch men TASA (Phú Thọ) cùng cấp ủy chi bộ công ty kiểm tra hoạt động sản xuất ở các phân xưởng. Ảnh: MINH THẮNG.
Đồng chí Đỗ Đình Hữu, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan và DN tỉnh Bắc Ninh nêu thực tế: "Qua công tác bám nắm, theo dõi, tuyên truyền, vận động của Đảng ủy Khối các cơ quan và DN tỉnh, ở những đơn vị KTTN hoạt động kinh doanh hiệu quả thì có khoảng 40-50% chủ DN mong muốn kết nạp Đảng. Có những chủ DN, 3 đến 4 năm nay kiên trì rèn luyện, phấn đấu và mong muốn được kết nạp Đảng, nhưng do vướng mắc từ nhiều khâu, như: DN không có TCĐ, không có đảng viên chính thức giới thiệu, quy trình, thủ tục xét duyệt hồ sơ kết nạp Đảng phức tạp nên vẫn chưa thể kết nạp".
Những ngày khảo sát tại Bắc Ninh, câu chuyện của đồng chí Nguyễn Thị Vân Hà, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, khiến chúng tôi trăn trở, suy nghĩ. Cũng bởi những “rào cản, vướng mắc” mà hơn 30 cán bộ công đoàn làm việc trong các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trên địa bàn huyện Yên Phong không thể kết nạp Đảng được. Đây đều là những quần chúng ưu tú, có nguyện vọng thiết tha được đứng trong hàng ngũ của Đảng và đã được tham gia lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng từ hơn một năm nay. Nếu đưa những cán bộ công đoàn này về kết nạp Đảng tại khu dân cư cũng là một nhiệm vụ bất khả thi vì quần chúng không tham gia sinh hoạt tại địa phương, còn DN thì chưa có TCĐ.
Trong suốt quá trình khảo sát thực tế cũng như phát phiếu điều tra xã hội học, chúng tôi nhận được phản ảnh từ nhiều địa phương, nhiều đơn vị KTTN về chế độ chính sách đối với cán bộ làm công tác Đảng, công tác chính trị trong các đơn vị KTTN hiện còn nhiều bất cập, chưa có hướng dẫn cụ thể khiến cơ sở lúng túng. Quy chế phối hợp giữa TCĐ với chủ các đơn vị KTTN chưa có hướng dẫn cụ thể từ Trung ương, mà chủ yếu là do các địa phương “mò mẫm” xây dựng quy chế phối hợp tạm thời.
Việc hỗ trợ kinh phí hoạt động ban đầu cho các TCĐ mới thành lập ở các đơn vị KTTN cũng như thực hiện chế độ, chính sách đối với các đồng chí là cấp ủy trong các TCĐ ở đơn vị KTTN được thực hiện chủ yếu phụ thuộc vào sự vận dụng linh hoạt, chủ động từ nguồn ngân sách địa phương. Ví như tại Phú Thọ, mặc dù Ban Tổ chức Tỉnh ủy Phú Thọ đã xây dựng dự thảo quy chế phối hợp giữa TCĐ với chủ các đơn vị KTTN; dự thảo chủ trương hỗ trợ kinh phí ban đầu cho các TCĐ mới thành lập ở các đơn vị KTTN nhưng không thể thực hiện được do chưa có hướng dẫn từ Trung ương, còn địa phương thì lo ngại bị “thổi còi” khi thanh tra, kiểm toán.
Đồng chí Nguyễn Việt Xô, Bí thư Đảng ủy Khối DN Hà Nội bày tỏ: "Hiện nay, quy định, quy chế về chức năng nhiệm vụ của các TCĐ chưa rõ ràng; chưa có quy chế phối hợp giữa cấp ủy với lãnh đạo các đơn vị KTTN để làm tốt hơn công tác xây dựng Đảng". Theo phản ánh của lãnh đạo nhiều Ban Đảng các địa phương, thực hiện Công văn số 8180-CV/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương về việc tiếp tục thực hiện Hướng dẫn số 17-HD/BTCTW ngày 30-1-2013 về “Thí điểm kết nạp những người là chủ DN tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng”, đã hết hiệu lực từ ngày 31-12-2016 nhưng đến nay vẫn chưa có hướng dẫn mới thay thế, khiến các địa phương lúng túng.
Vẫn còn DN thiếu mặn mà, quần chúng chưa thiết tha
Để các chủ DN tư nhân thực sự quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất cho các TCĐ hoạt động và thực hiện tốt việc phát triển đảng viên, một trong những giải pháp hữu hiệu đó là chính quyền địa phương nên có những cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho các đơn vị KTTN có TCĐ. Đó cũng là động lực, cú huých tăng cường xây dựng, củng cố, phát triển các TCĐ trong đơn vị KTTN khác. Trong quá trình khảo sát tại các địa phương, chúng tôi đặt ra vấn đề này thì hầu như đều nhận được những cái “lắc đầu” đầy ái ngại. Đồng chí Nguyễn Quang Vinh, Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Phú Thọ bày tỏ: "Chúng tôi đã nghĩ đến vấn đề này, nhưng không có cơ sở pháp lý nên không thể đề xuất cơ chế. Hơn nữa, các đơn vị KTTN hoạt động theo luật và bình đẳng trước pháp luật. Bởi vậy, không thể cứ hỗ trợ, ưu đãi cho DN này mà bỏ DN khác lại phía sau!".
Trong rất nhiều nguyên nhân khiến việc phát triển đảng viên trong các đơn vị KTTN chưa được như kỳ vọng, thì hầu hết các địa phương đều cho rằng, lý do đầu tiên vẫn là từ phía chủ DN. Ngoài những yếu tố khách quan, như: DN quá ít lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh không thuận lợi... thì còn do nhận thức từ phía chủ DN. Đồng chí Lê Quang Long, Phó bí thư Đảng ủy các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cho biết: "Có nhiều chủ DN không tạo điều kiện cho việc thành lập TCĐ, thậm chí có người tới DN xin việc nhưng khi biết họ là đảng viên chủ DN từ chối không nhận. Bởi chủ DN cho rằng, thời gian sinh hoạt chi bộ, học tập nghị quyết... sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Đối với DN thì vấn đề đặt lên trên hết là lợi ích, lợi nhuận".
Cùng chung quan điểm này, đồng chí Đỗ Đình Hữu, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan và DN tỉnh Bắc Ninh nêu thực tế, nhiều chủ DN tư nhân nhận thức chưa đầy đủ về Đảng. Dù đã được tuyên truyền, vận động nhiều lần, nhưng họ lo lắng khi có TCĐ, tổ chức này sẽ lãnh đạo toàn diện, làm mất vai trò của chủ DN. Điều này một lần nữa cho thấy, việc Trung ương chưa có hướng dẫn cụ thể về quy chế phối hợp giữa hai bên, giữa TCĐ và chủ đơn vị KTTN đang gây khó cho công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục các chủ DN tư nhân ủng hộ, đồng hành để xây dựng, củng cố TCĐ và phát triển đảng viên.
Trong khi đó, về phía các DN FDI, đây là khối đơn vị KTTN thực hiện rất nghiêm túc các quy định của pháp luật Việt Nam trong việc thành lập tổ chức công đoàn theo Luật Công đoàn. Theo đánh giá của đồng chí Nguyễn Thị Vân Hà, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh: Chủ các DN FDI đều nhận thấy những người lao động là đảng viên làm việc trong DN rất gương mẫu, có ích trong việc tuyên truyền, vận động, tổ chức các hoạt động trong DN. Nhưng khi đề cập đến việc thành lập TCĐ thì DN không thiết tha, khiến những đảng viên trong các DN FDI vẫn phải tham gia sinh hoạt tại địa phương.
Đồng chí Nguyễn Thị Vân Hà nêu ví dụ của Công ty TNHH Samsung Electronics tại Khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh) có 5 người lao động là đảng viên đang làm việc tại đây, theo quy định thì đủ điều kiện thành lập chi bộ và họ rất mong muốn thành lập TCĐ để tham gia sinh hoạt nhưng chủ DN không đồng ý.
Qua khảo sát tại nhiều đơn vị KTTN, một trong những lý do khiến chủ các đơn vị KTTN định kiến với việc thành lập TCĐ đó là trong quá trình tiếp xúc, làm việc với cơ quan công quyền, họ gặp phải quá nhiều thủ tục hành chính nhiêu khê; quá nhiều các đợt thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng khiến DN mất rất nhiều thời gian. Điều này dẫn đến tâm lý “dị ứng” lây lan khiến cho công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục chủ các đơn vị KTTN đồng ý cho thành lập TCĐ vốn đã khó lại càng khó khăn hơn.
Về phía người lao động, tại nhiều địa phương, lãnh đạo các ban, ngành liên quan đánh giá: Bên cạnh một bộ phận người lao động có nguyện vọng, tự nguyện phấn đấu, rèn luyện để được đứng trong hàng ngũ của Đảng thì khá nhiều lao động không thiết tha. Nguyên nhân cũng bởi gánh nặng mưu sinh, “cơm áo gạo tiền” hằng ngày, khiến họ không còn tâm trí, thời gian để nghĩ đến chuyện phấn đấu vào Đảng. Cũng không ít người lao động nhận thức chưa đúng, đủ về Đảng. Họ cho rằng vào Đảng là để thăng quan, tiến chức, còn mình chỉ là công nhân lao động nên không cần thiết. Trò chuyện với chúng tôi, chị Nguyễn T.L.A, công nhân làm việc tại Công ty TNHH Xây dựng-Thương mại Tường Vy, huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh thẳng thắn bày tỏ: "Tôi là người lao động phổ thông, làm công ăn lương, thời gian nghỉ ngơi còn chưa đủ thì lấy đâu ra thời gian để phấn đấu vào Đảng, lại càng không có thời gian tham gia sinh hoạt chi bộ, học tập chính trị...".
Theo đồng chí Nguyễn Đức Khánh, Trưởng phòng TCĐ và đảng viên, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Phú Thọ, những định kiến từ phía chủ DN khiến cho nhiều lao động từ bỏ ước mơ, nguyện vọng được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Họ lo sợ DN gây khó khăn trong công việc. Cũng bởi do chủ DN không tạo điều kiện nên nhiều lao động là đảng viên, nhưng không chuyển sinh hoạt về TCĐ gần nơi làm việc mà vẫn tham gia sinh hoạt ở địa phương.
Lý giải về điều này, đồng chí Lê Quang Long, Phó bí thư Đảng ủy các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cho rằng, ngoài nguyên nhân từ phía DN thì ở các khu dân cư, chi bộ đảng sinh hoạt rất linh hoạt và mức đóng đảng phí không nhiều. Băn khoăn chung của người lao động khi được tuyên truyền, vận động kết nạp Đảng, đặc biệt là đảng viên khi chuyển sinh hoạt từ địa phương về các DN, đó là mức đóng đảng phí của đảng viên tại DN, cao hơn nhiều so với mức đóng đảng phí ở địa phương. Bên cạnh đó là một loạt vấn đề phát sinh, như: Thời gian sinh hoạt chi bộ, học tập nghị quyết ở các TCĐ trong các đơn vị KTTN hầu như phải tổ chức vào ngày nghỉ để không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, trong khi người lao động lại rất cần thời gian ngày nghỉ để lo toan công việc gia đình.
Trước những khó khăn, rào cản đến từ nhiều phía như vậy, dù các địa phương đã rất nỗ lực trong nhiệm vụ xây dựng TCĐ và đảng viên trong các đơn vị KTTN, nhưng kết quả chưa được như kỳ vọng. Tất nhiên, trong tổng số các đơn vị KTTN ở những địa phương này thì đại đa số là DN nhỏ, siêu nhỏ và các hộ kinh doanh cá thể. Từ đây cũng thấy rõ, khu vực KTTN còn rất nhiều tiềm năng và dư địa để phát triển TCĐ và đảng viên, qua đó là cơ hội tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với khu vực có nhiều đóng góp to lớn, quan trọng cho nền kinh tế và sự phát triển của đất nước.
Theo QDND.vn