Để tổ chức đảng trong đơn vị kinh tế tư nhân (KTTN) thực sự là cầu nối quan trọng của Đảng với DN và NLĐ, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, công tác xây dựng Đảng ở các đơn vị KTTN cần phải được xem là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, DN và NLĐ.
Nâng tầm nhận thức từ “3 phía”
Trong đợt khảo sát tại tỉnh Bắc Ninh, chúng tôi được lãnh đạo và nhiều ban đảng, đoàn thể của tỉnh chia sẻ về những khó khăn trong quá trình vận động phát triển Đảng, thành lập chi bộ trong các đơn vị KTTN. Đồng chí Đào Hồng Lan, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh thừa nhận: "Tỉnh chưa thành lập được TCĐ và chưa phát triển được đảng viên ở các DN trong các khu công nghiệp tập trung. Việc tiếp cận của ban chỉ đạo xây dựng TCĐ, phát triển đảng viên trong các đơn vị KTTN trên địa bàn tỉnh với các DN rất khó khăn. Cùng với đó, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể khó tiếp cận với NLĐ trực tiếp nên chưa nắm bắt thường xuyên, kịp thời tâm tư, nguyện vọng của quần chúng".
Trong bối cảnh chung, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã chỉ ra: Hoạt động của ban chỉ đạo cấp thành phố và ban chỉ đạo ở một số quận, huyện còn chưa nền nếp, thiếu các giải pháp, hình thức tuyên truyền, vận động; một số nơi còn có tư tưởng ngại khó khăn, thiếu kiên trì nên công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển Đảng trong đơn vị KTTN chưa tập trung, thiếu thống nhất. Có quận ủy, huyện ủy đã đủ điều kiện để thành lập Đảng bộ khối DN trực thuộc nhưng chưa thành lập và cũng không đề xuất mô hình TCĐ khác... Cùng quan điểm với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Vĩnh Phúc, Phú Thọ cũng nhất quán chỉ rõ: Một số cấp ủy, TCĐ chưa xây dựng, ban hành được quy chế phối hợp của cấp ủy với chủ các DN hoặc đã ban hành nhưng thực hiện, còn hình thức, hiệu quả chưa cao.

Đại diện công ty và các tổ chức tặng hoa, chúc mừng đảng viên mới được kết nạp tại chi bộ Công ty TNHH Điện tử ASTI Hà Nội. Ảnh: QUANG LONG.
Tìm hiểu ở một số địa phương, DN trên địa bàn TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, TP Đà Nẵng, các tỉnh: Bình Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ... nhận thấy, sự vào cuộc của cấp ủy, DN và NLĐ trong các đơn vị KTTN đối với công tác xây dựng TCĐ và đảng viên có lúc, có nơi hiệu quả chưa cao, chưa tạo cơ hội để NLĐ nâng cao nhận thức về Đảng, phấn đấu trở thành đảng viên. Công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc quản lý tổ chức và hoạt động của các DN đóng trên địa bàn còn hạn chế; chưa có sự phối hợp đồng bộ trong kiểm tra, giám sát việc DN chấp hành các quy định pháp luật của Nhà nước đối với NLĐ về tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... Nhiều cấp ủy trong các DN còn lúng túng trong việc xác định nội dung, hình thức và phương pháp sinh hoạt Đảng; trong sinh hoạt chi bộ chưa gắn với những hoạt động, nhiệm vụ cụ thể của DN. Phương pháp sinh hoạt chi bộ đơn điệu, rập khuôn, nặng về phổ biến các chủ trương, chính sách, ít tổ chức sinh hoạt chuyên đề, ít trao đổi, bàn bạc để phối hợp giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc của DN.
Nhận diện vấn đề này, nhiều tỉnh, thành phố đã có chủ trương phát huy hơn nữa vai trò của các cấp ủy, chủ DN và NLĐ trong thực hiện chủ trương phát triển TCĐ và đảng viên. Đồng chí Nguyễn Quang Vinh, Phó trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Phú Thọ cho biết: "Ban Tổ chức Tỉnh ủy sẽ tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, thống kê, phân loại DN, lập danh sách DN có đủ điều kiện thành lập TCĐ, đoàn thể, nắm chắc số lượng đảng viên đang làm việc trong DN. Tổ chức gặp gỡ, tiếp xúc, vận động, tạo sự đồng thuận trong chủ DN về việc thành lập TCĐ, đoàn thể trong DN; thực hiện thủ tục thành lập TCĐ, các đoàn thể khi có đủ điều kiện".
Như vậy có thể khẳng định, công tác xây dựng TCĐ và đảng viên ở các đơn vị KTTN có đạt hiệu quả hay không, trước tiên phải nâng cao trách nhiệm và phát huy tốt vai trò của “3 phía”, gồm: Cấp ủy, chủ DN và NLĐ. “3 phía” này cần phải có nhận thức đúng, đủ, sâu về quan điểm, chủ trương của Đảng đối với công tác xây dựng TCĐ và đảng viên trong đơn vị KTTN. Tại Công ty Tư vấn thiết kế kiến trúc (Vĩnh Phúc), hoạt động của “3 phía” được thể hiện khá rõ nét. Cấp ủy, giám đốc công ty và NLĐ luôn đồng hành với sự phát triển của DN, ngoài xây dựng thực hiện nghiêm túc quy chế phối hợp, cấp ủy chi bộ và giám đốc công ty luôn gặp gỡ động viên, tạo điều kiện để NLĐ phát huy khả năng sở trường trong thực hiện nhiệm vụ, chủ động tạo nguồn phát triển Đảng... Đồng chí Trần Văn Đào, Phó bí thư chi bộ, Giám đốc công ty cho rằng: “Do có sự phối kết hợp giữa cấp ủy chi bộ, giám đốc và NLĐ trong mọi hoạt động nên công ty chúng tôi luôn tự tin trong xác định chủ trương phát triển DN, có nhiều sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh. Theo đó, công tác xây dựng Đảng cũng được đẩy mạnh, ngày càng có bước chuyển biến tích cực”. Còn đồng chí Đỗ Danh Hải, Bí thư chi bộ, Giám đốc Ngân hàng Quốc dân (NCB) chi nhánh Bắc Ninh khẳng định: "Từ kinh nghiệm công tác xây dựng Đảng ở NCB chi nhánh Bắc Ninh, tôi thấy rằng, TCĐ góp phần rất lớn nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DN. Tuy nhiên hiện nay, công tác xây dựng Đảng ở nhiều DN vẫn chưa được như mong muốn, kỳ vọng của Đảng, một trong những nguyên nhân là thiếu sự gắn kết giữa cấp ủy, chủ DN và NLĐ".
Để “3 phía” luôn quán triệt sâu, kỹ, đồng hành với công tác xây dựng TCĐ và đảng viên, cấp ủy cấp trên cơ sở thuộc Đảng bộ khối DN (khối cơ quan và DN), Đảng bộ các khu công nghiệp, khu chế xuất phải bám sát cơ sở, khảo sát nắm chắc tình hình DN, xác định các địa bàn trọng điểm để tập trung chỉ đạo, đồng thời gặp gỡ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của chủ DN, NLĐ, từ đó động viên, tạo điều kiện cho DN phát triển, giải quyết hài hòa lợi ích của Nhà nước, DN và NLĐ. Các cấp ủy phối hợp cùng chủ DN làm tốt công tác tuyên truyền về Đảng cho công nhân lao động, tạo nguồn, phát triển đảng viên, bảo đảm tiêu chuẩn và quy trình, chú trọng đối tượng là đoàn viên, thanh niên, những quần chúng ưu tú giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ. Gắn công tác xây dựng, củng cố TCĐ với xây dựng tổ chức đoàn thể, xây dựng giai cấp công nhân trong các DN.
Phải có “mũi nhọn” xung kích
Đồng chí Nguyễn Phú Sơn, Phó trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cho rằng: "Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến “DN không mặn mà, quần chúng thờ ơ” đối với công tác phát triển Đảng là công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và việc vận động thành lập TCĐ, đoàn thể trong các đơn vị KTTN chưa sâu sắc; phương pháp tuyên truyền, vận động đơn điệu, chưa phù hợp nên hiệu quả chưa cao". Có chung nhận định, đồng chí Phạm Hữu Vũ, Bí thư chi bộ, Phó tổng giám đốc Công ty CP Gạch men TASA (Phú Thọ) cho rằng: Để thành lập được TCĐ, phát triển đảng viên ở các DN thì công tác tuyên truyền, vận động là yếu tố quan trọng hàng đầu, khi có TCĐ trong DN sẽ góp phần định hướng, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng chí Phạm Hữu Vũ dẫn chứng cụ thể: Vào đầu năm 2014, được các đồng chí trong Đảng ủy khối DN tỉnh Phú Thọ tuyên truyền, vận động thành lập chi bộ công ty, thấy rõ lợi ích khi có TCĐ, được Ban Tổng giám đốc công ty ủng hộ, vào tháng 4-2014, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Phú Thọ ra quyết định thành lập chi bộ Công ty CP Gạch men TASA. Cũng từ đó đến nay, chi bộ và Ban Tổng giám đốc công ty luôn đồng hành cùng sự phát triển của DN, với 600 công nhân năm 2014, đến tháng 6-2019, công ty có hơn 1.200 công nhân... Công ty cũng xây dựng và hoàn thành nhiều dây chuyền sản xuất gạch men hiện đại, sản phẩm được khách hàng trong nước và nước ngoài ưa chuộng.
Nhiều đồng chí là lãnh đạo và cán bộ Ban Tổ chức Tỉnh ủy Vĩnh Phúc có tâm tư: “Thực tế hiện nay, pháp luật nước ta chưa có một quy định bắt buộc đơn vị KTTN phải có TCĐ, do đó, công tác tuyên truyền, vận động phải là “mũi nhọn” xung kích trong thực hiện chủ trương của Đảng”.
“Mũi nhọn” xung kích như trên đã đề cập, chúng tôi đã thấy trong kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 18-3-2019 của Ban Bí thư về “tăng cường xây dựng TCĐ trong các đơn vị KTTN” của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Thành ủy TP Hồ Chí Minh và Ban Thường vụ các tỉnh: Bình Dương, Bắc Ninh, Phú Thọ, Vĩnh Phúc. Các kế hoạch này đã xác định nội dung trọng tâm là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, đảng viên, chủ DN và NLĐ về mục đích, yêu cầu, sự cần thiết phải tăng cường công tác xây dựng Đảng, các đoàn thể trong các đơn vị KTTN.
Do không có quy định bắt buộc phải thành lập TCĐ ở các đơn vị KTTN, nên hiển nhiên rằng công tác phát triển Đảng ở DN phụ thuộc rất lớn vào công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục. Trong công tác tuyên truyền, vận động cần tập trung giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc, lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, truyền thống của DN thông qua các hoạt động về nguồn, tri ân người có công, tổ chức các hoạt động thiện nguyện, tham quan, tổ chức sự kiện ở các khu di tích lịch sử cách mạng... Khi trao đổi với chúng tôi về việc này, đồng chí Lê Quang Long, Phó bí thư Đảng ủy Các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội rất tâm đắc với cách làm ở Công ty CP Tư vấn đầu tư và phát triển năng lượng Việt Nam (Hà Nội). Dịp kỷ niệm 129 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa qua, công ty đã tổ chức lễ kết nạp đảng viên mới tại Khu di tích K9 (Đá Chông, Ba Vì, Hà Nội). Đồng chí Lê Quang Long kể: "Hôm đó là ngày 18-5, sau lễ báo công dâng Bác về kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty, lễ kết nạp hai quần chúng ưu tú vào Đảng được tiến hành trang nghiêm tại Khu di tích K9. Việc làm này có ý nghĩa giáo dục truyền thống rất sâu sắc, góp phần động viên quần chúng trong công ty phấn đấu trở thành đảng viên".
Theo quan điểm của lãnh đạo Ban Tổ chức các thành ủy, tỉnh ủy chúng tôi tiến hành khảo sát: Để công tác tuyên truyền, vận động đạt kết quả tốt cần phân rõ đối tượng và nội dung thực hiện. Đối với chủ DN và người sử dụng lao động: Tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vai trò của TCĐ, các đoàn thể đối với sự phát triển bền vững của DN, chăm lo, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ. Đối với NLĐ: Tập trung tuyên truyền để họ thấy được quyền và lợi ích của mình khi tham gia các tổ chức chính trị-xã hội trong doanh nghiệp; giáo dục ý thức chấp hành pháp luật, tác phong công nghiệp, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân; vận động thi đua lao động sản xuất giỏi, nâng cao tay nghề; tích cực tham gia các đoàn thể nhân dân và phấn đấu trở thành đảng viên.
Cùng với đó, các cấp ủy, các cấp chính quyền, tổ chức đoàn thể cần coi trọng việc gặp gỡ, trao đổi và đối thoại trực tiếp với chủ DN và NLĐ để nắm tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo sự đồng thuận trong việc thành lập và tổ chức hoạt động của TCĐ, đoàn thể chính trị-xã hội trong DN. Các cấp ủy, chủ DN và NLĐ phải xác định công tác xây dựng Đảng ở các đơn vị KTTN là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, phải được đặt trong mục tiêu phát triển bền vững của DN... Sự vào cuộc của các cấp ủy, chủ DN, NLĐ ở các đơn vị KTTN trong công tác xây dựng TCĐ và đảng viên góp phần quan trọng tạo sự thống nhất cao trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân về chủ trương nhất quán phát triển KTTN của Đảng và Nhà nước. Đó là bước quan trọng đưa Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, khóa XII về “phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN” đi vào cuộc sống.
Theo QDND.vn