Đại thắng mùa Xuân 1975 là thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Thắng lợi đó là bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc, mở ra kỷ nguyên: độc lập, thống nhất đất nước. Đại thắng mùa Xuân 1975 phản ánh bản lĩnh và trí tuệ của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sức mạnh đó đã và đang là động lực thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc đổi mới hiện nay.
Đại thắng mùa Xuân 1975: Sức mạnh Việt Nam, động lực của công cuộc đổi mới
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 diễn ra trong 55 ngày đêm với tốc độ “một ngày bằng 20 năm”, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 đã đánh dấu sự trưởng thành của quân đội nhân dân Việt Nam cả về tổ chức lực lượng và chỉ huy tác chiến hiệp đồng. Thắng lợi oanh liệt đó đã tạo ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc. Đại hội IV của Đảng (năm 1976) khẳng định: “… thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”(1). Tổng kết lịch sử dân tộc thế kỷ XX, Đại hội IX của Đảng (năm 2001) một lần nữa khẳng định: Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là một trong ba thắng lợi vĩ đại của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng trong thế kỷ XX, cùng với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược “đánh thắng chủ nghĩa thực dân cũ và mới, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thực hiện thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”(2).
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 có ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại to lớn, đưa cả nước bước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Sức mạnh Việt Nam làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975 đã và đang là động lực thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc đổi mới toàn diện đất nước do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo. Đại hội VI của Đảng (tháng 12-1986) đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, bao gồm đổi mới tư duy, đổi mới tổ chức cán bộ, đổi mới phương pháp lãnh đạo và phong cách công tác. Sau hơn 30 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng của các tầng lớp nhân dân, sự nghiệp đổi mới đã đạt được “những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử” trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc… chứng tỏ đường lối đổi mới của Đảng trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là hoàn toàn đúng đắn và sáng tạo; khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử. Chứng tỏ sức mạnh Việt Nam từng làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975 được Đảng vận dụng sáng tạo trong công cuộc đổi mới với việc phát huy chủ nghĩa yêu nước, tinh thần đại đoàn kết dân tộc, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, truyền thống ngoại giao độc lập, tự cường và hòa bình.
Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam bắt nguồn từ truyền thống dân tộc, được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử, được Chủ tịch Hồ Chí Minh tổng kết: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”(3). Theo Người: “Tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quý. Có khi được trưng bày trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng dễ thấy. Nhưng cũng có khi cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm. Bổn phận của chúng ta là làm cho những của quý kín đáo ấy đều được đưa ra trưng bày. Nghĩa là phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến”(4).
Kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đoàn kết lực lượng toàn dân tộc nêu cao ngọn cờ dân tộc làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lãnh đạo thắng lợi các cuộc kháng chiến oanh liệt chống các thế lực thực dân, đế quốc mạnh nhất trong thế kỷ XX, thể hiện tập trung trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giành độc lập, thống nhất hoàn toàn. Trong công cuộc đổi mới hiện nay, Đảng chủ trương động viên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nêu cao chủ nghĩa yêu nước thực hiện thắng lợi mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa yêu nước truyền thống được phát triển, bổ sung những nội dung mới. Yêu nước là phấn đấu vì sự cường thịnh của Tổ quốc, thoát khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Yêu nước là ra sức học tập, lao động, làm việc với chất lượng, hiệu quả cao nhất, thiết thực nhất, là không tham nhũng, lãng phí, là thật sự vì nước, vì dân. Yêu nước là phấn đấu vì mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Yêu nước là sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, biển, đảo của Tổ quốc.
Đại đoàn kết dân tộc là một truyền thống vô cùng quý báu của dân tộc Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh tổng kết: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/Thành công, thành công, đại thành công”(5). Nhờ phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo thành công cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chiến thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, để rồi Mc Namara, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ thời kỳ chiến tranh ở Việt Nam đã rút ra bài học: “Sức mạnh sâu thẳm nhất của một dân tộc không nằm ở mũi nhọn quân sự mà ở sự đoàn kết của họ”(6).
Trong công cuộc đổi mới toàn diện, xây dựng và phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đề cao chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc. Phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc trên những nguyên tắc cơ bản. Lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng. Xóa bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần giai cấp, chấp nhận những điểm khác nhau nhưng không trái với lợi ích chung của dân tộc. Đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung, tăng cường đồng thuận xã hội. Đại đoàn kết toàn dân tộc phải dựa trên cơ sở giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội.
Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng được thể hiện và khẳng định trong Cách mạng Tháng Tám và chiến tranh cách mạng, nổi bật trong Đại thắng mùa Xuân: Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Những thành tựu nổi bật trong công cuộc đổi mới vừa qua của đất nước chứng tỏ Đảng không chỉ phát huy sức mạnh trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh cách mạng mà vươn lên lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng kinh tế, xã hội, đưa đất nước từng bước vững chắc đi lên con đường chủ nghĩa xã hội. Muốn công cuộc đổi mới sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại cần phải xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng và vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và sự trong sạch, vững mạnh của Đảng là nhân tố quyết định thắng lợi sự nghiệp đổi mới. Trên nền tảng tư tưởng là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thường xuyên chăm lo xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, đạo đức; phát huy bản lĩnh, phẩm chất, trí tuệ của Đảng, vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, quan liêu và sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tiếp tục đổi mới tư duy lý luận, phương thức lãnh đạo, phương thức cầm quyền của Đảng. Nâng cao năng lực hoạch định đường lối, chính sách trên cơ sở nâng cao năng lực tổ chức thực tiễn, nghiên cứu lý luận; chỉ đạo chặt chẽ, hiệu quả việc tổ chức thực hiện đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng. Củng cố quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân.
Tập trung rà soát, bổ sung xây dựng mới và chỉ đạo quyết liệt, hệ thống các nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến’, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”(7), tạo chuyển biến rõ nét trong công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là công tác tổ chức cán bộ, nâng cao niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng.
Ngoại giao độc lập, tự cường và hòa bình, thân thiện với các nước trên thế giới là truyền thống của ông cha, được hình thành ngay từ khi giành độc lập năm 938 với chiến thắng trên sông Bạch Đằng do Ngô Quyền lãnh đạo. Chính sách ngoại giao xuyên suốt của nước Đại Việt là kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững an ninh biên giới, nêu cao ý thức tự cường và khẳng định vị thế của quốc gia dân tộc.
Ngoại giao cách mạng Việt Nam đã kế thừa truyền thống ngoại giao của dân tộc trong lịch sử và được phát triển phong phú, sáng tạo theo đường lối đối ngoại của Đảng và tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, nổi bật trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đặc biệt trong Đại thắng mùa Xuân 1975 với chủ trương kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
Trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước từ năm 1986, cùng với đổi mới chính sách, pháp luật về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, Đảng và Nhà nước đổi mới mạnh mẽ chính sách và hoạt động đối ngoại. Đường lối đối ngoại của Đảng và chính sách ngoại giao Nhà nước, ngoại giao nhân dân không ngừng phát triển đáp ứng chính sách đối nội, phát triển đất nước, phù hợp với xu thế toàn cầu hóa, hợp tác và hội nhập quốc tế. Đảng và Nhà nước triển khai đồng bộ, toàn diện hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Đánh giá những thành tựu công tác đối ngoại trong nhiệm kỳ Đại hội XI (2010 - 2015), Văn kiện Đại hội XII của Đảng khẳng định những thành tựu quan trọng, nổi bật: Thứ nhất, “môi trường hòa bình thuận lợi cho phát triển, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ tiếp tục được giữ vững”. Thứ hai, “quan hệ đối ngoại được mở rộng và ngày càng đi vào chiều sâu. Quan hệ với các nước láng giềng và các nước trong ASEAN được củng cố”. Thứ ba, “hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, góp phần quan trọng vào việc tăng cường nguồn lực cho phát triển, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Thứ tư, “chủ động, tích cực tham gia các công việc chung của cộng đồng quốc tế, các diễn đàn, tổ chức khu vực và quốc tế, nâng cao vị thế của đất nước”. Thứ năm, “đối ngoại của Đảng, ngoại giao nhà nước và ngoại giao nhân dân được triển khai đồng bộ, có bước phát triển mới”(8). Trên tinh thần đó, Đại hội XII của Đảng xác định: “Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước”(9).
Tận dụng cơ hội, thu được nhiều thành tựu quan trọng
Phát huy sức mạnh Việt Nam trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, sau hơn 30 năm đổi mới, hội nhập quốc tế, gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 1996 và gần đây là tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương Toàn diện và Tiến bộ (CPTPP), Việt Nam đã tận dụng được cơ hội và thu được nhiều thành tựu quan trọng.
Một là, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu và đối tác thương mại. Tính đến năm 2010, Việt Nam đã có quan hệ thương mại, đầu tư với khoảng 230 nước và vùng lãnh thổ, thương mại quốc tế của Việt Nam tăng trưởng khá ngoạn mục. Cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu cũng có sự chuyển dịch mạnh theo hướng tỷ lệ các nông sản thô, nguyên nhiên liệu giảm mạnh và tỷ lệ các mặt hàng công nghiệp và chế biến tăng. Xuất hiện một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao như: viễn thông, sản xuất linh kiện điện tử, dịch vụ ngân hàng bảo hiểm có đẳng cấp quốc tế. Điều này cho thấy, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế góp phần thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua theo hướng công nghiệp hóa ngày càng cao hơn.
Đến năm 2015, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 185 nước trong số 193 nước thành viên Liên hợp quốc, thiết lập quan hệ “đối tác chiến lược” với 13 nước, quan hệ “đối tác chiến lược” trên một số lĩnh vực với 2 nước, quan hệ “đối tác toàn diện” với 11 nước (10).
Hai là, bổ sung hệ thống pháp luật và hoàn thiện thể chế kinh tế. Với sự ra đời Luật đầu tư nước ngoài, từng bước điều chỉnh luật lệ, cơ chế, chính sách, Việt Nam đã và đang tạo lập môi trường pháp lý cho môi trường đầu tư, kinh doanh. Môi trường đầu tư được cải thiện đáng kể, ngày càng thuận lợi hơn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Ba là, tiếp thu công nghệ mới và đào tạo nguồn nhân lực. Hội nhập kinh tế quốc tế đã tạo cơ hội và động lực cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận, áp dụng những thành tựu mới nhất của khoa học - công nghệ. Nhiều công nghệ hiện đại, dây chuyền sản xuất tiên tiến được áp dụng, tạo ra bước phát triển mới trong các ngành sản xuất. Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế cũng góp phần đào tạo cán bộ trên nhiều lĩnh vực. Hàng vạn lao động trực tiếp, cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý,… được đào tạo và trưởng thành có thể tiếp cận và chuyển giao thành công các công nghệ nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.
Bốn là, từng bước đưa doanh nghiệp và cả nền kinh tế bước vào môi trường cạnh tranh. Hội nhập kinh tế quốc tế buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải đối diện với sự cạnh tranh ở cả thị trường trong nước lẫn ngoài nước, sức ép này buộc nhiều doanh nghiệp Việt Nam phải đổi mới công nghệ, đổi mới quản lý, nâng cao năng suất và chất lượng, xây dựng thương hiệu để không ngừng vươn lên trong cạnh tranh để tồn tại và phát triển, hiện nay, nhiều mặt hàng của Việt Nam được đánh giá có sức cạnh tranh quốc tế, một số doanh nghiệp đã đầu tư hoạt động ở nước ngoài như: Viettel, Petro Vietnam, Hoàng Anh Gia Lai, cà phê Trung Nguyên, Vinamilk,…
Năm là, duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao và tương đối ổn định, góp phần cải thiện đời sống của nhân dân. Thu nhập bình quân đầu người trước đây chưa đến 100 USD (năm 1990), đạt 640 USD năm 2005, năm 2010 đạt 1.168 USD. Đến Đại hội XII của Đảng, “tốc độ tăng Tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 5 năm đạt trên 5,9%/năm. Quy mô và tiềm lực của nền kinh tế tiếp tục tăng lên, GDP năm 2015 đạt 193,4 tỷ USD, bình quân đầu người khoảng 2.109 USD(11). Đánh giá những thành tựu trong hội nhập quốc tế những năm 2010 - 2015, Văn kiện Đại hội XII của Đảng khẳng định: “Hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, góp phần quan trọng vào việc tăng cường nguồn lực cho phát triển, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”(12).
Sáu là, góp phần củng cố hệ thống chính trị - an ninh - quốc phòng ở Việt Nam. Hội nhập kinh tế quốc tế đã đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - nền tảng của hệ thống chính trị, xã hội, giúp củng cố hệ thống chính trị và nâng cao uy tín, vai trò của Đảng và Nhà nước, làm cho vị thế và vai trò quốc tế của Việt Nam được tăng cường”. Mặt khác, hội nhập kinh tế quốc tế tạo nền tảng để bảo đảm an ninh và quốc phòng, tạo điều kiện tốt hơn để thực hiện các chương trình xã hội như xóa đói, giảm nghèo, phát triển vùng sâu, vùng xa.
Bản lĩnh và trí tuệ của dân tộc Việt Nam trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 bước đầu đã được kế tục, phát huy và phát triển trong công cuộc đổi mới. Đó là cơ sở để chúng ta tin rằng, tinh thần chiến thắng 30-4 lịch sử cũng là tinh thần và ý chí của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta tiến lên giành những thành tựu to lớn hơn nữa trong sự nghiệp đổi mới, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.
Theo Tạp chí Cộng sản
Tags:
Tác giả: Tapchicongsan.org.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Xếp hạng: 0 - 0 phiếu bầu
- Bảo đảm tính nghiêm minh trong xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm (08/05/2018)
- Không để người tố cáo đơn độc trong đấu tranh chống tiêu cực (06/05/2018)
- Tinh thần 30/4: Bài học về xây dựng Đảng (30/04/2018)
- Phát huy sức mạnh của ý chí thống nhất đất nước và khát vọng hòa bình trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (29/04/2018)
- Thu hồi tài sản tham nhũng – Vấn đề và giải pháp (28/04/2018)
- Đại thắng mùa Xuân 1975: Thắng lợi của nghệ thuật kết hợp phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại (27/04/2018)
- Cán bộ, đảng viên với vấn đề phản biện xã hội (27/04/2018)
- Xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược ở nước ta hiện nay - quan niệm, đặc điểm và những mâu thuẫn cần giải quyết (26/04/2018)
- Tuyên truyền đậm nét kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (25/04/2018)
- Công tác quản lý cán bộ: Thực trạng và giải pháp (14/04/2018)