Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vị trí của các dân tộc thiểu số trong sự nghiệp cách mạng chung của đất nước. Vì vậy, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Người luôn quan tâm đến vấn đề xây dựng khối đoàn kết toàn dân tộc nói chung và xây dựng khối đoàn kết các dân tộc thiểu số nói riêng.
Xuất phát từ tình hình thực tế địa phương, là huyện miền núi có đông đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống như: Raglai, T’rin, Ê đê, Tày, Nùng… Những năm qua, Đảng bộ huyện Khánh Vĩnh luôn quán triệt sâu sắc, quan điểm, chủ trương của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết các dân tộc; đồng thời, vận dụng đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, qua đó nhằm từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, rút ngắn dần khoảng cách chêch lệch giữa miền núi với đồng bằng. Mục tiêu này luôn được đề cập trong Nghị quyết các kỳ Đại hội Đảng bộ huyện và là nhiệm vụ chính trị quan trọng được triển khai xuyên suốt trong những năm qua.
Để phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc, cấp ủy các cấp từ huyện đến cơ sở đã chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tuyên truyền tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, về xây dựng, phát huy khối đại đoàn kết các dân tộc, tạo sự thống nhất về ý chí và hành động trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị; đồng thời, cụ thể hóa thành các nghị quyết chuyên đề, đề án, kế hoạch để triển khai thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Tập trung làm tốt công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành của chính quyền các cấp gắn với sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; phát huy rộng rãi quyền làm chủ của nhân dân thông qua đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Tăng cường công tác dân vận của hệ thống chính trị, trong đó chú trọng công tác dân vận của các cơ quan nhà nước và quan tâm giáo dục đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo phương châm “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với nhân dân”. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong công tác tuyên truyền, tập hợp, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, để thực sự là cầu nối gắn kết Đảng, Nhà nước với nhân dân.

Khu tái định cư thôn Bố Lang, xã Sơn Thái, huyện Khánh Vĩnh
Với thực hiện có hiệu quả, đồng bộ các chính sách về kinh tế, xã hội đã giúp diện mạo của huyện miền núi Khánh Vĩnh, nhất là vùng đồng bào các dân tộc thiểu số có sự thay đổi khá rõ nét. Thông qua việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư các công trình dân sinh, hạ tầng cơ sở và triển khai lồng ghép có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội như: Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững (Chương trình 135), chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số..., đặc biệt là Nghị quyết 30a về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2018 - 2020, huyện Khánh Vĩnh đã từng bước giải quyết được những vấn đề như: thiếu nước sinh hoạt, thiếu đất sản xuất, đường giao thông vào các khu sản xuất…, từ đó đã tác động tích cực đến công tác giảm nghèo và thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn huyện, năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 24,76% (trong đó, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân hàng năm là 5%); thu nhập bình quân đầu người đạt 23,6 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng điện lưới quốc gia và sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98%; 100% người nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người dân sinh sống tại vùng đặc biệt khó khăn được cấp thẻ bảo hiểm y tế; 100% hộ nghèo có điều kiện phát triển sản xuất có nhu cầu được vay vốn tín dụng ưu đãi; 100% con em đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ về giáo dục và đào tạo… Các hoạt động văn hoá, thể thao và thông tin tuyên truyền được quan tâm thực hiện với hình thức phong phú, đa dạng và phù hợp, đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần và chất lượng cuộc sống cho người dân. Những kết quả trên cho thấy, sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở huyện Khánh Vĩnh. Đây là cơ sở, nền tảng quan trọng để Đảng bộ huyện tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX đề ra.
Trong thời gian tới, Đảng bộ huyện Khánh Vĩnh chú trọng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và tiếp tục vận dụng hiệu quả hơn nữa tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng khối đoàn kết các dân tộc vào thực tiễn, nhằm góp phần nâng cao đời sống người dân, đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số, từng bước xóa bỏ hủ tục lạc hậu, tạo điều kiện để các dân tộc phát triển toàn diện theo phương châm “Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển”.
Tin tưởng rằng, với sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng của nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện, diện mạo và đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện miền núi Khánh Vĩnh sẽ ngày càng phát triển toàn diện và bền vững.
CTV Duy Hải - HU Khánh Vĩnh