Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, tạo được sự chuyển biến rõ rệt về chất lượng hoạt động của các loại hình tổ chức cơ sở đảng, làm cho tổ chức đảng ở cơ sở vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thực sự là cầu nối giữa Đảng với nhân dân, lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị và kịp thời giải quyết những vấn đề xảy ra ở cơ sở là yêu cầu đặt ra đối với mỗi tổ chức đảng.
Xây dựng Đảng vững mạnh phải bắt đầu từ mỗi đảng viên và mỗi tổ chức cơ sở đảng. Tổ chức cơ sở đảng là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X khẳng định: “Với vị trí là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở, vai trò của tổ chức cơ sở đảng rất quan trọng. Phải dồn sức xây dựng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, làm cho tổ chức này thực sự trong sạch, vững mạnh”. Để xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng tương xứng, ngang tầm, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng đảng hiện nay, đảng viên và quần chúng phải nâng cao nhận thức, hiểu biết, vận dụng và cụ thể hóa các nguyên tắc hoạt động của Đảng, phương thức lãnh đạo, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kịp thời phát hiện, giải quyết những vấn đề phức tạp xảy ra ở cơ sở.
Các cơ sở đảng, đảng viên phải thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, thực hiện có nền nếp chế độ sinh hoạt đảng; đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp sinh hoạt; tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt để bảo đảm tính lãnh đạo, tính chiến đấu và tính giáo dục của chi bộ. Coi trọng đổi mới phương thức lãnh đạo và phong cách, lề lối làm việc, cải cách hành chính trong công tác đảng ở cơ sở. Công tác quản lý, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên ở các tổ chức cơ sở đảng phải được thực hiện thường xuyên. Hiện nay tệ nạn quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm, làm việc cầm chừng, sách nhiễu, gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân vẫn còn xảy ra ở một số nơi, cần được phát hiện sớm và có biện pháp ngăn chặn, đẩy lùi. Những khuyết điểm, yếu kém, hạn chế trên cần được kịp thời phát hiện và xử lí thông qua công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng. Đảng viên, quần chúng các tổ chức đảng phải phát hiện, đấu tranh, phê bình, tự phê bình; kiểm tra, xác định trách nhiệm của tập thể, cá nhân ngay tại tổ chức đảng của mình.
Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, tạo được sự chuyển biến rõ rệt về chất lượng hoạt động của các loại hình tổ chức cơ sở đảng, làm cho tổ chức đảng ở cơ sở vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thực sự là cầu nối giữa Đảng với nhân dân, lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị và kịp thời giải quyết những vấn đề xảy ra ở cơ sở là yêu cầu đặt ra đối với mỗi tổ chức đảng. Việc triển khai thực hiện nội dung các nghị quyết, chỉ thị, chủ trương, chính sách của Đảng về rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, nâng cao năng lực, trình độ của cán bộ, đảng viên phải được thực hiện tích cực, đồng bộ, thường xuyên và. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phải được thực hiện sâu rộng ở các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, khu dân cư. Đổi mới nội dung, hình thức, tạo chuyển biến về chất lượng hoạt động của các loại hình tổ chức cơ sở đảng.
Xây dựng đội ngũ đảng viên thật sự tiên phong, gương mẫu, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm cao trong công việc, có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng, ý thức tổ chức kỷ luật và năng lực hoàn thành nhiệm vụ, vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu cho mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Tiếp tục đổi mới, tăng cường công tác quản lý, sàng lọc đảng viên, kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những người không đủ tư cách đảng viên.
Biểu dương đảng viên ưu tú, tiêu biểu về đức khiêm tốn, giản dị; tác phong sâu sát thực tế, gần gũi để thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng chính đáng của quần chúng. Việc nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu các ngành, các cấp càng đặt ra bức thiết hơn, đòi hỏi phải trở thành việc làm thường xuyên, hằng giờ, hằng ngày của cán bộ, đảng viên, của người đứng đầu các cấp, các ngành. Cán bộ có chức vụ càng cao càng phải gương mẫu. Trách nhiệm gương mẫu, tự giác đi đầu thể hiện từ trong tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự phê bình và phê bình đến trong quan hệ với nhân dân, trách nhiệm trong công tác, ý thức tổ chức kỷ luật, đoàn kết nội bộ.
Đổi mới và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng đối với đảng viên và tổ chức đảng, cần thực hiện các giải pháp chủ yếu sau:
Một là, nâng cao nhận thức cho cấp ủy về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ và về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng trong giai đoạn cách mạng mới.
Hai là, đảng ủy, chi ủy cơ sở, từng cấp ủy viên, chi ủy viên cần nắm vững quy định của Điều lệ Đảng, các quy định của Đảng, hướng dẫn của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng (nhất là về quan điểm, nguyên tắc, thẩm quyền, phương hướng, phương châm, phương pháp, quy trình, thủ tục) và tổ chức thực hiện nghiêm túc theo đúng quan điểm: “Thực hiện đồng bộ giữa công tác kiểm tra và công tác giám sát”; “giám sát phải mở rộng”, “kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm” để chủ động phòng ngừa xảy ra khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên khi còn manh nha, ngay tại cơ sở, ở trong chi bộ.
Ba là, đảng ủy, chi ủy cơ sở thực hiện nghiêm chế độ phân công nhiệm vụ cho cấp ủy viên theo dõi lĩnh vực, địa bàn và nâng cao năng lực, trách nhiệm của các thành viên cấp ủy trong việc chủ động tham mưu, giúp cấp ủy thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát thuộc phạm vi lĩnh vực, địa bàn được phân công phụ trách. Từng cấp ủy viên phải nắm chắc tình hình tổ chức đảng, đảng viên và nhân dân, việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng đảng thuộc phạm vi phụ trách, đề xuất cấp ủy có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, kịp thời hoặc chủ động kiểm tra, giám sát để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn xảy ra khuyết điểm, vi phạm. Định kỳ hằng tháng, từng cấp ủy viên phải tham dự sinh hoạt cấp ủy, chi bộ thuộc địa bàn, lĩnh vực được phân công phụ trách để nắm tình hình và chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh, không để thành điểm nóng, bức xúc, nổi cộm.
Bốn là, đảng ủy, chi bộ cơ sở phải chú trọng thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chấp hành Điều lệ Đảng, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, quy chế, kết luận, hướng dẫn của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của cơ quan, đơn vị, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tập trung kiểm tra, giám sát những nơi có nhiều bức xúc, nổi cộm, được đảng viên, quần chúng và dư luận quan tâm, những nơi có nguy cơ cao dễ xảy ra dấu hiệu vi phạm, trước hết là về chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, chế độ công tác, sinh hoạt đảng, quan liêu, thiếu trách nhiệm, tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm, bệnh thành tích, bao che cho cấp dưới vi phạm, thực hiện quy tắc ứng xử, về giữ gìn đạo đức, lối sống để chủ động phòng ngừa vi phạm từ khi còn manh nha, ngay tại cơ sở, từ trong đảng bộ, chi bộ. Chú trọng giám sát đảng viên là người đứng đầu cấp ủy, cán bộ chủ chốt trong cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp,.. về năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành, về phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách và tính tiên phong, gương mẫu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ. Đề cao tự kiểm tra của đảng bộ, chi bộ cơ sở, trước hết là tự kiểm tra của người đứng đầu và cán bộ lãnh đạo chủ chốt của cấp ủy, cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp. Coi trọng kiểm tra, giám sát công tác cán bộ; việc sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ. Việc đánh giá, phân tích chất lượng đảng viên của các chi bộ, đảng bộ phải bảo đảm thực chất.
Năm là, đảng bộ cơ sở phải coi trọng phát huy vai trò, trách nhiệm của ủy ban kiểm tra trong việc tham mưu, giúp cấp ủy thực hiện có chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng. Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát của tổ chức cơ sở đảng trong tình hình hiện nay. Cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp trên phải chủ động chỉ đạo, hướng dẫn, giúp đỡ đảng bộ, chi bộ cơ sở tháo gỡ vướng mắc, khó khăn và thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát đạt kết quả cao. Đưa việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát thành chỉ tiêu thi đua, phân loại, đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng hằng năm. Tăng cường phối hợp giữa đảng ủy, chi bộ cơ sở với cấp ủy cấp trên, với thanh tra nhân dân để nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm tra, giám sát. Coi trọng việc phát huy vai trò, trách nhiệm của các đoàn thể chính trị - xã hội và quần chúng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị và cán bộ, đảng viên, nhân dân nơi cán bộ, đảng viên cư trú.
Sáu là, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cấp ủy viên, chi ủy viên, cán bộ ủy ban kiểm tra đảng ủy cơ sở (nhất là những đồng chí mới tham gia cấp ủy, ủy ban kiểm tra lần đầu) để nắm vững và thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng. Chỉ đạo tổ chức đảng cấp dưới thực hiện nghiêm việc sơ kết, tổng kết công tác kiểm tra, giám sát hằng năm gắn với sơ kết, tổng kết thực hiện công tác xây dựng đảng. Qua đó, đề ra biện pháp chỉ đạo thực hiện có chất lượng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát ở cấp mình.
Theo Xaydungdang.org.vn