Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh về mọi mặt (Ảnh: Hochiminh.vn)
Thấy được sứ mệnh lịch sử của Đảng đối với Tổ quốc, dân tộc, giai cấp công nhân, nhân dân lao động, trong cuộc đời, sự nghiệp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh về mọi mặt. Để Đảng xứng đáng là đội tiên phong, bộ tham mưu của giai cấp vô sản, của nhân dân lao động và của cả dân tộc, Người thường xuyên chăm lo đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Từ thực tiễn lịch sử lãnh đạo và tổ chức của Đảng ta về xây dựng, chỉnh đốn Đảng có thể thấy, Hồ Chí Minh là người xây đắp nên nền móng lý luận về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong đó, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân vừa là một nội dung trọng tâm, vừa là một biện pháp rất quan trọng để xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Hơn 90 năm qua, Đảng ta đã nhiều lần tiến hành công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng Việt Nam và những biểu hiện sai lầm, sự nguy hại dẫn đến nguy cơ đe dọa đến sự lãnh đạo của Đảng, mà Đảng ta đã tiến hành nhiều đợt chỉnh đốn và chỉnh huấn Đảng với những mục tiêu, nhiệm vụ, phương pháp thực hiện khác nhau.
Năm 1939, Đảng tiến hành sinh hoạt “tự phê bình” sâu rộng, khắc phục hạn chế, giải quyết vấn đề về tư tưởng và tổ chức của Đảng trong phong trào Mặt trận dân chủ. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã viết tác phẩm Tự chỉ trích, xác định mục tiêu, phương châm: “Công khai, mạnh dạn, thành thực vạch ra lỗi lầm của mình và tìm phương pháp sửa chữa, chống những xu hướng hoạt đầu, thỏa hiệp, như thế không làm yếu Đảng và làm cho Đảng được thống nhất mạnh mẽ. Làm như thế không sợ địch nhân lợi dụng chửi rủa, vu cáo cho Đảng, không sợ “nối giáo cho giặc”. Trái lại nếu “đóng cửa bảo nhau”, giữ cái vỏ thống nhất mà bên trong là hổ lốn một cục, đầy rẫy bọn hoạt đầu, đấy mới chính là để kẻ thù chửi rủa, hơn nữa đó tỏ ra không phải là một Đảng tiên phong cách mạng mà là một Đảng hoạt đầu cải lương”[1].
Sau Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã kịp thời chấn chỉnh với những khuyết điểm của một số cán bộ, đảng viên vừa mới có chút chức quyền trong tay. Trong Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng, ngày 17/10/1945, Người đã phê phán, ngăn đe, cảnh báo một số căn bệnh của một số đồng chí nắm chức vụ quyền hạn trong bộ máy chính quyền nhà nước như: Trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo…
Sau khi cả nước bước vào kháng chiến chống Pháp, tháng 10/1947, Hồ Chủ tịch viết tác phẩm Sửa đổi lối làm việc. Đây là tác phẩm rất quan trọng, có tính chất kinh điển về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Ở đó, lần đầu tiên Người dùng từ “chỉnh đốn Đảng”. Người vừa nêu lên những ưu điểm, vừa phê phán những sai lầm khuyết điểm của cán bộ, đảng viên; xác định 12 chuẩn mực về tư cách của Đảng chân chính cách mạng; đúc kết, nhắc nhớ: “Muốn cho Đảng được vững bền/ Mười hai điều ấy chớ quên điều nào”. Trong đó, chủ nghĩa cá nhân, được xác định “như một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm”. Riêng bệnh cá nhân, Người đã tập trung nhận diện, phân tích 10 biểu hiện chi tiết; rồi kết luận: “Những tật bệnh đó khiến cho Đảng xệch xoạc, ý kiến lung tung, kỷ luật lỏng lẻo, công việc bê trễ. Chính sách không thi hành được triệt để, Đảng xa rời dân chúng. Từ đó, Người đòi hỏi trong chỉnh đốn Đảng phải “kiên quyết chống lại “bệnh cá nhân”[2]. Phận sự của người đảng viên và cán bộ là: “Trọng lợi ích của Đảng hơn hết. Ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Đảng không có lợi ích gì khác”; phải rèn luyện đạo đức cách mạng - nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm.
Những năm cuối kháng chiến chống Pháp, Đảng ta lại mở cuộc chỉnh Đảng. Tháng 5/1952, tại Lớp chỉnh huấn đầu tiên của Trung ương, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định: “Mục đích chỉnh Đảng là nâng cao tư tưởng và trình độ chính trị của đảng viên và cán bộ, làm cho đảng viên và cán bộ theo đúng quan điểm và lập trường vô sản”[3]. Năm 1961, khi nhân dân miền Nam đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Mỹ, miền Bắc phải phát huy và thể hiện rõ vai trò là hậu phương lớn của cả nước, Đảng ta lại mở đợt chỉnh huấn trong toàn Đảng. Mục đích, nhiệm vụ của chỉnh huấn, được Hồ Chí Minh xác định: “Trung ương Đảng sẽ mở cuộc chỉnh huấn cho đảng viên, đoàn viên và tất cả mọi người, làm cho tất cả hiểu rõ hơn trách nhiệm làm chủ của mình, hiểu rõ nhiệm vụ sản xuất và tiết kiệm trong giai đoạn mới, giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện phương châm “mình vì mọi người, mọi người vì mình”, phê phán lối suy nghĩ cá nhân chủ nghĩa”[4]. Năm 1965, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta trở nên quyết liệt, để tập trung sức người, sức của cho tiền tuyến, trong quá trình chỉnh huấn Đảng, Người xác định: “Chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù nguy hiểm mà mỗi người chúng ta phải luôn luôn tỉnh táo đề phòng và kiên quyết tiêu diệt. Chính vì vậy mà cuộc chỉnh huấn lần này của Đảng ta nhằm mục đích tẩy rửa chủ nghĩa cá nhân và nâng cao đạo đức cách mạng của giai cấp vô sản”[5]…
Sau khi đất nước thống nhất, thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta tiếp tục chăm lo công tác xây dựng Đảng; thường xuyên tự chỉnh đốn nội bộ, mở nhiều đợt xây dựng, chỉnh đốn sâu rộng. Việc chỉnh đốn Đảng được coi trọng hơn từ Hội nghị Trung ương 6, Trung ương 7 (khóa VI) năm 1989, nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, trước tác động to lớn từ sự khủng hoảng, sụp đổ của chủ nghĩa xã hội hiện thực trên thế giới. Khi Liên Xô tan rã (8/1991), Đại hội VII đã xác lập Cương lĩnh 1991, Hội nghị Trung ương 3 (2/1992) đã ban hành Nghị quyết “Về một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng”. Trong đó, chỉ ra những khuyết điểm đã trở thành nguy cơ không thể xem thường, nổi bật là: “một bộ phận giảm sút ý chí chiến đấu, phai nhạt lý tưởng, dao động mất lòng tin, trong đó có một số người chịu ảnh hưởng của khuynh hướng cơ hội, xét lại muốn đi con đường khác; thậm chí đã có người phản bội, đầu hàng. Không ít cán bộ, đảng viên bị chủ nghĩa cá nhân thực dụng cuốn hút, trở nên thoái hóa, hư hỏng, ăn chơi hưởng lạc”[6]… Cùng với triển khai nhiều chủ trương, giải pháp lớn để chỉnh đốn Đảng, Trung ương đã coi trọng: “Xây dựng đạo đức cách mạng và lối sống trong sạch của cán bộ, đảng viên trong điều kiện kinh tế thị trường và mở rộng giao lưu quốc tế; chống chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa thực dụng, tệ làm ăn gian dối, lối sống xa hoa, trụy lạc”[7].
Đến Hội nghị Trung ương 6 lần 2 (khóa VIII) tháng 1/1999, Trung ương triển khai Nghị quyết Số 10-NQ/TW, ngày 2/2/1999 “Về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay”; quyết định gắn xây dựng chỉnh đốn Đảng với học tập và làm theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bên cạnh tổ chức, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ quan trọng về chỉnh đốn Đảng, Nghị quyết đã xác định nhiều nội dung, biện pháp cụ thể về đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, như: “Các tổ chức đảng phải thường xuyên giáo dục, quản lý, kiểm tra cán bộ, đảng viên về đạo đức, lối sống. Cán bộ, đảng viên phải tự giác rèn luyện đạo đức, lối sống cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư; gương mẫu giữ gìn phẩm chất người chiến sĩ cộng sản, đề cao tinh thần đoàn kết, chống chủ nghĩa cá nhân; chấp hành nghiêm Điều lệ Đảng, pháp luật Nhà nước; đồng thời, chú ý giáo dục, thuyết phục gia đình cùng thực hiện”, “Tập trung chỉ đạo cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu có hiệu quả”, “Thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, chế độ tự phê bình và phê bình trong Đảng”[8].
10 năm gần đây, Đảng ta vừa tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, vừa coi trọng đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Trước những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, mà nguyên nhân cơ bản, sâu sa bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân, hai Hội nghị Trung ương 4 của khóa XI và khóa XII đã ban hành nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Ở đó, những dấu hiệu, biểu hiện, nguyên nhân của chủ nghĩa cá nhân được làm rõ, cụ thể chi tiết hơn; các biện pháp về tư tưởng, chính trị và tổ chức đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân được xác định thống nhất và đồng bộ hơn.
Vừa qua, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục chỉ ra: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, “lợi ích nhóm”, bệnh lãng phí, vô cảm, bệnh thành tích ở một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi”; đồng thời xác định đồng bộ các chủ trương, nhiệm vụ tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Ở đó, cùng với xây dựng Đảng về mọi mặt, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân cũng được xác lập bằng nhiều biện pháp, cách thức đồng bộ về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, công tác cán bộ, pháp chế, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Nhìn lại quá trình xây dựng và chỉnh đốn Đảng thấy rõ, xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng, từ sứ mệnh lịch sử của Đảng đối với dân tộc mà trong mọi thời kỳ cách mạng, Đảng ta đều chăm lo xây dựng, chỉnh đốn Đảng vững mạnh về mọi mặt. Sự thành công nhiều hay ít của các đợt xây dựng, chỉnh đốn Đảng đều tùy thuộc vào sự thắng lợi nhiều hay ít của việc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Bởi như Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng thống nhất nhận định: “Chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù nguy hiểm mà mỗi người chúng ta phải luôn luôn tỉnh táo đề phòng và kiên quyết tiêu diệt. Chính vì vậy mà cuộc chỉnh huấn lần này của Đảng ta nhằm mục đích tẩy rửa chủ nghĩa cá nhân và nâng cao đạo đức cách mạng của giai cấp vô sản”[9].
Từ những vấn đề trên, từ những yêu cầu, nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và để làm cho Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” tiếp tục tỏ rõ hiệu lực trong Đảng và hiệu quả trong đời sống chính trị - xã hội của đất nước ta, mọi cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên cần tiếp tục nâng cao nhận thức, thấy rõ tầm quan trọng của đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Tiếp tục quán triệt sâu sắc mục tiêu, quan điểm và nghiêm chỉnh thực hiện triệt để các nhiệm vụ, giải pháp, cách thức xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà Nghị quyết Trung ương 4 đã đề ra; quan tâm, chú trọng hơn nữa tới việc triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Bởi thắng lợi của cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói riêng và thắng lợi của chủ nghĩa xã hội nói chung đều không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân.
Phải hết sức phòng ngừa, cảnh giác và đấu tranh với những biểu hiện coi thường, xem nhẹ, bỏ qua, hữu khuynh hoặc tả khuynh trong đấu tranh với chủ nghĩa cá nhân. Phải chú ý đến biểu hiện những của người đứng đầu, người chủ trì hoặc cả một bộ phận cấp ủy viên khi triển khai và tổ chức tự phê bình và phê bình một cách qua loa, chiếu lệ, hình thức; bởi đó là một cách mà những người này đã “sa xuống cái hố cá nhân chủ nghĩa” nên họ rất sợ tự phê bình và phê bình một cách thiết thực như Hồ Chí Minh đã chỉ ra.
Việc nâng cao nhận thức và thống nhất hành động trong Đảng và toàn xã hội, nhất là dựa vào nhân dân, các đoàn thể chính trị - xã hội của nhân dân cùng tham gia vào các mắt khâu, quá trình giám sát, phản biện, góp ý xây dựng tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên… cần tiếp tục được phát huy; làm cho các tầng lớp nhân dân chung sức, đồng lòng phòng, chống các biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân ở cán bộ, đảng viên, viên chức nhà nước, trước hết là đối với những người có chức, có quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, các cấp chính quyền nhà nước và địa phương sẽ góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp, thống nhất “ý Đảng, lòng dân” để đẩy lùi chủ nghĩa cá nhân, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
Trong tình hình mới hiện nay, để nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng có trọng tâm và có hiệu quả, một lần nữa cấp ủy, tổ chức đảng cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm lời kết luận bế mạc Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà Trung ương thống nhất phải tiến hành đồng bộ nhiều công việc cụ thể, thiết thực, tập trung vào 4 nhóm; trong đó, cần thực hiện tốt nhóm: “ngăn ngừa, cảnh báo, phê phán những việc làm sai trái. Đấu tranh mạnh mẽ chống chủ nghĩa cá nhân, thói ích kỷ vụ lợi, “lợi ích nhóm”[10]./.
[1] Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy Bắc Ninh: Kỷ yếu hội thảo khoa học “Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ với công tác tự phê bình và phê bình trong Đảng - Giá trị lý luận và thực tiễn”, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2012.
[2] X.Y.Z (10-1947): “Sửa đổi lối làm việc”, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.299.
[3] Hồ Chí Minh: Sđd, tập 7, tr.414.
[4] Hồ Chí Minh: Sđd, tập 13, tr.63.
[5] Hồ Chí Minh: Sđd, tập 14, tr.469.
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 52, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.86.
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam: Sđd, tập 52, tr.90.
[8] Đảng Cộng sản Việt Nam: Sđd, tập 58, tr.60-62.
[9] Đảng Cộng sản Việt Nam: Sđd, tập 26, tr.24.
[10] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.146.