Năm 2020, cả nước nói chung và tỉnh Khánh Hòa nói riêng đã trải qua nhiều khó khăn, thách thức. Đại dịch Covid-19 kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh. Bên cạnh đó, thời tiết nắng nóng, hạn hán ở những tháng đầu năm 2020 và mưa lớn, lũ lụt những tháng cuối năm đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất và đời sống nhân dân. Tuy nhiên, với sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể Nhân dân trong tỉnh, các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh năm 2020 cơ bản hoàn thành và đạt kết quả tốt.
Công tác tổ chức thực hiện phong trào thi đua trong năm 2020 của tỉnh Khánh Hòa tiếp tục đi vào nền nếp và đảm bảo tính ổn định, từng bước có những chuyển biến tích cực; việc tổ chức xây dựng các phong trào thi đua của các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã chú trọng bám sát nhiệm vụ trọng tâm. Công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức vai trò, vị trí của phong trào thi đua yêu nước trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân đã được các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể quan tâm thường xuyên, từ đó thu hút được đông đảo lực lượng quần chúng nhân dân tham gia hưởng ứng các phong trào thi đua, phong trào hành động cách mạng thiết thực.
Các phong trào thi đua được các Cụm, Khối thi đua tổ chức với nhiều hoạt động sôi nổi bằng nhiều hình thức phong phú; nội dung bám sát với nhiệm vụ trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng Chính quyền, Mặt trận, đoàn thể. Thông qua các phong trào thi đua, đã xuất hiện nhiều mô hình mới, nhân tố mới, điển hình tập thể tiên tiến xuất sắc dẫn đầu các phong trào thi đua yêu nước; trong đó, nhiều tập thể, cá nhân được Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp, các bộ, ngành, đoàn thể ghi nhận, khen thưởng. Những kết quả đạt được từ các phong trào thi đua và công tác thi đua khen thưởng, đã đóng góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển quê hương Khánh Hòa.
Một số kết quả nổi bật
Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”: Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới: Tiêu chí Quy hoạch có 92/92 xã đạt, Giao thông có 65/92 xã, Thủy lợi có 88/92 xã, Điện 91/92 xã, Trường học 73/92 xã, Cơ sở vật chất văn hóa 54/92 xã, Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn 85/92 xã, Thông tin và truyền thông 92/92 xã, Nhà ở dân cư 58/92 xã, Thu nhập 54/92 xã, Hộ nghèo 66/92 xã, Lao động có việc làm 92/92 xã, Tổ chức sản xuất 62/92 xã, Giáo dục và Đào tạo 75/92 xã, Y tế 82/92 xã, Văn hóa 92/92 xã, Môi trường và an toàn thực phẩm 59/92 xã, Hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật 66/92 xã, Quốc phòng và an ninh 87/92 xã.
Giai đoạn 2016 - 2019, từ nguồn vốn ngân sách các cấp trực tiếp hỗ trợ thực hiện Chương trình, toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng 162 công trình giao thông với tổng mức đầu tư 152.295 triệu đồng. Năm 2020, phân bổ 34.495 triệu đồng hỗ trợ xây dựng 33 công trình. Nhiều công trình đường liên thôn, liên xóm ngoài ngân sách nhà nước còn có khoản kinh phí đóng góp của nhân dân, nhiều hộ gia đình tự nguyện hiến đất, tháo lều quán, hàng rào, chặt cây ăn trái mà không đòi hỏi bồi thường. Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ khu vực nông thôn, miền núi trên địa bàn tỉnh ngày càng hoàn thiện, rút ngắn cự ly thông thương, đảm bảo sinh hoạt và sản xuất của người dân trên địa bàn. Khánh Hòa là một trong những tỉnh có 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã; đến năm 2020, có 09 chợ thuộc các xã xây dựng nông thôn mới đã được chuyển đổi mô hình kinh doanh khai thác và quản lý chợ do doanh nghiệp quản lý. Giai đoạn 2016 - 2019, từ nguồn vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tiến hành xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp 10 công trình cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn với tổng mức đầu tư 13.899 triệu đồng. Năm 2020 phân bổ 5.443 triệu đồng hỗ trợ xây dựng 03 công trình.
Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”: UBND tỉnh đã thực hiện một số giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo an ninh xã hội như: các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ cho 1.978 khách hàng, miễn, giảm các loại phí nhằm khuyến khích khách hàng giao dịch điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt để hạn chế lây lan dịch bệnh; cho vay để trả lương ngừng việc đối với người lao động. Triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh như: hoàn thành việc chi hỗ trợ cho các nhóm đối tượng người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Trong đó, 5.290 người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng được hỗ trợ với tổng số tiền 7.935.000.000 đồng; 38.929 đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng chính sách trợ cấp xã hội hàng tháng được hỗ trợ với tổng số tiền 58.309.300.000 đồng; 9.493 hộ cận nghèo (34.385 khẩu) kinh phí là 25.788.250.000 đồng; 20.527 hộ (77.354 khẩu) hộ cận nghèo được hỗ trợ kinh phí là 58.013.000.000 đồng. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh là lực lượng nòng cốt phát huy các phong trào thi đua của tỉnh và vận động đoàn viên, hội viên thực hiện tốt phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”: Tổng vốn đầu tư phát triển xã hội trên địa bàn tỉnh năm 2020 đạt 50.821,5 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2019. Năm 2020, tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội nghị Doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu của tỉnh và tặng Bằng khen cho 23 tập thế và 09 cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động lĩnh vực kinh doanh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Phong trào thi đưa “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện vãn hóa công sở” giai đoạn 2019 - 2025: UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019 - 2025, gắn kết với việc thực hiện Chỉ thị số 06/CT-UBND, ngày 21/4/2020 về việc cải tiến lề lối làm việc, nâng cao chất lượng tham mưu, thực hiện nhiệm vụ, giải quyết công việc của các sở, ngành, địa phương, qua đó đã tạo chuyển biến trong phong cách giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị; thực hiện việc tôn trọng thứ bậc hành chính, chấp hành nội quy, quy chế, kỷ cương, kỷ luật hành chính, thực hiện nghiêm túc giờ làm việc tại cơ quan, tận tụy, trách nhiệm vì lợi ích của người dân, của doanh nghiệp...
Việc tổ chức thực hiện các phong trào thi đua do tỉnh phát động: Ngoài thực hiện các phong trào thi đua do Trung ương phát động, UBND tỉnh tiếp tục phát động các phong trào thi đua như: Phong trào thi đua “Doanh nghiệp tỉnh Khánh Hòa sản xuất giỏi, kinh doanh giỏi, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu” giai đoạn 2017 - 2020; Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016 - 2021; Phong trào thi đua “Nông dân Khánh Hòa lao động giỏi, chung tay xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2017 - 2020; phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019 - 2025.
Có thể nói, qua thực hiện các phong trào thi đua, đã tạo không khí thi đua sôi nổi, được các tầng lớp nhân dân trong tỉnh hưởng ứng, ghi nhận và biểu dương các tập thể, cá nhân xuất sắc tiêu biểu, đi đầu trong các phong trào thi đua của tỉnh. Các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp, các tổ chức chính trị - xã hội phát động, triển khai đã có bước phát triển mới, hướng về cơ sở, các khu dân cư với nhiều cách làm sáng tạo; nhiều mô hình được xây dựng có hiệu quả, ngày càng được nhân rộng, huy động được tiềm năng, sức sáng tạo và sự tham gia hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân và đoàn viên, hội viên, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, thúc đấy phát triển sản xuất, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thi đua, khen thưởng vẫn còn một số hạn chế, mà các cấp, các ngành cần phải khẩn trương khắc phục đó là: các phong trào thi đua yêu nước mặc dù đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực từ tỉnh song có lúc, có nơi việc triển khai, hướng dẫn từ các cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc tỉnh đến cơ sở, đơn vị trực thuộc chưa đồng đều nhất là một số Khối thi đua Doanh nghiệp trực thuộc Sở, một số địa phương có địa bàn rộng, khó khăn. Việc phát động, tổ chức sơ kết đánh giá phong trào ở một số đơn vị để chỉ đạo phong trào thi đua chưa có nhiều đổi mới, chất lượng phong trào có nơi, có lúc chưa cao. Việc thực hiện công tác kiểm tra các phong trào thi đua, khen thưởng của cấp huyện đối với các đơn vị cấp xã, các phòng, ban chưa cập nhật, đổi mới kịp so với yêu cầu. Công tác phát hiện, xây dựng, bồi dưỡng và nhân rộng điển hình tiên tiến ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc tỉnh còn ít, phần nhiều chỉ dừng lại việc phát động phong trào đầu năm và khen thưởng nhân dịp sơ kết, tổng kết.
Đồng chí Nguyễn Khắc Định, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy thừa ủy quyền của Chủ tịch nước trao Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba cho các cá nhân
Một số giải pháp trong thời gian tới
Để phát huy những kết quả, thành tựu đã đạt được, đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị, địa phương, tiếp tục chỉ đạo, quán triệt sâu sắc và thực hiện thật tốt tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, đưa công tác thi đua gắn với công việc hằng ngày của từng cá nhân. Trong đó, tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:
(1) Tiếp tục quán triệt, triển khai, tuyên truyền và tổ chức thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, trách nhiệm quản lý của chính quyền, sự tham gia của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội. Xác định công tác thi đua khen thưởng là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Trong đó, lãnh đạo các cơ quan, địa phương, đơn vị và đảng viên, công chức, viên chức phải là lực lượng đi đầu, là hạt nhân thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia các phong trào thi đua.
(2) Công tác thi đua phải được tiến hành thường xuyên, liên tục và theo dõi chặt chẽ, kịp thời; phải tổ chức xây dựng kế hoạch và có biện pháp cụ thể để tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về chất trong công tác thi đua, khen thưởng. Các phong trào thi đua phải bám sát với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và những năm tiếp theo của từng ngành, từng địa phương, từng đơn vị cơ sở; đồng thời phong trào thi đua phải nhằm tập trung giải quyết những nhiệm vụ công tác trọng tâm của tỉnh.
(3) Tiếp tục gắn kết phong trào thi đua với việc “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp, qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ công vụ.
(4) Trong tổ chức triển khai các phong trào thi đua, cần tăng cường việc kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết và đổi mới việc biểu dương, khen thưởng. Biểu dương, khen thưởng phải kịp thời, khách quan, công bằng, minh bạch, đúng người, đúng việc, đúng thành tích, lấy hiệu quả, kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị làm thước đo. Thực hiện có hiệu quả chương trình phối hợp giữa cơ quan chuyên trách thi đua, khen thưởng với các đoàn thể quần chúng, các cơ quan thông tin, truyền thông trong việc phát hiện, tuyên truyền các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt.
(5) Các cơ quan thông tin, truyền thông trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền các phong trào thi đua, dành nhiều thời lượng, mở thêm chuyên trang, chuyên mục để nêu gương các điển hình tiên tiến; tổ chức các cuộc thi viết về gương người tốt, việc tốt, góp phần phát hiện, bồi dưỡng các nhân tố mới, điển hình tiên tiến nhằm tạo sự lan tỏa trong cộng đồng về các phong trào thi đua yêu nước.
CTV THANH BÌNH, VPTU