Nhằm thích ứng với tình hình mới và vận hội mà cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ tư mang lại, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Trên cơ sở đó, ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia năm 2025, định hướng năm 2030 với 3 nhân tố chính trong Chuyển đổi số quốc gia là Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, khách quan, nhất là trong bối cảnh thích ứng an toàn với Covid-19, mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với các ngành, các cấp ở địa phương và có tác động lớn đến hầu hết các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội và Khánh Hoà không nằm ngoài xu thế đó.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Đến năm 2025 Khánh Hòa phấn đấu nằm trong nhóm 25 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đứng đầu về chuyển đổi số
Triển khai Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, thời gian qua Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác này, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo điều hành như: Kế hoạch số 10633/KH-UBND, ngày 07/10/2020 về việc triển khai Chương trình Chuyển đổi số (CĐS) quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa; Kế hoạch số 6502/KH-UBND, ngày 05/7/2021 về triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa… Nổi bật là việc Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tổ chức Hội nghị chuyên đề “Chuyển đổi số trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19”, qua đó, tạo chuyển biến tích cực trong tư duy và hành động của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị, bước đầu đạt được một số kết quả đáng ghi nhận như việc ứng dụng công nghệ thông tin giải quyết thủ tục hành chính đã đi vào thực chất, tiết kiệm chi phí, thời gian của người dân và doanh nghiệp. Năm 2020, dịch vụ công trực tuyên mức độ 3,4 trên địa bàn tỉnh đạt tỷ lệ 64,06%; hồ sơ giải quyết trực tuyến đạt 56%; tỷ lệ đấu thầu qua mạng 35,8%; trong bối cảnh dịch bệnh covid-19 diễn biến phức tạp, các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin đã được tỉnh tích cực triển khai thực hiện, Khánh Hòa là tỉnh đứng thứ 5 trong cả nước về việc cập nhật dữ liệu tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 và sử dụng thẻ xanh Covid trên ứng dụng PC-Covid; các doanh nghiệp ngày càng quan tâm ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là trong hoạt động quản lý điều hành, trao đổi thông tin và giao dịch điện tử, góp phần rút ngắn khoảng cách số trong cộng đồng.
Đặc biệt, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TU, ngày 19/10/2021 về Chuyển đổi số tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, trong đó xác định mục tiêu tổng quát: “Đến năm 2025, đổi mới căn bản, toàn diện công tác quản lý, điều hành tiến tới xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số; thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ số; đưa Khánh Hoà nằm trong nhóm 25 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đứng đầu về chuyển đổi số. Đến năm 2030, thực hiện chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện trên phạm vi toàn tỉnh, xây dựng tỉnh Khánh Hoà thành đô thị thông minh, đưa tỉnh Khánh Hoà nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đứng đầu về chuyển đổi số”, thể hiện quyết tâm cao của tỉnh trong việc thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020-2025.
Hội nghị chuyên đề về chuyển đổi số trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19. Nguồn Báo Khánh Hòa
Đối với Khánh Hoà, quá trình chuyển đổi số được xác định hướng đến lợi ích của người dân, doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo của các cấp uỷ, hiệu lực quản lý của chính quyền các cấp; gắn với khai thác hiệu quả không gian tăng trưởng mới, bền vững; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển các nền tảng công nghệ số, nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số tại tỉnh. Theo đó, thời gian tới cấp uỷ, chính quyền các cấp cần tập trung thực hiện, xây dựng một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp sau:
Thứ nhất là nhóm nhiệm vụ, giải pháp tạo nền móng chuyển đổi số: Tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy quá trình chuyển đổi số; đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số; phát triển dữ liệu; phát triển nền tảng, hệ thống; đảm bảo an toàn, an ninh mạng.
Thứ hai là nhóm nhiệm vụ giải pháp phát triển chính quyền số: Đẩy mạnh triển khai thực hiện các nghị quyết, chương trình, kế hoạch, đề án, dự án phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; thự hiện chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội; đẩy mạnh họp trực tuyến, họp không giấy; tăng cường trao đổi văn bản điện tử,…
Thứ ba là nhóm nhiệm vụ giải pháp về phát triển kinh tế số: Thúc đẩy phát triển kinh tế số với trọng tâm là phát triển doanh nghiệp công nghệ số; tạo cơ chế, chính sách phù hợp khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số; cải thiện môi trường đầu tư; đẩy mạnh mô hình liên kết giữa doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu nhằm hình thành các mô hình kinh doanh, sản xuất, sản phẩm, dịch vụ mới…
Thứ tư là nhóm nhiệm vụ, giải pháp phát triển xã hội số: Tập trung chuyển đổi kỷ năng, hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp để đào tạo, tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng về công nghệ số cho người dân và doanh nghiệp; thu hút đầu tư phát triển các khu, cụm dân cư, đô thị thông minh; tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kết hợp kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm về cung cấp và sử dụng thông tin số; hướng đến xây dựng môi trường thông tin số lành mạnh, mang trí thức và có giá trị sử dụng cao…
Có thể thấy, lộ trình Chuyển đổi số ở Khánh Hoà đã được đề ra rõ ràng, cụ thể, đồng nghĩa với việc chúng ta còn phải vượt qua nhiều khó khăn phía trước. Khó khăn và thách thức lớn nhất của Chuyển đổi số là thay đổi tư duy, nhận thức và thói quen làm việc. Do vậy, Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện. Với mỗi cơ quan, tổ chức thì sự thay đổi trước tiên phụ thuộc vào quyết tâm của người đứng đầu, dám tiên phong trong Chuyển đổi số để nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của địa phương, đơn vị. Huy động sự vào cuộc và hành động đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của toàn dân, là nhân tố bảo đảm thành công của Chuyển đổi số tại Khánh Hoà.
CTV Hải Quang, BTG Tỉnh ủy