Nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của gia đình trong việc hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực…; những năm qua, công tác gia đình luôn được các cấp, các ngành, đoàn thể trong huyện quan tâm chỉ đạo, đặc biệt, kể từ khi có Chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 21/2/2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá IX) về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, công tác gia đình trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hoạt động truyền thông về phòng chống bạo lực gia đình
Để thực hiện được các nhiệm vụ trọng tâm trong Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo tinh thần Chỉ thị 49-CT/TW của Ban Bí thư, công tác thông tin, tuyên truyền được huyện quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: tổ chức tuyên truyền miệng qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên; tuyên truyền trực quan bằng treo pano, áp phích và trên hệ thống phát thanh; tổ chức các hội thi, hội diễn văn nghệ về gia đình; mở lớp tập huấn kiến thức phòng chống bạo lực gia đình và lồng ghép nội dung xây dựng gia đình với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng gia đình, thôn, tổ dân phố văn hóa… Từ đó, đã phát huy được vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, ban ngành, đoàn thể và nhân dân trong công tác gia đình, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên; đồng thời, thúc đẩy việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và xây dựng đời sống văn hoá phong phú, lành mạnh ở các địa phương, đơn vị.
Cùng với công tác tuyên truyền, để xây dựng gia đình ổn định và phát triển bền vững, nhiệm vụ phát triển kinh tế hộ gia đình cũng được huyện Khánh Vĩnh chú trọng thực hiện thông qua triển khai nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các gia đình phát triển kinh tế, đặc biệt là các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ gia đình thuộc vùng đặc biệt khó khăn như: hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất, hỗ trợ về nhà ở, điện, nước sinh hoạt, bảo hiểm y tế… Với sự hỗ trợ từ các chương trình, chính sách ưu đãi, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư cây trồng, vật nuôi mở trang trại sản xuất, kinh doanh, qua đó từng bước giải quyết việc làm tại chỗ cho nhiều lao động, tạo nguồn thu nhập, góp phần xoá đói giảm nghèo cho nhiều gia đình, con em trong độ tuổi đều được đến trường học tập…
Phong trào “Xây dựng gia đình văn hóa” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” cũng được cấp ủy đảng, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo, thực hiện và sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân. Đến nay, hầu hết các hộ gia đình trên địa bàn huyện thực hiện tương đối tốt các tiêu chí về gương mẫu chấp hành đường lối chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương; không vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội... góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của các tầng lớp nhân dân, xây dựng đời sống văn hóa mới ở địa bàn cơ sở, từ đó đưa tỷ lệ gia đình văn hóa ngày càng tăng; năm 2020, toàn huyện có 8.927 hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa, đạt 95,29%.
Cùng với đó, nhiều mô hình, câu lạc bộ về công tác gia đình được xây dựng và nhân rộng như: Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, địa chỉ tin cậy, Nhóm Phòng, chống bạo lực gia đình, xây dựng cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình tại khu dân cư; Câu lạc bộ ông, bà, cháu của Hội người cao tuổi; Câu lạc bộ gia đình trẻ của Đoàn Thanh niên, Câu lạc bộ Dân số sức khỏe sinh sản của Hội Phụ nữ; Câu lạc bộ không sinh con thứ 3; các chương trình lồng ghép dân số với phát triển gia đình bền vững thông qua các hoạt động tín dụng, tiết kiệm và phát triển kinh tế gia đình với mục tiêu “Xây dựng gia đình ít con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống nhân dân” cũng được tiến hành đồng bộ, góp phần đem lại hiệu quả tích cực, tác động trực tiếp đến đời sống người dân, nâng cao vị trí, vai trò của gia đình trong việc giữ gìn, kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, ổn định tình hình an ninh chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội trên địa bàn huyện.
Công tác kiện toàn tổ chức bộ máy về công tác xây dựng gia đình cũng được huyện quan tâm thực hiện. Phòng Văn hóa và Thông tin là cơ quan phụ trách công tác tham mưu triển khai và thực hiện công tác gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn huyện. Ngoài ra, để chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình một cách sâu sát và toàn diện, huyện Khánh Vĩnh đã thành lập Ban Chỉ đạo công tác Gia đình do đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban. Hàng năm, Ban Chỉ đạo đã phối hợp khá hiệu quả với các cơ quan, ban ngành chuyên môn của huyện trong công tác kiểm tra việc triển khai, giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về gia đình tại các địa phương, qua đó, góp phần đưa công tác gia đình trên địa bàn huyện ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực.
Thời gian tới, để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác gia đình, huyện Khánh Vĩnh tiếp tục quán triệt, tuyên truyền sâu rộng và triển khai thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW và Thông báo Kết luận số 26-TB/TW của Ban Bí thư; các văn bản của Chính phủ, tỉnh Khánh Hòa về công tác gia đình. Đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm hơn nữa của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về công tác gia đình trên địa bàn huyện. Chú trọng nhân rộng các mô hình tốt, các điển hình tiên tiến về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình, tạo sự lan toả mạnh mẽ trong cộng đồng, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về gia đình gắn với các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, đơn vị.
CTV Duy Hải - HU Khánh Vĩnh