Sinh khí của dân tộc
Như sợi chỉ đỏ xuyên qua toàn bộ lịch sử Việt Nam suốt mấy nghìn năm, không ngừng được đắp bồi và phát triển, tinh thần yêu nước cùng với ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là những giá trị tiêu biểu tạo nên sức mạnh nội sinh của dân tộc. Ngay từ thời Văn Lang, dân tộc ta đã thể hiện sức sống và ý chí tự cường trong một môi trường đầy gian nan thử thách của thiên tai và địch họa; vững vàng và kiên cường lớn lên trong bão táp, cải tạo thiên nhiên, xây dựng đời sống, phát triển trí tuệ và tài năng. Bằng bản lĩnh, trí tuệ và đức tính cần cù, dân tộc Việt Nam đã tạo nên những giá trị không chỉ trong đánh giặc và làm ruộng, mà còn cả ý thức xây dựng một đời sống văn minh với những giá trị vật chất, tinh thần, phong tục tập quán tốt đẹp, nền văn hóa, nghệ thuật phát triển. Những thành tựu của xã hội Việt Nam cổ đại đã nói lên ý chí, truyền thống tự lập, tự cường của dân tộc ta.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết: "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Ðó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước". Người chỉ rõ đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống cực kỳ quý báu và là nguồn sức mạnh to lớn của cách mạng nước ta. Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc xoay quanh một chữ "đồng": Ðồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh; thực hiện "Ðoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, Thành công, thành công, đại thành công".
Những giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc là cơ sở để trong nghìn năm Bắc thuộc, chúng ta đã thành công trong công cuộc chống Hán hóa. Trong lịch sử tồn tại độc lập lâu dài của nhà nước phong kiến suốt tám, chín thế kỷ, dân tộc ta khẳng định: "Núi sông bờ cõi đã riêng/Phong tục Bắc Nam cũng khác".
Lòng yêu nước, ý chí tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đã tạo nên giá trị "ta vẫn là ta" trong suốt gần một thế kỷ bị Pháp cai trị. Trong hoàn cảnh tối tăm của "phận nghèo, nước mất, dân nô lệ", cả dân tộc đã vùng lên với ý chí "dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập", "đem sức ta mà tự giải phóng cho ta", rũ bùn đứng dậy chói lòa, từ thân phận người nô lệ thành người tự do. Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nước Việt Nam đã thành một nước tự do độc lập, nhân dân làm chủ đất nước, làm chủ xã hội, làm chủ bản thân.
Nhưng lịch sử một lần nữa lại trao sứ mệnh cho dân tộc Việt Nam, tỏ rõ một dân tộc có đạo lý làm người, mà quý nhất trên đời, giá trị của mọi giá trị là "Không có gì quý hơn độc lập, tự do". Ðộc lập và tự do là cầu nối giữa tinh thần yêu nước với chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu và nhiệt huyết, niềm lạc quan, tin tưởng trong xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Chúng ta cần độc lập tự do. "Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ".
Lý tưởng độc lập và tự do, khát vọng lâu đời của dân tộc trở thành một tất yếu khách quan được quần chúng nhân dân nhận thức và chuyển hóa thành hiện thực trong hành động. Cả dân tộc đứng lên. Ðàn ông, đàn bà, người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Người dùng súng, kẻ dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Toàn thể người Việt Nam, con Lạc cháu Hồng nhất tề đứng lên đánh đuổi quân xâm lược để cứu Tổ quốc. Chúng ta kiên quyết hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước.
Với tư tưởng Hồ Chí Minh "muốn người ta giúp cho, thì trước mình phải tự giúp lấy mình đã", "Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập", cả dân tộc thi đua yêu nước, kết hợp chặt chẽ kháng chiến với kiến quốc, tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đồng thời với cách mạng xã hội chủ nghĩa với tinh thần "mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt". Xác định cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể sẽ kéo dài. Ðồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của nhiều người. Nhưng bằng tín tâm, quyết tâm và đồng tâm, chúng ta quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn. Cuối cùng Việt Nam toàn thắng.
Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc
Hồ Chí Minh là biểu tượng kiệt xuất về tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, sức mạnh đại đoàn kết và quyết tâm của cả dân tộc Việt Nam, đã cống hiến trọn đời mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân. Người là hiện thân cho những khát vọng của dân tộc trong xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Sáng lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người khẳng định mục tiêu Ðộc lập - Tự do - Hạnh phúc. Ðó là triết lý phát triển Hồ Chí Minh cũng là triết lý phát triển Việt Nam. Ngay khi nước nhà vừa giành được độc lập, Người đã nghĩ tới việc xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước trên hoàn cầu; nghĩ tới một non sông Việt Nam tươi đẹp, bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu.
Người công khai tuyên bố với các nhà báo và đồng bào trong nước về "sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành".
Trong đỉnh cao ác liệt của cuộc chiến tranh do giặc Mỹ gây ra, với tinh thần "Không có gì quý hơn độc lập, tự do", Người tuyên bố "Ðến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn"; rằng "Còn non, còn nước, còn người/Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay". Người trăn trở, suy nghĩ nhiều về việc mau chóng hàn gắn vết thương nghiêm trọng do đế quốc Mỹ gây ra trong cuộc chiến tranh xâm lược dã man. Xác định phát triển đất nước là một công việc cực kỳ to lớn, phức tạp, khó khăn, một cuộc chiến đấu khổng lồ, Người dặn phải có kế hoạch sẵn sàng, rõ ràng, chu đáo, để tránh khỏi bị động, thiếu sót, sai lầm. Mong muốn cuối cùng của Người là toàn Ðảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.
Lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, đặc biệt lịch sử hơn 90 năm dưới sự lãnh đạo của Ðảng đã đem lại những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, chứng tỏ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Chúng ta có quyền tự hào vì những trang sử vẻ vang của dân tộc, nhất là thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đập tan ách thống trị thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do; thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống xâm lược mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ năm 1954, đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
35 năm đổi mới, đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Ðất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. 35 năm qua, đất nước ta đã tiến những bước dài chưa từng có trong lịch sử dân tộc. Ðất nước, xã hội và con người đều đổi mới, tiếp tục từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Những thành tựu đạt được qua 35 năm đổi mới là kết tinh lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sức sáng tạo, tinh thần đổi mới và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của quá trình phấn đấu liên tục, bền bỉ của toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta.
Trong những năm tới, tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi và khó khăn đan xen; đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đòi hỏi toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta phải đoàn kết một lòng, đổi mới, sáng tạo, có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn để tiếp tục đẩy mạnh, toàn diện công cuộc đổi mới. Trong những tiềm lực cần gia tăng, phải khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước hùng cường, phồn thịnh. Ðó là những mặt cơ bản thuộc giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, tạo nên nguồn lực nội sinh của dân tộc.
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, các giá trị tinh thần truyền thống như các thứ của quý. Có khi được trưng bày trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng, dễ thấy. Nhưng cũng có khi cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm. Bổn phận của chúng ta là làm cho những của quý kín đáo ấy được đưa ra trưng bày. Nghĩa là phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho những giá trị tinh thần truyền thống của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vì một nước Việt Nam "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", sánh vai với các cường quốc năm châu.