Ngày 5-6-1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành bước xuống con tàu Đô đốc Latouche-Tréville để ra đi tìm đường cứu nước. Từ Bến cảng Nhà Rồng, Người đã bôn ba khắp “năm châu bốn bể” để “tìm đường đi cho dân tộc theo đi”. Tròn 110 năm kể từ thời khắc lịch sử ấy, đọc lại bài thơ “Người đi tìm hình của nước” của Chế Lan Viên viết về hành trình tìm đường cứu nước của Bác Hồ, lòng càng thêm kính phục, thấm sâu công ơn của Người!
Tượng đài Bác Hồ tại công viên 18-10, TP. Cam Ranh.
“Tìm đường đi cho dân tộc theo đi”
“Đất nước đẹp vô cùng, nhưng Bác phải ra đi”. Mỗi lần đọc dòng thơ ấy, trước mắt ta như thấy được dáng vẻ ưu tư của người thanh niên Nguyễn Tất Thành cất bước ra đi tìm đường cứu nước ở tuổi 21. Cũng chính vì mang nặng tình đất nước, canh cánh trong lòng vì vận mệnh dân tộc nên Người trằn trọc không ngủ với nỗi nhớ quê hương trong những đêm dài lênh đênh nơi xứ lạ. Bằng sự từng trải, nhà thơ Chế Lan Viên đã tái hiện qua những câu thơ rất tinh tế: “Đêm xa nước đầu tiên ai nỡ ngủ?/Sóng vỗ dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương!/Trời từ đây chẳng xanh màu xứ sở/Xa nước rồi, càng hiểu nước đau thương”.
Bến cảng Nhà Rồng.
Trong cuộc hành trình của mình, Người đã trải qua nhiều công việc cực nhọc như làm bồi bàn, lao công quét tuyết, phụ bếp cho khách sạn… nhưng Người chưa bao giờ thôi nghĩ đến vận mệnh của đất nước: “Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa”. Mỗi lần đọc câu thơ giàu hình ảnh ấy, người đọc lại rưng rưng nước mắt vì cảm phục tấm lòng yêu nước của Bác. Sống giữa châu Âu tuyết trắng, giữa những hàng cây trơ trụi lá vàng xứ lạnh, nhưng trong sâu thẳm tâm hồn, tiềm thức của Bác, làng quê Việt Nam với bốn mùa xanh tươi vẫn hiện về đêm đêm. Trái tim giàu lòng yêu nước của Người đau cùng với nỗi đau của dân tộc! Người trăn trở về vận mệnh tồn vong của đất nước: “Mà hình đất nước hoặc còn hoặc mất/Sắc vàng nghìn xưa, sắc đỏ tương lai/Thế đi đứng của toàn dân tộc/Một cách vinh hoa cho hai mươi lăm triệu con người”.
Người đã trải qua “năm châu bốn bể”, bất chấp nỗi gian truân vất vả để tìm đường đi cho dân tộc theo đi. “Người đi hỏi khắp bóng cờ châu Mỹ, châu Phi/Những đất tự do, những trời nô lệ/Những con đường cách mạng đang tìm đi”.
Khát vọng về đất nước độc lập, tự do
Năm 1920, người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc đã bắt gặp Chủ nghĩa Mác - Lênin qua bản “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa”. Khi ngồi trong căn nhà số 9 ngõ Compoint, quận 17, ngoại ô Paris, đọc được Luận cương của Lê-nin, Người đã mừng đến phát khóc và reo lên như đang nói với đồng bào của mình: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”.
Câu chuyện lịch sử ấy đã được nhà thơ Chế Lan Viên chuyển hóa thành những câu thơ mang đậm tính sử thi: “Luận cương đến với Bác Hồ. Và Người đã khóc/Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lê-nin/Bốn bức tường im nghe Bác lật từng trang sách gấp/Tưởng bên ngoài, đất nước đợi mong tin/Bác reo lên một mình như nói cùng dân tộc/“Cơm áo là đây! Hạnh phúc đây rồi!”. Với những câu thơ giàu hình ảnh như những thước phim đặc tả, nhịp thơ gấp gáp, người đọc cảm nhận được niềm hạnh phúc của Người khi tiếp nhận Luận cương Lê-nin, một giờ phút trọng đại không chỉ đối với cá nhân Người mà còn với cả số phận một dân tộc.
“Hình của Đảng lồng trong hình của Nước/Phút khóc đầu tiên là phút Bác Hồ cười”. Dường như trong câu thơ đầy tính gợi hình ấy không chỉ có tiếng khóc của Bác Hồ vì nỗi vui mừng đã tìm được đường cứu nước, mà còn có tiếng khóc chào đời của một đất nước mới. Chẳng phải ngay khi ấy, trong tâm trí của Người đã tượng hình một đất nước Việt Nam độc lập mới với những dáng nét đầu tiên: “Bác thấy: Dân ta bưng bát cơm mồ hôi nước mắt/Ruộng theo trâu về lại với người cày/Mỏ thiếc, hầm than, rừng vàng, biển bạc…/Không còn người bỏ xác bên đường ray/Giặc đuổi xong rồi. Trời xanh thành tiếng hát/Điện theo trăng vào phòng ngủ công nhân/Những kẻ quê mùa đã thành trí thức/Tăm tối cần lao nay hóa những anh hùng”.
Tìm được đường cứu nước, nhưng con đường cách mạng của Người còn nhiều chông gai, gian khổ. Và phải đến năm 1941, tròn 30 năm từ ngày ra đi tìm đường cứu nước, Người mới được trở về Tổ quốc thân yêu, trực tiếp lãnh đạo cuộc cách mạng đấu tranh giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức, nô lệ. “Luận cương của Lê-nin theo Người về quê Việt/Biên giới còn xa. Nhưng Bác thấy đã đến rồi/Kìa, bóng Bác đang hôn lên hòn đất/Lắng nghe trong màu hồng, hình đất nước phôi thai”. Bước chân đầu tiên về đất mẹ, Người cảm nhận đất nước mà mình mơ ước đang được ươm mầm, được tiếp sức bởi truyền thống đấu tranh anh dũng của dân tộc để chờ ngày sinh nở. Và hơn 4 năm sau đó, ngày 2-9-1945, nước Việt Nam độc lập đã ra đời với bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
110 năm đã trôi qua kể từ ngày người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước. Nhìn lại lịch sử dân tộc, người dân Việt Nam hôm nay vẫn luôn nhớ công ơn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với trái tim yêu nước nồng nàn, Người đã đánh đổi tuổi trẻ thanh xuân và sức lực, trí tuệ của mình để giành lấy mùa xuân cho dân tộc. Và nếu nói một cách hình tượng, nước Việt Nam độc lập, tự do đã được hoài thai kể từ bước chân Người đặt xuống con tàu Latouche-Tréville trong ngày lịch sử 5-6-1911
Theo https://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/202106/ky-niem-110-nam-ngay-bac-ho-ra-di-tim-duong-cuu-nuoc-5-6-1911-5-6-2021-nguoi-di-tim-hinh-cua-nuoc-8217934/