Đồng chí Võ Văn Tần thuộc thế hệ chiến sĩ cách mạng tiền bối, lớp đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhà lãnh đạo tiêu biểu, xuất sắc. Với 50 tuổi đời, hơn 15 năm hoạt động cách mạng liên tục, đồng chí đã để lại cho Đảng, nhân dân và thế hệ trẻ Việt Nam một tấm gương sáng của người chiến sĩ cộng sản kiên cường, suốt đời vì nước, vì dân.
Đồng chí Võ Văn Tần quê ở làng Ðức Hòa, huyện Đức Hòa, tỉnh Chợ Lớn, nay thuộc tỉnh Long An. Sinh ra trong gia đình nông dân có truyền thống yêu nước, đồng chí sớm đến với cách mạng, tham gia tổ chức Hội kín Nguyễn An Ninh, sau đó gia nhập tổ chức An Nam Cộng sản Ðảng, trực tiếp vận động thành lập và làm Bí thư Chi bộ làng Ðức Hòa - Chi bộ Đảng đầu tiên ở tỉnh Chợ Lớn.
Từ năm 1930 - 1931, đồng chí Võ Văn Tần trực tiếp tham gia và phụ trách các cuộc biểu tình ở Chợ Lớn, Gia Định đòi tăng lương, giảm giờ làm, chống đánh đập công nhân vô cớ. Thời kỳ 1931-1935, trong vai trò là Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn (1931), Bí thư Tỉnh ủy Gia Ðịnh (1932), cán bộ Xứ ủy (1933), Ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy Nam Kỳ (1935), đồng chí Võ Văn Tần đã góp phần quan trọng vào việc duy trì, khôi phục và phát triển cơ sở Đảng ở các địa phương nhất là vùng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định.
Sau khi khôi phục lại Xứ ủy và trở thành Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ (1937), đồng chí Võ Văn Tần trực tiếp chỉ đạo phong trào Đông Dương Đại hội; thống nhất tư tưởng và hành động của các nhóm cộng sản ở Nam kỳ trong cuộc đấu tranh đòi dân chủ ở Nam kỳ; thường xuyên, trực tiếp chỉ đạo việc gây dựng và phát triển phong trào cách mạng; trực tiếp đi các tỉnh miền Đông, miền Tây xây dựng tổ chức… Những hoạt động khẩn trương và tích cực của đồng chí Võ Văn Tần và Xứ ủy Nam kỳ đã củng cố và phát triển cơ sở Đảng rộng khắp trong công nhân và nông dân, cả nông thôn và thành thị; hướng dẫn quần chúng vào việc chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang, thúc đẩy phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ ở khắp Nam kỳ.
Trên cương vị là Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng, đồng chí Võ Văn Tần đã góp phần chỉ đạo thành công hoạt động của Đảng trong cao trào cách mạng 1936 - 1939 ở Nam kỳ; có nhiều đóng góp tích cực về mặt định hướng chiến lược và quan điểm lý luận cho thành công Hội nghị Trung ương IV (25-8 - 4-9-1937), Hội nghị Trung ương V (29 - 30-3-1938), Hội nghị Trung ương VI (6 - 8-11-1939).
Ðồng chí Võ Văn Tần bị địch bắt vào ngày 14-7-1940 cùng một số đồng chí. 16 tháng bị thực dân Pháp giam cầm, mua chuộc, dụ dỗ và dùng cực hình tra tấn dã man nhưng không thể lay chuyển được ý chí bất khuất, kiên cường và khí tiết cách mạng của đồng chí Võ Văn Tần. Vượt qua chế độ dã man của nhà tù thực dân, ở trong tù, đồng chí Võ Văn Tần vẫn tiếp tục hoạt động, tuyên truyền và nhắc nhở các đồng chí của mình giữ vững khí tiết của người cộng sản. Không khuất phục được, ngày 28-8-1941, thực dân Pháp đã đưa đồng chí Võ Văn Tần cùng các đồng chí Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Hữu Tiến ra xử bắn công khai.
Cả cuộc đời đồng chí Võ Văn Tần luôn phấn đấu không mệt mỏi vì nước, vì dân, luôn kiên định niềm tin son sắt vào thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, không ngừng trau dồi bản chất cách mạng của người cộng sản, phát huy hết trí tuệ sáng tạo, gắn bó máu thịt với nhân dân, tận trung với nước, với Đảng, thủy chung với đồng chí, đồng bào. Đồng chí Võ Văn Tần là một tấm gương cao đẹp về lòng trung thành vô hạn với lý tưởng, về ý chí và tinh thần cách mạng của một chiến sĩ cộng sản kiên cường, quả cảm, sống giản dị khiêm nhường và tình cảm sâu sắc đối với đồng chí, đồng bào. Đồng chí Võ Văn Tần là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, về lý tưởng sống để thế hệ trẻ học tập và noi theo.
Theo Tài liệu của Ban Tuyên giáo Trung ương