Những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương triển khai đồng bộ, sâu rộng và đảm bảo các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công (NCC) với cách mạng. Đồng thời, luôn tích cực huy động các nguồn lực để chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, góp phần nâng cao mức sống của NCC.
Đảm bảo các chính sách
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã triển khai hiệu quả công tác thương binh, liệt sĩ, NCC với cách mạng. Hệ thống văn bản pháp luật về ưu đãi đối với NCC ngày càng hoàn thiện. Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã giải quyết tốt chế độ chính sách đối với NCC theo quy định hiện hành và các văn bản hướng dẫn của Trung ương; chỉ đạo thực hiện tốt việc giải quyết đơn thư liên quan đến chính sách ưu đãi NCC; kiên quyết xử lý những trường hợp khai man hồ sơ để hưởng chế độ chính sách; ngăn chặn các hành vi tiêu cực trong thực hiện chính sách NCC. Nhờ đó, hiện nay, toàn tỉnh không còn tồn đọng hồ sơ NCC đủ điều kiện giải quyết.
Đồng chí Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thăm hỏi, tặng quà gia đình người có công tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.
Ông Tạ Hồng Quang - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, toàn tỉnh thường xuyên đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” với nhiều hình thức đa dạng, phong phú và hiệu quả. Đặc biệt, quan tâm đến chế độ chăm sóc sức khỏe, cải thiện nhà ở, ưu đãi trong giáo dục, đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm; phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện chi trả trợ cấp hàng tháng cho NCC kịp thời, đầy đủ, đúng chế độ; tích cực tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ về an táng tại các nghĩa trang trong tỉnh…
Ngoài các chế độ của Trung ương, tỉnh còn ban hành nhiều chính sách của địa phương để chăm lo chu đáo cho NCC với cách mạng, như: Chế độ hỗ trợ quà cho đối tượng chính sách của tỉnh nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7 hàng năm với mức 200.000 đồng/người; chế độ chính sách hàng tháng cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng, cha, mẹ, vợ, chồng liệt sĩ từ 80 tuổi trở lên, với mức 150.000 đồng/người/tháng; chế độ hỗ trợ nhân ngày Quốc tế Lao động 1-5, Quốc khánh 2-9 cho đối tượng chính sách với mức 150.000 đồng/người và ngày Tết Nguyên đán hàng năm (có 2 mức 850.000 đồng/người và 400.000 đồng/người)… Ngoài ra, hàng năm, tỉnh còn bố trí một phần kinh phí tổ chức đưa NCC đi tham quan Hà Nội và một số tỉnh ở miền Bắc.
Ông Hà Quốc Trị - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh thăm, tặng quà gia đình người có công tiêu biểu huyện Khánh Vĩnh.
Huy động nhiều nguồn lực để chăm lo
Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trên địa bàn tỉnh luôn được các cấp, ngành, địa phương triển khai lan tỏa, rộng khắp. Việc huy động các nguồn lực, nhất là xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” đã thu hút sự tham gia tích cực, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân. Từ năm 2004 đến nay, toàn tỉnh đã huy động được hơn 40 tỷ đồng bổ sung vào nguồn Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”. Hàng năm, từ nguồn quỹ này, UBND tỉnh đã phân bổ, hỗ trợ cho các địa phương xây mới và sửa chữa hơn 1.350 căn nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách, hỗ trợ các thương binh nặng, NCC gặp khó khăn trong cuộc sống.
Bên cạnh đó, phong trào tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa; giúp đỡ, chăm sóc thương bệnh binh nặng, bố mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn; xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa… cũng được triển khai tích cực. Hiện nay, toàn tỉnh có 17 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống, đều được các cơ quan, đơn vị, cá nhân nhận phụng dưỡng đến cuối đời với mức từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/tháng; hàng tháng, quý, các đơn vị, cá nhân đều đến thăm hỏi, trò chuyện, động viên các mẹ sống vui, sống khỏe.
Các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh còn chủ động triển khai làm tốt công tác thương binh - liệt sĩ và NCC. Mỗi địa phương đều xây dựng nguồn quỹ chăm sóc, phụng dưỡng và hỗ trợ gia đình chính sách; cử cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên và các hội đoàn thể có trách nhiệm bám sát, theo dõi hỗ trợ, giúp đỡ, thăm hỏi, động viên gia đình chính sách, nhất là những hộ có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn. Qua đánh giá, đến nay, 100% xã, phường, thị trấn được công nhận làm tốt công tác thương binh - liệt sĩ và NCC; 100% gia đình NCC có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân tại địa bàn cư trú.
Toàn tỉnh đã giải quyết chế độ và đang quản lý 55.302 hồ sơ NCC với cách mạng, trong đó có 999 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Hiện nay, số đối tượng NCC đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng là 6.449 người, với số tiền chi trả 10,8 tỷ đồng/tháng.
Ông Tạ Hồng Quang cho biết, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã từng bước huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, trở thành nét đẹp truyền thống của dân tộc, đi sâu vào tâm khảm của mỗi người dân. Những hoạt động tích cực ấy đã tạo điều kiện cho các hộ chính sách vươn lên, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ và NCC với cách mạng. Thời gian tới, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục thực hiện tốt các chế độ, chính sách NCC với cách mạng và triển khai lan tỏa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”…
Đến nay, có hơn 6.200 mộ liệt sĩ đã được quy tập, an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ, trong đó có 2.042 mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin. Toàn tỉnh có 6 nghĩa trang liệt sĩ, 38 đài tưởng niệm, 3 đền thờ và 70 nhà bia ghi tên liệt sĩ thường xuyên được đầu tư tu bổ, nâng cấp khang trang. Để tri ân các anh hùng, liệt sĩ, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã trân trọng khắc tên 7.256 anh hùng, liệt sĩ lên bia đá tại Điện thờ Tháp Trầm Hương. Từ năm 2004 đến nay, tổng kinh phí sửa chữa, tôn tạo mộ, nghĩa trang liệt sĩ và các công trình ghi công liệt sĩ hơn 50 tỷ đồng.