Hồ Chí Minh là người khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam. Người luôn coi báo chí và những người làm báo là một bộ phận của sự nghiệp cách mạng của Đảng, là vũ khí sắc bén và Người đã sử dụng “thành công” vũ khí đó trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc và phát hiện cổ vũ những nhân tố mới, giá trị nhân văn mới...
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, báo chí vừa là bộ phận cấu thành của văn hóa vừa là phương tiện xây dựng, truyền bá và thực thi văn hóa, luôn là vũ khí sắc bén có vai trò xung kích trong công tác tư tưởng. Bác Hồ đã “Việt Nam hóa” vai trò của báo chí cách mạng Việt Nam và cụ thể hóa yêu cầu để báo chí làm tròn nhiệm vụ tuyên truyền, tổ chức, hướng dẫn nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Theo Hồ Chí Minh, nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục và tổ chức dân chúng, để đưa dân chúng đến mục đích chung. Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng, để thực hiện nhiệm vụ trọng đại ấy, nhà báo phải có đủ phẩm chất của người cán bộ cách mạng, tức là người đi tuyên truyền, giáo dục, giác ngộ người khác và trước hết phải làm gương cho người khác. Người từng nói “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn hàng trăm bài diễn văn tuyên truyền”(1), nên cũng đòi hỏi người làm báo khi nói đến “cần, kiệm, liêm, chính”, trước hết mình phải “cần, kiệm, liêm, chính”.
Ngày 21/6/1925 đánh dấu ngày ra mắt số đầu tiên của báo “Thanh niên” do chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập. Nguồn Internet
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết:“Đối với những người viết báo chúng ta, cái bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng để động viên quần chúng đoàn kết, đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới” và “Cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng”(2). Người chỉ rằng: “Viết phải đúng sự thật, không được bịa ra”; không nên nói ẩu”; “Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết… chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết”(3), “Người không có đạo đức tốt thì không thể là nhà báo tốt”. Do vậy, mỗi nhà báo chân chính đều phải trung thực và nêu cao tinh thần “trong sự nghiệp phò chính, trừ tà”. Đồng thời phải hết sức cẩn thận về hình thức, về nội dung, về cách viết… Muốn tiến bộ, muốn viết hay thì phải cố gắng học hỏi, ra công rèn luyện…
Không những sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam, Bác Hồ còn để lại cho chúng ta một di sản báo chí vô cùng quý báu với những lời chỉ dẫn có giá trị, được coi là hệ tư tưởng của Hồ Chí Minh đối với nghề báo và người làm báo. Người quan niệm, viết báo và làm báo là “công tác cách mạng” để “phụng sự Tổ quốc”, “phụng sự nhân dân”, “phụng sự giai cấp và nhân loại”. Đặc biệt, Người còn để lại cho chúng ta một di sản tư tưởng đặc biệt có giá trị - Tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng, về đạo đức, phong cách của người làm báo; về nghệ thuật trong “cách viết”… nhằm làm nên một tác phẩm báo chí và tờ báo có giá trị.
Cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn liền với nhiều bài báo cách mạng. Người coi báo chí vừa là phương tiện đưa chủ trương đường lối của Đảng đến người dân hiệu quả nhất, vừa làm vũ khí đấu tranh với thù trong giặc ngoài. Bác đã viết hàng nghìn bài báo, với hàng trăm bút danh, nội dung đều toát lên tính trung thực, phản ánh đúng hiện thực khách quan, phân biệt rõ đúng sai, không phiến diện, một chiều. Người nêu rõ: “Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn. Nêu cái hay, cái tốt phải có chừng mực, chớ phóng đại. Có thế nào nói thế ấy. Bộ đội và nhân dân ta cũng có nhiều cái hay để nói lên, không cần phải bịa đặt ra”(4); cho rằng “cái việc ấy ở đâu, thế nào, ngày nào, nó sinh ra thế nào, phát triển thế nào, kết quả thế nào”(5). Đây chính là cái gốc của một nhà báo cách mạng, với phẩm chất cao quý đạo đức nghề nghiệp của người làm báo chân chính.
Khi cầm bút, nhà báo phải phản ánh trung thực, khách quan sự vật, hiện tượng, sự kiện. Cái khó của người làm báo là ở chỗ đó, vì “Viết phải thiết thực, nói có sách, mách có chứng... chống tham ô, lãng phí, thì nêu rõ ai tham ô? Ai lãng phí? Lãng phí cách nào? Ngày tháng nào?... Chớ có viết lung tung”(6). Người nhấn mạnh: “Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng”(7). Cho nên, cách viết bài báo phải đơn giản, dễ hiểu, ngôn ngữ phải trong sáng, tránh dùng từ nước ngoài; nhà báo phải biết chọn lựa những nội dung gì nên viết, cái gì không nên viết. Viết phục vụ nhân dân thì nhất định phải chọn cái gì có lợi cho dân và phục vụ cách mạng.
Bác căn dặn: Nhà báo cũng từ nhân dân mà ra, là con em của nhân dân, được ăn học chu đáo; đi nhiều, biết nhiều nhưng không vì thế mà nói, viết những điều “cao siêu, to tát” làm cho người dân không hiểu hoặc hiểu sai. Đối với người dân lao động, chân lý luôn luôn là cụ thể, họ chỉ làm được những việc mà họ có hiểu biết và có thể làm được. Do vậy, cách tiếp cận, viết bài, đưa hình, truyền ảnh không đúng, không trúng, không phù hợp, không hấp dẫn đối tượng cần tác động, tuyên truyền thì chẳng những lao động của nhà báo uổng công, vô ích, tốn giấy mực, lãng phí tiền của, thời gian, công sức mà ngược lại còn bị người dân phản ứng, gây tác động tiêu cực trong xã hội.
Với mỗi đối tượng cụ thể, Người đều tìm ra những cách nói, cách viết phù hợp nhất. Người đã nêu lên những câu hỏi có ý nghĩa phương pháp luận, liên quan chặt chẽ với nhau, cho mỗi người làm báo: Nói, viết cái gì? Nói, viết cho ai? Nói, viết để làm gì? Nói, viết như thế nào? Ðây là những câu hỏi cần được đặt ra và trả lời trước khi viết. Trong cách nói, cách viết, Bác Hồ luôn chú ý tránh những thông tin thừa, những gì mọi người đã biết rồi Bác không viết nữa. Trong nhiều cuộc nói chuyện Người thường nói: “Điều đó, chắc các cô, các chú đã hiểu, Bác không nói nhiều”.
Ðọc lại những bài nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh người ta dễ nhận ra sự trong sáng về văn phong, sự giản dị trong cách trình bày và dễ hiểu với người nghe, người đọc. Nhiều quan điểm, nhiệm vụ cách mạng đã được Người truyền tải đến với mọi người qua những bài báo bằng những ngôn từ quen thuộc - dù đó là những vấn đề của cuộc sống chiến đấu, lao động hàng ngày hoặc những vấn đề lớn của đất nước, của thời đại - không tỏ ra cao siêu, khó hiểu mà gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo. Theo Người, văn phong báo chí phải “dễ hiểu, phổ thông hoạt bát”, “không dây cà dây muống”… nhưng lại phải viết cho văn chương, cho người đọc thấy hay, thấy văn chương mới thích đọc. “Muốn tuyên truyền cho quần chúng, phải học cách nói của quần chúng, mới nói lọt tai quần chúng…Cách nói của quần chúng rất đầy đủ, rất hoạt bát, rất thiết thực mà lại rất đơn giản”…
Trong viết báo, Hồ Chí Minh có lối hành văn ngắn gọn, cô đọng, súc tích. Tuy nhiên, ngắn gọn không có nghĩa là “cụt lủn” mà là “gọn gàng, sáng sủa, mạch lạc, có đầu, có đuôi, có nội dung thiết thực, thấm thía, chắc chắn”, “chớ lạm dụng chữ”, “đánh đố quần chúng”, “sao cho mỗi đồng bào, mỗi chiến sĩ đều đọc được, hiểu được, nhớ được, làm được”, “cần tuyệt đối tránh viết dài mà sáo rỗng”... Ðặc tính ngắn gọn, hàm súc trong các bài nói, bài viết của Bác Hồ kế thừa và phát triển phong cách hiền triết phương Ðông - ghi ít, nhớ nhiều, ý tại ngôn ngoại. Ðây là đặc trưng nổi bật dễ nhận thấy trong cách nói, cách viết Hồ Chí Minh. Những luận điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh thường được viết rất ngắn, chặt chẽ như châm ngôn: “Dĩ bất biến ứng vạn biến”; “Không có gì quý hơn độc lập tự do”...
Theo Người, “Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng”... Vậy mà, khi đâu đó vẫn còn những tờ báo, nhà báo chạy theo lợi nhuận, bị đồng tiền, danh vọng cám dỗ, đưa tin bài thiếu trung thực, lành mạnh theo kiểu gật gân câu khách… Cho nên càng cần vũ khí sắc bén vạch tội, với những bài báo mang tính chiến đấu, định hướng dư luận xã hội cao, có sức cảm hóa, thuyết phục mạnh mẽ đối với bạn đọc.
Hồ Chí Minh nhấn mạnh: người làm báo cần ra sức trau dồi kiến thức, học tập lý luận, lăn lộn trong thực tiễn và gắn bó với nhân dân. Bác lưu ý trước tiên đề tài cho người cầm bút là “những điều mắt thấy tai nghe”, “những người tốt, việc tốt”. Do đó, cần nâng cao ý thức tự giác về vai trò trách nhiệm của nhà báo. Chỉ có một niềm tin vững chắc mới giúp người làm báo ra sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Những giá trị độc đáo và sâu sắc về phong cách báo chí Hồ Chí Minh mãi mãi còn nguyên giá trị, là “hành trang” của mỗi nhà báo chân chính. Bằng văn phong báo chí độc đáo của mình, Người đã dạy những người làm báo nhiều điều khi viết, khi nói. Nay vẫn còn đó những điều Người căn dặn và một tấm gương tỏa sáng - Hồ Chí Minh. Văn không chỉ là văn. Văn chính là người. Học nói, học viết cũng là từng bước hoàn thiện trí tuệ và nhân cách của mình.
Học tập và làm theo phong cách báo chí Hồ Chí Minh là yêu cầu hết sức quan trọng đối với các cơ quan báo chí và đội ngũ nhà báo. Làm tốt điều này, không chỉ góp phần xây dựng đội ngũ nhà báo vững mạnh, mà còn mang lại những món ăn, tinh thần bổ ích, tiếp tục làm tốt sứ mệnh cao cả là tiếng nói của Ðảng, Nhà nước và là diễn đàn của nhân dân.
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tập1, tr.284.
(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2000, tập 10, tr. 616.
(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2005, tập 5, tr.306.
(4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, tập 8, tr. 206.
(5) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, tập 8, tr. 208.
(6) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tập7, tr.120.
(7) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 5, tr.625.
CTV Ths Nguyễn Thanh Hoàng.