Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là lãnh tụ của dân tộc, nhà văn hóa lớn của thế giới, Người còn là nhà báo kiệt xuất. Trong hành trình đấu tranh gian khổ vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, Hồ Chí Minh đã sớm xác định báo chí là một vũ khí sắc bén để tiến công kẻ thù và Người đã sử dụng “thành công” vũ khí đó để đạt mục đích lớn lao của cuộc đời mình.
Ảnh tư liệu (nhandan.vn)
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, làm báo chí cách mạng không chỉ tuân thủ nghiêm ngặt tôn chỉ, mục tiêu, nhiệm vụ tờ báo đã xác định mà còn phải thể hiện cho được tính đảng, tính chính trị tư tưởng, tính chiến đấu và tính quần chúng, Nhân dân trong các bài báo. Hồ Chí Minh quan tâm đặc biệt đến tư cách người làm báo. Người coi nhà báo là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, và coi bài báo là “tờ hịch” của cách mạng. Nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục và tổ chức dân chúng, để đưa dân chúng đến mục đích chung. Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ Nhân dân, phục vụ cách mạng, nên để thực hiện nhiệm vụ trọng đại ấy, nhà báo phải có đủ phẩm chất của người cán bộ cách mạng, tức là người đi tuyên truyền, giáo dục, giác ngộ người khác và trước hết phải làm gương cho người khác. Người từng nói “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn hàng trăm bài diễn văn tuyên truyền”(1), nên cũng đòi hỏi người làm báo khi nói đến “cần, kiệm, liêm, chính”, trước hết mình phải “cần, kiệm, liêm, chính”.
Theo Bác, nhà báo khi tác nghiệp, dưới bất cứ hình thức và thể loại nào đều phải chú ý tới đối tượng cần giáo dục, tuyên truyền; phải hiểu rõ sở thích, nhu cầu, trình độ, vốn sống, phong tục tập quán của từng loại đối tượng ấy để viết bài, nói chuyện, truyền đạt cho được ý định, mục tiêu, yêu cầu, nội dung quan điểm, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; giúp người dân hiểu biết tình hình, rõ nhiệm vụ, thực hiện đúng quy định pháp luật.
Bác căn dặn: Nhà báo cũng từ Nhân dân mà ra, là con em của Nhân dân, được ăn học chu đáo; đi nhiều, biết nhiều nhưng không vì thế mà nói, viết những điều “cao siêu, to tát” làm cho người dân không hiểu hoặc hiểu sai. Đối với người dân lao động, chân lý luôn luôn là cụ thể, họ chỉ làm được những việc mà họ có hiểu biết và có thể làm được. Do vậy, cách tiếp cận, viết bài, đưa hình, truyền ảnh không đúng, không trúng, không phù hợp, không hấp dẫn đối tượng cần tác động, tuyên truyền thì chẳng những lao động của nhà báo uổng công, vô ích, tốn giấy mực, lãng phí tiền của, thời gian, công sức mà ngược lại còn bị người dân phản ứng, gây tác động tiêu cực trong xã hội.
Người luôn tìm ra những cách nói, cách viết phù hợp nhất. Người đã nêu lên những câu hỏi có ý nghĩa phương pháp luận, liên quan chặt chẽ với nhau, cho mỗi người làm báo: Nói, viết cái gì? Nói, viết cho ai? Nói, viết để làm gì? Nói, viết như thế nào? Ðây là những câu hỏi cần được đặt ra và trả lời trước khi viết. Trong cách nói, cách viết, Bác Hồ luôn chú ý tránh những thông tin thừa, những gì mọi người đã biết rồi Bác không viết nữa. Trong nhiều cuộc nói chuyện Người thường nói: “Điều đó, chắc các cô, các chú đã hiểu, Bác không nói nhiều”.
Học tập phong cách viết báo chân thực, ngắn gọn, trong sáng, giản dị, sinh động của Bác là trong bất luận điều kiện, hoàn cảnh nào, nhà báo và báo chí cách mạng đều phải phản ánh đúng sự thật. Học cách viết ngắn gọn, rõ ràng, thiết thực, hiệu quả của Bác vừa là một yêu cầu, vừa là tiêu chí đánh giá phẩm chất, năng lực của nhà báo, của cán bộ, đảng viên hiện nay. Nói và viết trong sáng, giản dị, dễ hiểu là một đặc trưng nổi bật trong phong cách báo chí của Bác mà cán bộ, đảng viên cần học tập.
Khi cầm bút, nhà báo phải phản ánh trung thực, khách quan sự vật, hiện tượng, sự kiện. Cái khó của người làm báo là ở chỗ đó, vì “Viết phải thiết thực, nói có sách, mách có chứng... chống tham ô, lãng phí, thì nêu rõ ai tham ô? Ai lãng phí? Lãng phí cách nào? Ngày tháng nào?... Chớ có viết lung tung”(2). Vì thế, mỗi nhà báo cách mạng cần phải quán triệt sâu sắc và quyết tâm thực hiện tốt lời Bác dạy, nhất là trong điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay.
Theo Hồ Chí Minh, “ngắn gọn có nghĩa là gọn gàng, rõ ràng, có đầu, có đuôi, có nội dung thiết thực, thấm thía, chắc chắn”. Người cũng căn dặn: Cần tuyệt đối tránh viết dài mà sáo rỗng. Ðặc tính ngắn gọn, hàm súc trong các bài nói, bài viết của Bác Hồ kế thừa và phát triển phong cách hiền triết phương Ðông - ghi ít, nhớ nhiều, ý tại ngôn ngoại. Ðây là đặc trưng nổi bật dễ nhận thấy trong cách nói, cách viết Hồ Chí Minh. Những luận điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh thường được viết rất ngắn, chặt chẽ như châm ngôn: “Dĩ bất biến ứng vạn biến”; “Không có gì quý hơn độc lập tự do”...
Bác Hồ, Người đã mang hết tài năng, nghị lực, trí thông minh, phát hiện nhạy bén mọi khả năng, vận động tài tình mọi phương tiện, sử dụng mọi thứ vũ khí, huy động mọi binh chủng phối hợp ở tầm cao của nghệ thuật, để phục vụ mục tiêu cách mạng đã định. Sự thật của hơn 8 thập kỷ báo chí cách mạng đã đi qua, minh chứng báo chí là một phương tiện, là vũ khí sắc bén được Bác Hồ học tập, vận dụng trong suốt cuộc đời mà Người đã cống hiến cho đất nước, cho dân tộc chẳng bút sách nào nói hết được.
Theo thống kê của tài liệu cho rằng, trong khoảng 50 năm trước khi Người đi xa, Bác Hồ đã viết hàng nghìn tác phẩm báo chí. Cho đến lúc từ biệt cõi đời (mùa thu 1969), Người đã mang những tên, bí danh, bút danh: Thu Sơn, Chí Minh, Già Thu, Tân Sinh, Trần Thắng Lợi, Lê Nhân, Lê Quyết Thắng, Q.T, Q.Th, XYZ, G.T.T, G, A.G, A.P, Trần Lực, Tuyết Lan, Luật sư Th.am, Trần Lam, T.Lam, Thanh Lan, Chiến Sĩ, Chiến Đấu, Nói Thật, Việt Hồng, Lê Ba, La Lập, C.B, VK, HL, Đ.LĐ, Ph.KA, CK, C.H, C.S, CHIẾN THẮNG, BÌNH SƠN, BÉ CON, Mộng Liên, N, N.A.K, N.A.Q, N.D, N.Ái Quốc, Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Thao Lược, Nguyễn Tâm, Nguyễn Kim, Nguyễn Du Kích, Nhân Dân…
Những bài báo của Bác Hồ luôn sinh động với bút pháp biến hóa, đa dạng: Đanh thép khi tố cáo tội ác của đế quốc thực dân, sôi nổi khi tranh luận, bình dị khi giải thích, thuyết phục... Người hay kết hợp, đan xen đúng lúc những đoạn thơ, câu ca có vần điệu trong những bài báo cách mạng tưởng như khô khan, khó đọc.
Những giá trị độc đáo và sâu sắc trong văn phong báo chí và nghệ thuật làm báo, viết báo của Bác Hồ không ngoài mục đích làm cho bài viết sinh động hơn, hấp dẫn hơn, để truyền tải tốt hơn những nội dung cách mạng đến từng cá nhân đối tượng của bài báo. Bằng văn phong báo chí độc đáo của mình, Người đã dạy những người làm báo nhiều điều khi viết, khi nói. Nay vẫn còn đó những điều Người căn dặn và một tấm gương tỏa sáng - Hồ Chí Minh.
Nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Văn chương của Hồ Chủ tịch đã in sâu lên thời đại chúng ta. Nó chung đúc đến độ tinh vi cái đẹp bình dị của văn chương vô sản. Nó kết hợp một cách diệu kỳ những tư tưởng khoa học với điệu cảm, cách nói dân tộc”. Nhà văn hóa Hà Huy Giáp cũng viết: “Hồ Chủ tịch rất chú trọng cách viết. Người rất cẩn trọng ngay đến cách dùng một từ nhỏ, một dấu chấm câu, cách bố cục một bài viết. Hồ Chủ tịch là một nhà ngôn ngữ nghiêm khắc. Cũng như Lênin, Người dùng rất ít chữ, mà là những chữ đúng nhất, cần thiết nhất, để một viện sĩ hàn lâm đến người nông dân đều có thể hiểu được”.
Bác Hồ, nhà báo kiệt xuất đã đi xa, nhưng giáo huấn của Người đối với những người làm báo hôm nay vẫn còn giữ nguyên giá trị. Đó là báu vật của đời và mãi mãi còn nóng hổi tính thời sự mà mỗi người làm báo không thể nào quên.
Ths Nguyễn Thanh Hoàng