“Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”(1); “Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”(2). Hầu như mọi người đều biết tới lời dạy này của Bác Hồ, nhưng trên thực tế việc thực hiện lời dạy sâu sắc ấy vẫn đang còn nhiều thiếu sót. Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ đã đưa ra nhiều quyết sách quan trọng được dư luận quan tâm, trong đó có vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là cán bộ cấp chiến lược.
Người dân đánh giá sự hài lòng về cán bộ giải quyết hồ sơ tại UBND phường Bến Thành, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: sggp.org.vn
Đánh giá cán bộ là xem xét mức độ hoàn thành công vụ của họ với tư cách là “công bộc” của nhân dân
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: cán bộ là công bộc của nhân dân, họ phải là người đày tớ thật trung thành của nhân dân, nghĩa là họ được nhân dân ủy thác, giao phó làm việc cho dân và phải có trách nhiệm làm thật tốt. Mỗi thời kỳ cách mạng đều có những mục tiêu riêng và đòi hỏi phải có một đội ngũ cán bộ xứng tầm hoàn thành những nhiệm vụ cụ thể. Vì vậy, Đảng cầm quyền vừa phải xác định cho đúng mục đích cuối cùng, thể hiện ở Cương lĩnh chính trị, vừa phải xác định được chương trình hành động cụ thể trong từng giai đoạn 5 năm, 10 năm, 20 năm... để có kế hoạch đào tạo cán bộ phù hợp. Căn cứ vào các nghị quyết đã được thông qua, những mục tiêu đã đề ra, những nhiệm vụ phải làm, những yêu cầu phải đạt để định rõ các tiêu chuẩn mà đội ngũ cán bộ ở từng cấp, từng ngành, từng lĩnh vực cần phải có. Không xác định rõ tiêu chuẩn sẽ không thống nhất trong việc xem xét, kiểm tra và đánh giá cán bộ, sẽ dễ rơi vào chủ quan, cảm tính, thiên vị. Việc đánh giá cán bộ, về bản chất, cũng là con người đánh giá con người. Mà đã là con người thì ai cũng có những tình cảm riêng, các mối quan hệ riêng (tính tình, sở thích, họ hàng, bè bạn...). Do vậy, cần phải đề ra các chuẩn mực khách quan, cụ thể, không chỉ dừng ở khái niệm chung mà phải trở thành thước đo, thậm chí được xác định như là một chuẩn mực đo lường quốc gia. Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định “dùng cán bộ, cốt để thực hành đầy đủ chính sách của Đảng và Chính phủ”(3). Đó là căn cứ khách quan, mà đã khách quan thì người phụ trách (hoặc tập thể) khi đánh giá cán bộ phải phục tùng, phải vượt qua tình cảm riêng, quan hệ riêng, nghĩa là phải chí công vô tư, phải coi việc nước là việc chung chứ không phải là việc riêng của Đảng, của Nhà nước, càng không phải là của một nhóm người, của dòng họ nào.
Đường lối, nghị quyết, chính sách, pháp luật... suy cho cùng cũng chỉ là những hệ chuẩn mực chung của từng thời kỳ. Trong tiến trình lịch sử, nó có thể được điều chỉnh nhưng lòng tin của dân luôn là thước đo chính xác, uy tín. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh khi bác đơn xin ân xá án tử hình của Trần Dụ Châu khi đó là đại tá, Cục trưởng Cục Quân nhu, Người đã chỉ rõ: Tội lớn nhất mà y phải nhận sự trừng phạt cao nhất của pháp luật là y đã hành động dẫn tới làm mất lòng tin của dân đối với Đảng và Chính phủ.
Dư luận chung cho rằng việc đánh giá cán bộ và xử lý một số vụ, việc vừa qua là tích cực. Ví dụ điển hình nhất là vụ Đinh La Thăng, mặc dầu đang giữ một chức vụ cao trong hệ thống chính trị nhưng đã phải đứng trước vành móng ngựa, phải nhận án tù, nhận kỷ luật của Đảng. Sự việc đã được đại đa số nhân dân đồng tình, ủng hộ, hoan nghênh. Nhưng cũng từ vụ, việc đã được phát hiện, xử lý, nhân dân vẫn đang đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của các cơ quan và cá nhân người phụ trách, của cấp ủy cấp trên, các cơ quan đã có trách nhiệm như thế nào. Nhân dân vẫn mong mỏi tất cả những đồng chí có trách nhiệm, dù còn tại chức hay đã về hưu (trừ khi đã qua đời) cần phải tự kiểm điểm nghiêm khắc về những vấn đề liên quan đến vai trò là người đứng đầu. Dư luận nhân dân cho rằng những vụ đại án đã kết tội những cán bộ lãnh đạo tham nhũng và vô trách nhiệm, thì cũng phải kiểm điểm nghiêm khắc, xem xét nghiêm túc trách nhiệm cấp trên của họ. Bác Hồ đã từng nói “Đảng ta quang minh chính đại”, cấp trên phải chịu trách nhiệm về lỗi lầm, khuyết điểm của cán bộ dưới quyền mình. Người còn nói, công khai nhận khuyết điểm không hề làm hạ thấp uy tín của Đảng, của cá nhân người lãnh đạo mà ngược lại, uy tín của người lãnh đạo được nâng cao. Chỉ đảng nào, cá nhân nào tìm cách giấu giếm khuyết điểm mới là đáng chê trách. Làm theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tinh thần nghiêm túc, nghiêm minh, các đồng chí cấp trên cần nghiêm túc tự phê bình và nếu có lỗi cần công khai nhận lỗi trước nhân dân. “Ôn cố tri tân”, nhân dân mong mỏi học tập tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh, học tập tự phê bình và phê bình, xử lý kỷ luật cán bộ cấp cao kể cả cán bộ cấp chiến lược từ sai lầm trong cải cách ruộng đất, sẽ được Đảng ta vận dụng trong tình hình hiện nay.
Chỉ có dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nhìn mình trước, nhìn đồng chí và cấp dưới sau, đồng thời biết chân thành và kiên nhẫn lắng nghe ý kiến của nhiều tầng lớp nhân dân để nhận rõ lỗi lầm, thì Đảng ta mới đánh giá đúng và tìm ra các giải pháp hữu hiệu để tiến lên. Thiết nghĩ Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ đi vào cuộc sống đã tạo ra một bước tiến thực sự trong công tác cán bộ và Đảng ta, trước hết là các đồng chí có trách nhiệm càng cần lắng nghe để hiểu thấu lòng dân vì mục tiêu của cách mạng, yêu cầu của nhiệm vụ và lòng tin của nhân dân là một hệ giá trị để xác định mục đích của việc đánh giá, sử dụng cán bộ, trong đó lòng tin của nhân dân là giá trị trung tâm và chi phối toàn bộ hệ giá trị.
Kiểm soát quyền lực và chọn cán bộ làm công tác kiểm soát
Như trên đã nói, việc đánh giá cán bộ là việc con người đánh giá con người. Nếu như mục đích là “thước đo” phải đạt chuẩn quốc gia thì người làm công tác đánh giá, kiểm soát (người cầm thước) cũng phải đạt chuẩn quốc gia. Để đánh giá đúng cán bộ thì việc cần phải làm trước tiên là làm tốt công tác kiểm tra và chọn người đảm trách tốt công tác kiểm tra. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Muốn chống bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy; muốn biết các nghị quyết có được thi hành không, thi hành có đúng không; muốn biết ai ra sức làm, ai làm qua chuyện, chỉ có một cách, là khéo kiểm soát./ Kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất định bớt đi./ Song, muốn kiểm soát có kết quả tốt, phải có hai điều: một là việc kiểm soát phải có hệ thống, phải thường làm. Hai là người đi kiểm soát phải là những người rất có uy tín”(4).
Thực tiễn cho thấy, cả hai điều trên chúng ta đều đã làm, nhưng làm chưa thường xuyên, chưa đồng bộ, chưa mang tính hệ thống và rất tiếc là còn không ít cán bộ đảm trách công tác kiểm tra, thanh tra và tổ chức cán bộ đã mắc nhiều khuyết điểm, thậm chí có người đã bị lợi ích cá nhân, vì đồng tiền mà tư túng, bao che, biến “đen thành trắng” mà thực hành việc luân chuyển và đề bạt cán bộ theo một “quy trình” đầy “ảo thuật”.
Để đánh giá cán bộ đúng thì cần có cơ chế kiểm tra thường xuyên và phải có cán bộ kiểm tra có động cơ đúng đắn, phải có khả năng và dũng khí cách mạng. Không ai lúc nào cũng tốt, cũng đúng, cũng cứng rắn, đủ sức mạnh để vượt qua mọi cám dỗ. Vì vậy, phải tạo ra một cơ chế để nhân dân tham gia kiểm soát quyền lực, nhằm tăng sức mạnh của tập thể, để vừa tiếp thêm sức cho cán bộ kiểm tra, vừa bảo vệ, nâng đỡ, động viên họ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Việc kiểm tra cơ quan và cá nhân làm công tác kiểm tra cần phải được quy định thành chế độ công vụ nghiêm ngặt.
Có một thực tế cần chú ý là diện cán bộ thuộc cấp trên quản lý thường rất dễ rơi vào vòng ngoài của sự kiểm tra của cơ sở, của nhân dân. Tổ chức cơ sở đảng nơi đồng chí đó công tác hoặc cư trú thường e dè, nể nang, thậm chí không dám kiểm tra tư tưởng, phong cách, đạo đức của cán bộ lãnh đạo đó với tư cách họ là đảng viên, bởi vì sợ họ là cấp trên, là thủ trưởng cơ quan, đơn vị, tức là người quyết định liên quan đến mọi lợi ích của các thành viên trong chi ủy, đảng ủy cơ sở. Các đồng chí thuộc diện cấp trên quản lý thường ỷ vào “bận nhiều việc” nên coi thường sinh hoạt đảng, tự cho phép tách mình ra khỏi kỷ luật đảng. Cấp trên thì xa (có thể cũng quan liêu), tổ chức cơ sở đảng thì né tránh nên cán bộ tự do, muốn sao làm vậy, “coi trời bằng vung”. Việc này Bác Hồ đã phê phán nghiêm khắc: “Khi phụ trách ở một vùng nào thì như một ông “vua con” ở đấy, tha hồ hách dịch, hoạnh họe. Đối với cấp trên thì xem thường, đối với cấp dưới cậy quyền lấn áp. Đối với quần chúng ra vẻ quan cách mạng làm cho quần chúng sợ hãi. Cái đầu óc “ông tướng, bà tướng” ấy đã gây ra bao ác cảm, bao chia rẽ, làm cho cấp trên xa cấp dưới, Đoàn thể xa nhân dân”(5).
Hàng loạt những vụ, việc tiêu cực xảy ra trong thời gian qua và gần đây vẫn tiếp diễn cho thấy công tác kiểm tra, kiểm soát quyền lực của tổ chức cơ sở đảng và của cả hệ thống còn có nhiều yếu kém, cần sớm khắc phục để việc đánh giá cán bộ không bị động, nhầm lẫn, thậm chí sai lầm.
Tóm lại, cả “thước đo”, “người cầm thước” và cơ chế vận hành của tổ chức đảng cần quán triệt sâu sắc tư tưởng của Bác để chấn chỉnh, sửa đổi. Một lần nữa lại cho thấy tư tưởng vĩ đại của C. Mác: đã đến lúc các nhà giáo dục cũng cần được giáo dục, người có quyền lực cũng cần phải được kiểm soát quyền lực, người kiểm tra cũng cần được kiểm tra.
Tóm lại, trong một đảng cách mạng chân chính thì Điều lệ Đảng phải là tối thượng, không đảng viên nào, cấp lãnh đạo nào có quyền đứng trên, đứng ngoài quy định của Điều lệ Đảng. Trong một nhà nước dân chủ và pháp quyền thì Hiến pháp, pháp luật phải được thượng tôn, là quyền uy tối thượng, không một tổ chức hay quan chức nào được đứng trên, đứng ngoài pháp luật của Nhà nước, bất cứ ai cũng chỉ được làm những việc mà pháp luật cho phép.
Một vài suy nghĩ về giải pháp
Một là, xem xét, rà soát lại cơ chế, quy chế, quy định, quy trình về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, về kiểm tra, kiểm soát quyền lực và đánh giá cán bộ, quy rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức, không để có kẽ hở dẫn tới sự lạm dụng quyền lực, dẫn tới quyền lực chính trị và quyền lực công bị tha hóa. Cũng cần có quy định chặt chẽ mang tính pháp lý phân công và phối hợp chặt chẽ giữa Ủy ban Kiểm tra Trung ương với Thanh tra Chính phủ và Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ trong công tác kiểm tra, đánh giá cán bộ. Cần phải quy về một đầu mối và phải có người chịu trách nhiệm cuối cùng để khắc phục tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan, tổ chức, nhất là giữa cơ quan đảng và cơ quan nhà nước. Cần giải quyết cơ bản giữa thống nhất và phân công quyền lực quản lý cán bộ để khắc phục hiện tượng ỷ vào việc phân cấp diện cán bộ do cấp ủy cấp trên quản lý để lảng tránh trách nhiệm của thủ trưởng đối với cán bộ ở cơ quan, đơn vị mình và né tránh sự quản lý của chi bộ với tư cách họ là đảng viên, vì như Điều lệ Đảng đã quy định thì mọi đảng viên đều phải sinh hoạt ở một tổ chức cơ sở đảng và chính tổ chức cơ sở đảng là nơi trực tiếp quản lý, giáo dục đảng viên.
Hai là, phát huy sức mạnh của các phương tiện thông tin đại chúng và điều tra xã hội học độc lập để nắm bắt dư luận nhân dân. Việc điều tra này nên giao cho một cơ quan khoa học và có quy định, quy chế để họ được làm việc khách quan, không bị chi phối bởi bất cứ cơ quan hay cá nhân có quyền lực nào và phải chịu trách nhiệm về kết quả điều tra. Đã từ lâu trên thế giới, trong các nước phát triển, người ta đã rất chú trọng tới tiếng nói phản biện, phản hồi của nhân dân qua các phương tiện thông tin đại chúng và qua nắm bắt dư luận xã hội. Dựa vào nhân dân là cách làm hữu hiệu nhất để kiểm soát và đánh giá cán bộ. Và, đó cũng là cách để cán bộ có thông tin giúp mỗi người hiểu được xã hội đang định giá trị cho mình như thế nào. Đó cũng chính là thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh: Dựa vào dân chúng mà giáo dục, đánh giá và cất nhắc cán bộ.
Ba là, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức - cán bộ, thanh tra, kiểm tra. Đồng thời, có chính sách bảo đảm lợi ích và động viên tinh thần để vừa phát huy tính tích cực cách mạng của họ, vừa bảo đảm có những điều kiện giúp họ giữ được đức thanh liêm, khách quan vô tư và toàn tâm, toàn ý với công việc. Có quy định để vừa tôn vinh, bảo vệ những người thanh tra, kiểm tra chân chính, vừa có chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với việc nhận định, đánh giá không đúng về cán bộ (cả tâng bốc, bao che, “đánh bóng” ưu điểm lẫn bôi đen, làm sai sự thật). Có quy định để từng cán bộ làm công tác kiểm tra, đánh giá được giữ ý kiến độc lập của mình và có thể gửi báo cáo bằng văn bản vượt cấp về những vấn đề mình nhận định (nếu những nhận định đó không được cấp trên trực tiếp, hoặc cấp ủy cùng cấp đồng tình), đồng thời phải chịu trách nhiệm về tất cả nội dung đã báo cáo.
Bốn là, mạnh dạn trưng cầu ý dân, bằng cách bỏ phiếu kín để điều tra về mức độ tín nhiệm đối với một số chức vụ chủ chốt, trước hết là cấp xã. Nên làm thận trọng, thí điểm để rút kinh nghiệm từ cơ sở rồi làm tiếp lên cấp trên. Đây là một việc mới và khó. Trong một chế độ dân chủ và pháp quyền xã hội chủ nghĩa như nước ta thì việc tin dùng hay phế truất cán bộ suy cho cùng đều phải là quyền của dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: Nước ta là nước cộng hòa dân chủ: “Chính phủ Cộng hòa Dân chủ là gì? Là đầy tớ chung của dân, từ Chủ tịch toàn quốc đến làng. Dân là chủ thì Chính phủ phải là đày tớ. Làm việc ngày nay không phải là để thăng quan phát tài. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ...”(6).
Cái mới của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ không chỉ thể hiện tinh thần quyết tâm mà còn đề ra giải pháp cụ thể, thiết thực, có tính khả thi để vấn đề cán bộ được thực hiện có hiệu quả. Tin rằng với quyết tâm dựa vào nhân dân, Đảng tin dân và lòng tin của nhân dân đối với Đảng sẽ vừa là giải pháp, vừa là mục tiêu của việc đánh giá và xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, kể cả cán bộ cấp chiến lược trong tình hình mới./.
---------------------------------------
(1), (2), (3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 5, tr. 269, 273, 279
(4), (5) Hồ Chí Minh, Toàn tập: Sđd, t. 5, tr. 287, 72
(6) Hồ Chí Minh, Toàn tập: Sđd, t. 5, tr. 60
Theo Tapchicongsan.org.vn