Thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt Quy chế giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh. Qua đó, hoạt động giám sát, phản biện của các cấp trong tỉnh đạt nhiều kết quả thiết thực, tập trung vào những vấn đề được dư luận quan tâm, liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, góp phần tăng cường quyền làm chủ, sự đồng thuận của nhân dân trong xây dựng, phát triển tỉnh.
Giám sát vấn đề được dư luận quan tâm
Những năm qua, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh đã chủ động, tích cực phối hợp với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, HĐND tỉnh và các sở, ngành liên quan trong việc thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội. Các nội dung giám sát tập trung vào những vấn đề được dư luận và nhân dân quan tâm, như: Việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; thực hiện chế độ, chính sách đối với người có công và đối tượng bảo trợ xã hội; Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; cấp thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, cận nghèo; công tác cải cách thủ tục hành chính; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo... Đặc biệt, các đơn vị chú trọng giám sát việc thực hiện chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư đối với Dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn Vân Phong - Nha Trang; Dự án Đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Dự án Đường dây 500kV Vân Phong - Vĩnh Tân…
|
Ngoài ra, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội còn giám sát thông qua hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng ở các xã, phường, thị trấn với trung bình mỗi năm hơn 450 cuộc. Thông qua công tác giám sát đã phát hiện những tồn tại, hạn chế; kịp thời góp ý, kiến nghị với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân khắc phục, góp phần nâng cao chất lượng các công trình, dự án được triển khai xây dựng trên địa bàn.
Theo đồng chí Đặng Ngọc Minh - Trưởng ban Dân chủ và Pháp luật, UBMTTQ Việt Nam tỉnh, cùng với việc triển khai các hoạt động giám sát, thời gian qua, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh đã tích cực thực hiện công tác phản biện xã hội, tham gia góp ý các dự thảo chủ trương, chính sách, kế hoạch, dự án, đề án và văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND tỉnh ban hành. Nhiều ý kiến phản biện xã hội của UBMTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp được các cơ quan soạn thảo tiếp thu, trở thành một kênh thông tin quan trọng, cần thiết giúp các cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo, quản lý, điều hành.
Nâng cao nhận thức, trách nhiệm về phát huy dân chủ ở cơ sở
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa phát huy mạnh mẽ vai trò, sự tham gia của các thành viên MTTQ và nhân dân. Nguyên nhân dẫn đến hạn chế, bất cập nêu trên là do nhận thức về công tác giám sát, phản biện xã hội của một số cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp chưa đầy đủ; công tác kiểm tra đôn đốc việc thực hiện quy chế giám sát, phản biện xã hội chưa được quan tâm đúng mức…
Từ thực tế đó, thực hiện Chỉ thị số 18 ngày 26-10-2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội”, mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 15, yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân về phát huy dân chủ ở cơ sở; Quy chế giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội và các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác này. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội. MTTQ định kỳ báo cáo kết quả giám sát, phản biện xã hội cho HĐND tỉnh và HĐND cùng cấp thảo luận, có ý kiến để các tổ chức, cá nhân liên quan trả lời, giải quyết các ý kiến, kiến nghị. Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu người đứng đầu cấp ủy trực tiếp chỉ đạo công tác giám sát, phản biện xã hội, xác định đây là nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Đảng và là giải pháp căn bản để thực hiện hiệu quả phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”…
Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức giám sát, phản biện xã hội theo hướng chủ động từ sớm, từ cơ sở; có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng giám sát theo chuyên đề; tập trung vào những chủ trương, chính sách lớn, trọng yếu; ưu tiên giám sát, phản biện những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, những vấn đề dư luận quan tâm, bức xúc trên các lĩnh vực. Đồng thời, tiếp tục kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức làm nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội; có cơ chế động viên, khuyến khích đoàn viên, hội viên, các thành viên MTTQ, chuyên gia, nhà quản lý, các nhân sĩ, trí thức, doanh nhân, người có kinh nghiệm thực tiễn, có uy tín trong các dân tộc, tôn giáo và nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội; kịp thời khen thưởng, nhân rộng mô hình hay, kinh nghiệm tốt trong công tác giám sát, phản biện xã hội…
Theo https://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/202303/nang-cao-chat-luong-giam-sat-phan-bien-xa-hoi-8277370/