Công tác tư tưởng, lý luận là một bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng, là mặt công tác thường xuyên, quan trọng của Đảng. Để lãnh đạo thành công sự nghiệp cách mạng, đòi hỏi Đảng phải không ngừng đổi mới, phát triển, hoàn thiện hệ thống lý luận, gắn lý luận với thực tiễn, nhất là trong bối cảnh hiện nay.
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng công tác tư tưởng, lý luận của Đảng và thường xuyên nhấn mạnh công tác quan trọng này phải dựa trên nền tảng tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin và xuất phát từ thực tiễn cách mạng của Đảng, của dân tộc. Những luận điểm quan trọng của Người về vị trí, vai trò nội dung công tác tư tưởng, lý luận; nguyên tắc, phương châm công tác tư tưởng, lý luận là cơ sở để Đảng ta đề ra nhiệm vụ chủ yếu của công tác tư tưởng, lý luận trong tình hình mới, góp phần nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Giáo dục tư tưởng và lãnh đạo tư tưởng là việc quan trọng nhất của Đảng, phải kiên quyết chống cái thói xem nhẹ tư tưởng”. Theo đó, cán bộ lãnh đạo và cán bộ các ngành, tư tưởng phải thông, phải thật thông. Phải có quyết tâm khắc phục khó khăn, làm tròn nhiệm vụ”; đồng thời, “phải đánh thông tư tưởng và động viên sáng kiến và lực lượng của toàn Đảng, toàn dân. Mọi người quyết tâm làm cho được và tin tưởng làm nhất định được”.
Trước vai trò quan trọng, tính thực tiễn của công tác tư tưởng, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TW, ngày 01/8/2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới; Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 09/10/2014 của Bộ Chính trị (khoá XI) về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030; Bộ Chính trị (khóa XI) đã ban hành Quy định số 285-QĐ/TW, ngày 25-2-2015 “về dân chủ trong nghiên cứu lý luận chính trị trong các cơ quan đảng, nhà nước”. Những văn kiện nêu trên có ý nghĩa rất quan trọng, định hướng và tạo điều kiện cho hoạt động nghiên cứu lý luận phát triển, từng bước đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới. Đảng ta đã chỉ rõ, công tác tư tưởng, lý luận thể hiện vai trò đi trước, mở đường trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Văn kiện Đại hội XIII đã xác định mục tiêu và các quan điểm chỉ đạo cơ bản, trong đó “tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi, để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đây là vấn đề mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động”.
Nhận thức tầm quan trọng của công tác tư tưởng, lý luận, thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng các cấp, tình hình tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh có nhiều chuyến biến tích cực. Nhất là lập trường tư tưởng của cán bộ, đảng viên đã từng bước được nâng lên. Công tác nắm tình hình tư tưởng, dư luận xã hội được tăng cường, qua đó kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cán bộ, đảng viên và nhân dân để giải quyết những khó khăn, vướng mắc nảy sinh, không để hình thành điểm nóng ở cơ sở. Kịp thời phát hiện, xử lý những thông tin, bài viết phản ánh sai sự thật trên các trang mạng xã hội; quản lý chặt chẽ không để xảy ra tình trạng lộ, lọt thông tin, phát tán, truyền bá các quan điểm sai trái, phản động. Cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm nêu gương, nói đi đôi với làm; đa số cán bộ, công chức, viên chức tận tụy, liêm khiết, vì Nhân dân phục vụ; tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc, dư luận quan tâm góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên; tạo sự đồng thuận, tin tưởng, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh.
Bên cạnh đó, công tác tổ chức quán triệt, học tập, tuyên truyền nghị quyết của Đảng được đổi mới, đảm bảo nghiêm túc, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả; tăng cường hội nghị trực tuyến, truyền hình trực tiếp đến cơ sở, chú trọng quán triệt, học tập chuyên sâu. Nổi bật là việc ngành tuyên giáo của tỉnh đã tham mưu cấp uỷ các cấp tổ chức thành công việc học tập, quán triệt, triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII (440 lớp với 39.425 người); tổ chức thành công Hội nghị trực tuyến nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tại điểm cầu trên địa bàn tỉnh; Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khoá XII, triển khai Kết luận số số 01-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW và Hội nghị nghiên cứu, học tập chuyên đề toàn khóa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng - Chuyên đề năm 2021 tại 11 điểm cầu, với 3.555 cán bộ, đảng viên dự., qua đó góp phần tuyên truyền, cổ vũ động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong tỉnh phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII gắn với Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; nâng cao nhận thức về những nội dung cơ bản, giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Công tác giáo dục lý luận chính trị tiếp tục có sự đổi mới về nội dung, phương pháp dạy và học, gắn lý luận với thực tiễn; hầu hết các cơ sở đào tạo đã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. Thông qua các phương tiện thông tin như: Báo Khánh Hoà, Đài Phát thanh - Truyền hình Khánh Hoà, Trang thông tin điện tử Tỉnh ủy, Trang thông tin điện tử Tuyên giáo Khánh Hoà, các ấn phẩm mang tính báo chí đã bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích của Đảng; thường xuyên đổi mới về nội dung, hình thức, tăng thời lượng phát sóng, lượng thông tin, tính thời sự, mở thêm nhiều chuyên mục tăng tính hấp dẫn, thuyết phục từng bước nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền.
Công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn được quan tâm triển khai thực hiện, nhất là việc ban hành các văn bản nhằm triển khai các nghị quyết, kết luận của Trung ương, nổi bật là việc Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Quy định số 02-QĐ/TU về việc học tập, quán triệt và triển khai thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng tại đơn vị, địa phương; triển khai Kết luận số 94-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân; triển khai Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030; xây dựng Báo cáo phục vụ triển khai Đề án “Đổi mới việc ban hành, sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lãnh đạo của Đảng trong tình hình mới”. Công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống được quan tâm, góp phần nâng cao tinh thần tự hào dân tộc, yêu quê hương,đất nước cho cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân.
Nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng, lý luận của Đảng trong thời gian tới, các cấp uỷ đảng, từng cán bộ, đảng viên cần nghiên cứu thực hiện tốt một số nhiệm vụ cơ bản sau:
Thứ nhất, phải luôn kiên định, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đề ra đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn, phù hợp với điều kiện thực tế. Chủ động nắm bắt, đánh giá, dự báo diễn biến tình hình tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, để cấp ủy có chủ trương, biện pháp lãnh đạo về tư tưởng và triển khai thực hiện thống nhất trong đơn vị.
Thứ hai, tăng cường công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn; nghiên cứu xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh; nâng cao chất lượng các thông tin, tài liệu, đảm bảo tính thời sự, phục vụ tốt cho hoạt động tuyên truyền trong toàn Đảng bộ.
Thứ ba, chú trọng đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, đẩy mạnh học tập lý luận chính trị và cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp, khắc phục tình trạng lười học, ngại học lý luận chính trị trong cán bộ, đảng viên, gắn với tăng cường các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng.
Thứ tư, công tác tư tưởng, lý luận phải bám sát và phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; góp phần giải quyết những khó khăn, vướng mắc, giải quyết những vấn đề bức xúc trong đời sống kinh tế - xã hội, tạo sự thống nhất trong Đảng và đồng thuận trong Nhân dân; tích cực đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; phê phán, phản bác có hiệu quả các luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, đối tượng phản động, cơ hội chính trị.
CTV Hải Quang - BTGTU