Chủ nghĩa Mác - Lênin cùng với tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và cách mạng Việt Nam, là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Vì vậy, nhận diện và đấu tranh với các luận điểm sai trái phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh hiện nay là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân nhằm bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng củng cố và tăng cường niềm tin khoa học vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận xã hội và niềm tin của nhân dân với Đảng.
Trong những năm gần đây, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đang ra sức xuyên tạc, chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng với những âm mưu ngày càng thâm độc, những thủ đoạn ngày càng tinh vi. Đặc biệt, chúng triệt để sử dụng Internet, mạng xã hội tán phát nhiều tin, bài với các nội dung quan điểm sai trái, thù địch. Mục đích của chúng là: nếu chưa xóa bỏ được chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thì cũng tạo nên sự mơ hồ, hoài nghi, tạo điều kiện cho các trào lưu tư tưởng phi vô sản, xấu độc thâm nhập, ăn sâu vào đời sống xã hội và đội ngũ cán bộ, đảng viên; tác động tiêu cực đến sự nghiệp đổi mới ở nước ta. Do đó, nhận diện và đấu tranh với các luận điểm sai trái, thù địch phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh hiện nay là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp của Đảng.
Các luận điểm sai trái, thù địch chống phá, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh rất đa dạng, với nhiều luận điệu và màu sắc khác nhau. Qua nghiên cứu, theo dõi có thể khái quát, nhận diện luận điểm sai trái ở một số nội dung chủ yếu sau đây:
Một là, xuyên tạc, bác bỏ lý luận hình thái kinh tế - xã hội mác xít nhằm phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin.
Các lực lượng phản động, thù địch, bất mãn, cơ hội chống đối chính trị sử dụng một số trang mạng trên Internet làm phương tiện để phát tán, đăng tải khuếch trương, cổ súy các học thuyết chính trị tư sản: Thuyết thế giới phẳng, thuyết hội tụ, thuyết ba làn song văn minh… Mục đích nhằm phủ nhận lý luận hình thái kinh tế - xã hội của chủ nghĩa Mác - Lênin, tuyệt đối hóa yếu tố khoa học, kỹ thuật, coi đó là yếu tố quyết định sự vận động, phát triển của xã hội loài người. Theo họ, cách tiếp cận này phản ánh đúng sự phát triển của xã hội loài người; loài người trải qua nền “văn minh nông nghiệp” tới “văn minh công nghiệp” và cuối cùng là “văn minh hậu công nghiệp”. Quan điểm này về thực chất là phủ nhận vai trò đấu tranh giai cấp trong xã hội có giai cấp, cho tới nay xã hội loài người đã trải qua bốn hình thái kinh tế - xã hội và đang quá độ tiến vào hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa theo đúng quy luật vốn có của nó. Đây là cách biện luận phản khoa học, trái với quy luật khách quan của lịch sử; chúng còn cho rằng, ở những nước phong kiến, tiền tư bản như ở Việt Nam thì không thể bỏ qua chủ nghĩa tư bản để tiến lên chủ nghĩa xã hội. Giá như Việt Nam không theo con đường xã hội chủ nghĩa, mà đi theo con đường tư bản chủ nghĩa thì đất nước không phải lâm vào mấy chục năm chiến tranh, kinh tế sẽ phát triển hơn, nên họ “khuyên nhủ” Việt Nam đi theo con đường tư bản chủ nghĩa cũng chưa muộn!
Hai là, phủ nhận sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân.
Trước sự phát triển mới của chủ nghĩa tư bản và những biến đổi trong giai cấp công nhân, các thế lực thù địch cố tình xuyên tạc và lập luận rằng: giai cấp công nhân chỉ là những người có học vấn thấp, những lãnh tụ của giai cấp công nhân cũng thường có trình độ văn hóa không cao, do vậy sẽ không thể lật đổ được chế độ cũ và lãnh đạo toàn dân xây dựng được một xã hội tốt đẹp, nhất là trong thời đại khoa học phát triển. Rằng, nếu giai cấp công nhân có sứ mệnh lịch sử là “người đào huyệt chôn chủ nghĩa tư bản”, xây dựng một xã hội mới thì tại sao ở những nước tư bản phát triển có lực lượng công nhân rất đông, chất lượng cao lại không thực hiện vai trò sứ mệnh lịch sử của mình; hoặc chúng đề cao vai trò của đội ngũ trí thức trong thời đại cách mạng khoa học công nghệ phát triển, cho rằng đội ngũ này mới có khả năng lãnh đạo cách mạng theo con đường tư bản chủ nghĩa… Thực chất của quan điểm này là sự biện hộ cho địa vị thống trị, bóc lột của giai cấp tư sản nhằm khẳng định sự tồn tại “vĩnh hằng” của chủ nghĩa tư bản trên cơ sở phủ nhận sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân.
Ba là, đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lênin, đòi đưa chủ nghĩa Mác - Lênin ra khỏi nền tảng tư tưởng của Đảng ta.
Các thế lực thù địch hiểu rõ việc tiến công một cách trực diện vào tư tưởng Hồ Chí Minh là rất khó, vì vậy chúng đã đi đường vòng. Chúng cho rằng, hiện nay chủ nghĩa Mác - Lênin đã “lỗi thời”, chỉ có tư tưởng Hồ Chí Minh là đáng giá, phù hợp với dân tộc Việt Nam. Do đó, chỉ cần dựa vào tư tưởng Hồ Chí Minh, đề cao “chủ nghĩa Hồ Chí Minh” để thay thế chủ nghĩa Mác - Lênin. Mới đọc qua có người dễ lầm tưởng, đó là sự đánh giá đúng tư tưởng Hồ Chí Minh! Đây thật sự là một chiêu trò rất nguy hiểm của một số người nhân danh “cấp tiến” trong mục tiêu phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh; cắt rời, đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lênin. Thực chất của quan điểm trên không chỉ là sự phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, mà còn xuyên tạc, bóp méo, cô lập tư tưởng Hồ Chí Minh. Tính chất nguy hiểm của các quan điểm này còn thể hiện ở chỗ: bằng nhiều hình thức phát tán, lan truyền nhanh thông qua mạng xã hội; từ đó phần nào gieo rắc sự hoài nghi, dao động về nền tảng tư tưởng của chúng ta; tạo nên “khoảng trống” về tư tưởng và ý thức hệ để chúng dễ bề truyền bá các quan điểm, tư tưởng phi vô sản vào đời sống tinh thần xã hội ta; tạo ra sự “diễn biến bên trong”, nhất là diễn biến về tư tưởng, từ đó dẫn đến “tự diễn biến” về những mặt khác trong xã hội.
Bốn là, các luận điệu sai trái, thù địch cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam độc tôn lãnh đạo cách mạng là mất dân chủ, không tạo động lực để phát triển đất nước, cần thực hiện “đa nguyên chính trị”, “đa đảng đối lập”.
Các thế lực thù địch đang ra sức tuyên truyền “đa nguyên chính trị”, “đa đảng đối lập”, coi đây là một ngón đòn lợi hại, “bệ đỡ” lý luận cốt yếu cho mưu toan thủ tiêu sự lãnh đạo của Đảng ta. Theo họ, “từ bỏ độc quyền lãnh đạo là vấn đề căn bản vì đó là then chốt của chế độ dân chủ”[1]. Tính phức tạp, độc hại, nguy hiểm của quan điểm này là nó được khoác cái vỏ “vì dân chủ”, mị dân, dễ gây nên sự mơ hồ, ngộ nhận, lẫn lộn về nhận thức, dao động về tư tưởng; nếu không thực hiện được ý đồ xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng thì cũng gây nên sự chia rẽ trong xã hội; sự hoài nghi, thiếu niềm tin của quần chúng vào sự lãnh đạo của Đảng. Với cách lập luận về vấn đề trên, một mặt nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với xã hội, xóa bỏ nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; mặt khác “lái” nền dân chủ nước ta sang nền dân chủ kiểu tư sản. Họ còn luận chứng rằng, Việt Nam thực hiện đa đảng thì sẽ dân chủ hơn, đất nước sẽ phát triển và đời sống nhân dân được tốt đẹp hơn.
Năm là, xuyên tạc mục tiêu và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; chủ trương phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và việc phát huy dân chủ trong công tác xây dựng Đảng.
Chúng cho rằng chủ nghĩa xã hội là “quái thai của lịch sử”, lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa là đưa dân tộc vào cảnh “nồi da xáo thịt”, làm cho đất nước “cứ luẩn quẩn trong cảnh đói nghèo”; không có chủ nghĩa xã hội hoặc chủ nghĩa xã hội chỉ là bước quá độ để tiến tới chủ nghĩa tư bản, “những người mácxít bàn về chủ nghĩa xã hội chẳng khác nào bàn về hư vô”, “chủ nghĩa xã hội của Mác - Ăngghen chẳng qua cũng chỉ là một hình thức chủ nghĩa xã hội không tưởng”; chủ trương phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thực chất chỉ là “đầu ngô, mình sở”, như nước với lửa, làm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, làm cho dân tộc bị cô lập trên trường quốc tế… Trong các dịp ta lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng các văn kiện của Đảng và Hiến pháp của Nhà nước, chúng lợi dụng, xuyên tạc chống phá, đòi xóa bỏ điều 4 Hiến pháp, đổ lỗi tình trạng khó khăn, chậm phát triển ở nước ta là hậu quả của chính sách cai trị độc tài của Đảng, nguồn gốc của sự lạm quyền, tham nhũng…
Sáu là, cổ xúy cho luận điểm “quân đội phi giai cấp”, “quân đội nhà nghề” nhằm thúc đẩy “phi chính trị hóa” Quân đội nhân dân Việt Nam.
Để thực hiện mưu đồ “phi chính trị hóa” quân đội, các thế lực thù địch, những phần tử cơ hội chính trị sử dụng nhiều phương thức. Về tư tưởng, lý luận, họ lập luận rằng: quân đội là công cụ của nhà nước, nên chỉ phục tùng nhà nước, không phục tùng, chịu sự lãnh đạo của bất cứ chính đảng nào. Ý đồ của đằng sau luận điệu trên là phủ nhận học thuyết Mác - Lênin về chiến tranh, quân đội, phủ nhận lập trường chính trị của lực lượng vũ trang cách mạng, chia rẽ quân đội với Đảng, tước bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với quân đội.
Với những luận điểm sai trái nêu trên, đã làm cho nội bộ xã hội ta xuất hiện các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, phai nhạt lý tưởng cách mạng và niềm tin cộng sản chủ nghĩa; thiếu niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, tuy chưa công khai từ bỏ chủ nghĩa xã hội, song cho rằng, chủ nghĩa xã hội là mục tiêu cao cả nhưng xa vời, trước mắt nên tập trung phấn đấu cho dân giàu, nước mạnh là đủ. Cá biệt, một số người nghi ngờ tính khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Có cán bộ, đảng viên trước đây đã từng giữ cương vị, trọng trách trong các cơ quan đảng, chính quyền, nay cố ý đi tìm “cái tôi đã mất”, “sám hối”, “trở cờ”, “bới lông tìm vết”, lẫn lộn trắng, đen, phủ nhận lịch sử, nhìn nhận, phê phán hiện tại thiếu khách quan toàn diện, đòi “đổi mới chính trị”, “dân chủ hóa”... Trên các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước, nhất là trên mạng internet đã xuất hiện những bài viết, trả lời phỏng vấn thể hiện sự “tự diễn biến” về tư tưởng, công khai xét lại chủ nghĩa Mác - Lênin, a dua với những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch tạo nên sự bi quan, hoang mang nghi ngờ trong tư tưởng của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, gây chia rẽ nội bộ, làm giảm sức đề kháng, tạo cơ sở cho các thế lực thù địch thực hiện “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta.
Từ những vấn đề nêu trên cho thấy việc bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quan điểm của Đảng trong tình hình hiện nay là nhiệm vụ cơ bản, lâu dài, và vô cùng cấp thiết đối với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta. Để bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam có hiệu quả, cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:
Thứ nhất, tiếp tục bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới.
Bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong tình hình mới không chỉ là đặc trưng bản chất, một thuộc tính vượt trội so với các học thuyết lý luận khác trong lịch sử, mà còn là mệnh lệnh, yêu cầu của cuộc sống chúng ta. Đây là một trong những biện pháp tốt nhất đúng như lời dạy của Ph.Ăngghen “Mỗi khi có những phát minh vạch thời đại, chủ nghĩa duy vật phải thay đổi hình thức của mình”. Là người đấu tranh, bảo vệ và phát triển thành công chủ nghĩa Mác trong thời đại đế quốc chủ nghĩa, V.I.Lênin cũng chỉ ra rằng: “Không có gì là lạ nếu trên con đường phát triển của chủ nghĩa Mác đều phải kinh qua chiến đấu; mỗi lần chiến đấu thắng lợi chủ nghĩa Mác lại càng được củng cố, hoàn thiện”. Ở đây, quan niệm bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cũng cần được hiểu một cách mềm mại với nhiều trình độ, quy mô, phạm vi khác nhau, có thể diễn ra ở qui mô lớn, đưa chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh lên một tầm cao mới, như V.I.Lênin đã từng thực hiện, nhưng cũng có thể là sự vận dụng sáng tạo, phát triển một, hoặc một số luận điểm trong toàn bộ hệ thống những quan điểm, học thuyết của chủ nghĩa Mác - Lênin.
Sức mạnh của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, khả năng bảo vệ, phát triển của nó không chỉ ở sức mạnh và khả năng tự thân, mà quan trọng hơn, nằm ở hoạt động của triệu triệu quần chúng, cán bộ, đảng viên cộng sản, khi họ đã yêu quý gắn bó với nó, trên cơ sở nhận thức sâu sắc sự đúng đắn bản chất cách mạng khoa học của nó. Vì vậy, tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phải được tiến hành một cách cơ bản, hệ thống, có chiều sâu với những nội dung, hình thức đa dạng, phù hợp với từng đối tượng và hoàn cảnh cụ thể. Đó là một trong những yếu tố góp phần tạo nên sức sống mãnh liệt của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới.
Thứ hai, tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức, nhận diện quan điểm sai trái cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.
Giáo dục, nâng cao nhận thức và nhận diện được quan điểm sai trái của các thế lực thù địch cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân là vấn đề hết sức quan trọng. Tình trạng nhận thức không đúng, nhận diện không chính xác các quan điểm sai trái, thù địch có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân cơ bản xuyên suốt là do chúng ta chưa làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, chưa tuyên truyền sâu rộng trong xã hội; phòng, chống quan điểm sai trái, thù địch chưa trở thành động lực bên trong thôi thúc mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân tích cực tham gia. Để công tác này đạt hiệu quả thiết thực, mỗi tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, nhất là cấp ủy, bí thư cấp ủy các cấp phải là tấm gương trong học tập và nghiên cứu lý luận, phải nhận diện được và có quan điểm rõ ràng trước các quan điểm lệch lạc, thù địch, từ đó tuyên truyền, giáo dục và vận động đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân tham gia đấu tranh phòng, chống.
Hiện nay, không ít cán bộ, đảng viên hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh một cách giáo điều, máy móc, giản đơn, cảm tính, tư duy kinh nghiệm, không hiểu rõ bản chất các học thuyết, quan điểm, tư tưởng,… những biểu hiện đó sẽ làm suy giảm nghiêm trọng uy tín, sức mạnh của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tạo điều kiện để các thế lực thù địch tấn công, xuyên tạc làm suy yếu nền tảng tư tưởng của Đảng ta. Vì vậy, các cấp ủy đảng phải luôn nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện và kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện sai trái của đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong nhận thức, vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Ba là, kiên quyết, chủ động vạch trần mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh của các thế lực thù địch.
Ngay từ khi chủ nghĩa Mác mới ra đời, giai cấp vô sản và những người cộng sản đã tổ chức đấu tranh làm thất bại những đòn tiến công hiểm độc của chủ nghĩa cơ hội và các trào lưu tư tưởng tư sản phản động. Tuy nhiên, ở mỗi thời kỳ nội dung, hình thức, lực lượng phương tiện, thủ đoạn chống phá của chúng đối với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là không giống nhau. Do vậy, để đấu tranh có hiệu quả với các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, trước hết chúng ta cần nhận rõ mục đích, âm mưu, thủ đoạn, lực lượng, phương tiện mà các lực lượng phản động, cơ hội chính trị sử dụng để chống phá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Đây thực chất là công tác nắm địch trong đấu tranh cách mạng, để “biết địch, biết ta trăm trận trăm thắng”. Việc nắm địch không dừng lại ở việc nắm âm mưu, thủ đoạn chung mà phải tiến tới nắm rõ nhân thân, sở trường, sở đoản của những kẻ có tư tưởng thù địch, cơ hội chính trị; mục đích cụ thể, mục đích lâu dài, cơ sở tư tưởng, nguồn gốc phát sinh, phát triển của những luận điệu chống phá mà họ sử dụng. Hơn nữa, những nội dung này cần sớm phổ biến kịp thời tới các lực lượng tham gia đấu tranh và lưu trữ trong kho dữ liệu dưới những hình thức phù hợp, vừa mang tính bảo mật cao, vừa dễ dàng truy cập, phổ biến khi cần thiết.
Bốn là, xây dựng các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao.
Đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch là trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân và toàn bộ hệ thống chính trị, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Muốn vậy, phải không ngừng củng cố tổ chức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng các cấp, coi đây là vấn đề sống còn của Đảng, là biện pháp “tự đề kháng” cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trước âm mưu, thủ đoạn chống phá của kẻ thù. Xây dựng các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, có đủ năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, thực sự là hạt nhân chính trị ở cơ quan, đơn vị, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ năng lực, uy tín và trình độ để giáo dục, thuyết phục và định hướng cho quần chúng trong đấu tranh phòng, chống các quan điểm sai trái, thù địch. Thường xuyên tiến hành tự phê bình và phê bình, tiếp tục thực hiện có hiệu quả sinh hoạt tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, Kế hoạch của Ban Bí thư, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Mỗi cán bộ, đảng viên phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm, khắc phục thái độ thờ ơ, bàng quan, mất cảnh giác trước các quan điểm sai trái. Phấn đấu mỗi tổ chức đảng, mỗi chi bộ là một pháo đài vững chắc trên trận địa đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, bảo vệ tính đúng đắn, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chủ trương, chính sách của Nhà nước.
Năm là, phát huy vai trò của các lực lượng, phương tiện từ Trung ương đến địa phương trong tuyên truyền, đấu tranh chống các luận điểm sai trái.
Để đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quan điểm của Đảng, các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương cần sử dụng và phát huy hiệu quả các cơ quan chức năng trong nắm, đánh giá, dự báo tình hình; tham mưu kịp thời với cấp ủy đảng, chính quyền các nội dung biện pháp đấu tranh ngăn chặn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; cung cấp thông tin, kịp thời định hướng tư tưởng, nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trước những vấn đề phức tạp, nhạy cảm diễn ra trong đời sống xã hội. Sử dụng và phát huy hiệu quả các cơ quan báo chí, truyền thông, các thiết chế văn hóa ở cơ sở; bám sát các sự kiện chính trị của đất nước, nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị và âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch để xác định nội dung, biện pháp tuyên truyền, làm cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân nhận thức sâu sắc bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta; nêu cao ý thức cảnh giác, chủ động phát hiện và đấu tranh kịp thời với các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch.
Những luận điểm sai trái dù có sử dụng trăm phương nghìn kế, song không thể phủ nhận được tính đúng đắn, khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh mãi mãi là ngọn đuốc soi đường cho giai cấp công nhân Việt Nam tiếp tục thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình là xoá bỏ xã hội cũ, xây dựng xã hội mới. Con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn nhất định thành công; mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh do Đảng ta đề ra nhất định sẽ trở thành hiện thực./.
Tài liệu tham khảo
1. Ban Tuyên giáo Trung ương, Phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia, H, 2007.
2. Bùi Đình Bôn (2019), “Nhận diện sự chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa”, Tạp chí Quốc phòng toàn dân, Số tháng 11/2019.
3. Lê Thị Chiên - Đào Anh Tuấn (2021), “Phát huy trách nhiệm của thanh niên trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”, Tạp chí Tuyên giáo, Số 3-2021.
4. Cục Tuyên huấn, Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (2019), Bảo vệ và phát triển tư tưởng của Đảng trong tình hình mới, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
5. Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị (ngày 22-10-2018) “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”.
6. Phạm Đức Kiên - Lê Thị Chiên (2020), “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch: Một số kết quả và kinh nghiệm”, Tạp chí Lịch sử Đảng, Số 3-2020.
7. “Phát biểu của đồng chí Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị tổng kết công tác Tuyên giáo năm 2019”, Báo Quân đội Nhân dân, ngày 30-12-2019.
[1] Ban Tuyên giáo Trung ương, Phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2007, tr. 53.
ThS.Trần Lê Na và Th.S Trần Thị Khánh Hòa, Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa
Tags:
Tác giả: Ths Trần Lê Na - Trường Chính trị tỉnh
Tổng số điểm của bài viết là: 40 trong 11 đánh giá
Xếp hạng: 3.6 - 11 phiếu bầu
- Chào mừng Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2021 - 2026: Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở (25/11/2021)
- Gắn kết văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội (24/11/2021)
- Xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, phát huy mạnh mẽ vai trò lãnh đạo toàn diện của tổ chức đảng, cũng như vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên (23/11/2021)
- Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (23/11/2021)
- Nâng cao chất lượng các tổ chức đảng và đảng viên trong doanh nghiệp tư nhân hiện nay (22/11/2021)
- Quy định về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ: Bước đột phá để siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng (15/11/2021)
- Triển khai hiệu quả Chỉ thị 01-CT/TW của Bộ Chính trị trong toàn Đảng bộ tỉnh (11/11/2021)
- Hiệu quả từ công tác dân vận chính quyền trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh (02/11/2021)
- Một số suy nghĩ về nhiệm vụ phát triển Đảng trong đơn vị kinh tế tư nhân ở tỉnh Khánh Hòa (02/11/2021)
- Tiếp tục nâng cao hiệu quả tuyên truyền góp phần đưa Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thực sự đi vào cuộc sống (01/11/2021)