Qua khảo sát của Báo Quân đội nhân dân tại nhiều địa phương, nhận thấy: Công tác này có nhiều chuyển biến tích cực, đạt kết quả thiết thực, nhưng cũng đang nảy sinh không ít bất cập, đặt ra nhiều “bài toán khó” cho cấp ủy, chính quyền từ Trung ương đến địa phương.
Bài 1: Sức sống của Đảng trong đơn vị kinh tế tư nhân
Nhận thức rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của tổ chức đảng (TCĐ) trong các đơn vị KTTN, Đảng, Nhà nước triển khai nhiều chủ trương, chính sách đồng bộ để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong các đơn vị KTTN. Thực tiễn cũng kiểm nghiệm: Ở những đơn vị KTTN có TCĐ, công tác phát triển đảng viên tiến hành bài bản, đạt chất lượng thì doanh nghiệp (DN) đó phát triển ổn định, sản xuất kinh doanh hiệu quả, quyền và lợi ích người lao động (NLĐ) được chăm lo tốt hơn.
Chủ trương rõ ràng, cơ sở quyết liệt
Theo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 (khóa XII) về “Phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN”; Chỉ thị số 33-CT/TW, ngày 18-3-2019 của Ban Bí thư về “Tăng cường xây dựng TCĐ trong các đơn vị KTTN”, đơn vị KTTN được Đảng ta xác định, gồm: Các DN tư nhân, DN có vốn thuộc sở hữu nhà nước dưới 50%, DN có vốn đầu tư nước ngoài, hợp tác xã; đơn vị sự nghiệp ngoài công lập (trường học, bệnh viện, viện nghiên cứu ngoài công lập) và hộ sản xuất, kinh doanh cá thể… Trong các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về phát triển KTTN đều hướng đến mục tiêu: Khuyến khích, tạo điều kiện cho KTTN phát triển lành mạnh, hiệu quả, bền vững, trở thành động lực quan trọng để phát triển kinh tế đất nước.
Cấp ủy chi bộ và lãnh đạo Ngân hàng Quốc dân (NCB) chi nhánh Bắc Ninh trao đổi về tình hình hoạt động của chi nhánh. Ảnh: MINH THẮNG
Song hành cùng chủ trương “mở cửa” cho KTTN, Đảng đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các TCĐ, công tác phát triển đảng viên trong các đơn vị KTTN; qua đó tăng cường sự lãnh đạo của Đảng ở khu vực kinh tế có nhiều đóng góp với sự phát triển của đất nước. Chỉ thị số 33-CT/TW, ngày 18-3-2019 của Ban Bí thư về “Tăng cường xây dựng TCĐ trong các đơn vị KTTN” đánh giá: Thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW, ngày 23-11-1996 của Bộ Chính trị và Kết luận số 80-KL/TW ngày 29-7-2010 của Ban Bí thư về tăng cường công tác xây dựng Đảng, các đoàn thể nhân dân trong các DN tư nhân, công tác xây dựng Đảng trong khu vực này có chuyển biến tích cực. Nhiều TCĐ, đoàn thể trong DN thể hiện được vai trò, vị trí của mình, góp phần tích cực vào sự ổn định và phát triển của DN; tập hợp, động viên cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, NLĐ chấp hành nghiêm pháp luật, thực hiện tốt nội quy, quy định của DN, yên tâm lao động sản xuất; đồng thời góp phần đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển KTTN vào cuộc sống. Nhiều chủ DN tư nhân đã có nhận thức đúng về Đảng, phấn đấu để được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng...
Quán triệt sâu sắc chủ trương của Ðảng, cấp ủy các địa phương tích cực xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các TCĐ và phát triển đảng viên trong các đơn vị KTTN. Hầu hết TCĐ và đảng viên đã khẳng định được vị trí, vai trò hạt nhân chính trị trong các đơn vị KTTN. Ở nhiều địa phương, như: TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, TP Đà Nẵng, các tỉnh: Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bình Dương... Ban Thường vụ thành ủy (tỉnh ủy) đã ban hành nghị quyết chuyên đề, lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ này và thành lập ban chỉ đạo thực hiện nghị quyết. Ban Thường vụ các tỉnh ủy (thành ủy) đã lãnh đạo, chỉ đạo Đảng bộ Khối DN (Đảng bộ khối cơ quan, DN), Đảng bộ khu công nghiệp, khu chế xuất, các huyện, thành phố trực thuộc, các ban, ngành đoàn thể của tỉnh (thành phố) xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện nghị quyết. Đây chính là cơ sở để các địa phương khẳng định chủ trương đúng đắn tăng cường và nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy các cấp đối với nhiệm vụ xây dựng TCĐ và đảng viên trong các đơn vị KTTN.
Tạo luồng sinh khí mới
Thời điểm đầu năm 2012, khi kiểm điểm việc thực hiện Chỉ thị 07 của Bộ Chính trị và Kết luận 80 của Ban Bí thư, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã thẳng thắn chỉ rõ những khuyết điểm, hạn chế và nhận thấy công tác xây dựng TCĐ, phát triển đảng viên trong các đơn vị KTTN ở Hà Nội rất chậm. Thời điểm đó, Hà Nội có hơn 100.000 DN tư nhân, nhưng số DN có TCĐ và đảng viên ở các DN tư nhân còn “khiêm tốn”.
Theo lãnh đạo Liên đoàn Lao động TP Hà Nội, ngay sau khi ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 27-2-2012 về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các DN ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn từ nay đến năm 2020”, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội trăn trở, tìm cách để Nghị quyết 09 có thể tăng tốc, sớm đi vào thực tiễn và xác định cần phải có cơ chế đặc thù. Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định thành lập Ban chỉ đạo do đồng chí phó bí thư Thành ủy làm trưởng ban, phó chủ tịch UBND TP làm phó trưởng ban và thành viên là các đồng chí trưởng, phó các ban đảng, đoàn thể, sở, ngành cùng tham gia...”.
Cùng với cơ chế này, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cũng chỉ đạo Sở Tài chính cân đối lại nguồn ngân sách, ban hành quyết định hỗ trợ TCĐ, đoàn thể thành lập mới với mức hỗ trợ từ ngân sách thành phố là 5 triệu đồng, giai đoạn 2012-2018 (năm 2019 nâng mức hỗ trợ lên 7 triệu đồng) và xây dựng cơ chế chi phụ cấp cấp ủy cho các đồng chí là cấp ủy viên trong chi, đảng bộ cấp trên cơ sở ở các đơn vị KTTN.
Nói về cách làm của tỉnh Bắc Ninh trong công tác xây dựng TCĐ và đảng viên ở các đơn vị KTTN, đồng chí Đào Hồng Lan, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, khẳng định: "Ngay sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 20-8-2013 về “Phát triển đảng viên và thành lập TCĐ ở các loại hình DN khu vực ngoài nhà nước trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh đã có quyết định thành lập Ban chỉ đạo xây dựng TCĐ, phát triển đảng viên trong các đơn vị KTTN trên địa bàn tỉnh. Trước khi có Nghị quyết số 10, Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh có 35 TCĐ trong các đơn vị KTTN với 318 đảng viên. Nhưng đến tháng 4-2019, sau hơn 5 năm thực hiện nghị quyết, toàn tỉnh có 82 TCĐ, với 1.061 đảng viên trong các đơn vị KTTN, trong đó có 52 đảng viên là chủ DN tư nhân".
Trong số các tỉnh, thành phố trên cả nước, Vĩnh Phúc được xem là một trong những địa phương đi đầu (sớm có nghị quyết chuyên đề) trong việc triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về xây dựng TCĐ và đảng viên ở các đơn vị KTTN. Tỉnh ủy Vĩnh Phúc ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 17-3-2008 về “Xây dựng, củng cố TCĐ và phát triển đảng viên trong các DN trên địa bàn tỉnh”. Tỉnh ủy Vĩnh Phúc xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, có tính chiến lược và cụ thể hóa bằng quan điểm, mục tiêu cụ thể. Nghị quyết 07 đã mở ra cơ chế, hướng đi mới trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng, củng cố TCĐ và đảng viên trong các đơn vị KTTN trên địa bàn tỉnh. Tính đến tháng 5-2019, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 89 TCĐ với gần 2.500 đảng viên trong các đơn vị KTTN. Như vậy, theo số liệu thống kê của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, từ năm 2010 đến nay, trong Đảng bộ tỉnh đã kết nạp được 1.510 đảng viên mới ở các đơn vị KTTN, trong đó có 36 đảng viên là chủ DN tư nhân.
Đánh giá về công tác xây dựng Đảng ở các đơn vị KTTN, trong Chỉ thị số 33-CT/TW, ngày 18-3-2019, Ban Bí thư nhận định: Đến nay, khu vực KTTN đã có 12.088 TCĐ, 182.995 đảng viên. Nhiều TCĐ, đoàn thể trong DN đã thể hiện được vai trò, vị trí của mình góp phần tích cực vào sự ổn định và phát triển của DN; tập hợp, động viên cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, NLĐ chấp hành nghiêm pháp luật, thực hiện tốt nội quy, quy định của DN, yên tâm lao động sản xuất; đồng thời góp phần đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển KTTN vào cuộc sống. Nhiều chủ DN tư nhân đã có nhận thức đúng về Đảng, phấn đấu và được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng.
Sức hút của Đảng ở các đơn vị kinh tế tư nhân
Qua khảo sát tại các địa phương, chúng tôi nhận thấy, đội ngũ công nhân, NLĐ, quần chúng ưu tú trong các đơn vị KTTN khi được vận động, thuyết phục, bồi dưỡng nhận thức về Đảng đều chung một niềm tin tuyệt đối vào Đảng và có nguyện vọng được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Ở không ít đơn vị KTTN, được kết nạp Đảng còn là niềm tự hào, tạo động lực để các quần chúng rèn luyện, phấn đấu về năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức, tư tưởng chính trị.
Ngân hàng Quốc dân (NCB) chi nhánh Bắc Ninh là một ví dụ về công tác phát triển đảng viên bài bản và có chất lượng. Chi bộ NCB Bắc Ninh được thành lập tháng 7-2017, từ chi bộ ghép với 3 đảng viên, đến nay toàn chi bộ đã có 15 đảng viên. Dự kiến trong quý 3 năm 2019, chi bộ sẽ đề nghị Đảng ủy Khối các cơ quan và DN Bắc Ninh kết nạp 4 quần chúng ưu tú đã qua thời gian thử thách vào Đảng. Chi bộ sẽ lựa chọn 2 quần chúng ưu tú tham gia học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng. Trò chuyện với chúng tôi, chị Hoàng Thị Lương, Trưởng nhóm kinh doanh của NCB chi nhánh Bắc Ninh được kết nạp Đảng tháng 1-2019, tự hào nói: "Tôi luôn mong muốn được đứng trong hàng ngũ của Đảng để phát huy truyền thống gia đình, quê hương, có cơ hội rèn luyện, phấn đấu xây dựng ngân hàng". Đồng chí Đỗ Danh Hải, Bí thư chi bộ, Giám đốc NCB chi nhánh Bắc Ninh, khẳng định: "Quan điểm của cấp ủy, chi bộ là không cào bằng, không chạy theo số lượng trong công tác phát triển đảng viên mà tiêu chí hàng đầu là thái độ, ý thức chính trị của các quần chúng có nguyện vọng vào Đảng; từ đó tạo động lực phấn đấu cho cán bộ, nhân viên trong chi nhánh".
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, tại NCB chi nhánh Bắc Ninh, hầu hết các trưởng phòng, phó trưởng phòng, trưởng nhóm đều là đảng viên. Điều đặc biệt, từ khi có chi bộ đảng, NCB chi nhánh Bắc Ninh luôn là đơn vị đứng đầu trong hệ thống NCB toàn quốc về lợi nhuận và quản lý chất lượng tín dụng. Bên cạnh đó, với việc thành lập chi bộ, NCB chi nhánh Bắc Ninh còn giữ chân được nhiều cán bộ, nhân viên cốt cán, có năng lực chuyên môn, qua đó tạo sự phát triển ổn định, bền vững cho chi nhánh.
Không riêng NCB Bắc Ninh, tại nhiều đơn vị KTTN có TCĐ ở các địa phương, như: Công ty cổ phần Gạch men TASA (Phú Thọ), Công ty Tư vấn-Thiết kế Kiến trúc (Vĩnh Phúc), Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nhà Bắc Ninh... đội ngũ trưởng, phó các phòng, ban, các trưởng nhóm, nhân viên cốt cán đều là đảng viên. Đội ngũ này đã góp phần quan trọng cùng cấp ủy, chi bộ và ban lãnh đạo công ty đưa ra các chủ trương, giải pháp thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm cho công ty hoạt động đúng đường lối, chủ trương của Đảng và pháp luật Nhà nước.
Qua điều tra xã hội học tại nhiều đơn vị KTTN có TCĐ, chúng tôi nhận thấy, ngoài lợi ích về kinh tế thì đa số NLĐ mong muốn có lợi ích chính trị, muốn được làm việc trong những đơn vị KTTN có TCĐ. Nhiều quần chúng ưu tú không ngại ngần bày tỏ nguyện vọng của mình, quyết tâm phấn đấu trở thành đảng viên. Ví như trường hợp công nhân Ngô Thị Thanh Mai, Xưởng KCS, Công ty Gạch men TASA (Phú Thọ) bày tỏ: "Tôi chưa được đứng vào hàng ngũ của Đảng, nhưng tôi luôn phấn đấu để được kết nạp Đảng. Bởi tôi thấy, sinh hoạt trong TCĐ là một trong những tiêu chí quan trọng đánh giá sự trưởng thành của bản thân về mặt nhận thức, kỷ luật, đạo đức".
Trong chuyến khảo sát, chúng tôi nhận thấy: Ở nhiều đơn vị KTTN có TCĐ đã thu hút được nhiều sinh viên, NLĐ có trình độ cao về làm việc. DN giảm được nhiều chi phí vận hành, ngày càng phát triển ổn định, bền vững khi có TCĐ, nhờ phát huy được tính tiền phong, gương mẫu của các đảng viên...
Theo Tapchicongsan.org.vn