Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Người cho rằng, Đảng thực sự vững mạnh, đủ sức lãnh đạo cách mạng thì công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải được coi là một nhiệm vụ chiến lược, một công việc thường xuyên trong quá trình vận động phát triển của cách mạng.
Trước lúc đi xa, trong Di chúc thiêng liêng mà Người để lại cho dân tộc Việt Nam, Người căn dặn: “việc cần làm trước tiên là xây dựng, chỉnh đốn lại Đảng”. Bởi điều quan tâm đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nói về Đảng. Người khẳng định: Xây dựng sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng là một truyền thống quý báu của nhân dân ta; truyền thống đó được bắt nguồn từ truyền thống đoàn kết của dân tộc trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, được Đảng ta hun đúc, kế thừa trong giai đoạn cách mạng mới. Thấm nhuần truyền thống quý báu đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy rõ sức mạnh của tinh thần đoàn kết, nhất là sự đoàn kết thống nhất trong một đảng cầm quyền, trong hạt nhân lãnh đạo. Người chỉ rõ: “Ngày nay, sự đoàn kết thống nhất trong Đảng là quan trọng hơn bao giờ, nhất là sự đoàn kết, thống nhất chặt chẽ giữa cán bộ, đảng viên”.
|
Sự đoàn kết trong Đảng là sự đoàn kết thống nhất trong toàn Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đoàn kết trong Đảng được dựa trên cơ sở đường lối, quan điểm, chủ trương, chính sách và theo những nguyên tắc tổ chức của Đảng. Đó là giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo gắn với phân công cá nhân phụ trách; phải thường xuyên tự phê bình và phê bình để cùng nhau tiến bộ, để sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng ngày càng được củng cố tăng cường, các tổ chức đảng luôn trong sạch vững mạnh. Để xây dựng đoàn kết trong Đảng vững mạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra rằng: phải thống nhất về tư tưởng, thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình, đó là cách tốt nhất để xây dựng, củng cố phát triển sự đoàn kết thống nhất trong Đảng. Trong xây dựng Đảng Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng tự phê bình và phê bình, coi đây là nguyên tắc sống còn trong hoạt động lãnh đạo của Đảng ta. Đồng thời, Người căn dặn: Phê bình và tự phê bình cần có lý, có tình; phê bình một cách chân thành, thẳng thắn, trung thực, phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau, giúp nhau cùng tiến bộ, trên cơ sở cùng phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng chung của Đảng và dân tộc. Cán bộ, đảng viên là nhân tố quan trọng gắn liền với vận mệnh của Đảng. Đảng muốn mạnh, đủ sức lãnh đạo đưa sự nghiệp cách mạng của dân tộc đi đến bờ thắng lợi thì dứt khoát phải có các tổ chức đảng mạnh, phải có các đảng viên ưu tú. Chính vì vậy trong công tác xây dựng, chính đốn Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm đến công việc giáo dục, bồi dưỡng nâng cao phẩm chất, đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Người thường nhắc nhở mọi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện bản thân mình. Người chỉ rõ: Đảng ta là một đảng cầm quyền, mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Người cũng chỉ ra những nội dung cụ thể của đạo đức cách mạng, là phải biết đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình, phải hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân; vì Đảng, vì dân mà đấu tranh hết mình, gương mẫu trong mọi việc và tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng và trong xây dựng Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở Đảng ta phải hết sức đề phòng và ngăn ngừa mầm mống gây ra các căn bệnh nguy hiểm, là chủ nghĩa cá nhân; nó là một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm. Đó là bệnh tham lam, lười biếng, kiêu ngạo, cơ hội, bè phái, mất dân chủ, xa rời quần chúng…Các căn bệnh đó nguy hiểm, vì nó làm ảnh hưởng đến uy tín và sự tồn vong của Đảng, của sự nghiệp cách mạng. Nó làm cho quần chúng hoang mang mất lòng tin vào Đảng, những kẻ cá nhân chủ nghĩa thì lợi dụng để tham nhũng, bọn cơ hội phản động thì lợi dụng để chống đối và hạ uy tín của Đảng, phá hoại sự đoàn kết gắn bó giữa Đảng với nhân dân.
Đất nước ta sau hơn 30 năm đổi mới toàn diện dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta đã đạt những thành tựu trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, từng bước thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Song, do tác động của mặt trái cơ chế thị trường, chúng ta chưa đủ kinh nghiệm trong lãnh đạo, quản lý nền kinh tế nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nên khó tránh khỏi những hạn chế và tiêu cực. Trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay còn một bộ phận cán bộ, đảng viên có biểu hiện giảm sút ý chí chiến đấu, phai nhạt mục tiêu, lý tưởng, dao động, hoài nghi về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội do Đảng lãnh đạo. Trong số này không ít người đã bị thoái hóa, biến chất, chỉ lo thu vén lợi ích cá nhân, tham nhũng, lãng phí, hối lộ, quan liêu, cơ hội, cục bộ, xa rời và thiếu tôn trọng quần chúng. Cùng với những vấn đề nêu trên là những biểu hiện vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt Đảng, coi nhẹ chế độ tự phê bình và phê bình, gây mất đoàn kết nghiêm trọng kéo dài ở một số cơ quan, đơn vị và địa phương. Những vấn đề nêu trên đã và đang làm cho quần chúng nhân dân bất bình, lo lắng, làm giảm lòng tin đối với sự lãnh đạo của Đảng và chế độ ta, kìm hãm tiến trình đi lên của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nó là nguy cơ đe dọa đến sự tồn vong của Đảng và sự sống của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay.
Quán triệt và thực hiện những điều căn dặn trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đòi hỏi Đảng ta phải thường xuyên quan tâm xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị tư tưởng và tổ chức. Muốn vậy, phải tiến hành đồng bộ các biện pháp, kết hợp chặt chẽ giữa xây và chống, trong đó, trước hết phải phòng, chống có hiệu quả căn bệnh tham nhũng, lãng phí, quan liêu trong Đảng và bộ máy Nhà nước. Phải tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng ta về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp phải nêu gương và chịu trách nhiệm trước Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu của cơ quan, đơn vị, địa phương mình.
Bên cạnh các biện pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu cần tăng cường mối đoàn kết, thống nhất trong Đảng trên cơ sở nâng cao hiệu quả của tự phê bình và phê bình. Tự phê bình và phê bình phải được tiến hành thường xuyên ở mọi cấp, mọi ngành ở từng đảng viên, từng cấp ủy và từng tổ chức đảng; coi đây là vấn đề cốt lõi để xây dựng tổ chức đảng thật sự trong sạch, vững mạnh. Đối với từng cán bộ, đảng viên tự phê bình và phê bình là một tiêu chí, một phẩm chất quan trọng của đạo đức người đảng viên cộng sản. Quá trình tự giáo dục, tự rèn luyện đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên phải gắn với tự phê bình và phê bình, tự sửa chữa khuyết điểm, sai lầm. Các tổ chức đảng phải căn cứ vào tinh thần nghiêm túc và thái độ tự giác, trung thực trong tự phê bình và phê bình của mỗi đảng viên xem đây là một tiêu chuẩn đạo đức quan trọng đế đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên. Rõ ràng đây cũng chính là một biện pháp hữu hiệu, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, quan liêu.
Do vậy, cần nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào học tập, rèn luyện đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh cho cán bộ, đảng viên, làm cơ sở vững chắc để xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày càng trong sạch vững mạnh. Trong đó, cần có những biện pháp thiết thực nhằm đẩy mạnh, nâng cao chất lượng Cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh, tạo sự chuyển biến căn bản trong việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và quần chúng. Hướng tới kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước với nhiều thời cơ và thách thức đan xen. Chủ nghĩa cá nhân và những căn bệnh của nó gây ra đang là một thách thức lớn đối với vai trò lãnh đạo của Đảng, điều đó đòi hỏi Đảng ta phải có đủ bản lĩnh để xây dựng và chỉnh đốn lại mình. Mặc dù 50 năm đã trôi qua, nhưng những lời căn dặn và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng, chính đốn Đảng thể hiện trong bản Di chúc vẫn còn nguyên giá trị. Đó không chỉ là những lời căn dặn của một chiến sĩ cộng sản lỗi lạc, suốt đời hy sinh, phấn đấu không biết mệt mỏi cho sự nghiệp cách mạng chung của dân tộc, của nhân dân mà còn là mong mỏi của mọi tầng lớp nhân dân lao động Việt Nam luôn tin yêu với Đảng./.
Theo Dangcongsan.vn